Những bộ lạc Nùng, Thổ được nhắc tới sau đây có thể không phải là chưa bao giờ thống nhất. Biết đâu họ đã cùng thuộc vào cái nước Nam Cương thời Thục Phán...(1)

“Nước non Cao Bằng” xa xôi, vậy mà vua Lý Phật Mã hai lần “trẩy” đại thắng, giỏi quá.

Đất Vật Ác Vật Dương rồi nhà Lý rút cuộc không lấy lại được. Tức tuy Lý Thường Kiệt lập chiến công oanh liệt đánh sang Tàu và sau đó chặn thành công cuộc xâm lăng của quân Tống, nhưng về biên cương phía bắc thì rút cuộc nhà Lý chẳng những không mở rộng được mà lại còn để mất một ít đất đai.
(Thu Tứ)

(1) Xem bài “Gốc tích nhà Thục” của ĐDA.



Đào Duy Anh, “Việc mất đất đời Lý”




Trong một vùng biên giới rộng giữa hai nước Đại Việt và Trung Hoa, xung quanh đất Quảng Nguyên, ở rải rác những bộ lạc thuộc về một nhánh người Thái, tục gọi là người Nùng (phía Trung Quốc) và người Thổ (phía Đại Việt) (1). Đại khái mỗi bộ lạc do một tù trưởng làm thủ lĩnh, sống trong một thung lũng gọi là động, làm nghề canh nông – làm ruộng ở đất trũng và làm nương ở lưng đồi núi – và nghề săn bắn (...)

Miền ấy sản xuất nhiều vàng bạc, đặc biệt là đất Ngân Sơn, Nguyên Bình và Thạch An. Các tù trưởng ở đấy nhờ khai thác các lò vàng bạc mà thành giàu có. Khoáng sản phong phú như thế cho nên hai nước Trung Hoa và Đại Việt đều muốn chiếm miền ấy về mình (...)

Trong buổi dân tộc Việt Nam quật cường để dành lại quyền tự chủ thì một họ tù trưởng ở miền ấy sử cũ gọi là họ Nùng cũng muốn thống nhất các bộ lạc người Nùng và người Thổ để dựng một nước tự chủ (...)

Cuối thế kỷ thứ X, tù trưởng một bộ lạc lớn là Nùng Dân Phú đã được vua Nam Hán phong cho làm thủ lĩnh mười châu ở đất Quảng Nguyên. Sau đó Nùng Tồn Phúc (...) được nhà Lý (Công Uẩn) phong cho làm thủ lĩnh châu Quảng Do (...) Em và em vợ cũng được phong làm thủ lĩnh hai châu (...) Các tù trưởng Thổ và Nùng rất bất bình về yêu sách phú cống (nộp bằng vàng bạc) của nhà Lý và nhà Tống (...) Nùng Tồn Phúc hiệu triệu dân chúng nổi lên dựng nước, không chịu thần phục nhà Lý nữa.

Nùng Tồn Phúc chiêu tập dân các động, tự xưng đế và đặt tên nước là Trường Sinh, xây thành trì (ông Hoàng Xuân Hãn đoán có lẽ là thành Na Lữ ở phía tây thành Cao Bằng ngày nay), luyện binh sĩ, quyết ý tự cường.

Năm 1038, vua Lý là Phật Mã cầm quân đi đánh, bắt giết được Tồn Phúc và con trưởng là Trí Thông. Vợ là A Nùng và con là Trí Cao chạy thoát. Năm 1041 Trí Cao lại trở về đất Thảng Do, đổi tên nước là Đại Lịch. Phật Mã lại thân chinh, bắt được Trí Cao. Vì muốn dùng chính sách phủ dụ, Phật Mã tha cho Trí Cao, lại cấp thêm đất (...) và cho làm châu mục, sau lại phong cho hàm thái bảo.

Năm 1048, Trí Cao lại nổi lên (...) lại dựng nước đặt tên là Nam Thiên và xin thần phục nhà Tống để mượn thế chống nhà Lý. Nhà Tống sợ mất lòng nhà Lý nên không nhận. Trí Cao tức giận, quyết chí đánh nhà Tống (...)

“Tháng tư năm 1052 Trí Cao đem 5000 quân, dọc theo sông Hữu Giang mà xuống miền đông, lấy trại Hoành Sơn (Điền Châu bây giờ) vào tháng tư; rồi xuôi sông Uất, xuống đánh thành Ung. Vì có nội công, thành Ung mất ngày mồng 1 tháng năm...

Trí Cao đặt quốc hiệu là Đại Nam (...) tiến tới Quảng Châu. Các châu lỵ không có thành trì, quân Tống lại hèn nhát, còn quân Trí Cao là quân vong mạng, cho nên đến đâu được đó (...) Trong hai tuần (...) quân Trí Cao đã đến Quảng Châu. Quân và tướng Tống đều sợ hãi, may có Vương Hãn đóng thành chống lại. Trí Cao đánh suốt ngày đêm, trong 57 ngày, không hạ được, bèn rút quân (...)

Vua Lý rất quan tâm đến việc Trí Cao đánh bại Tống. Thấy quân Tống thua, biết binh lực Tống ở miền nam rất kém, vua Lý muốn nhân cơ hội thử thách, bèn xin đem hai vạn quân đi đường bể tới Khâm Châu tiếp viện. Vua Tống chưa dám bằng lòng (...)

Ngày 23/10/1052, tướng Tống là Địch Thanh được chuẩn lời tình nguyện đi đánh Trí Cao (...) Thanh tâu vua Tống (...) Vua Tống bèn hạ chiếu ngăn không cho quân Lý vào cõi (...)

Tháng giêng năm Quý Tỵ (1503), Địch Thanh đến Tân Châu, hội chư tướng. Vì các tướng đều có ý khinh Thanh, nên Thanh ra lệnh chém Trần Thự, ai nấy đều khiếp. Trước đó, Thanh cầm quân ở vùng Diên Phu (Thiểm Tây) chống Hạ, Thanh đem nhiều quân kỵ ở vùng ấy theo xuống. Có kẻ bảo Trí Cao phải chặn ải Côn Lôn trong núi trên đường Tân – Ung, đừng để Thanh xuống đồng bằng, vì ở đồng bằng dùng kỵ binh rất lợi. Nhưng Địch Thanh (...) hành quân gấp (...) (trong khi) Trí Cao tưởng là Thanh còn đóng quân lại nghỉ, nên không nghe lời khuyên, lại còn nhân ngày rằm tháng giêng cho trương đèn mở hội. Thanh cho quân tiến gấp qua ải Côn Lôn, thẳng tới thành Ung (...)

Trí Cao được tin báo, lật đật đem quân chặn lại. Hai quân gặp nhau ở phố Qui Nhân. Ấy là ngày 17 tháng giêng (8/3/1053)... Quân Trí Cao tan vỡ, chết mất hơn ba nghìn.

Trí Cao rút quân về thành. Đang đêm, đốt thành bỏ chạy. Quân Thanh đuổi đến Điền Châu (...)

Trí Cao đem tàn quân về đóng ở trại Đặc Ma (phủ Quảng Nam, miền đông Vân Nam), đồ tâm trở lại Ung Châu. Một mặt Trí Cao kết thân với thủ lĩnh trại ấy là Nùng Hạ Thành (...) một mặt sai người tới nước ta xin quân giúp.

... Nhưng sau khi thấy Trí Cao đã thua và thế Địch Thanh mạnh, Lý lại thôi không phái quân đi nữa (nghĩa là trước đó có lúc ta đã định giúp Nùng Trí Cao đánh Tống).

Hai năm sau, Dư Tĩnh (quan nhà Tống) cho quân vào Đặc Ma, bắt được mẹ, em và con Trí Cao. Còn Trí Cao thì chạy thoát, vào nước Đại Lý (thuộc Vân Nam ngày nay, phía tây Côn Minh rồi chết ở đó.”(2) (...)

Sau khi Nùng Trí Cao thất bại, tù trưởng động Lôi Hỏa ở phía tây bắc Quảng Nguyên là Nùng Tôn Đán được nhà Lý xem là phiên thần nối dòng Trí Cao. Năm 1057, Tôn Đán cho quân đánh vào đất Tống. Tiêu Cố là quan coi Quế Châu của Tống dụ hàng Tôn Đán và con là Nhật Tân (...) Năm 1062, Tôn Đán và con đem các động của mình (...) nộp cho Tống. Tống cho Tôn Đán coi châu Thuận An gồm đất các động đã nộp mà sử ta gọi là các động Vật Ác (...)

Theo lời dụ của Lục Sằn (quan Tống coi Quế Châu năm 1064), Nùng Trí Hội là dòng dõi Nùng Tồn Phú (...) cũng quy phục và đem đất động Vật Dương nộp cho Tống, được Tống đổi tên làm châu Qui Hóa (...)

Do sự đầu hàng (Tống) của các tù trưởng Nùng ở miền Cao Bằng, nhà Lý đã mất một dải đất khá rộng ở gần Quảng Nguyên, về phía tây bắc tỉnh Cao Bằng ngày nay (...)


(Trích Đào Duy Anh,
Lịch sử Việt Nam, nxb. Văn Hóa – Thông Tin. 2002. Sách này viết lần đầu năm 1949, in dưới tên Việt Nam lịch sử giáo trình, viết lại năm 1952, lại viết lại năm 1954, xuất bản dưới tên LSVN năm 1955, đến năm 1957 tái bản sau khi sửa chữa bổ khuyết. Tức sách đã được viết đi viết lại tới bốn lần!)












____________
(1) Cũng gọi là người Tày. (TT)
(2) Trích từ sách
Lý Thường Kiệt, q. 1, của Hoàng Xuân Hãn. (ĐDA)