Trần Quốc Tuấn mới 25 tuổi khi được chọn cầm quân lên biên giới phía bắc chống quân Mông Cổ. Lần ấy chống không nổi, phải rút về Sơn Tây. Vua đã muốn hàng. Nước còn, là nhờ quyết tâm của Trần Thủ Độ. (Thu Tứ)



Đào Duy Anh, “Chống Mông Cổ” (1)




Ở thời Trần sơ, nước ta bị người Mông Cổ xâm lược ba lần. Người Mông Cổ nguyên là một giống du mục ở rải rác trên các thảo nguyên ở khoảng giữa hồ Bai-can và sa mạc Gô-bi, tại khoảng giữa Trung Quốc và Xi-bê-ri. Họ ở thành những thị tộc lớn nhỏ, mỗi thị tộc từ mấy chục đến mấy trăm nhà, gồm ba thành phần: quý tộc, dân tự do và nô lệ. Nhiều thị tộc họp thành bộ lạc. Trong quá trình chiến tranh giữa các bộ lạc để cướp gia súc và nô lệ, nhiều bộ lạc họp lại, cử một người tài giỏi nhất làm “đại hãn” để tiến hành chiến tranh theo quy mô lớn hơn. Dần dần rất nhiều gia súc và nô lệ tập trung vào tay đại hãn cùng thân thuộc và thần hạ họ. Người dân nghèo phải làm việc cho giai cấp quý tộc ấy. Dần dần bọn quí tộc và đại hãn trở thành những lãnh chúa phong kiến mà dân nghèo tự do sa xuống thân phận nông nô.

Thiết Mộc Chân là đại hãn lỗi lạc nhất trong giống Mông Cổ ở thế kỷ 13. Vốn ở vùng hồ Bai-can, Thiết Mộc Chân dần dần thôn tính các bộ lạc lân cận và chinh phục được cả khu vực Mạc Bắc. Năm 1206, Thiết Mộc Chân được thần hạ tôn làm đại hãn, lấy danh hiệu là Thành Cát Tư. Với một quân đội dũng cảm thiện chiến và tổ chức chặt chẽ, chia làm các đơn vị thiên hộ, bách hộ và thập hộ, Thiết Mộc Chân quyết định chinh phục bốn phương. Binh chủng lợi hại nhất của Mông Cổ là kỵ binh. Vũ khí sở trường nhất của họ là cung. Họ lại sẽ học được của người Hồi Hồi và người Trung Hoa một vũ khí mới là súng châm ngòi. Lần lượt Thiết Mộc Chân chinh phục nước Tây Hạ và các bộ lạc Khế Đơn, rồi đánh nước Kim đã xâm lược và làm chủ miền bắc Trung Quốc. Lại chuyển sanh chinh phục miền Tây Vực và miền Đông Âu, dựng lên một đế quốc rộng rãi. Năm 1236, con Thiết Mộc Chân là Oa Khoát Đài nối ngôi cha, diệt được nước Kim, và năm sau bắt đầu đánh Trung Quốc (nhà Nam Tống). Con Oa Khoát Đài là Mông Kha tiếp tục công cuộc chinh phục, nhằm chiếm cả nước Trung Hoa và các nước miền tây nam Á châu. Năm 1253, Mông Kha sai em là Hốt Tất Liệt cùng đại tướng Ngột Lương Hợp Thai chia quân tấn công nước Đại Lý (Vân Nam). Sau khi chiếm được đất Vân Nam, chiến lược của vua Mông Cổ là đánh chiếm luôn nước ta để tiện đường tiến binh vào Ung Châu và Quế Châu của Trung Quốc, hội với đại binh từ miền bắc xuống ở Ngạc (Hồ Bắc) mà tiến đánh Tống. Hốt Tất Liệt giao cho Ngột Lương Hợp Thai phụ trách việc xâm lược nước ta.

Chiến thuật của người Mông Cổ, muốn chinh phục một nước nào, là bắt đầu tìm đủ cách để dò hiểu tình hình nội bộ nước ấy, chưa hiểu rõ tình hình thì quyết không mạo hiểm tiến công. Chúng lợi dụng những thành phần đầu hàng để tìm biết nhược điểm của đối phương. Trước hết chúng đưa thư dụ hàng và đòi nộp cống. Cách ấy không thành thì chúng chia quân tấn công mãnh liệt. Chúng đốt phá, giết chóc miền thôn quê để cô lập các thành thị, đóng đồn ở ngoài thành để bao vây, rồi lại dụ hàng, nếu không được thì lại tiến công mãnh liệt và thẳng tay giết, cướp. Theo kế hoạch ấy, Ngột Lương Hợp Thai ba lần sai sứ sang dụ Trần Thái Tông thần phục vua Mông Cổ, và nhân đó bố trí gián điệp để dò xét tình hình nước ta.

Đương lo xây dựng cơ đồ mới, vua tôi nhà Trần cương quyết không chịu khuất phục. Mỗi lần, Trần Thủ Độ đều sai bắt sứ giả Mông Cổ giam lại để cho giặc biết rằng nước ta nhất định bảo vệ nền tự chủ. Dụ hàng mãi không được, Ngột Lương Hợp Thai quyết định tiến công.

Biết rằng quân Mông Cổ thế nào cũng đánh, Trần Thủ Độ bàn với vua Trần Thái Tông cử Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn là một tướng thanh niên có tài năng quân sự giỏi nhất đương thời đem binh lên phòng ngự ở biên giới. Cuối năm 1257, Ngột Lương Hợp Thai sai bọn Triệt Triệt Đô (An Nam chí lược chép là Thông Súy) đem quân từ Đại Lý sang xâm lược nước ta, tiến vào mạn sông Thao. Ngột Lương Hợp Thai lại sai con là A Thuật dẫn đi tiếp viện, đồng thời để dò thăm tình hình. Thấy quân ta sẵn sàng nghinh chiến, A Thuật trở về báo. Ngột Lương Hợp Thai quyết định cũng tiến quân, đi gấp đường để hội với quân Triệt Triệt Đô. Quân Mông Cổ theo đường sông Hồng, hai quân gặp nhau ở chỗ hợp lưu của sông Hồng với sông Đà và sông Lô, tức miền Việt Trì, vào đầu năm 1258.

Bấy giờ Trần Thái Tông thân hành cự chiến, bày binh và tượng ở phía nam sông, có Lê Phụ Trần trợ chiến. Ngột Lương Hợp Thai chia quân làm ba đội để qua sông. Chiến thuật của Ngột Lương Hợp Thai là cho quân tiên phong sang sông nhử cho quân ta đến đánh, chờ cho quân của phò mã Hoài Đô đánh chận ở sau quân ta thì Triệt Triệt Đô lừa cướp lấy thuyền của ta để cho quân ta không có phương tiện rút lui. Nhưng vừa sang sông Triệt Triệt Đô tiến công mãnh liệt ngay; đại quân do Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy phải tiếp chiến. Quân ta thua to. Bấy giờ bên cạnh Trần Thái Tông chỉ còn có Lê Phụ Trần. Phụ Trần khuyên vua lui về xuôi, mình cũng rút theo sau để che chở. Vì quân giặc không thực hiện được kế của Ngột Lương Hợp Thai cướp thuyền của ta, Trần Thái Tông xuống thuyền chạy về sông Lư (khúc sông Hồng ở gần Thăng Long). Quân giặc tiến thẳng đến Đông Bộ Đầu (bến phía đông của Thăng Long) để bao vây kinh thành. Đi đến đâu chúng đốt phá giết chóc đến đó. Triều đình nhà Trần thấy thế không chống nổi phải bỏ Thăng Long, lui quân về miền hạ lưu sông Hồng (miền sông Thiên Mạc, thuộc huyện Đông Yên, tỉnh Hưng Yên ngày nay). Vì vậy quân Mông Cổ vào thành Thăng Long rất dễ dàng.

Trần Thái Tông thấy thế giặc quá mạnh có ý muốn hàng, nhưng Trần Thủ Độ cương quyết nói rằng: “Đầu tôi chưa rơi xuống đất thì xin bệ hạ đừng lo.” Trần Thủ Độ sai các tướng ra sức chuẩn bị phản công. Quân Mông Cổ đóng ở thành Thăng Long mới chưa đầy nửa tháng thì do bên ta dùng kế tiêu thổ, giặc sợ sẽ lâm vào tình trạng thiếu lương, lại vì không quen thủy thổ, quân lính đau ốm rất nhiều, Ngột Lương Hợp Thai bèn định lui quân, sai sứ giả sang dinh quân Đại Việt để nói chuyện giảng hòa. Biết rằng thế giặc đã núng, nhà Trần sai trói hai sứ giả Mông Cổ và ra lệnh phản công, đánh rất mạnh vào trại giặc ở Đông Bộ Đầu. Quân giặc thua chạy, lại theo đường sông Hồng mà trở về bắc. Đến trại Qui Hóa (khoảng Yên Bái), trại chủ người Mường là Hà Bổng đem dân quân ra đón đánh. Quân giặc lại thua to. Vì chúng lo chạy cho mau để ra khỏi biên giới, chúng không kịp đốt phá giết chóc như khi vào, đến nỗi nhân dân phải nói đùa rằng: “Thật là giặc Phật!”.

Cuộc xâm lược thứ nhất của quân Mông Cổ thất bại hoàn toàn.


(Trích Đào Duy Anh,
Lịch sử Việt Nam, nxb. Văn Hóa – Thông Tin, 2002. Sách này viết lần đầu năm 1949, in dưới tên Việt Nam lịch sử giáo trình, viết lại năm 1952, lại viết lại năm 1954, xuất bản dưới tên LSVN năm 1955, đến năm 1957 tái bản sau khi sửa chữa bổ khuyết. Tức sách đã được viết đi viết lại tới bốn lần!)