Ðọc mấy lời trên bìa sau, hiểu ý tác giả khi viết sách là muốn cung cấp thật nhiều thông tin cho độc giả yêu văn chương, nhằm giúp họ có cơ sở rộng rãi mà nhận định tình hình văn nghệ cho đúng đắn.

Nghe thêm thông tin, hẳn lắm người ngần ngại. Ngày ngày, đêm đêm, đủ thứ thông tin đua nhau ào ào lên Liên mạng, bộ chưa đủ hay sao?

Tin nhiều thật, nhưng có tin và tin. Bất cứ lúc nào tin có ích cũng là thiểu số. Ðã thiểu số, lại hay bị người đọc... kỳ thị!

Ông Trần cung cấp thứ tin có ích. Ái ngại cho ông xong, cho người khác xong, không khỏi ái ngại luôn cho (...)!

(Thu Tứ)



Trần Hữu Thục, “Xin hãy lấy thông tin”



Trong thời đại toàn cầu hóa và bùng nổ thông tin khó thể đảo ngược hiện nay, thông tin càng ngày càng quan trọng hơn bản thân một lý thuyết hay một lập trường có sẵn. Hay nói một cách khác, một quan điểm thích hợp không thể xuất phát từ tưởng tượng hay ước muốn chủ quan hay từ một định kiến lâu đời mà nhất thiết phải xuất phát từ việc cập nhật hóa, nắm vững và tổ chức các thông tin một cách hợp lý. Ðiều này xác đáng trên nhiều lãnh vực, kể cả lãnh vực văn chương. Trong ý hướng đó, mục đích của cuốn sách này khá đơn giản: mang lại cho các độc giả yêu văn chương càng nhiều thông tin càng tốt về một số tác giả và tác phẩm nổi tiếng của Việt Nam cũng như trên thế giới (...) Sử dụng thông tin như thế nào là việc của mỗi một cá nhân, trong hoàn cảnh và nhận thức riêng của từng người.


(Trần Hữu Thục,
Tác giả, tác phẩm và sự kiện, nxb. Văn Mới, Mỹ, 2005, trên bìa sau)





_______________________________
Nhan đề do người chọn tạm đặt.