Kinh Bắc xưa là đất học của nước. Không đâu nhiều người đỗ đạt bằng, có làng đỗ đến mấy chục ông nghè. Nhưng chớ tưởng Kinh Bắc quá thấm nhuần Nho giáo, mất gốc Việt. Đây cũng chính là nơi mà một nét văn hóa Việt ngược hẳn với văn hóa Tàu đã tồn tại hết sức mạnh mẽ. “Gánh vác giang sơn nhà chồng” là dư vang tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn trọng nữ, là cái oai riêng của phụ nữ Việt mà đàn bà Tàu không hề có. “Mẹ tôi” tuy đã học chữ Hán khá lâu, bị tuyên truyền khá kỹ văn hóa phương bắc, nhưng đến khi lấy chồng vẫn cứ xông pha. (Làm đàn ông ở Thị Cầu, sướng thật. Làm chồng sướng, mà làm bố chồng cũng sướng: đánh xóc đĩa mất nhà, đã có con dâu lo tậu nhà khác!) (Thu Tứ)



“Mẹ tôi”

Toan Ánh




Mẹ tôi chỉ là một người đàn bà nhà quê miền Bắc (...) như muôn nghìn phụ nữ đồng quê khác, mẹ tôi (...) vất vả làm lụng, trọn đời hy sinh cho chồng con (...)

Ông ngoại tôi (...) ngày xưa là một người khá giả trong làng, có ruộng có vườn (...) (nhờ đó) mẹ tôi thời còn con gái cũng được đầy đủ hơn nhiều chúng bạn (...) lại được đi học Hán tự cho mãi tới năm mười lăm tuổi (...) Mẹ tôi là một cô học trò ngoan ngoãn thông minh, chữ đẹp lại văn bài làm tấn tới (...) Các cậu tôi (...) việc học hành (...) không được xuất sắc bằng mẹ tôi.

Tuy vậy (...) mẹ tôi vẫn phải lo đủ mọi công việc của một cô gái quê.

Hàng ngày, ngoài buổi học ở nhà cụ đồ, về nhà mẹ tôi luôn tay bận rộn. Nào thổi cơm, gánh nước, khâu vá, thêu thùa, dọn dẹp nhà cửa, quét tước sân vườn, chăn gà nuôi lợn. Việc lớn việc nhỏ, mẹ tôi đều phải làm rất chu đáo cẩn thận vì ông ngoại tôi rất nghiêm (...) Lại còn việc tắm rửa cho các em, còn đôi khi phải gánh ra chợ bán ngô khoai đậu sắn của ruộng vườn nhà (...)

Năm mười tám tuổi, mẹ tôi lấy thầy tôi.

Từ giã đời con gái (...) mẹ tôi (...) thêm trách nhiệm làm dâu và làm vợ.

“Lấy chồng gánh vác giang sơn nhà chồng”.

Đã lấy chồng (...) nhiều khi phải quán xuyến công việc cả gia đình nhà chồng. Các cô gái quê, bởi vậy mỗi khi ra ở riêng đều được cha mẹ cho chút vốn riêng, và ở trong những gia đình nghèo, các cô phải tự gây lấy chút vốn đó để phòng khi xuất giá (...)

Mẹ tôi (...) là (...) một cô gái quê làng Thị Cầu, tỉnh Bắc Ninh. Đàn bà con gái làng này, lấy chồng thường phải nuôi chồng, và khi bước chân về nhà chồng bao giờ các cô cũng phải nghĩ tới việc gánh vác giang sơn nhà chồng.

Khi lấy thầy tôi, mẹ tôi cũng có một chút vốn riêng và gánh hàng xén.

Nhà ông bà nội tôi hồi đó cũng vào bậc trung trong làng, có nhà ngói năm gian hai chái, có sân gạch, có vườn cao cây mít...

Lúc mới về làm dâu, mẹ tôi cũng không phải lo tới việc nhà chồng vì ông bà nội tôi cũng sung túc dư dật. Không những thế mẹ tôi cũng không phải vất vả lắm, vì mọi công việc trong nhà đã có các cô tôi làm nhiều. Mẹ tôi được yên tâm đi chợ, và thấy nhàn nhã hơn khi ở nhà (...)

Làm dâu được bốn tháng, bỗng một buổi sáng, ông nội tôi gọi mẹ tôi tới bảo:

- Nhà cả ạ, thầy có chuyện này cần nói cho con rõ. Con cũng biết nhà ta, so với trong làng cũng vào bậc giữa và thầy cũng là người được tín nhiệm với trong thôn ngoài xã. Con về nhà này đã mấy tháng nay tất con rõ: thầy và đẻ con không hề bao giờ muốn con phải lo đến việc nhà. Vợ chồng con còn trẻ, thầy đẻ không muốn các con phải lo nghĩ sớm, nhưng vừa đây, trong một lúc đua vui chúng bạn, thầy đánh xóc đĩa và thua mất mấy trăm bạc và thầy đã liều viết thế cho người ta dinh cơ nhà ta. Chỗ người lớn, giấy thầy đã viết ra thầy phải tôn trọng chữ ký, thầy sẽ trao nhà cho người ta. Vậy thầy cho con biết, con liệu cố làm ăn dành dụm để sau này tậu lấy một miếng đất mà ở.

(...) Bấy giờ mẹ tôi mới hiểu tại sao trong mấy ngày gần đây mấy lần bắt gặp bà nội tôi cặp mắt đỏ hoe như khóc, và khi thấy mẹ tôi bà tôi lại cố làm ra vẻ tự nhiên (...) mới hiểu tại sao trong mấy hôm liền ông bà tôi cứ luôn luôn bàn tính với nhau việc gì, và vẻ mặt ông tôi có bề lo nghĩ (...)

Người được bạc, tuy được ông tôi viết nhường cho cả nhà lẫn đất, nhưng cũng không dám lấy ngay. Gia đình tôi vẫn tiếp tục ở đó, cho đến khi mẹ tôi tậu được một miếng đất mới ở trong làng.

Từ hôm được biết chuyện chẳng lành trên, mẹ tôi chăm chỉ đi chợ búa hơn trước, đi hết chợ xa đến chợ gần, không nghỉ buổi nào. Thấy mẹ tôi vất vả, thầy tôi thường khuyên phải nghỉ ngơi. Trước mọi sự ân cần của thầy tôi, mẹ tôi chỉ đáp:

- Nhà thương em vất vả hay sao, hồi còn con gái, em còn vất vả bằng mấy, nhà đừng lo.

Ngoài việc đi chợ, buổi tối về mẹ tôi lại làm gạo lấy cám nuôi lợn. Hôm nào mẹ tôi cũng thức khuya dậy sớm để giã gạo, xay lúa, dần sàng. Ông nội tôi thấy con dâu chịu khó cũng thương, thường bắt các cô tôi giúp đỡ rất nhiều.

Sau khi ông tôi thua bạc, mẹ tôi thưa về thăm nhà hơn trước, vì phải chợ búa nhiều hơn. Cách đó ít lâu, khi mẹ tôi về thăm ông ngoại tôi, ông ngoại tôi bảo:

- Thầy biết tin ông bà trên nhà vừa được cái bổng (nói khéo!). Từ nay con càng phải ăn ở ý tứ hơn, đừng để trong họ ngoài làng hiểu nhầm. Ông dưới nhà là người thủy chung, thầy quý lắm.

Rồi ông ngoại tôi khuyên mẹ tôi phải vui vẻ trước mọi sự vất vả, phải cố gắng buôn bán để chuộc lại đất nhà đã mất hoặc để tậu lấy một nơi khác (...)

Nhờ tài tảo tần buôn bán với chút vốn riêng sẵn có, sau đó ba tháng mẹ tôi tậu được thửa đất rộng với ngôi nhà ở xóm Đông. Ngôi nhà này chỉ cần sửa chữa lại đôi chút là ở được ngay (...)

Mẹ tôi được cả nhà quý trọng, và làng nước ai ai cũng ngợi khen (...)

Mọi việc trong nhà từ đó đều do người đảm đang (...) quán xuyến (...)

Hai năm (sau) mẹ tôi sinh tôi. Cảnh nhà tôi khi ấy đã sung túc hơn trước (...)

Thầy tôi cũng như tất cả mọi người trai khác ở làng Thị Cầu chỉ ăn chơi, không phải làm lụng gì. Khi thì họp năm bảy bạn bè uống rượu ngâm thơ, khi chơi chọi gà, khi chơi chim họa mi, khi áo quần bảnh bao để đi hội hát quan họ. Mẹ tôi rất chiều chuộng thầy tôi, bao giờ cũng muốn cho chồng sang trọng bằng người, nếu không hơn.

Ba năm sau nữa mẹ tôi sinh thêm em trai tôi, và cứ ba năm đôi, mẹ tôi sinh tất cả trai lẫn gái mười một anh em chúng tôi.

Lũ con làm cho vui nhà, nhưng cũng làm cho mẹ tôi cực nhọc lo lắng hơn (...)

Mỗi lần sinh xong, mẹ tôi chỉ nghỉ ngơi dăm buổi là lại đi chợ (...) về tới nhà là mẹ tôi luôn chân luôn tay, làm hết việc này tới việc khác. Nhiều khi ốm trong người , mẹ tôi chỉ bỏ ăn chứ không bỏ việc (...)

Năm tôi lên bảy, tôi được đi học vỡ lòng theo Hán tự (...) Tối nào mẹ tôi cũng dạy lại tôi bài (...) Năm tôi lên chín, thầy tôi cho tôi đi học ở trường tiểu học Đáp Cầu (...) nhưng tối tối về mẹ tôi vẫn dạy tôi thêm chữ Hán, cho tới khi tôi thi đậu bằng tiểu học. Cả các em tôi về sau cũng vậy. Dạy tôi học nhưng mẹ tôi vẫn không bỏ việc nhà. Biết bao lần, nửa đêm thức giấc, tôi còn nghe tiếng mẹ tôi giã gạo ở nhà ngang hoặc đang sửa soạn gánh hàng để đi chợ hôm sau.

Mẹ tôi chăm nom chúng tôi lắm. Đêm nào trước khi đi ngủ mẹ tôi cũng xem lại giường màn cho chúng tôi. Phải khi một trong anh em chúng tôi có người nóng đầu hay trái gió là mẹ tôi thao thức suốt đêm, thỉnh thoảng người lại sờ đầu con, hoặc hỏi han xem con ngủ hay thức (...)

Anh em chúng tôi một ngày một lớn, về việc học hành càng tốn kém, nhưng may nhờ ở sự chắt chiu chịu khó và cũng nhờ tài đảm đang của người, mẹ tôi mở được một cửa hàng tạp hóa ở ngay phố chính Thị Cầu, việc buôn bán nhờ vậy nhẹ nhàng hơn và cũng dễ kiếm ăn hơn (...)

Sau khi lo cho lũ con học hành xong mẹ tôi đã ngoài năm mươi tuổi. Mà cho tới lúc 50 tuổi mẹ tôi đã còn có biết bao nhiêu điều lo khác: nào ông tôi khao lục tuần, thất tuần, nào lúc ông bà tôi trăm tuổi phải lo việc ma chay cho xứng đáng, nào dựng vợ, gả chồng cho anh chị em chúng tôi.

Tôi quên chưa nói tới chuyện năm ngoài ba mươi tuổi, thầy tôi đã lấy thêm dì hai chúng tôi. Trước cảnh vườn thêm hoa, mẹ tôi không hề ghen tuông và vẫn tiếp tục chiều chuộng thầy tôi. Khi dì hai chúng tôi có con, mẹ tôi lại săn sóc cho cẩn thận, và mẹ tôi bắt chúng tôi phải quý các em chúng tôi như chính mẹ tôi sinh ra vậy.

Suốt đời tận tụy với chồng con, không lúc nào mẹ tôi phàn nàn về số phận vất vả của mình (...)

Khi một vài anh em chúng tôi có thể giúp đỡ được mẹ chúng đôi phần thì người đã già rồi. Mặc dầu tuổi cao, cũng không lúc nào người xao nhãng việc buôn bán. Người thường bảo tôi:

- Bây giờ tuy một vài đứa trong các con đã lớn, có công ăn việc làm, nhưng các em chúng nó còn bé, u còn phải lo cho chúng nó nhiều. Các con có đỡ đần u thì các em chúng nó được rộng rãi, không có bằng nào u cũng vẫn phải lo.

(...)

Mấy anh em chúng tôi đã nguyện cùng nhau cố gắng để cho người được nhàn nhã lúc tuổi già, nhưng than ôi! Trời già cay nghiệt, chúng tôi không được mảy may toại nguyện!

Vừa tới lúc chúng tôi có thể giúp đỡ được cha mẹ chúng tôi nhiều hơn thì (...) Kháng chiến (...) Làng tôi phải tản cư (...) Đi tản cư, mẹ tôi vẫn tiếp tục buôn bán, nhưng với chiến tranh, sự buôn bán còn ra gì nữa!

Rồi không chịu nổi lam sơn chướng khí, mẹ tôi đã mất tại Gốc Sột vào ngày 26 tháng 4 năm Tân Mão (1951), sau khi thầy tôi cũng đã quy tiên.

Tôi không được gặp mặt mẹ tôi lúc lâm chung, nhưng tôi biết là khi gần chết mẹ tôi đã nhắc tới chúng tôi nhiều lắm và người đã chết giữa những dòng nước mắt, nhìn mấy đứa em tôi chưa trưởng thành!


(Toan Ánh,
Gái đẹp xứ Bắc)