Thế thì đây là một cuộc “đại cản” chứ không phải đại phá. Cái “đê Lý Thường Kiệt” “cao như bức thành”, dài đến tận Tam Đảo, nay có còn chút vết tích gì không? Đến năm 1164 Tàu mới thừa nhận nước ta, nhưng gọi bằng cái tên cũ là “An Nam” (phía Nam đã bình định). Mặc kệ Tàu chứ. Ngay từ thời Đinh Bộ Lĩnh, nước ta đã xưng là Đại Việt và vua ta xưng hoàng đế ngang với vua Tàu. (Thu Tứ)



“Lý Thường Kiệt chặn quân Tống”

Đào Duy Anh




Biết thế nào quân Tống cũng tiến công, nhà Lý hết sức phòng bị. Theo lời chiếu của vua Tống về việc đánh nước ta thì Lý Thường Kiệt ngày ngày sai tụ tập binh lính để tập trận. Lý Thường Kiệt lại thả nhiều gián điệp vào đất Tống để dò thăm tin tức. Một mặt khác thì cho bọn quân dân Tống bị bắt vào ở đất Nghệ An xa biên thùy để chúng không liên lạc với lực lượng bên Tàu được.

Sau khi rút quân về nước, Lý Thường Kiệt lo sửa soạn ngay các phòng tuyến, nhận định rằng sông Cầu, từ Cao Bằng chảy đến Lục Đầu, họp với sông Bạch Đằng ra biển, là một cái hào sâu rộng che chở cả miền đồng bằng nước ta mà trung tâm điểm là Thăng Long, cho nên phòng tuyến chủ yếu phải đặt trên đường sông ấy. Để đối phó với thủy binh của giặc, Lý Thường Kiệt cho thủy binh ta đóng ở khúc sông Bạch Đằng và ở Vân Đồn. Để đối phó với bộ binh của giặc từ Ung Châu đến thì Lý Thường Kiệt sai đắp đê ở nam ngạn sông Cầu cao như bức thành, từ chân núi Nham Biền đến dải núi Tam Đảo.(1)

Đầu năm 1076, nhà Tống sai Quách Quì và Triệu Tiết đem đại binh gồm 10 vạn người và 1 vạn ngựa sang xâm lược nước ta. Đầu năm 1077, quân giặc tự Tư Minh và Bằng Tường tiến vào. Các đạo quân ta đóng giữ các ải ở miền Lạng châu bị đánh bại cả. Các đạo quân Tống tiến đến đóng ở bắc ngạn sông Cầu. Quách Quì sửa soạn qua sông Như Nguyệt để vào Thăng Long. Đại quân ta thì đã rút lui về phía nam sông Cầu, bố phòng rất chu đáo.

Chiến thuyền của giặc không vào được nội địa, quân giặc không có thuyền qua sông, phải làm cầu phao ở khoảng bến đò Như Nguyệt. Quân ta tiến công ngăn lại. Tướng tiên phong của giặc là Vương Tiến đã đem quân qua sông, lại sợ quân ta nhân có cầu phao qua được bắc ngạn nên vội cho cắt cầu phao. Thế là quân giặc bị đứt. Quách Quì phải hạ lệnh thu quân về bắc ngạn. Trong trận Như Nguyệt, Lý Thường Kiệt đã dùng bài thơ: “Nam quốc sơn hà nam đế cư...” để cổ võ tướng sĩ.

Sau cuộc thất bại lớn ấy, Quách Quì đành phải đóng quân để chờ thủy binh. Chờ mãi không được, Quách Quì sai đóng bè cho quân qua sông, nhưng quân ta tự trên bờ đê cao đánh xuống, quân giặc thua to. Quách Quì lại phải tiếp tục chờ đợi.

Triệu Tiết sai binh sĩ vào rừng đốn cây làm máy bắn đá để bắn chiến thuyền của ta ở nam ngạn và để ngăn quân ta tiến công qua sông. Hai bên cầm cự nhau được một tháng thì Quách Quì nghe báo rằng khúc sông Khao Túc (có lẽ là khúc sông kề phía đông nam núi Nham Biền) dễ sang nên định cho quân qua sông ở đó. Lý Thường Kiệt phái tướng đem chiến thuyền đón đánh không cho quân giặc qua sông. Nhưng trong trận ấy, tướng sĩ của ta nhiều người tử trận.(2)

Trong cuộc cầm cự lâu ngày, quân ta ngăn cản được không cho quân giặc qua sông, nhưng cũng hao tổn nhiều, chưa có thể mong thu thắng lợi được. Quân giặc thì cũng đã tổn hại nặng nề (chết hơn 5 vạn quân, 8 vạn phu và hơn 5 nghìn ngựa) vì chiến trận và bệnh tật, nên rất chán nản. Lý Thường Kiệt bèn lập kế hưu binh và nghĩ rằng quân giặc nay đã mỏi mệt, hễ chúng rút về thì quân ta có thể theo ngay mà thu lại những đất đã mất. Lý Thường Kiệt bèn sai sứ sang dinh Quách Quì đề nghị giảng hòa, nước ta sẽ giữ lễ triều cống. Vì quân Tống đã thất bại nhiều, lại lâm vào nạn thiếu thốn lương thực, Quách Quì nhận lời ngay và xin vua Tống cho rút quân. Nhà Lý chịu nhường những đất đã bị quân Tống chiếm là: châu Quảng Nguyên (huyện Quảng Nguyên, Cao Bằng), châu Tư Lang (Thượng và Hạ Lang, Cao Bằng), châu Tô Mậu (vùng Na Dương, Đình Lập và An Châu, thuộc Cao Bằng), huyện Quang Lang (Ôn Châu, thuộc Lạng Sơn). Nhưng khi quân Tống rút lui thì quân ta theo sau và giải phóng các châu huyện Quang Lang, Tô Mậu và Tư Lang.

Năm 1078, nhà Lý sai sứ sang biếu nhà Tống 10 con voi và xin Tống trả lại các đất đã chiếm. Vua nhà Tống đòi nhà Lý trả lại những dân ba châu Ung Khâm Liêm bị quân ta bắt trước kia. Năm sau nhà Lý chỉ giao trả 211 người, đàn ông từ 15 tuổi trở lên thì đều thích trên trán ba chữ “Thiên tử quân” (đã bị sung quân), từ 20 tuổi trở lên thì thích ba chữ “Đầu Nam triều”. Đàn bà thì hai cánh tay đều thích hai chữ “Quan khách” (đã sung làm tỳ thiếp nhà quan).

Năm sau, nhà Tống trả lại đất Quảng Nguyên. Từ đó nhà Lý và nhà Tống lại thông sứ như cũ. Nhưng nhà Lý vẫn kiên trì cuộc bang giao để đòi lại những đất Vật Dương và Vật Ác mất vào nước Tống trước kia. Từ năm 1082 đến năm 1088, vua Lý cử đến 5 phái đoàn sang Trung Quốc dùng hết lời lẽ biện bạch để đòi. Nhưng nhà Tống vẫn khăng khăng không chịu. Bấy giờ thì triều đình nhà Lý đã bắt đầu suy cho nên chính sách biên cương không được cương quyết nữa. Nhà Tống cũng suy, chỉ sợ nhà Lý sinh sự nên đặt thêm binh phòng thủ chứ cũng không dám dòm ngó đất của ta nữa. Thế là trải mấy chục năm đấu tranh vừa bằng quân sự vừa bằng chính trị, biên giới phía bắc nước ta đã được ổn định.

Năm 1087, nhà Tống phong cho Lý Càn Đức làm Nam Bình vương, nhưng mãi đến năm 1164 (đời Thiên Tường) nhà Tống mới chịu bỏ tên Giao Chỉ quận và gọi nước ta là An Nam quốc và phong cho vua Lý làm An Nam quốc vương, tức thừa nhận nước ta là một nước tự chủ.

(Trích Đào Duy Anh, Lịch sử Việt Nam, nxb. Văn Hóa – Thông Tin. VN, 2002. Sách này viết lần đầu năm 1949, in dưới tên Việt Nam lịch sử giáo trình, viết lại năm 1952, lại viết lại năm 1954, xuất bản dưới tên LSVN năm 1955, đến năm 1957 tái bản sau khi sửa chữa bổ khuyết. Tức sách đã được viết đi viết lại tới bốn lần!)












____________
(1) Theo sách
Lý Thường Kiệt II của Hoàng Xuân Hãn.
(2) Xem trên.