Hoa mà như bánh! Làm sao quên được những chiếc bánh đỏ như lửa từ trên trời rơi xuống... Chắc không ngọt mấy đâu, nhưng ăn đường cho lắm vào như trẻ con bây giờ, chỉ được cái béo như lợn chứ hay hớm gì. (TT)



Khuyết danh, “Nhớ mùa hoa gạo đỏ”







Tháng ba về trên khoảng trời quê hương đã thắp lên một màu đỏ rực, như ngọn đèn trời chiếu sáng nơi làng quê thanh bình và soi đường cho những đứa con xa quê.

Những bông hoa nhắc về tuổi thơ xa lắc, nhắc về những năm tháng còn lên năm lên ba chạy chơi ở bến nước đầu làng. Hoa gạo rơi từng cánh thắm xuống con đường lát gạch, thi thoảng một cơn gió thổi vài cánh bay ngang... Hoa gạo chân chất, mộc mạc, dân dã, gợi lại một thời tuổi thơ hồn nhiên đầy tiếng cười giòn. Tháng ba của những mùa hoa rực rỡ, tháng ba của nỗi nhớ trong trẻo mà nghẹn ngào.

Tháng ba ở quê đẹp lắm! Đây đó là màu xanh trong của dòng sông hiền hòa lượn quanh theo triền đê, là màu xanh của tre, của lúa… Nhưng có lẽ dễ làm lòng người xao xuyến nhất là màu đỏ của hoa gạo.

Hoa gạo (còn gọi là hoa mộc miên, pơ lang) đóa to, cánh dầy và đỏ thắm, nở vào tháng 3 âm lịch, báo hiệu trời chuyển vào hè. Hoa thắp đỏ một khoảng trời, chốc chốc gieo mình theo cơn gió, xoay tròn trên không trung, khi lìa cành vẫn còn nguyên sắc... Bầy chào mào loách choách bay về hút mật làm ồn ã một vùng...Tôi đi xa từng ấy năm vẫn nhớ cái ranh giới làng quê mình không phải là “cây đa, bến nước, sân đình” hay lũy tre xanh, mà là cây gạo to sừng sững ngay cổng làng luôn dang những cánh tay chào đón...

Không rõ cây gạo ấy có tự bao giờ, tự sinh sôi hay có bàn tay con người vun trồng. Chỉ biết rằng khi lũ trẻ chúng tôi lớn lên thì đã thấy nó trầm mặc nghiêng bóng. Trên mình nó đã không thể đếm được những dấu ấn của thời gian nơi lớp vỏ xù xì. Không giống như những loài cây khác, gạo sinh ra đã mang trên mình đầy gai, những chiếc gai hình thoi bao kín thân cây xếp thật đều và càng lên cao gai càng nhọn. Cũng thật lạ là chỉ khi vươn cao đến một tầm nhất định, gạo mới trổ cành vươn ra xung quanh, tựa như những cánh tay gân guốc vươn ra bốn phía. Cả mùa đông, thân gạo già gầy trơ khấc, không một chiếc lá. Gạo đứng im lìm phơi sương gió tưởng như sức sống trong cây đã cạn. Thế rồi khi mùa xuân về kéo theo mưa bụi lay phay nhè nhẹ và cái nắng vàng ong, gạo như bừng tỉnh dậy dồn sức sống lên đầu cành thành cơ man chồi và nụ. Hình như cả quãng thời gian khắc nghiệt mùa đông, gạo âm thầm vươn rễ, chắt chiu dòng nhựa sống để đến mùa xuân dành trọn cho lộc và hoa. Nụ hoa gạo tròn xinh, chum chúm, xếp sin sít liền nhau nhiều hơn cả lá. Nụ lớn dần lớn dần để đến tháng Ba, hoa bung nở đỏ rực một khoảng trời.





Với bọn trẻ chúng tôi màu đỏ ấy có sức hấp dẫn lạ kỳ. Vào mùa hoa gạo nở, chúng tôi tự nhiên tụ tập dưới gốc cây gạo to nhất, say sưa ngắm, trầm trồ sắc màu rực rỡ của hoa. Có biết bao trò chơi diễn ra dưới tán hoa màu lửa ấy: chọi gà, đánh khăng, nhảy dây, đánh cù, chơi trò đuổi bắt, trò cô dâu chú rể, nhặt hoa kết thành vương miện, kết mũ và hoá vai vào các nhân vật khác nhau...

Chúng tôi thích ăn hoa gạo, thường chọn những bông mới rụng, đem xuống hố vôi đầy nước bên cạnh, khoắng khoắng vài lần cho sạch, vẩy vẩy nước rồi lau lau, chùi chùi lên áo vài lần, là ăn. Chúng tôi bóc ra chia cho nhau, đứa ăn cánh hoa, đứa ăn đài hoa, vừa ăn vừa nhìn lên ngọn cây ngóng hoa gạo rơi...

Chúng tôi lớn lên, mỗi đứa ôm theo mình một khát vọng thành đạt. Cuộc sống bận rộn, bộn bề những lo toan đã làm mờ dần đi ký ức tuổi thơ với những mùa hoa gạo...

Sống nơi đô thị ồn ào, tôi có lúc khát khao được nằm lim dim mắt trên thảm cỏ xanh dưới tán hoa màu đỏ như lửa, thả hồn phiêu du vào cổ tích...


(Lược trích từ bài đăng trên trang
cinet.gov.vn)