Gần một thế kỷ trước, có một người say thuốc phiện nằm ngủ lơ mơ trên Bến Tượng ở bờ sông Hương, nửa đêm về sáng một thứ tiếng chuông kỳ lạ ngân bên tai khiến người ấy tưởng đã lạc vào “trời thơ mộng”...

Vũ Bằng đó. Còn tiếng chuông, mà ông tưởng là chuông Thiên Mụ, hóa ra là... “tiếng hò của mấy cô gái đẹp miền Trung, buổi sớm chèo thuyền đi chợ”!

Hò mà nghe như chuông, tuyệt quá. Tưởng có phải ăn... thuốc nhiều nhiều như ông Vũ mới thưởng thức được đúng mức cái âm thanh đặc sắc kia, cũng dám ăn ngay!

(Thu Tứ)



Vũ Bằng, “Hò Huế”



Tôi nhớ hình như lúc đó là 1924 hay 1925 gì đó. Tôi ở một căn nhà trên Bến Tượng có một cái gác lụp xụp trông ra sông Hương (...) lúc đó tôi ghiền - đến nửa đêm mới về đi ngủ. Tôi còn nhớ như in cảm giác của tôi về nhiều buổi sáng thuở bấy giờ, vừa mới thiu thiu thì ở xa xa đưa lại một tiếng gì như tiếng chuông mang âm ba nhè nhẹ trên mặt nước rồi vọng lên căn gác nhỏ tôi nằm (...) Có ai say thuốc phiện, nằm ngủ mà vẫn tỉnh để cho hồn phiêu diêu ở bến nước làng mây mà nghe thấy tiếng chuông ngân trên sông nước rồi rót vào tai mình mới có thể hiểu được cái trời thơ mộng của tôi lúc đó như thế nào. Say cách mấy, lúc ấy càng tỉnh ra. Mình cảm thấy tiếng chuông vỗ về mình, đu đưa mình, và đến lúc nhìn ra cửa sổ thấy nền trời vẩn xà cừ, chưa hết tối mà chưa sáng hẳn thì tỉnh hẳn: Ủa, sao lại có tiếng hát lẫn vào tiếng chuông? Tại sao cứ sau một tiếng ngân của chuông thì lại có kèm câu hát? À thì ra cả mấy ngày nay tôi lầm; tiếng âm ba vang trên mặt nước sông Hương rồi vọng đến tai tôi trong mấy hôm nay không phải là tiếng chuông Thiên Mụ mà ra là tiếng hò của mấy cô gái đẹp miền Trung, buổi sớm chèo thuyền đi chợ.

(...) thực ra hò không phải là một đặc trưng của Huế (...) nhiều nơi tại miền Trung (...) có những điệu hò thích hợp với động tác lao động của nhân dân (...) hò giựt chì (...) hò hụi, hò nện, hò giã gạo (...) ở Nam thì cũng có bao nhiêu thứ hò (...) hò Ðồng Tháp, hò Bến Tre, hò Châu Ðốc, hò Bạc Liêu (...) không hiểu tại sao cứ nói đến hò là tôi nghĩ đến xứ Huế thương thương trước nhất.

(...) ở Huế (...) hò chèo thuyền chia ra làm ba thứ: hò mái đẩy, hò mái đưa, hò mái nhì.
Hò mái đẩy là giọng hò của người làm công tác đẩy thuyền nghĩa là hai tay cầm chèo xây lưng về hướng tiến lên mà chèo thuyền.
Hò mái đưa là giọng hò của người làm công tác lao động lúc lơi tay chèo thuyền.
Hò mái nhì là giọng hò của các người bơi chèo phía trước (mái là bơi chèo) hát lên cùng với người bơi mái phía sau.


(Vũ Bằng, "Thương về câu hò tiếng hát của xứ Huế xanh xanh",
Tạp văn Vũ Bằng, nxb. Hội Nhà Văn, 2003, tr. 209-212)





__________________
Nhan đề do người chọn tạm đặt.