Cây gạo thường thấy ở giữa đồng, hoặc đầu làng, cuối làng, chứ hiếm khi thấy hẳn bên trong làng. Lại có câu “thần cây đa, ma cây gạo”. À, gạo hình như cũng hay đứng ngay bên bãi tha ma... Tại sao thế nhỉ? (TT)



Nguyễn Hiến Lê, “Cây gạo”







Gạo là một loại cây đặc biệt của đồng quê Bắc, cũng như cây sao đặc biệt của miền Nam. Không nên lầm nó với cây gạo của miền Qui Nhơn, cùng tên mà khác loài. Nó y hệt cây gòn nhưng lớn hơn nhiều, thân có thể tới vài ôm, nhiều gai hơn gòn, cao tới hai chục thước, hoa như hoa gòn, nhưng đỏ như hoa vông và lớn bằng một chén ăn cơm. Khoảng đầu xuân, lá rụng hết, cành đầy nụ trông như những trái ổi đen; độ một tháng sau hoa nở chi chít đỏ ối cả cây, ở xa như một khối lửa lớn in lên nền trời xanh. Nhụy hoa có một thứ nhựa hơi ngọt, nên chim bay lại từng đàn, ríu ra ríu rít trên cành. Khi có một rặng gạo đất bên đường cũng đỏ vì đầy hoa rụng. Giữa mùa hè, quả gạo nứt vỏ và gặp cơn gió, bông túa ra, bay như tuyết, rất đẹp mắt.








Trước năm 1920, miền quê tôi, hầu hết làng nào cũng trồng một cây gạo ở vệ đê, ngay đầu dốc đưa vào xóm. Cây gạo đó đánh dấu ranh giới của làng. Phụ nữ đi chợ thường đợi nhau dưới gốc gạo để cùng đi, ở chợ về cũng ngồi nghỉ tại đó nói chuyện với nhau một lát. Ở gần đó thường có một cái quán hay điếm canh. Những ai ly hương trở về, xa xa trông thấy gốc gạo của làng mình, lòng cũng hồi hộp như người miền Nam trông thấy ngọn sao ở đình làng.





Tôi không hiểu tại sao cây gạo có một địa vị quan trọng như vậy mà ít ai nhắc tới nó trong thơ văn. Tôi chỉ gặp nó bốn năm lần trong thơ của Cao Bá Quát và trong thơ mới thời tiền chiến, mỗi lần chỉ trong một câu.

Gạo trồng ở vệ đê có một điểm bất lợi là khi nó già, những rễ lớn của nó mục đi, thành những hang cho chuột hay cua, hại cho sự vững chãi của đê, cho nên nhà nước bắt đốn hết, làng quê và con đê mất đi một vẻ đẹp.

Cây gạo ở đầu dốc đưa xuống trường Yên Phụ vì ở xa chân đê nên không bị đốn. Nó đánh dấu trường tôi, và hồi nhỏ chúng tôi thường tìm cách bẻ những nụ của nó để lấy dao chạm thành đầu người và lượm những hoa rụng để đá cầu.


(Trích
Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, nxb. Văn Học, VN, 1992, tr. 42. Nhan đề phần trích tạm đặt.)












br>




r>