Quan họ dĩ nhiên có giá trị văn hóa cao. Nhưng giá trị động viên tinh thần bộ đội thì tùy bài tùy lúc. Cũng như nhạc Văn Cao, phải tùy lúc mà chọn “Tiến quân ca” hay “Buồn tàn thu”… (TT)



Hoàng Cầm, “Quan họ mừng chiến thắng” (2)




- Trước hết, tôi thành thực xin lỗi các đồng chí cấp trên ở Tổng cục, xin lỗi đồng chí Nguyễn Chi Thanh, xin lỗi đoàn Văn công và đồng chí Hoàng Cầm, về thái độ của một số anh em chúng tôi tối hôm qua. Đó là do chúng tôi quá nóng nảy và hấp tấp. Nhất là tôi từ 15 tuổi đã theo cách mạng, 17 tuổi đi đánh trận, cứ liên miên trận mạc, rồi kiểm điểm, rồi luyện tập, rồi chỉnh huấn, chỉnh quân, tôi chưa hề thấy một đoàn văn công to nhỏ nào hát những lời như thế bao giờ. Quanh năm, tôi chỉ lo sao cho trận nào mình chỉ huy cũng phải thắng. Cấp dưới mà có anh nào lơ là, nhớ nhà, nhớ vợ con, là tôi “chỉnh” ngay, có khi đuổi ra khỏi đơn vị. Vì quen cái tính cứng nhắc ấy, nên tôi mới quát to lên lúc tối qua, thành ra có lỗi.

Đến đây, anh Thái Dũng cao giọng:

- Nhưng, còn về tư tưởng, tôi vẫn giữ nguyên những ý nghĩ của mình. Tuy màn quan họ do văn công biểu diễn về cả nhạc điệu và lời hát đúng là dân ca xưa, nhưng đưa ra biểu diễn lúc này, khi mà Chủ tịch Nước vừa nhắc nhở toàn quân, toàn dân rằng chiến thắng Điện Biên mới chỉ là bước đầu, chúng ta phải sẵn sàng tiếp tục gian khổ chiến đấu cho đến thắng lợi cuối cùng là giải phóng toàn quốc, thì cái màn hát đó chỉ có một tác dụng duy nhất là giảm ý chí chiến đấu của quân đội. Thì rõ ràng là những lời tỏ tình quá thô lỗ: “yêu nhau cởi áo cho nhau”, rồi con gái chờ con giai về đêm, “nửa chăn nửa chiếu nửa giường để đó chờ ai”! Thật là như xúi giục chuyện trai gái nhảm nhí. Tôi chắc chắn anh Hoàng Cầm không muốn cho bộ đội ta sa sút tinh thần. Nhưng màn hát này, hiện nay, không thể dùng được. Báo cáo, hết ý kiến!

Liền khi anh Thái Dũng ngồi xuống, một tràng pháo tay đồng tình nổi lên. Có hàng chục cánh tay giơ lên. Anh Nguyễn Chí Thanh chỉ định, thế là liên tục đến gần chục người phát biểu, mở rộng hoặc nhấn mạnh ý kiến của Thái Dũng. Tôi thấy anh Thanh mặt vẫn tươi như hoa. Xem chừng những ý kiến phản đối đã vãn, anh Thanh nói:

- Có ai có ý kiến gì khác nữa không, chứ có mấy ông cứ nhắc đi nhắc lại cái ý của ông Thái Dũng, nghe đã đủ rõ rồi.

Một lát im lặng. Anh Thanh lại lên tiếng:

- Vậy mời anh Lê Quang Đạo, Cục Tuyên huấn.

Anh Đạo đứng lên, từ tốn:

- Nói như các anh vừa rồi, bắt đầu từ ý kiến anh Thái Dũng, cũng có phần quá đáng. Bộ đội ta không dễ sa sút tinh thần thế đâu. Nhưng, anh Hoàng Cầm chưa thông qua tôi, đã cho đem diễn, kể ra là sai nguyên tắc đấy anh Hoàng Cầm ạ. Tuy nhiên tôi nghĩ ta có thể xem màn diễn tối hôm qua như một cuộc ra mắt nội bộ, vừa để ôn tập vừa để duyệt, như thế hóa ra cũng hay. Về ý kiến mà một số đồng chí vừa phát biểu, tôi cho là đúng về căn bản. Mới chiến thắng bước đầu, từ nay đến giải phóng cả nước, thời gian có thể còn dài. Biết đâu còn phải vài ba cái Điện Biên nữa, ta mới hoàn toàn thắng lợi. Bộ đội vẫn phải cầm chắc tay súng, không nên để những tình cảm lãng mạn làm lơi lỏng ý chí quyết chiến. Nghĩa là, nên vui với cái vốn cũ của dân tộc một chút thế thôi, còn diễn đại trà thì không nên.

Anh Thanh hỏi ngay:

- Ý kiến cá nhân anh Đạo hay là ý kiến của Tuyên huấn đấy?

Anh Đạo dè dặt đáp:

- Cũng mới là ý kiến cá nhân tôi thôi ạ.

Anh Thanh tiếp;

- Nào, thế có ai ủng hộ màn hát này không? Cứ nói thoải mái, không sợ kiểm điểm lập trường lập triếc gì đâu. Cả tôi đây, tí nữa, nếu tôi có nói gì, cũng chỉ là nhân danh cá nhân thôi, đừng ai nghĩ là ý của Chủ nhiệm Tổng cục vội. Cá nhân với cá nhân, bình đẳng bình quyền. Kìa, vừa ăn bánh kẹo vừa nói. Mới có 3 rưỡi, sớm chán. Ta có thể nói chuyện với nhau đến 5 giờ, 5 rưỡi.

Không khí vẫn trầm lặng. Bên ủng hộ mãi chưa thấy lên tiếng. Thiểu số đứt đuôi rồi. Không kể số anh em cầm sẵn phiếu trắng. Một lát, anh Thanh lại nói:

- Này, tôi hỏi mấy ông chính ủy và chính trị viên nhé. Trước mỗi chiến dịch, mỗi trận đánh lớn nhỏ, các ông thường động viên bộ đội thế nào nhỉ?

Thì có một anh, cứ ngồi tại chỗ, đáp lại có vẻ hơi ngang bướng. Hình như là một chính ủy trung đoàn:

- Báo cáo anh, cứ tuân theo tất cả các chỉ thị của Tổng cục và các Cục trực thuộc mà động viên.

Anh Thanh hỏi ngay:

- Các ông không có sáng kiến riêng gì à?

Đáp:

- Chả cần, vì các tài liệu Tổng cục gửi xuống đều rất tỉ mỉ và đầy đủ rồi.

Anh Thanh:

- Này các ông, tôi có thể nói ngay rằng Đảng cần những đảng viên có nhiều sáng kiến, nhiều cách thức riêng để động viên chính trị ở các đơn vị khác nhau chứ Đảng không cần đến những con người máy, bảo sao làm vậy đâu nhé!

“Sửa sai” xong, anh Thanh cười vui:

- Các ông ơi! Cứ giả dụ như tôi đây đang là học trò cấp 1 trường phổ thông, tôi xin các thầy chính ủy giảng cho “em” Tổ quốc là gì ạ?

Không khí trở lại thân tình, hân hoan. Có một giọng hơi đùa:

- Thế thì khác gì học trò đòi thầy giáo giảng tại sao một cộng một với một lại thành hai.

Anh Thanh cười lớn:

- Ấy thế mà giảng được cũng không dễ đâu nhé! Nào, ông nào nói trước đi. Em sẵn sàng nghe các thầy đây.

Bỗng có một người dáng mập và thấp, đứng bật lên giơ tay. Tôi nhìn kỹ, hóa ra anh Quyết Thắng, tham mưu trưởng Quân khu Việt Bắc. Anh nói ngay:

- Màn quan họ vừa rồi bắt nguồn từ nông dân miền trung du, tỉnh Bắc Ninh. Chỉ có hơn 20 phút cái màn hát này mà tôi thấy cả một vùng quê cổ kính, có văn hóa cao vào bậc nhất, văn hóa lâu đời, hiện lên qua tất cả những diễn viên có mặt ở đây. Thì tôi phải nói ngay: màn hát quan họ vừa rồi là Tổ quốc đấy! Mà dân tộc cũng ở trong bài hát ấy... Mà cả hạnh phúc cũng ở đấy. Yêu nhau mà được cởi áo cho nhau thì còn gì hạnh phúc bằng...

Có tiếng cười đồng tình. Không khí sôi động trở lại. Bật dậy một anh khác (hình như anh Văn Cương, chính trị viên một tiểu đoàn thuộc Liên khu Việt Bắc, anh này cũng quê ở Bắc Ninh như tôi):

- Đúng thế. Tổ quốc ta có quan họ, thì đẹp biết chừng nào, đáng yêu đáng quý đến chừng nào. Thế thì hát lên có 20 phút lọt vào giữa những sùng sục chiến đấu, những rộn rã của lượn, của xòe, của sạp, rồi tưng bừng chiến thắng thì tôi thấy nó rất hay. Chả hiểu các đồng chí nghĩ sao mà lại cho rằng nó có thể làm nhụt ý chí chiến đấu?

Lại một anh đứng lên, ngắt lời Văn Cương:

- Tôi nghĩ rằng ngược lại đấy, anh Thái Dũng ạ. Màn quan họ dĩ nhiên làm chiến sĩ nhớ nhà, bố mẹ, vợ con hoặc người yêu vụng dấu thầm còn gửi lại làng quê. Càng nhớ, họ càng căm thù giặc. Căm thù càng sâu, tinh thần chiến đấu càng cao. Nếu cho rằng chỉ mới thế này mà đã khiến họ mất tinh thần thì... xin lỗi anh Thái Dũng, anh xem thường nhân dân quá đấy.

Lại một anh nữa:

- Nói anh Thái Dũng bỏ quá cho, chứ bộ đội đã thừa thấy khói lửa, thừa nghe ùng oàng đùng đùng tạch tạch rồi, được lúc xem văn công lại chỉ thấy toàn bắn nhau, nghe toàn tiếng hô tiến lên, xung phong, thì nói gì họ, đến cả anh nữa, anh có phát ngấy lên không? Cho nên chúng tôi ủng hộ văn công diễn quan họ. Mà quan hệ thanh cao đấy, làm gì có chuyện nhảm nhí như anh Thái Dũng nói.

Đến lúc ấy thì tiếng vỗ tay nổi lên mạnh mẽ. Bỗng nhiên có một giọng nữ lanh lảnh cất lên. Tôi nhìn ra cuối sân, hóa ra chị Tý, một chị tổ trưởng nuôi quân ở văn phòng Tổng cục. Chị mới trên 30 tuổi, vợ một liệt sĩ:

- Em đề nghị anh Thanh cho văn công vào trại tù binh diễn cả cho thằng Đờ Cát-tơ-ri ấy nó xem, để nó biết người của đất nước chúng ta xinh đẹp duyên dáng thế nào, liệu bảo nhau cút ngay đi thôi!

Anh Thanh chạy đến bắt tay chị Tý trong lúc tất cả, kể cả anh Thái Dũng, vỗ tay rào rạt không muốn ngớt. (Anh Thái Dũng vỗ bàn tay phải nhè nhẹ lên ngực mình.)

Xem chừng đã đến lúc có thể kết luận, anh Nguyễn Chí Thanh đứng hẳn lên bậc thềm, nói:

- Tôi nghĩ các ông tranh luận thế này là rất thẳng thắn mà vẫn đầy tình đoàn kết với nhau, phải không ông Thái Dũng? Tối qua năm bảy ông hô đả đảo cái quan họ này chắc các ông chưa thể nghĩ rằng mình đã giơ quả đấm của cánh tay phải thụi ngay vào giữa ngực mình. Các ông nhiều gân cốt quá hay là mấy ông cố làm ra thế cho oai, để ra cái điều ta là anh hùng, là khí phách? Có cô gái đẹp dịu hiền, lướt qua trước mắt, lại quay ngoắt đi không thèm nhìn. Đã không nhìn, chưa biết cô gái đẹp là ai, có xấu tính xấu nết hay không, chưa chi gọi người ta là con đĩ! Ừ thì không mê mẩn cô ta, nhưng tại sao lại không nhìn, không thưởng thức cái nhan sắc trời phú cho cô ấy? – Các ông sợ cái đẹp nó quyến rũ mình à? - Ồ, nếu thế thì đâu phải là khí phách. Cứ kết bạn với gái đẹp, mà vẫn giữ được lòng mình không sa ngã thì mới hay chứ! Sao lại xua đuổi cái đẹp? Cá nhân Nguyễn Chí Thanh nghĩ: màn quan họ này (...) là cái vốn lâu năm của dân tộc (...) Vậy nên (...) chỗ nào là thô kệch, là nhố nhăng, tôi chắc các cụ ta hàng bao đời nay đã lọc đã gạn nó đi hết rồi. Còn lại là trong sáng, là cao quý (...) Nguyễn Du tả nàng Kiều tắm, mà hẳn là tắm trong trướng rủ màn che thì khỏa thân chứ gì? (cười) Mà có thô tục đâu? Cô Kiều tắm truồng, mà nhà thơ vẽ ra thành một bức tranh thanh tao, đẹp lồng lộng, ta được thưởng thức, vậy chắc ông Thái Dũng cũng không nỡ mắng Nguyễn Du (cười to), ông cũng không nỡ giằng lấy quyển Kiều trong tay con giai ông lúc nó đang đọc đến chỗ ấy chứ? (lại càng cười to) Đấy là ý kiến cá nhân Nguyễn Chí Thanh, chưa phải ý kiến của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Đồng chí nào phản đối mấy lời tôi vừa nói, xin cứ tự do, và tôi càng hoan nghênh... Mà sở dĩ tôi có được mấy ý kiến ấy là nhờ công giúp đỡ về kiến thức văn nghệ của nhiều anh chị em trong Tổng cục. Chứ hồi mới chỉ là một anh huyện ủy viên ở Bình Trị Thiên, tôi chưa có đủ hiểu biết (...)

Nhiều người đứng lên vỗ tay rất dài. Hơn chục diễn viên và tôi thì muốn ôm hôn ngay anh Thanh.

- Thế mà cũng gần 5 giờ rồi. Vậy anh Hoàng Cầm và các diễn viên có muốn nói gì nữa không?

Tôi đáp:

- Thưa đồng chí Chủ nhiệm Tổng cục, câu nói cuối cùng của chúng tôi, của cả đoàn văn công, là xin hết sức cố gắng trau dồi nghệ thuật dân tộc để phục vụ bộ đội tốt hơn nữa.

Gió chiều, nồm nam thổi mạnh hơn. Trời rất xanh, mây rất trắng bay tới tấp. Lá cờ hội đình càng gặp gió, càng lay động, nhịp nhàng với những niềm rung cảm mới mẻ trong lòng tôi lúc bấy giờ. Anh Thái Dũng đã xuống đến chân đồi. Tôi nhìn theo, thấy anh bước đi ung dung thư thái mà vẫn dũng mãnh, cái ống tay áo thõng thượt bên tay trái anh cứ như xoắn bay theo chiều gió...


("Màn quan họ mừng chiến thắng và đại tướng Nguyễn Chí Thanh", trong
99 góc nhìn văn hiến Việt Nam, nxb. Thông Tấn, 2006)