Nghĩa là, vốn từ cuối thế kỷ 19 trở về trước thì “xướng ca vô loài” thực ra gồm kỹ nữ Tàu, kỹ nữ Nhật, kỹ nữ Hàn, nói chung là “tụi Bình Khang ở các nước”, chứ không gồm “bọn ca kỹ nước Nam ta”.

Có người bảo tuy không sống sa đọa nhưng do đào, kép nhiều khi có quan hệ ruột thịt với nhau, họ bị thành kiến xã hội xem là vô luân.(1) Thiết tưởng chỉ trong chèo hay tuồng, mới có thể xảy ra tình trạng “vô luân” khi biểu diễn (anh em ruột đóng đôi vợ chồng, chẳng hạn), chứ đào với kép trong hát ả đào thì chỉ là người hát với người đàn, có đóng vai gì đâu mà bảo vô luân?!

Chỉ sau khi cái đàn hát xưa đã trở thành “vang bóng” của “một thời”, không còn bao nhiêu người thưởng thức nữa, thì đào Việt mới dần dần hóa giống đào Tàu đào Nhật...

(Thu Tứ)

(1) Xem Toan Ánh,
Phong tục Việt Nam.



Nguyễn Đôn Phục, “Một nghề đứng đắn”



Xét ra tụi Bình Khang ở các nước, đã gọi là kỹ nữ, thì lìa cửa lìa nhà, thoát ly hẳn cái khuôn phép trong xã hội, làm một cái hoa vô chủ ở giữa đường. Duy bọn ca kỹ ở nước Nam thì không thế, tuy gọi là kỹ nữ đấy, nhưng vẫn có xã hội quy tắc, vẫn có gia tộc luân lý; làng nào có giáo phường, thì riêng có một hai họ học tập về nghề đàn hát. Khi đi hát, hoặc chồng đàn vợ hát, hoặc anh đàn em hát, hoặc bố đàn con hát, đi đâu có đào thì phải có kép, giữ gìn cho nhau chưa từng lìa nhau bao giờ. Tuy rằng xuân hải ba đào, trong làng chơi gián hoặc cũng có xảy ra những điều kia nọ, nhưng ngoài khuôn lễ phép, ít thấy công nhiên dám tự do bao giờ. Cũng có người nói bọn ca kỹ nước Nam ta “kỹ trung chi lương”, nói thế cũng khí quá đáng, nhưng tưởng cũng không phải là quá đáng.


(Trích Nguyễn Đôn Phục, “Khảo luận về cuộc hát ả đào”, đăng trên
Nam Phong số 70, 1923, in lại trong Mười thế kỷ bàn luận về văn chương, q. 1, nxb. Giáo Dục, VN, 2007. Nhan đề phần trích tạm đặt.)