“Kiến” nằm trong từ điển. Phải là “con kiến”, mới bò ngoài sân. Phải là “cái kiến”, mới đáng tội nghiệp. Cái “phó” nó tạo hồn cho cái chính! (Thu Tứ)



Võ Phiến, “Rắc rối cái tiếng đứng trước”




Cái tiếng thường đứng trước mỗi danh từ trong Việt ngữ, tiếng ấy là cả một sự rắc rối. Có người gọi nó là “tiền danh từ” (Phan Khôi), có người gọi nó là “loại từ” (Trần Trọng Kim, Trương Văn Chình, Nguyễn Hiến Lê), có người gọi là “phó từ”, thậm chí có cả người xem nó là một bộ phận đặc biệt của danh từ kép...

Mà “nó” thì đâu phải chỉ có hai, ba hay mười, mười mấy tiếng? Trời ơi, ai mà biết được đông đảo tới chừng nào! Con sông, chiếc lá, hòn đất, nắm xương, mảnh áo, nấm mồ, sợi râu, nỗi lòng, cơn ghen, trận mưa v.v., biết sao mà kể cho hết.

Theo cách nói của đồng bào Ba Na, hai người đàn ông là “par nu drânglo”, hai đứa con là “par nu con”, còn hai cái nhà là “par to hnam”, hai con chim là “par to xem”... Trước danh từ chỉ người thì dùng nu, trước mọi thứ khác thì dùng to.

Ở đồng bào Ba Na có sự phân biệt một bên là người một bên không phải là người, ở dân tộc Pháp có sự chia biệt phía đực phía cái. Nhảm nhí thực, nhưng dù sao thật đơn giản. Và chắc chắn trên đời còn có những dân tộc xài loại từ một cách đơn giản hơn nữa.

Còn như ở dân tộc Việt Nam, có lẽ sự rắc rối đã tới mức tột cùng.

Sở dĩ như thế, trước hết là vì trong khi thiên hạ chỉ gọi tên sự vật thì người Việt lại nhằm mô tả sự vật luôn. Những loại từ giúp ta làm cái việc khó khăn mà đầy hứng thú ấy: thỏi sắt, hòn sỏi, viên phấn, tảng đá, đống rơm v.v., mỗi hình dạng, một “nó”.

Gọi là phó từ e không ổn: sự phân biệt tiếng chính với tiếng “phó” không nói lên được cái đặc điểm của Việt ngữ. Gọi là tiền danh từ cũng chẳng qua là chỉ định được vị trí của nó mà thôi. Còn gọi là loại từ thì mong nói đến chức năng, tuy nhiên nói mà thiếu sót biết bao!

Thật vậy, trong cây táo, cây mận, cây chuối, rắn lục, rắn hổ, rắn nước, cá mè, cá chép, cá rô v.v., những tiếng cây, rắn, cá quả có dùng chỉ từng loại. Nhưng trong trường hợp: mảnh đá, tảng đá, hòn đá, cục đá, khối đá, viên đá v.v. thì loại từ đâu có nhằm phân biệt các loại đá? Vượt quá sự phân biệt chủng loại, nó mô tả đến cả hình dạng của từng vật được gọi tên. Tham vọng của nó thật to.

Các nhà ngữ học quen với những tiếng le, tiếng la, tiếng the v.v., những tiếng vô vị ở Âu Mỹ, khi trở về gặp lại cái đám đông nghìn nghịt, thiên hình vạn trạng đứng trước các danh từ Việt ngữ, bèn đâm ra bối rối, không biết phải gọi nó bằng tên gì, xếp nó vào đâu, chia nó ra như thế nào...

Khó lắm thay: giữa những tiếng le, la đứng ngẩn ngơ vô tích sự, với những mảnh, khối, nỗi, niềm v.v. của chúng ta, những tiếng đứng bên cạnh để trao một dạng thái cho danh từ, đem lại cho danh từ một thần sắc riêng, biết so sánh thế nào đây?

Đối với chúng ta, loài người hay không phải loài người không phải là chuyện quan trọng, mà giống “đực” hay giống “cái” cũng không phải vấn đề đáng quan tâm. “Tiền danh từ” trong Việt ngữ không nhằm phân biệt những cái ấy.

Cùng một sinh vật, khi này ta gọi là con kiến, khi khác gọi là cái kiến. Ngược lại, vật vô tri vô giác có khi ta lại gọi bằng “con”: con tàu, con thuyền, con sóng, con bún v.v. Ở đây, chỉ cần chọn dùng “con” hay “cái” cho thích hợp, tiếng nói của chúng ta đã khiến được những vật nọ vật kia trở nên sống động, đã thổi được sinh khí vào những danh từ!

Thì xưa nay vẫn thế. Những biện luận trừu tượng, những công việc phân loại tinh vi nhất không bao giờ làm sống động sự vật được đề cập tới. Có làm sống động được chăng một cành cây trong bức tranh, một cánh bướm trong câu thơ, ấy là nhờ ở những ghi nhận của cảm quan người nghệ sĩ.

Cái tiếng đứng trước các danh từ Việt ngữ, nó thuộc về nghệ thuật.

Và nó cũng có liên hệ với tình cảm nữa.

Lão thợ rèn, gã thợ rèn, ông thợ rèn, bác thợ rèn v.v., tất cả đều là người thợ rèn. Nhưng mỗi người đặt trong một quan hệ tình cảm khác nhau đối với kẻ nói.

Trong đời sống, quanh ta có kẻ gần người xa, kẻ dưới người trên, kẻ thân người sơ, kẻ khinh người trọng v.v.; khi nói “một người thợ rèn” là đã có sự tách lìa nhân vật trừu tượng nọ ra khỏi mọi quan hệ gần xa, trên dưới, thân sơ, khinh trọng v.v. Chúng ta không hay làm cái công việc tách lìa ấy. Chúng ta không nói một cách “khách quan”. Chúng ta nói đến một người nào là đồng thời nói luôn cả cái tình cảm của mình đối với người ấy.

Thái độ ấy không khỏi làm ngỡ ngàng người ngoại cuộc. Hãy tưởng tượng cái tình cảnh khốn đốn của một người Pháp, người Anh học tiếng Việt, mỗi lần ậm è cân nhắc giữa những gã, lão, ông, bác v.v. để chọn lựa một tiếng thích hợp. Hễ động nói đến ai cũng phải khai trình minh bạch liên hệ tình cảm, sao mà khổ sở quá vậy? Ðó là điều bắt buộc không thể trốn thoát đối với những ai muốn nói tiếng Việt: điều bắt buộc do cha ông chúng ta kín đáo gửi vào qui luật vận dụng tiếng nói dân tộc. Ðiều bắt buộc đối với kẻ khác, nhưng đối với chúng ta thì không, nó đáp ứng một nhu cầu tình cảm khiến chúng ta chẳng những xoay xở hết sức dễ dàng thoải mái giữa bao nhiêu rắc rối mà thỉnh thoảng lại còn đặt thêm ra những tiếng mới để “bổ túc” cái rắc rối ấy.

Trong Việt ngữ, cái tiếng đứng trước danh từ đưa danh từ vào một thế giới tình cảm tế nhị.

Vì thế, dùng nó nhiều khi thật rắc rối. Nói “người ấy”, được; nói “con người ấy”, cũng được; mà nói “cái con người ấy” lại cũng được nữa. Ðược cả, đại khái cũng giống nhau cả, mà thật ra lại không giống hẳn nhau: mỗi chọn lựa đưa “người” vào một không khí tình cảm khác.

Cái thứ tiếng cho là phụ (phó từ), để chỉ loài (loại từ), đặt trước các danh từ (tiền danh từ), trong các ngôn ngữ khác có ở đâu mà được vậy chăng?


(Trích tiểu luận “Chúng ta qua tiếng nói”)