Nội dung bài giáo có thể tóm tắt bằng câu “Nam nữ khiêu hành cảnh tượng”. Ý rằng trai gái làm gương cho lúa nó bắt chước mà sinh sôi nẩy nở thật nhiều.

Nội dung Việt thuần túy, mà dùng lắm chữ Tàu. Đã thế, lại còn bịa “lệnh vua”! Vua ta “mất gốc” từ lâu, xem những trò diễn phồn thực là “dâm phong”, làm gì có chuyện vua ra lệnh “cầm kén giao lên”. Vua kỵ kén nhưng nể làng (“phép vua thua…”), nên làng cứ diễn trò. Nhưng làng cũng nể vua, nên mới bịa chuyện “vâng lệnh vua”.

“Kể cực phẩm nhân gian khoái lạc”! Làm cái việc giúp sinh sôi, có phải là miễn cưỡng đâu. À, kén “chày kình” thì dễ hiểu, còn kén “mo đài” nó trông ra sao nhỉ?
(Thu Tứ)



VVHDG, “Bài giáo kén Dị Nậu”




Hội làng Dị Nậu (huyện Tam Thanh, tỉnh Vĩnh Phú) mở ngày 4 tháng giêng, kéo dài đến ngày 6 tháng giêng. Trong các “trò” diễn của hội, nổi bật nhất là trò “cướp kén”. “Kén” tượng trưng cho sinh thực khí nam, nữ, làm bằng gỗ và mo cau. Mỗi cặp kén nam - nữ là một “bộ”; có tất cả 36 bộ. Khi diễn trò, một cụ già sẽ dõng dạc đọc bài “giáo kén”, xong tung 36 bộ kén cho trai gái làng xúm lại cướp.

Sau đây là một bài “giáo kén” trong trò cướp kén Dị Nậu:

“Trình các quý quan, lẳng lặng mà nghe
             Tôi xin giáo kén
             Đệ niên thường lệ
             Mồng bốn tháng giêng
             Chư vị đại vương
             Giá ngự đình tiền
             Thính văn ca võ
             Sĩ, nông, công, cổ
             Trưởng án đăng thọ việc xuân
             Đại phú quý khang vinh
             Nam nữ khiêu hành cảnh tượng
             Sĩ ta nay học bài thi đỗ
             Chiếm bảng khôi khoa
             Nông ta nay thóc lúa đầy nhà
             Gia công nhàn túc
             Công ta nay cầm cân nảy mực
             Hưởng lộc vạn niên
             Thương ta nay mua trăm bán nghìn
             Dư tiền dư bạc
             Ấy là kẻ tứ dân hàm lạc
             Kén năm nay thanh tân, đài các
             Rước kén vào bái bẩm đại vương

             Giáng phúc cho già trẻ bình an
             Giai gái được tam tàng bảo giá
             Lão tôi nay con nhà Thần hạ
             Vâng lệnh vua cầm kén giao lên
             Thượng, hạ đôi bên ai ai cùng lòng ao ước
             Lục thao tam lược
             Kén khoe tài kén chẳng nhường ai
             Kén “chày kình” đối với kén “mo đài”
             Kể cực phẩm nhân gian khoái lạc
             Ai mà cướp được con kén chày kình
             Ấy thực nam sinh công hầu bá tước
             Ai mà cướp được con kén mo đài
             Ấy thực nữ tài cung phi hoàng hậu
             Con con cháu cháu
             Tử thịnh tôn đa
             Ấy thực dân ta thịnh dân, thịnh vật”.


(Lê Trung Vũ (chủ biên), Phan Đăng Nhật, Ngô Đức Thịnh, Nguyễn Xuân Kính, Lê Văn Kỳ,
Lễ hội cổ truyền, nxb. Khoa Học Xã Hội, 1992. Những chỗ in đỏ là do người trích.)