Trần Huiền Ân, “Cá ngừ đại dương”




Cá ngừ đại dương, cái tên nghe rất kêu. Trước đây gọi là cá bò gù thì không ai để ý đến.

Đã mang tên đại dương thì việc câu nó đâu phải dễ, phải ra cách xa bờ 50 hải lý trở lên. Ra đủ xa rồi, dùng máy định vị tìm cá. Khoảng 3 giờ sáng, thợ bạn thức dậy và bắt đầu thả câu đến 5 giờ sáng. Khoảng 7 giờ bắt đầu kéo câu cho đến 2 giờ chiều. Khi mắc câu cá ngừ lóc mạnh và dữ tợn, thợ câu phải luôn luôn cẩn thận, dùng móc sắt kéo chúng lên, đưa vào khoang ướp lạnh. Lại tiếp tục thả câu cho đến 5 giờ chiều. 7 giờ tối kéo câu cho đến 1 giờ khuya. 3 giờ sáng thả câu lần nữa... Cứ như thế mỗi chuyến đi câu từ một tuần đến mười ngày (...)

Khách xa đến Tuy Hòa, vào nhà hàng gọi món cá ngừ đại dương. Nhà hàng sẽ đem lên cho bạn, trong chiếc dĩa có lót bịch nước đá những miếng cá tươi sống xắt hình chữ nhật, dày ba bốn ly, rộng chừng ba phân, dài độ năm phân. Kèm theo có: một tuýp mù-tạt, tương ớt, xì dầu, ớt trái, đậu phụng rang. Rau sống thì có: tía tô, é quế, ngò tàu, rau ngổ, khế, chuối chát, cải cay. Và bánh tráng nướng.

Ta pha chế nước chấm gồm: mù-tạt, tương ớt, xì dầu quậy đều với nhau. Ai ăn cay hơn thì dằm thêm ớt trái.

Bắt đầu ăn: Dầm miếng cá ngừ đại dương vào chén nước chấm. Bạn muốn dùng bánh tráng nhúng cuốn cũng được, nhưng cuốn bằng lá cải cay đúng điệu hơn. Ta không có cảm tưởng ăn sống như khi ăn gỏi cá giếc (...) Cay muốn xì nước mũi, cay muốn chảy nước mắt. Ta lỡ tay pha mù-tạt hơi nhiều chăng? (...)

Lần đầu như vậy. Và quen đi. Ta ghiền món này rồi. Trên đường vào nam, ra bắc, ghé Tuy Hòa, vào nhà hàng ta gọi: cá ngừ đại dương...


(Trần Huiền Ân,
Phú Yên miền đất ước vọng, nxb. Trẻ, 2004)