Làm sao khỏi nhớ “Cô hàng nước” của Vũ Minh: “Đầu làng Ngũ Xá có nàng / Một nàng bán nước chè xanh / Người đâu trông mà duyên dáng / Và cô em chừng đôi tám / Miệng cô như là hoa / Đóa hoa thật tươi / Trông càng say đắm / Mắt cô đưa tình / Khiến bao chàng trai / Ngất ngây vì cô / (...) / Ðôi mắt nhung huyền / Ơi! hỡi nàng hàng xinh xinh ơi! / Má lúm đồng tiền trông duyên ghê / Làm ta say đắm bao tháng ngày / Chiếc áo nhuộm màu nâu non a / Với dáng người nàng thon thon a / Làm ta say đắm bao ngày tháng / Vì em xinh quá xinh là xinh...”. Trong cái món “quà Thạch Lam” sau đây, người bán còn quan trọng hơn cả trong “Bà cụ bán xôi”. Người bán cơ hồ là tất cả, vì thức bán chỉ là “một thứ chè cũng dễ uống”. Cô Dần còn ít tuổi, mắt chưa biết “đưa tình”, nhưng cô xinh và vui, và thế là đã đủ... Không phải cô hàng nước hay hàng xén nào cũng “làm ta say đắm”, nhưng tất cả các cô đều là hình ảnh đẹp đẽ của người phụ nữ Việt Nam xưa kia. Họ luôn cố hết sức mình để giúp mẹ, có khi thay hẳn mẹ để lo cho cả bầy em... Từ những “tinh hoa thuần túy của người Việt Nam” thuộc về sự thưởng thức bằng ngũ quan, đây ta đã rất nhẹ nhàng được đưa qua một thứ tinh hoa thuần túy dân tộc khác với một mùi hương thật là thơm đối với những ai biết quý các giá trị tinh thần.

(Thu Tứ)



Thạch Lam, “Hàng nước cô Dần”




Cô Dần là một thiếu nữ hãy còn trẻ, cứ nghe tên cô thì đủ biết (cái lối đặt tên của cổ nhân ta nghĩ cũng thẳng thắn và thực thà: mang cái tuổi trong tên mình, không cần giấu giếm). Tuy vậy cô là một thiếu nữ đảm đang lắm. Một mình cô trông nom cái cửa hàng nước ở trước chợ Đồng Xuân, bên cạnh bà cụ bán hàng xôi, và cũng như bà, cô bán hàng từ chín mười giờ tối, suốt đêm cho tới sáng...

Cửa hàng của cô cũng không có gì: một vài miếng trầu, một vài phong thuốc lào, một bao thuốc lá bán lẻ, vài cái bát uống nước (...) đặt úp xuống mặt chõng. Nhưng hàng cô Dần có một chút đặt biệt hơn: cô không bán nước vối hay nước chè tươi. Cô bán nước chè (...) một thứ chè cũng dễ uống (...) bao giờ cũng nóng sôi dù trời rét hay trời nóng, mùa đông hay mùa hạ. Ấm chè bọc một cái áo gài rất cẩn thận, để bên một hỏa lò than lúc nào cũng hồng, trên đặt một ấm nước lúc nào cũng đang reo sôi.

(...) hàng cô Dần đông khách lắm, có khi cô trở tay không kịp. Kẻ đứng, người ngồi xúm vòng quanh - nhưng ngồi xổm mà thôi, vì hàng nước ấy lại còn có cái đặc biệt khác nữa là không có ghế ngồi. Những bác phu xe đặt nón, lần túi lấy thuốc lào, vài thầy đội xếp uống chè từng ngụm nhỏ trên xe đạp gác ở hè, với vài khách hàng áo ngắn, còn trẻ tuổi, hay điểm thêm vào vị nước một vài câu bông đùa nhè nhẹ đối với cô hàng. Thỉnh thỏang, một bác phu già, rụt rè thầm khẽ bên tai cô hàng nước, hoặc trả tạm một vài xu ở món nợ còn lại, hoặc nằn nì xin chịu nữa. Cô hàng nhíu đôi lông mày nhỏ lại một chút, nhưng cô dễ tính, rồi cũng bằng lòng.

*

Một hàng nước đắt hàng vì các thức quà bán đã đành, nhưng đôi khi cũng đắt khách vì cả cô hàng. Cô hàng nước (...) dù ở dưới bóng đa, bên ruộng lúa, hay ở dưới mái hiên trong thành phố, ở đâu cũng vậy, miệng tươi của cô là dây liên lạc khắp cả mọi người (...)

Ồ, nhưng mà chúng ta hãy trở lại cô hàng nước của ba mươi sáu phố phường. Cô nhũn nhặn lắm: mặc giản dị một cái áo tứ thân nâu cũ (...) Trong mấy ngày Tết, người ta mới thấy cô khoác cái áo mới hơn một chút, vấn vành khăn tròn trặn và chặt chẽ hơn. Và dưới mái tóc đen, lúc đó mới lấp lánh mặt đá của đôi hoa vàng, bà cụ đánh cho cô năm vàng còn rẻ, làm cái vốn riêng, chắc thế.

Cô không đẹp, chỉ xinh thôi, và tính (...) còn trẻ con lắm. Thấy khách hàng nói một câu bông đùa, cô đã tưởng người ta chòng ghẹo, nên nhíu đôi lông mày lại, ngoe nguẩy cái mình. Khách trông thấy chỉ cười. Nhưng cô cũng không giận ai lâu: chỉ một lát cô lại vui ngay.

Một hai năm nữa, lớn lên đi lấy chồng, ai là người thay cô trông nom ngôi hàng nước của “Hà Nội là động tiên sa”?

- Cô bé em cô, hẳn vậy, sẽ ngồi bán hàng thay chị, lại que diêm, điếu thuốc, miếng trầu - để kéo dài mãi mãi cái phong vị bình dân và mộc mạc của các cô hàng nước cùng với các cô hàng xén kĩu kịt đi chợ Đông, chợ Đoài, là cái tinh hoa thuần túy của người Việt Nam từ xửa xưa đến giờ.


(Trong
Hà Nội băm sáu phố phường)