Dọc đường, “những là lạ nước lạ non”… Tới nơi, Kiều được lạ những cái khác. Nhà đây: “Giữa thì hương án hẳn hoi / Trên treo một tượng trắng đôi lông mày”. Chủ nhà thì khấn khứa: “… Muôn nghìn người thấy cũng yêu / (…) / Đưa người cửa trước rước người cửa sau!” Tuy “nghe chửa biết (chắc) đâu”, nhưng Kiều cảm thấy ngay “cũng những màu dở dang” đã thấy bên mình từ ngày theo “chồng”. Sự thực tàn nhẫn liền đó phơi bày: “Dạy rằng con lạy mẹ đây / Lạy rồi sang lạy cậu mày bên kia”. Người ngồi bên kia là Mã Giám Sinh! Kiều vừa chết điếng biết đúng đã bị lừa, thì Tú bà chửi vô cùng oan ức rồi giật roi da sấn tới chực quất “cho biết phép tao”. “Thôi thì thôi có tiếc gì! / Sẵn dao tay áo tức thì giở ra”, Kiều quả quyết tự kết liễu đời mình. Nhưng “người dù muốn quyết trời nào đã cho!”!

(Thu Tứ)



Nguyễn Du, Truyện Kiều (câu 919-1000)



Những là lạ nước lạ non,
Lâm Truy vừa một tháng tròn tới nơi. (920)
Xe châu dừng bánh cửa ngoài,
Rèm trong đã thấy một người bước ra.
Thoắt trông nhờn nhợt màu da,
Ăn gì cao lớn đẫy đà làm sao!
Trước xe lơi lả han chào, (925)
Vâng lời, nàng mới bước vào tận nơi.
Bên thì mấy ả mày ngài,
Bên thì ngồi bốn năm người làng chơi.
Giữa thì hương án hẳn hoi,
Trên treo một tượng trắng đôi lông mày. (930)
Lầu xanh quen lối xưa nay,
Nghề này thì lấy ông này tiên sư.
Hương hoa hôm sớm phụng thờ,
Cô nào xấu vía có thưa mối hàng.
Cởi xiêm trút áo sỗ sàng, (935)
Trước thần sẽ nguyện mảnh hương lầm dầm.
Ðổi hoa lót xuống chiếu nằm,
Bướm ong bay lại ầm ầm tứ vi!
Kiều còn ngơ ngẩn biết gì,
Cứ lời lạy xuống mụ thì khấn ngay: (940)
“Cửa hàng buôn bán cho may,
Ðêm đêm hàn thực ngày ngày nguyên tiêu.
Muôn nghìn người thấy cũng yêu,
Xôn xao anh yến dập dìu trúc mai!
Tin nhạn vẩn lá thư bài, (945)
Ðưa người cửa trước rước người cửa sau!”
Lạ tai nghe chửa biết đâu,
Xem tình ra cũng những màu dở dang.
Lễ xong hương hỏa gia đường,
Tú bà vắt nóc lên giường ngồi ngay. (950)
Dạy rằng: “Con lạy mẹ đây,
Lạy rồi sang lạy cậu mày bên kia.”
Nàng rằng: “Phải bước lưu ly,
Phận hèn vâng đã cam bề tiểu tinh.
Ðiều đâu lấy yến làm anh, (955)
Ngây thơ chẳng biết là danh phận gì?
Ðủ điều nạp thái vu quy,
Ðã khi chung chạ lại khi đứng ngồi.
Giờ ra thay bậc đổi ngôi,
Dám xin gởi lại một lời cho minh.” (960)
Mụ nghe nàng nói hay tình,
Bây giờ mới nổi tam bành mụ lên:
“Này này sự đã quả nhiên,
Thôi đà cướp sống của min đi rồi!
Bảo rằng đi dạo lấy người, (965)
Ðem về rước khách kiếm lời mà ăn.
Tuồng vô nghĩa ở bất nhân,
Buồn mình trước đã tần mần thử chơi.
Màu hồ đã mất đi rồi,
Thôi thôi vốn liếng đi đời nhà ma! (970)
Con kia đã bán cho ta,
Nhập gia, phải cứ phép nhà tao đây!
Lão kia có giở bài bây,
Chẳng văng vào mặt mà mày lại nghe!
Cớ sao chịu trót một bề, (975)
Gái tơ mà đã ngứa nghề sớm sao!
Phải làm cho biết phép tao!”
Giật bì tiên rắp sấn vào ra tay.
Nàng rằng: “Trời thẳm đất dày!
Thân này đã bỏ những ngày ra đi! (980)
Thôi thì thôi có tiếc gì!”
Sẵn dao tay áo tức thì giở ra.
Sợ gan nát ngọc liều hoa,
Mụ còn trông mặt nàng đà quá tay.
Thương ôi, tài sắc bậc này, (985)
Một dao oan nghiệp dứt dây phong trần!
Nỗi oan vỡ lở xa gần,
Trong nhà người chật một lần như nêm.
Nàng thì bằn bặt giấc tiên,
Mụ thì cầm cập mặt nhìn hồn bay. (990)
Vực nàng vào chốn hiên tây,
Cắt người coi sóc rước thầy thuốc men.
Nào hay chưa hết trần duyên,
Trong mê dường đã đứng bên một nàng.
Rỉ rằng: “Nhân quả dở dang, (995)
Ðã toan trốn nợ đoạn trường được sao!
Số còn nặng nghiệp má đào,
Người dù muốn quyết trời nào đã cho!
Hãy xin hết kiếp liễu bồ,
Sông Tiền Ðường sẽ hẹn hò về sau.”


(
Truyện Kiều, nxb. Ðại Học Và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, 1973)