Cái chuyện người Việt tộc từ Giang Nam di cư xuống Bắc bộ trong thiên kỷ I trước Tây lịch là chuyện không còn ai nghi ngờ.

Còn tồn nghi là vai trò chính xác của những di dân ấy trong văn hóa Ðông Sơn.

Ðào Duy Anh cho họ là chủ nhân văn hóa Ðông Sơn, trên cơ sở tư liệu khảo cổ còn hết sức nghèo nàn vào thời điểm ông lập thuyết.

Khảo cổ học Việt Nam hiện nay, căn cứ vào vô số di vật đào lên được trong hơn nửa thế kỷ qua, chủ trương văn hóa Ðông Sơn có nguồn gốc bản địa.

Thuyết ÐDA chỉ còn giá trị lịch sử?

Chưa chắc. Tuy người bản địa đã tự lực tiến lên thời đại đồng, nhưng những di dân từ Giang Nam vẫn có thể đóng góp đáng kể vào Ðông Sơn chứ. Nếu quả thế, tưởng đâu có sao, vì họ cũng là Việt cơ mà.
(Thu Tứ)



“Nguồn gốc Giang Nam...”

Đào Duy Anh




Chúng tôi đã đi đến ức thuyết sau này:

Ở một địa điểm nào đó tại miền Giang Nam, từ trước cuộc suy vong của nước Việt, có một nhóm Việt tộc làm nghề đánh cá và vượt biển. Hàng năm, theo gió mùa, nhân gió bấc họ vượt đến các miền duyên hải ở phương nam, đại khái là miền Hải Nam, miền trung châu sông Hồng và sông Mã ở Việt Nam, có lẽ những người táo bạo vượt đến cả Nam Dương quần đảo nữa, rồi đến tiết gió nồm, họ lại vượt trở về nơi căn cứ.

Trong những cuộc vượt biển hàng năm ấy, họ thường tự sánh mình với loài chim lạc mà hàng năm, đầu mùa lạnh, tức mùa gió bấc, họ thường thấy cũng dời bờ biển Giang Nam mà bay về nam, đồng thời với cuộc xuất dương của họ, rồi đến mùa nóng, họ lại thấy các chim ấy trở lại miền Giang Nam đồng thời với cuộc hồi hương của họ. Vì thế mà dần dần trong tâm lý họ phát sinh một ý niệm về mối quan hệ mật thiết giữa họ và loài chim ấy, rồi ý niệm ấy chuyển thành quan niệm tô-tem, khiến họ nhận chim lạc làm vật tổ. Cái tên vật tổ ấy trở thành tên của thị tộc, cho nên người ta cho rằng những người Việt tộc ấy là họ Lạc. Những khi họ vượt biển, họ thường hóa trang, mang lông chim lạc ở đầu và ở mình để trá hình thành chim vật tổ và đeo khắp nơi trong thuyền những huy hiệu của chim vật tổ. Tất cả những hành động ấy là cốt để cầu vật tổ phù hộ cho họ được an toàn giữa biển khơi. Cái hình thuyền với các thủy thủ kỳ hình quái trạng chạm trên trống đồng Ngọc Lũ là tiêu biểu cho những thuyền đã từng chở tổ tiên họ từ miền bờ biển Giang Nam đến miền quê hương mới, cũng như những chim bay và chim đậu chạm ở mặt trống đồng chính là hình chim lạc vật tổ.

Sau nhiều lần vượt biển như thế, người Việt tộc ở Giang Nam đã để lại tại miền bắc Việt Nam, tại các trung châu sông Hồng và sông Mã, một ít nhóm thực dân rải rác, rồi dần dần những nhóm thực dân ấy ngày một đông. Ðến sau khi nước Việt bị nước Sở diệt thì dưới sự bức bách của những người từ miền bắc kéo ùa xuống, các tù trưởng của họ đã kéo cả bộ lạc lánh xuống phương nam, tại những miền nói trên, nhất là miền sông Hồng mà xưa nay họ đã biết là miền đất rộng và phì nhiêu. Bấy giờ vịnh Bắc bộ còn ăn sâu vào nội địa, mà đất trung châu còn lầy lội, cho nên chỗ các cư dân ấy ở nhiều nhất là miền dọc sông Hồng từ Bắc Ninh trở lên và dọc sông Ðáy. Ðến đây hẳn họ còn giữ tên thị tộc cũ là Lạc, mà chính bằng tên ấy từ đấy các sử sách Trung Quốc gọi họ.


(Ðào Duy Anh,
Lịch sử cổ đại Việt Nam, nxb. Văn Hóa - Thông Tin, 2005. Sách này tập hợp ba tác phẩm khác nhau của Đào Duy Anh: Cổ sử Việt Nam (1957), Lịch sử cổ đại Việt Nam (1957), Vấn đề hình thành của dân tộc Việt Nam (1957). Nhan đề phần trích tạm đặt.)