“Thạch Lam - Quà Hà Nội”




Thạch Lam là tác giả đầu tiên đưa tinh hoa ẩm thực dân tộc vào văn xuôi, với một số bài trong Hà Nội băm sáu phố phường (1943).

Hẳn do tạng người, Thạch Lam ăn không được rộng, chẳng hạn “Tôi sợ các bác ốc lắm”! Chỉ mới ốc mà đã, thì gặp rươi gặp thịt cầy gặp tiết canh gặp cá sống mới thưởng thức làm sao...

Được cái, “ăn” không chỉ bằng miệng. Thạch Lam ăn nhiều bằng mắt: “Tôi bao giờ cũng ưa thức ăn nào có một hình sắc đẹp đẽ”. A, cái ưa này của ông không biết ông biết chăng, chứ xưa có người để ý đấy. Hơn nửa thế kỷ sau những ngày Thạch Lam ghé vào hiệu bánh cốm Nguyên Ninh ở số 11 Hàng Than, cụ bà chủ hiệu kể: “Ông Thạch Lam có qua đây (...) Ông hay giữ ý, khó khăn lắm mới mời được ông nếm bánh. Chiếc bánh bằng cái lưỡi mèo xắt tư, ông chỉ xắn có một góc. Ông ăn ít, nhưng ông ngắm chiếc bánh cốm khi chưa bóc thật là say mê. Nom ông ngồ ngộ như một đứa trẻ vừa thấy món đồ chơi lạ...”.(1)

Thạch Lam để mắt mình say mê “ăn” miếng gì đó một lúc, rồi cho mắt chuyển sang say mê “ăn” cái cảnh tượng miếng ấy đang được thưởng thức: “Tôi thích nhìn người ta ăn”. Người khác dùng mà mình thích, thì mình được tha hồ mỗi ngày đi khắp “Hà Nội băm sáu phố phường” để thích cho thật thỏa mà không phải sợ béo!

Mắt Thạch Lam lại có khi đang thưởng thức miếng ngon cho miệng lưỡi bỗng chuyển sang “ăn” một thứ miếng ngon khác hẳn: nhà văn có lần ngắm cơm nắm, xong trông lại “cô hàng cơm nắm” thấy “cũng ngon mắt như quà của cô vậy”!

Nhưng hãy trở lại với cái ăn thông thường, bằng miệng.

Những miếng ngon mà Thạch Lam không “sợ”, thì ông thưởng thức tinh chẳng kém Vũ Bằng, Nguyễn Tuân chút nào. Và chỉ cần căn cứ vào những miếng ấy thôi, ông đã có thể rút ra kết luận thật đúng về nghệ thuật ẩm thực dân tộc:

“Xét những thức quà của ta, thực có nhiều thứ quà ngon, mùi vị rất dồi dào. Phần nhiều (...) có từ xưa (...) có nề nếp, có quy củ hẳn hoi (...) ngon đằm thắm (...) vừa tao nhã lại vừa chân thật. Đó là những vật quý mà sự mất đi, nếu xảy đến, sẽ khiến người sành ăn ngậm ngùi”.

Nói “nếu” nói “sẽ”, nhưng rồi Thạch Lam cho biết ngay mất mát đã bắt đầu, ngậm ngùi đã khởi sự:

“Thật đáng tiếc (...) những thức quý của đất (nước) mình (đang bị) thay dần bằng những thức bóng bẩy hào nháng và thô kệch bắt chước người ngoài”.

Thực ra, chẳng qua do ông tinh quá, chứ những thay đổi trong văn hóa ẩm thực thời ấy hãy còn hết sức hạn chế. Tưởng tượng Thạch Lam sống lại bây giờ, năm 2020, để chứng kiến “tình hình”, chẳng hạn ở miền Bắc giò lụa vắng hẳn đi (2), thanh niên nhiều người không ăn được mắm tôm, trà Lipton rượu Tây áp đảo trà Thái Nguyên rượu ta, khắp nước thì bánh kẹo ngoại đẩy đa số quà ngọt truyền thống “ra rìa”, nhiều món bị đẩy văng khỏi rìa, về luôn quá khứ v.v. Có lẽ trong cả cái kho từ vựng hữu cảm hết sức phong phú của tiếng Việt, ông sẽ không tìm được một từ nào có thể diễn được hiệu quả cảm xúc của mình!

Không phải là trong số những món mới ngoại nhập không có món nào có giá trị. Và sự “thô kệch bắt chước” lúc đầu cũng đã chuyển qua Việt hóa tinh tế. Vấn đề là trong cơn say sưa “nhập”, ta đồng thời đã tự đào thải “thức quý” của ta một cách dễ dàng đến kinh ngạc. Những thức mà tổ tiên tài hoa sau bao nhiêu thế hệ mới nấu nướng nên, thì nay con cháu đào thải không mảy may thương tiếc!

Những bài viết về quà Hà Nội của Thạch Lam là những món quà văn chương, có thể gọi luôn chúng là “quà Thạch Lam”! Sau đây xin mời độc giả còn yêu thức cũ thưởng thức lại.

Quà Hà Nội

“Nếu chúng ta về ở tỉnh nhỏ ít lâu (...) chúng ta mới biết quà ở Hà Nội ngon là chừng nào (…) Trong một ngày, không lúc nào là không có hàng quà. Mỗi giờ là một thứ khác nhau (…) Tang tảng sáng (...) bánh cuốn, ăn với chả lợn béo, hay với đậu rán nóng (…) bánh cuốn Thanh Trì mỏng như tờ giấy và trong như lụa (…) bột mịn và dẻo (...) Rồi mùa nực thì hàng xôi cháo: cháo hoa quánh mùi gạo thơm, xôi nồng mùi gạo nếp. Xôi đậu, xôi lạc, xôi vừng mỡ và dừa. Ồ, cái xôi vừng mỡ, nắm từng nắm con, ăn vừa ngậy vừa bùi (…) Mùa rét (…) xôi nóng, hãy còn hơi bốc lên như sương mù (...) Và (...) cái vị hành khô chưng mỡ ở trong bát ngô nếp non bung: hành giòn và thơm phức, những hạt ngô béo rưới chút nước mỡ trong (…) Đối với các bà, các cô (...) ưa món quà gì vừa rẻ vừa ngon, lại vừa no lâu, đã có món quà của cô hàng cơm nắm (...) Món quà này sạch sẽ và tinh khiết, từ quà cho đến cả quang thúng, cả cô hàng. Tóc vấn gọn, áo nâu mới, quần sồi thâm, cô hàng trông cũng ngon mắt như quà của cô vậy. Cơm nắm từng nắm dài, to có nhỏ có, nằm trên chiếc mẹt phủ tấm vải màu trắng tinh để che ruồi muỗi. Con dao cắt, sáng như nước, và lưỡi đưa ngọt như đường phèn. Cơm cắt ra từng khoanh, cô hàng lại cẩn thận gọt bỏ lớp ngoài, rồi lại cắt ra từng miếng nhỏ, vuông cạnh và dài, để bày trên đĩa. Cô muốn xơi với thứ gì? Với chả mới nhé hay với giò lụa mịn màng? (...) Tiết canh và lòng lợn (…) những bát tiết đỏ ối, ngòng ngoèo sợi dừa trắng, điểm xanh mấy lá húng tươi (…) (Phở) Nồi nước sôi sùng sục, tỏa mùi thơm ra khắp phố (…) nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát, thịt mỡ gầu giòn chứ không dai, chanh, ớt, hồ tiêu bắc, hành tây đủ cả (...) Ăn xong bát thứ nhất, lại muốn ăn luôn bát thứ hai (…) Phở là một thứ quà đặc biệt của Hà Nội, không phải riêng Hà Nội mới có, nhưng chỉ ở Hà Nội mới thật ngon. Đó là thứ quà suốt ngày của tất cả các hạng người (...) Người ta ăn phở sáng, ăn phở trưa và ăn phở tối”.

Chúng tôi có lần ngẫm nghĩ: “Nấu nướng, ai đó sáng kiến ra món gì đó, rồi phải có nhiều miệng ăn thử, ăn xong rồi phát biểu “xây dựng” cho, dần dần món ấy mới lớn lên thành món ngon. Ở chỗ miệng ít tập trung, như đa số các vùng quê, cái quá trình hoàn chỉnh nghệ phẩm vẫn diễn ra được, nhưng cần nhiều thời gian. Trong khi ở tỉnh, miệng đã liền miệng mà số miệng có tiền để mua ăn thử lại cũng đông đảo hơn hẳn ở quê, vì thế, nếu được lên tỉnh, các món quê sẽ chóng lớn hơn nhiều”.(3) Tỉnh nào “tỉnh” cho bằng cái tỉnh Trong Sông, nơi xưa kia đã có vua mơ thấy Rồng Bay Lên. Trong gần một nghìn năm từ ngày Lý Thái Tổ dời đô tới ngày Thạch Lam cầm bút ghi chép về quà Hà Nội, chắc chắn vô số miếng ngon dân tộc đã trưởng thành, lên tới đỉnh cao của nó, ngay bên Hồ Gươm, Hồ Tây... Tiếc không biết bao nhiêu, do các cụ ta không lấy ẩm thực làm đề tài trứ tác (có mà viết bằng chữ Hán thì cũng như không!), nay con cháu không có lấy được một chữ nào “để tưởng nhớ (vô số) mùi hương” đã ra đời và lìa đời trước thời Thạch Lam.(4)

Vẫn quà Hà Nội

“Tôi thích nhất cô hàng bún ốc, không phải vì món hàng cô tôi thích ăn - xin thú thật rằng tôi sợ các bác ốc lắm - nhưng tôi thích nhìn người ta ăn (...) Người ta xúm lại ăn quà bún ốc một cách mới ngon lành làm sao! (...) Cô hàng ốc có một cái dụng cụ, một đầu là búa, một đầu là dùi nhọn. Một cái gõ nhẹ, và một cái trở tay, là con ốc nguyên cả ruột đã gọn gàng rơi mình vào bát nước. Cô thoăn thoắt rút ốc không kịp, trông thấy người ta ăn ngon lành, chính cô cũng sinh thèm. Ấy có cô thú thực với tôi như thế (...) Ấy, suýt nữa (...) tôi quên không nói đến thứ quà bún quan trọng và đặc điểm nhất của Hà Nội (...) đó là thức quà bún chả (…) Một ông đồ cuồng chữ ở nhà quê, một hôm khăn gói ô lên Hà Nội, đã phải ứng khẩu đọc hai câu thơ như thế này, khi ngửi thấy mùi khói chả: “Ngàn năm bửu vật đất Thăng Long/ Bún chả là đây có phải không?” (...) Khi ngồi cuối chiều gió, đói bụng mà đón lấy cái khói chả thơm, thì ngài dễ thành thi sĩ lắm. Khói lam cuộn như sương mờ ở sườn núi, giọt mỡ chả xèo trên than hồng như một tiếng thở dài, và tiếng quạt khẽ đập như cành cây rung động, quà bún chả có nhiều cái quyến rũ đáng gọi là mê hồn (...) Những thứ rất là tầm thường, rất là giản dị mà đi gần nhau sao lại sinh ra được mùi vị riêng như thế? Ai là người đầu tiên đã nghĩ ra bún chả? Người đó đáng được chúng ta nhớ ơn và kính trọng ngang, hay là hơn với người tạo nên được tác phẩm văn chương (...) Thứ bún để ăn bún chả, sợi mảnh và cuộn từng lá mỏng, khác với các thứ bún thường. Chả phải thịt ba chỉ, mà phải dùng cặp tre tươi nướng mới ngon. Quái, sao cái nước chấm của các hàng bún chả ngon thế!”.

Xưa kia, ngoài cá, dân tộc Việt Nam còn ăn nhiều tôm, cua, ốc. Trong ba “con” cũng sống dưới nước này, ốc hiếm khi lên mâm cơm mà thường vào bát quà... “Tôi sợ các bác ốc lắm”, tiếc ơi là tiếc! May, Thạch Lam không sợ dùng thịt của các “bác” lợn. Không những không sợ mà lại còn yêu cái món làm bằng thịt lợn ấy tới mức gần như sôi nổi, vừa dẫn thơ có vần của ai đó vừa tự mình sáng tác thơ không vần: “Khói lam (...) tiếng thở dài (…) cành cây rung động (…) quyến rũ (…) mê hồn”! À, cái “ông đồ cuồng chữ” chỉ mới “ngửi thấy mùi khói chả” mà đã sinh tình sinh thơ, ông ấy gốc Đàng Trong thì phải, chứ nếu người Ngoài Ta thì đã đọc: “Nghìn năm bảo vật đất Thăng Long / Bún chả là đây có phải không?”.

Còn quà Hà Nội

“Tôi đã nói đến thứ bánh cuốn Thanh Trì (...) Hà Nội còn thứ bánh cuốn khác nữa (...) Cách làm (…) đã nẩy ra trong óc tôi một ngày đáng ghi nhớ ở trên bờ hồ Tây (...) bọc thì dùng bánh cuốn Thanh Trì (...) Còn nhân thì một ít thịt vai nửa nạc nửa mỡ (...) mấy cái nấm hương, vài lá mộc nhĩ, và một ít tôm tươi hồ Tây (...) của những thuyền siết mang lên bán vào khoảng mười hai, một giờ trưa, là thứ tôm ăn ngậy và ngọt (...) Chừng ấy thứ, thêm mấy nhát hành, chút nước mắm ngon, hồ tiêu bắc, xào qua với mỡ trên chảo nóng. Rồi lấy bánh cuộn nhân vào; công việc này nên để tay mềm mại và khéo léo của các bà làm (...) Xong, bỏ vào nồi hấp. Lúc ăn chấm nước mắm Phú Quốc, chanh, ớt và cà cuống nguyên chất hồ Tây: một miếng ăn là một sự khoái lạc cho khứu quan và đầu lưỡi, và chúng ta cảm ơn Thượng Đế đã dành riêng cho loài người những thú vị ngon”.

“Đã nẩy ra trong óc tôi”. Thế thì đây là bánh cuốn “Thạch Lam”! Thành phần vật liệu không có gì khác lạ, vậy bí quyết nằm chỉ trong “cách làm”. Cụ thể, là làm nhân bánh, do chính “tôi” đảm trách, vì “các bà” chỉ được nhờ “lấy bánh cuộn nhân vào”. Trong cái “ngày đáng ghi nhớ” ấy, cũng nhân danh sáng tạo nghệ thuật, một người chuyên ngồi trong buồng văn cầm bút đã vào bếp cầm dao cầm đũa xào… “Một miếng ăn là một sự khoái lạc”, cảm ơn Trời. (Thạch Lam không phải là văn nhân Việt Nam đầu tiên “xông pha khói lửa” đâu. Tản Đà có lần phát biểu: “Món nhắm đặc biệt, phải tự tay mình làm mới thú”(5), thậm chí nhà thơ còn định viết một quyển sách dạy nấu ăn!).

Quà ngọt Hà Nội

“Bánh cốm (...) Vuông vắn như quyển sách vàng, bọc lá chuối xanh, buộc lạt đỏ: cái dây lạt đỏ như sợi dây tơ hồng (…) Nhân đậu xanh giã nhuyễn, vương mấy sợi dừa, và đường thì ngọt đậm (...) Bánh cốm thường đi đôi với bánh xu xê (...) bột vàng và trong như hổ phách (...) dẻo và quánh (...) Qua cái màu vàng óng ánh ấy, màu trắng của sợi dừa và màu vàng nhạt của đậu thêm một sắc nóng ấm và thân mật. Tôi bao giờ cũng ưa thức ăn nào có một hình sắc đẹp đẽ: cái đẹp lúc trông ngắm giúp nhiều cho cái thưởng thức lúc ăn lắm (...) Bánh đậu ướt (...) Một thứ bánh để ăn trong khi uống chè tàu, cái vị béo ngọt của bánh rất ăn với cái vị đắng của nước chè (...) Nhưng tôi thì ưa thích thứ bánh đậu Hàng Gai hơn, vì (...) mộc mạc (...) nguyên chất đậu (...) Cái ông cụ già làm bánh ở hiệu đó có nói chuyện rằng: trước kia, vì theo thời, ông cũng cho thêm hương va-ni vào bánh. Nhưng các khách hàng quen, trong số đó có vài ông khách hàng già ở ngoại ô, đều yêu cầu nên giữ nguyên hương vị đậu xanh như xưa, và nhà hàng từ đó cứ theo như thế. Đấy thật là một ý kiến hay”.

Bánh cốm và bánh xu xê quả là ưa nhìn. Hình như ở ngoài Bắc bánh xu xê không gói trong hộp vuông vắn làm bằng lá dừa. Nếu “tôi” trông thấy cái hộp rất xinh ấy, hẳn là ưa, ngắm mãi quên cả bóc. “Cái đẹp (…) giúp nhiều cho cái thưởng thức”? Đúng là nếu “miếng” đã ngon lại đẹp thì miệng đã vui càng thấy vui hơn, nhưng thiết tưởng nếu “miếng” không ngon thì mắt ưa mặc mắt, miệng lưỡi vẫn cứ buồn thôi. Nhắc lưỡi nhớ mũi. Thạch Lam chuộng “thứ bánh đậu (có) hương thơm (...) riêng của bột đậu xanh” là phải lắm. Va-ni cũng thơm, nhưng dùng chỗ khác chứ pha vào bánh đậu xanh thật không phải “là một ý kiến hay”. Về việc “thêm hương” vào quà ngọt, hình như ta đã lạm dụng va-ni mà lại gần như quên một thứ “gia hương” bản địa rất thơm là lá dứa (ngoài Bắc gọi lá tám?).

Quà của lúa non

“Cơn gió (...) lướt qua vùng sen trên hồ (...) như báo trước mùa về của một thức quà thanh nhã và tinh khiết. Các bạn (...) khi đi qua những cánh đồng xanh, (có) ngửi thấy cái mùi thơm mát của bông lúa non không? Trong cái vỏ xanh kia, có một giọt sữa trắng thơm (...) Dưới ánh nắng, giọt sữa dần dần đông lại (...) Ðợi đến lúc vừa nhất (...) người ta gặt mang về. Rồi với (...) những cách thức làm truyền tự đời này sang đời khác (...) các cô gái Vòng làm ra thứ cốm dẻo và thơm ấy (...) Đến mùa cốm (...) người của Hà Nội 36 phố phường (...) ngóng trông cô hàng cốm xinh xinh, áo quần gọn ghẽ, với cái dấu hiệu đặc biệt là cái đòn gánh hai đầu cong vút lên như chiếc thuyền rồng... Cốm là thứ quà riêng biệt của đất nước, là thức dâng của những cánh đồng lúa bát ngát xanh, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ Việt Nam (...) Màu xanh tươi của cốm như ngọc thạch quý (...) Thật đáng tiếc khi chúng ta thấy (...) những thức quý của đất mình thay dần bằng những thức bóng bẩy hào nháng và thô kệch bắt chước người ngoài (...) Cốm không phải thức quà của người vội; ăn cốm phải ăn từng chút ít, thong thả và ngẫm nghĩ. Lúc bấy giờ ta mới thấy thu lại cả trong hương vị ấy, cái mùi thơm phức của lúa mới, của hoa cỏ dại ven bờ (...) trong màu xanh của cốm, cái tươi mát của lá non, và trong chất ngọt của cốm, cái dịu dàng thanh đạm của loài thảo mộc. Thêm vào cái mùi hơi ngát của lá sen già (...) còn giữ lại cái ấm áp của những ngày mùa hạ trên hồ. Chúng ta có thể nói rằng trời sinh lá sen (là) để bao bọc cốm, cũng như trời sinh cốm (là để) nằm ủ trong lá sen. Khi các cô gái Vòng đỗ gánh, giở từng lớp lá sen, chúng ta thấy hiện ra từng lá cốm, sạch sẽ và tinh khiết, không có mảy may chút bụi nào. Hỡi các bà mua hàng! Chớ có thọc tay mân mê thức quà thần tiên ấy, hãy nhẹ nhàng mà nâng đỡ, chắt chiu mà vuốt ve... Phải nên kính trọng cái lộc của Trời, cái khéo léo của người”.

Nhớ một mùa thu đầu thập kỷ 1990, về nước, ra Bắc, lần đầu tiên được thưởng thức “thứ quà riêng biệt của đất nước” mà Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng hết lời ca tụng, thấy quả đúng như lời... Nhớ mùa thu năm 2010. Đang lăng quăng giữa “36 phố phường” rộn rịp đón “Nghìn năm Thăng Long - Hà Nội”, chợt để ý mấy gánh cốm ngồi trên vỉa hè phố Cầu Gỗ, gần khuất sau bao nhiêu xe máy đỗ và trong “hương khói” mịt mờ của cơ man phương tiện chen nhau gần kín lòng đường... Và nhớ mùa thu năm 2019, lại đến mua cốm ở phố Cầu Gỗ, lân la hỏi chuyện người bán, hứa sẽ về thăm nơi còn trồng lúa nếp cái hoa vàng mà chị bảo là bây giờ ở xa Hà Nội lắm. Biết có sẽ giữ lời kịp không, cốm ơi, quê ơi!

Bà cụ bán xôi

“Bà cụ phố hàng Khoai (…) dọn hàng (…) từ lúc chín, mười giờ tối trở đi cho đến sáng. Bà bán đủ các thức xôi: xôi vò, ăn bùi và béo, xôi đỗ ăn đậm vị, xôi lạc ăn vui miệng, đôi khi cả xôi gấc đỏ tươi, lúc xới ra, khói bốc thơm phức... Ăn với những miếng đậu thái vuông to, rán phồng (tuy rất ít mỡ) và mắm muối sẵn sàng; hay những miếng chả trâu (…) Ðã lâu, bà có làm một thứ giò sỏ, mỡ ròn và mộc nhĩ, ăn cũng thú vị (...) Nhưng phải trông các bác xe, các người phu ngồi ăn, mới hiểu cái ngon lành có thể đến bực nào! Nhắp một vài chén rượu, thong thả gặm một mảnh vó bò may còn dính nhiều thịt, vo tròn nắm xôi trong tay trước khi đưa lên miệng, họ có cái sung sướng của nhà nghệ sĩ thưởng thức áng văn hay (…) Cái ngon ấy cũng dễ lây lắm. Cả đến chính bà hàng cũng theo được cái nên thưởng thức. Những lúc vắng khách, bà cũng rót một chén rượu to để cạnh, và thong thả nhắm những thức ăn tự tay mình làm ra. Có lẽ bà tự lấy làm bằng lòng: vì mắt bà lâu dần mờ say đi, tay bà dính thêm nhiều mỡ, và bên thúng thêm một đống xương con”.

“… dễ lây lắm”, nhưng không phải ai có mặt cũng bị lây đâu. Chính Thạch Lam chẳng hạn. Chắc chắn ông không dùng bao nhiêu bất cứ thứ thức ăn thức uống nào, mà đứng ở phố hàng Khoai có lẽ khá lâu là chỉ cốt để quan sát cái ăn uống của người khác cho thực kỹ, thu lấy nhiều vật liệu, để về nhà bên hồ Tây cặm cụi “nấu nướng” ra món ăn tinh thần riêng của mình... Cái món ấy của ông lần này, nó như một bức tranh ẩm thực linh động mà trong đó nét nổi bật nhất là chính bà hàng!

Hàng nước cô Dần

“Giờ ăn đã no rồi, rượu đã làm cháy khô cuống họng. Còn gì bằng một chén nước chè nóng, một lá trầu tươi, một điếu thuốc lào ở cái điếu rõ kêu? Vậy xin mời các ông sang bên “Hàng nước cô Dần” (…) Cô Dần là một thiếu nữ (...) đảm đang lắm (…) bán hàng từ chín mười giờ tối, suốt đêm cho tới sáng (...) Hàng cô Dần (...) không bán nước vối hay nước chè tươi (mà) bán nước chè (...) một thứ chè cũng dễ uống (...) Ấm chè bọc một cái áo gài rất cẩn thận, để bên một hỏa lò than lúc nào cũng hồng, trên đặt một ấm nước lúc nào cũng đang reo sôi (...) Hàng cô Dần đông khách lắm, có khi cô trở tay không kịp (…) Những bác phu xe (...) vài thầy đội xếp (...) với vài khách hàng áo ngắn, còn trẻ tuổi, hay điểm thêm vào vị nước một vài câu bông đùa nhè nhẹ đối với cô hàng (...) Một hàng nước đắt hàng (...) đôi khi (...) vì cả cô hàng. Cô hàng nước (...) dù ở dưới bóng đa, bên ruộng lúa, hay ở dưới mái hiên trong thành phố, ở đâu cũng vậy, miệng tươi của cô là dây liên lạc khắp cả mọi người (...) Cô Dần nhũn nhặn lắm (ngày thường) áo tứ thân nâu cũ (...) mấy ngày Tết (...) mới thấy cô khoác cái áo mới hơn một chút, vấn vành khăn tròn trặn và chặt chẽ hơn. Và dưới mái tóc đen, lúc đó mới lấp lánh mặt đá của đôi hoa vàng (...) Cô không đẹp, chỉ xinh thôi, và tính (...) còn trẻ con lắm. Thấy khách hàng nói một câu bông đùa, cô đã tưởng người ta chòng ghẹo, nên nhíu đôi lông mày lại, ngoe nguẩy cái mình (...) Nhưng (...) chỉ một lát cô lại vui ngay. Một hai năm nữa (cô) đi lấy chồng, ai là người thay (...) Cô bé em cô, hẳn vậy (...) lại que diêm, điếu thuốc, miếng trầu - để kéo dài mãi mãi cái phong vị bình dân và mộc mạc (...) là cái tinh hoa thuần túy của người Việt Nam từ xửa xưa đến giờ”.

Làm sao khỏi nhớ “Cô hàng nước” của Vũ Minh: “Đầu làng Ngũ Xá có nàng / Một nàng bán nước chè xanh / Người đâu trông mà duyên dáng / Và cô em chừng đôi tám / Miệng cô như là hoa / Đóa hoa thật tươi / Trông càng say đắm / Mắt cô đưa tình / Khiến bao chàng trai / Ngất ngây vì cô / (...) / Ðôi mắt nhung huyền / Ơi! hỡi nàng hàng xinh xinh ơi! / Má lúm đồng tiền trông duyên ghê / Làm ta say đắm bao tháng ngày / Chiếc áo nhuộm màu nâu non a / Với dáng người nàng thon thon a / Làm ta say đắm bao ngày tháng / Vì em xinh quá xinh là xinh...”.

Trong cái món “quà Thạch Lam” này, người bán còn quan trọng hơn cả trong “Bà cụ bán xôi”. Người bán cơ hồ là tất cả, vì thức bán chỉ là “một thứ chè cũng dễ uống”. Cô Dần còn ít tuổi, mắt chưa biết “đưa tình”, nhưng cô xinh và vui, và thế là đã đủ... Không phải cô hàng nước hay hàng xén nào cũng “làm ta say đắm”, nhưng tất cả các cô đều là hình ảnh đẹp đẽ của người phụ nữ Việt Nam xưa kia. Họ luôn cố hết sức mình để giúp mẹ, có khi thay hẳn mẹ để lo cho cả bầy em... Từ những “tinh hoa thuần túy của người Việt Nam” thuộc về sự thưởng thức bằng ngũ quan, đây ta đã rất nhẹ nhàng được đưa qua một thứ tinh hoa thuần túy dân tộc khác với một mùi hương thật là thơm đối với những ai biết quý các giá trị tinh thần.



Thu Tứ
Viết năm 2013
Sửa tháng 3-2020















_____________
(1) Hoàng Quốc Hải,
Ký sự ven hồ, nxb. Hà Nội, 2004.
(2) Nguyễn Tuân từng viết: “Thịt lợn đem gói giò (…) là đỉnh cao của một dạng văn hóa dân tộc” (trong bài “Giò lụa”,
Cảnh sắc và hương vị đất nước, nxb. Tác Phẩm Mới, 1988). Cái đỉnh cao ấy bây giờ hiện diện mờ nhạt nơi nó sinh thành, nhưng vẫn còn sống khỏe ở Nam bộ (dưới tên “chả lụa”).
(3) Bài “Cái hay của tỉnh” trong sách
Cảm nghĩ miên man (2015).
(4) Năm chữ chót trong truyện ngắn “Dưới bóng hoàng lan” của Thạch Lam.
(5) Đinh Hùng kể trong
Đốt lò hương cũ.