Thế kỷ 20 có người đem Truyền kỳ mạn lục ra viết lại!

Ấy, “Tân truyền kỳ” cũng đáng viết chứ chẳng chơi đâu. “Cổ lục” chỉ có chuyện, “tân lục” thêm vào chuyện những cảm giác cảm xúc diễn thành văn chương, và sửa đoạn kết chuyện cách thú vị...

Ai chán gái thật, vào đọc thử “gái ma” chơi!

(Thu Tứ)



Vũ Hoàng Chương, “Cô gái ma”



Bãi Phương Thảo là chỗ giáp giới của ba làng Thanh Dạ, Hồng Đô và Bạch Bích. Cỏ non phơi phới chạy dài trên một bề mặt khá rộng; mai trắng cúc vàng, mẫu đơn, thạch lựu, đây đó lác đác từng khóm từng gò, xa trông như muôn vạn chiếc cù lao ngũ sắc nổi lềnh bềnh trên một đại dương thơm phức xanh rợn chân trời.

Ở đấy, hàng năm có hội Nguyên Tiêu. Đường lối sửa sang gọn ghẽ. Hàng quán mọc lên như nấm, nhỏ nhắn xinh xinh, dẫu bằng tre nứa loàng xoàng nhưng được kiến trúc theo một nhịp cổ kính trang nhã; gác Nghinh Phong, đình Ngoạn Nguyệt ... thẩy đều có mái xếp thành đợt uốn vòng cung. Đèn mắc la liệt trên những mái lâu đài tiểu xảo mong manh ấy; đèn treo lung linh trong những lùm cây ẩn hiện la đà kia... Đèn và đèn! Các màu, các kiểu!...

Năm ấy – cũng như mọi năm, trong đêm đầu tiên có trăng tròn của mười hai tháng – bãi Phương Thảo lại biết thêm một lần nữa cái mùi men ân ái tự mười phương lạc đến theo đôi cánh quyến rũ của chàng Gió đa tình. Khắp chỗ, ánh nguyệt bàng bạc gợn lên từng đợt sóng nhung, rót vào tai khách du một bản hợp tấu quái ảo. Chừng như thanh âm của đêm nhạc Dao Trì từ bao nhiêu thế kỷ xa xôi đã hò hẹn nhau ở nơi đây một cuộc tái ngộ trẻ đẹp.

Giữa lúc đó, gỡ sợi hương màu mà đi, rẽ sóng đàn sáo mà tiến, có biết bao nhiêu chàng trai đội mũ và cô gái cài trâm... Cả đến ả hái dâu cuối xóm vừa giắt chiếc thoa gai vào mớ tóc hôm trừ tịch mới đây cũng đột nhiên thấy trong lòng nở một giấc mộng gấm, và thướt tha áo mới, theo chúng bạn đi dự hội Hoa Đăng.

Làng Bạch Bích có Lương sinh, con nhà thế gia, tuổi đã nhược quan mà tính cả thẹn. Ai nói chuyện gái trước mặt – dù chỗ vắng hay chỗ đông – tất hai má đỏ bừng, co cẳng chạy trốn. Bằng hữu biết nết, càng trêu già. Vẫn không chừa được.

Họ Trần, họ Đổng, họ Lưu... đêm ấy dìu chàng ra bãi Phương Thảo cốt để hái về một hai câu chuyện tức cười do tính si ngốc nhút nhát của bạn. Và Lương sinh gượng theo, lấy làm khó chịu vì nỗi xiêm y son phấn ngào ngạt quanh mình...

Bỗng da thịt chàng run rẩy: trăm nghìn trận gió vừa ấm vừa mát thổi lộng vào tâm tư. Giây phút thiêng liêng của tiếng sét Mê Đắm! Thời gian đổi màu. Không gian thay chiều. Hồn chàng thoát ra ngoài do hai cửa ải tròn xoe của thị giác, bay đi và trôi theo một tà áo thơm...

Vạt áo ai mà quyền phép đến thế?

Không phải bằng gấm, vóc, bằng the, lụa, hay bằng nhung tơ. Chỉ đoán biết rằng mượt, óng, mềm, mịn.

Không phải nhuộm màu nguyệt bạch, lão lam, phấn hồng, hay tử lựu. Chỉ cảm thấy rằng cả một hoàng hôn của Trái Đất lúc lâm chung đang hiển hiện chập chờn.

Ngắm kỹ thì đường thêu như nét vẽ. Nét vẽ như cử động. Một cây mai già, hoa nụ trắng nõn, chiếc vừa nở chiếc sắp rơi... Ở dưới gốc, ô này! khóm cỏ bồ đang ôm một hòn đá say ngủ.

- Hỡi ơi! bức tranh Thạch Nữ Giá Bồ Lang kia, chính tay mình vừa phác họa treo nơi phòng học, sao bây giờ lại phấp phới trên lưng ai?...

Bước chân lơ lửng phiêu diêu, bất giác chàng nho sinh họ Lương đã đánh rơi ba đứa bạn ranh mãnh trong lớp sóng người...

Trăng lên cao.

Chàng cứ bám sát cô ả. Kịp tới khi hồn chàng nằm gọn lỏn trong dải tía thắt ngang lưng ong, tự đánh đắm vào mùi da thơm ngọt như lan ấy... cô ta mới khẽ quay đầu lại, đôi cánh phượng tóc nghiêng nghiêng.

Ôi, vầng trán đã rung lên cả một bài thơ Bạch Tuyết!... Và sương in phơi phới trên gò má đào non!... Những cái hồ biếc đậm xanh ngời nằm vắt vẻo trên miệng hỏa sơn đã tắt, Lương sinh chưa từng được thấy bao giờ, nhưng đôi mắt đẹp – cũng chưa từng được thấy bao giờ kia – đang khiến chàng liên tưởng đến một cái gì tương tự.

Trời! đôi mắt của giai nhân! Tâm linh chàng đột nhiên báo động: cặp hồ quái dị ấy sắp một phen nổi sóng; lửa khói đã bắt đầu từ dưới đáy phun lên...

Mà... lửa phun sóng nổi thật rồi đó!

Nàng nguýt dài về phía sau, mỉm một nụ cười ngọc thạch, rồi cất tiếng ngâm nho nhỏ, thanh, sáng, trau chuốt đủ mười bốn giọt pha-lê:

Rừng xanh ải tối đi về lạnh,
Trừ chốn non Vu chẳng có mây!


Âm hưởng từ cặp môi hàm tiếu phát ra, mỗi giọt vỡ làm muôn vạn mảnh bay lên chín tầng cao, gắn vào đó thành một trời tinh tú.

Một phút nghìn thu!...

Chiếc quạt bằng lông chim chả bỗng xòe ra, một bông huệ rơi xuống. Thôi rồi, người ngọc chỉ còn là ánh đèn, ánh trăng!

- Cái anh chàng ngốc này! Chết đứng rồi đó chắc?

- Á à... Các bạn ơi, tay hắn cầm một bông huệ trắng, đẹp đáo để!

- Hắn ngây người ra như tượng gỗ, lạ chưa!

- Mê gái rồi, chứ còn gì! Hay lắm... hay lắm!

- Cậu ta chết mệt vì con bé!

- Con bé nào? Một mỹ nhân chứ lại!

- Tuổi non... mặt kháu... tha thướt áo hoa mai...

Lương sinh từ nãy tới giờ đứng sững không nhúc nhích, mặc cho bọn “ông mãnh” trêu cợt. Nhưng nghe tới câu cuối cùng – của gã họ Đổng – thì giật bắn ngay người lên, rối rít cãi... hỏi...

- Áo cây mai chứ! Sao anh lại bảo chỉ có hoa mai thôi? Chẳng những thế, còn có cả một khóm cỏ bồ ôm chặt lấy hòn đá say ngủ dưới gốc!

- Chính vậy. Người ta chưa nói hết, anh đã vội làm ầm lên. Này, bảo cho mà hay: cô nàng đẹp nhất hội đấy nhé! Lưng thon liễu uốn... sóng mắt muốn trôi...

Cả bọn lại nhao nhao; thêm một đợt nữa:

- Đẹp thật! đẹp hơn người trong tưởng tượng của tôi và của anh nhiều! Một vẻ đẹp khó tả quá!... Nhưng mà... thế anh cũng có gặp nàng ư?

- Ai chẳng gặp được!... Vả chăng, xa lạ gì cho nó cam! Bạn chúng ta hồi nhỏ đấy!

- Anh nói sao? Cô hàng xóm tí tẹo của tôi ngày xưa đó ư? Anh Nương! Hừ!... Chả có lẽ! Con bé ấy mặt mũi đen như củ súng cơ mà! Vô lý hết sức.

- Chỉ những thằng si tình là “vô lý” thôi! Mười năm qua... gái đến thì tất nhiên phải đẹp. Có lẽ nào cứ mãi mãi là con bé lem luốc ngày thơ ấu hay sao?...

Lương sinh nửa tin nửa ngờ. Bỗng nét mặt rầu rầu, chép miệng nói một câu cổ thi, ra chiều tuyệt vọng:

Nhân gian vô lộ nguyệt mang mang...”

Họ Đổng biết ý, vỗ vai bạn, giọng lấp lửng:

- Muốn gặp, rất dễ!

- Anh đùa tôi mãi. Anh Nương đối với tôi chỉ còn là một kỷ niệm; và nàng tiên vừa gặp cũng chỉ là ảo ảnh thôi. Nói gì chuyện tái ngộ!

- Chú bé dở hơi lắm! Tiên hay tục thì cũng phải có chỗ ở chứ! Mà tôi lại biết rõ điều này: cô ta cùng gia quyến mới đến ngụ cách đây bốn dặm về phía tây bãi Phương Thảo của chúng ta. Cất công đi một phen, tha hồ thỏa thích...

Trên câu chuyện vu vơ của hai gã, vầng nguyệt soi chếch xuống những sợi hào quang bắt đầu mờ nhạt.

Đêm dần khuya...

*

Lối đi về phía tây bãi Phương Thảo là một con đường nhỏ hẹp, uốn chữ “chi”. Đôi bờ lau sậy mù mịt. Sương phủ dầy đặc, khiến cỏ cây rừng núi không giữ nổi màu sắc riêng biệt nữa. Toàn thể giang sơn nằm thiếp lịm trong một bộ áo tang bạc thếch, hãi hùng.

Lương sinh đi đã bốn dặm mà trước mặt chỉ càng vắng vẻ um tùm hơn. Tin ở lời gã họ Đổng, chàng cứ rảo bước... rảo bước hoài. Chân đã tê chồn; vẫn chẳng thấy xóm làng chi cả. Một bóng người, một bóng vật cũng không...

Chợt nổi lên một khúc hát. Hồi thanh do sườn núi rặng cây vang trở lại, nghe rợn vô cùng:

Hài cốt vầng trăng hề rơi chìm đáy sông
Dằng dặc bóng đêm hề máu vàng mênh mông
Khí thiêng đại hội Cung-Hằng-Vỡ
Tiếng khóc trôi về lạnh biển Đông
Sáu nẻo thương mang hề mưa cầu gió chợ
Ấm áp dương gian hề nõn lụa mềm bông
Đâu đó trăng cười hoa nở
Kìa ai phượng bế loan bồng
Kiếp đoạn phù sinh hề ân tình lỡ dở
Cuộc dứt yêu mê hề địa phủ tay không
Riêng xót cho ta... xuân chớm mùa hoa
Riêng tủi cho ta đời chưa chút hưởng
Xác trinh bạch đây còn tơ tưởng
Niềm ái ân gào gọi thiết tha
Tóc mới buông vai hề sợi đời tan nát
Lòng gái cài trâm hề chưa bướm ong qua
Trên trần ai đoái thương ta
Cô đơn lạnh thấm hồn ma dạ đài.


Giọng ca sầu oán, lời ca lại não nùng, nhạc điệu như mờ như tỏ khi đục khi trong, phần nhiều là cung “Hồ” vừa trầm vừa lạnh.

Nhưng Lương sinh lúc bấy giờ trong lòng chỉ có người đẹp: bóng dáng cô nàng vẫn lênh đênh trước mắt, lời thơ nhỏ nhẹ của ả vẫn chập chờn bên tai. Vì thế chàng không cảm thấy sợ hãi chi hết, cứ tiến lên... Có thể nói: chàng tiến lại gần khúc hát, bước thẳng ngay vào lời gửi gắm của Cõi Âm.

Giọng ma đứt phựt. Một ngôi chùa hoang sừng sững mọc ra. Ngay bên đường. Như đón như chờ gã si tình nhỏ tuổi.

Lương sinh lúc ấy mệt mỏi quá. Ngẩng lên: vầng nguyệt xế về tây nhiều rồi. Trời vẩn những mây, nặng những sương. Tinh tú chỉ còn lờ mờ, phảng phất.

Chàng nghĩ thầm: “Hay mình ngồi nghỉ chân một chút ở bậc thềm rêu phủ kia? Đợi cho ngày rạng sẽ lại đi cũng được!”.

Nghĩ rồi, làm ngay...

Nói cho đúng hơn, việc làm và ý nghĩ đều tức khắc. Dễ gì phân biệt trước với sau!

Tới khi cánh cửa bên hữu của ngôi chùa hé mở, để lộ ra một mái tóc bồng bềnh và một tà áo gợn sóng, thì... chàng họ Lương ấp Bạch Bích đã gục đầu xuống cánh tay ngủ được nửa giấc rồi.

Cô gái bước ra, “gót sen” lãng đãng, người nhẹ như chiếc lá vèo phới đến bên cạnh chàng. Giọng xa xôi, thắm thiết:

- Chàng đợi sáng, nhưng còn lâu, chàng ạ!...

Lương sinh ngơ ngác nhìn lên, chưa kịp đứng dậy thi lễ thì nàng đã dịu dàng nói tiếp:

- Chính em đây. Chính người có diễm phúc được chàng để bụng thương và cất công tìm!

Lương sinh lúc đó mới tỉnh hẳn. Là đây, người trong mộng bấy lâu! Lại là đây người có lưng áo vẽ cây mai thướt tha trước mắt ở bãi Phương Thảo vừa rồi! Chẳng biết vũ trụ có đủ dài lâu để nhập vào một phút tế ngộ?

Những lời chàng nói đẹp như Thơ. Và khóe mắt nàng say như Rượu...

- Thế mà thấm thoát mười năm!...

- Ồ, lạ nhỉ! Em là “con bé Anh Nương” hồi ấy thật đó sao?

- Em có khác đi nhiều ư?... Anh thì em trông vẫn thế. Nhất là tâm hồn anh. Trong trắng... ngây thơ... Quên sao được chứ!

- Từ đâu em tới vậy?... Đêm vắng, rừng hoang!

- Biết có bạn đi tìm nên phải ra đón... Vả chăng nhà em cũng gần đây thôi. Bên kia dải suối - chỗ lửa sáng lập lòe sau bức mành dương liễu – chính nơi mẹ già mới di cư. Một mẹ, một con, một đứa hầu gái... tịch liêu lắm, anh ạ!

Lương sinh nhìn ra phía ngón tay nàng trỏ, thì – lạ thay! – có lửa sáng thật! Vậy mà lúc nẫy chàng đã giương mắt nhìn khắp bốn phía chỉ thấy rừng và rừng, um tùm...

Câu chuyện lạ lùng của hai tâm hồn – từ lúc này trở đi – chỉ là một điệp khúc, huyền hoặc mà rất quen thuộc, của bản đàn Ân Ái ngàn xưa.

Chàng họ Lương, quá đỗi say mê, chẳng nhận thấy vòng tay mình đang ôm cả một khối băng tuyết.

Trăng lặn...

Tiếng hát lại nổi lên. Như ở dưới đất trổi dậy. Như từ trong chùa vọng ra...

Đời sau kiếp trước cũng là duyên
Thương nhớ trần gian động Cửu Tuyền
Ai biết xương khô còn ấm lạnh
Mà hay địa phủ cũng Đào Nguyên...
Bể sâu kìa lúc trăng lên
Hồn ai Tinh Vệ níu thuyền chưa tan
Riêng đây chùa vắng canh tàn
Không Gian hỗn hợp Thời Gian đại đồng...


Giữa những tiếng mưa mây rơi rụng trong đêm mờ, giọng hát tê tái kia đã có hiệu lực của một tiếng gà gáy.

Lương sinh chợt thấy lạnh ở sau lưng, không thể không quay đầu lại nhìn vào chùa được.

Cánh cửa lớn tự mở. Gió bên trong thổi ra, buốt tận xương tủy. Ngửi thì có mùi tanh, khét... lẫn lộn với hương, phấn, lan, xạ, quế, trầm... Nghe kỹ thì có tiếng khóc nức nở, ray rứt, gián đoạn bởi những trận cười mê tơi.

Chàng liên tưởng ngay đến giọng nỉ non của người đẹp trong vòng tay mình. Nhưng khi nhìn lại, nàng đã biến đâu mất.

Gió từ trong chùa thổi ra càng rùng rợn, nặng nề...

Lương sinh chú mục nhìn vào. Trời hỡi!... ba chiếc quan tài kê dọc đang nằm say ngủ, hơi thở chập chờn, giữa một bất động tuyệt đối của gỗ, của ngói... và của đất – của Trái Đất thì đúng hơn! – Chàng hiểu hết trong chớp mắt: Thảo nào trận gió có mùi tanh!

Và chàng đánh bạo đứng lên, tiến một bước... một bước nữa. Trong cái nửa-sáng-nửa-tối do dự như một vùng khói loãng chưa biết phải tan về đâu, chiếc quan tài phía hữu đột nhiên cựa mình. Có tiếng thở dài thoát ra từ những thớ gỗ...

Ai nằm trong đó? Gã họ Lương dầu si ngốc đến đâu cũng đoán mà biết được rồi. Đúng hơn, chàng đã cảm thông bằng linh giác. Sự thật hiển hiện ra, như một vật cụ thể: lưỡi dao bén cắt lìa mối tơ vương!

Thôi rồi, Âm Dương cách biệt... Sau đêm nay, đời chàng sẽ là Hư Vô!

Không chịu nổi ý nghĩ ấy, chàng lảo đảo lùi ra, ngước nhìn quanh, tìm một cành cây để tự treo cổ.

Phải rồi! Muốn sum họp dài lâu, chỉ còn có cách ấy thôi!

Bóng đêm tan dần. Phút lê minh đã điểm. Không gian tối sầm xuống như dưới mồ sâu.

Từ đám sương khói phía sau ngôi chùa, một đốm hào quang bất ngờ hiện hữu, tỏa rộng ra thành vòng tròn với Anh Nương ở chính giữa. Khóe mắt làn môi vẫn như cũ, nhưng một họa sư nào đã phả lên đó một màu hồng. Khóm cỏ bồ trên vạt áo cũng bừng thức rung rinh, hơi thở của hòn đá loang ra, ấm ngát.

Màu áo bây giờ khác hẳn. Đó là màu tươi Hy Vọng, màu Bình Minh của vũ trụ ban sơ...

Lương sinh đang sửa soạn chui đầu vào chiếc thòng lọng bằng dây lưng, thì một giọng quen thuộc cất lên, nũng nịu, van vỉ:

- Chờ nhau chút đã, anh!

Không ngạc nhiên gì hết, chàng thở dài:

- Em đón anh cùng về Địa Phủ đó sao?

- Địa Phủ lạnh lắm! Hôm nay em theo anh trở lại Dương Trần cơ! Anh vẫn không tin hử? Trời ơi, cõi Âm đã vừa bị cướp mất em rồi. Mối tình si của anh đã thắng được Luân Hồi! Anh hãy đặt bàn tay vào má này xem... Có phải ngọn lửa Sinh Khí đã nóng rực?

Lương sinh làm theo lời. Mừng quá, không thốt ra được thành tiếng. Anh Nương thì líu lo kể lể bên tai chàng:

- Năm ngoái, cũng đêm rằm tháng giêng, em cùng mẹ già và đứa hầu gái lênh đênh trên con sông gần đây. Bão nổi. Thuyền đắm... Xác vướng trong khoang thuyền, chẳng chịu giạt trôi. Người ta vớt lên, làm phúc khâm liệm cho, và đem quàn tạm ở chùa. Họ hàng thưa thớt, chả có ai đứng ra chôn cất... Mãi đến bây giờ, nắm xương còn bi phẫn. Và riêng em, hồn trinh bạch chưa thể tiêu tan... Đêm nay, sau lúc đón nhận mối tình thiêng liêng của anh trọn gửi, da thịt em dần ấm lại từng mảng, và phút này sợi ly hồn lưu lạc bấy lâu đã trọn vẹn trở về được nơi nương náu thuở tiền sinh rồi!...

Nàng còn nói nữa. Nói rất nhiều. Ôi, những lời tràn ngập hạnh phúc của một hồn ma gặp cơ duyên quay lại được nẻo dương thế!

Gã họ Đổng, khi tan hội Hoa Đăng, bỗng hối hận về việc mình đã quá “đùa nhả” đứa bạn nhỏ tuổi của mình. Đêm khuya, rừng rậm... anh chàng họ Lương nhút nhát ấy dễ thường chết vì sợ mất thôi! Gã lo lắng cho Lương, bèn cũng dấn thân vào đêm dài. Cũng vượt qua bốn dặm.

Tới nơi, trời đã hẩng sáng. Gã ngạc nhiên xiết bao. Trên bậc thềm rêu xanh biếc, một cặp uyên ương đang quấn lấy nhau tình tự, quên đời...

Còn mãi trố mắt nhìn, thì... ô kìa! từ đàng xa, một lão tiều phu vác rìu đi tới.

Lão này, với khu rừng này vốn rất quen thuộc, đêm đêm vẫn nghe văng vẳng giọng ma hát như khóc, hoặc tiếng ma khóc như trút suối cười hôn mê. Lại cũng bắt chợt được quay cuồng trong gió lạnh những bóng đứt nối lờ mờ y xiêm... Lão chẳng phải là kẻ “có tình” như Lương sinh, nên chỉ thấy ghê sợ, mấy lần đã toan lìa bỏ khu rừng.

Tất nhiên lão phải bạt vía khi nhìn thấy Anh Nương ngồi lơi lả trước của chùa với một chàng thư sinh mà lão đoán rằng đêm qua rượu say lạc bước... và phút này thì ranh giới Sống Chết đã ở sau lưng khá xa rồi!

Lão run lên cầm cập, ném rìu bỏ chạy, miệng thều thào:

- Ma! Ma hiện giữa ban ngày! Chết! Chết mất!

Họ Đổng nghe thoáng câu “ma hiện” cũng hồn phách lên mây, há hốc miệng cắm cổ chạy ngược trở lại, chỉ sợ “nó” đuổi đằng sau...

Đợi cho hai kẻ phàm tục xéo đi xa rồi, Anh Nương mới lăn vào lòng người yêu mà cười ngặt nghẽo, tiếng cười lanh lảnh ròn tan. Bốn phía rừng sâu phụ họa ngây ngất.

Gã si tình cúi xuống cặp má hồng hạnh, buông lửng một câu triết lý của Liêu Trai:

- Bọn thế nhân tâm trí mờ ám vì danh vì lợi, có hiểu gì cái lẽ “Cảm Thông”! Họ sáng mắt nhưng cũng chẳng khác chi đui mù vậy.

Cô-gái-ma ngừng cơn cười, ngước mặt lên hỏi một câu ngây thơ vô hạn:

- Hay chính bọn họ mới là “ma” đấy, hử anh?


(Trong
Loạn trung bút)