Keng uốk làm nhớ loọng của người Mường, lọm của người Huế (xem bài “Món Huế, món Mường” của Nguyễn Từ Chi). Giống nhau này có ngẫu nhiên không?



Ngô Đức Thịnh, “Ẩm thực Thái” (5)




Người Thái (...) dùng thường xuyên nhiều gia vị, đặc biệt là các gia vị (...) cay, chua, đắng (...) (họ) ưa thích (...) tỏi, hành, nghệ, sả, gừng, riềng và các loại rau thơm (...)

Dùng thường xuyên hơn cả là các gia vị cay như ớt, hạt tiêu rừng (mác khẻn) (...) Thành phần cơ bản để làm món chéo (nước chấm) không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày gồm muối, ớt và tỏi (...) Người Thái (Tây Bắc) ăn cay hơn người Tày - Nùng (...)

Người Thái cũng rất ưa món ăn có vị chua nhưng các món này không phổ biến bằng các món có vị cay. Ngoài (cách chế biến) kiểu lên men chua mà (các món tiêu biểu là) dưa chua, măng chua, cá chua, thịt chua, hành chua... họ còn dùng các loại lá chua (...) đặc biệt là để nấu canh. Mẻ (mặn liệng) làm bằng cơm để lên men, giống như mẻ của người Việt. Mẻ dùng để nấu các món canh ba ba, rùa..., làm nước chấm, cho vào mắm, gia vị khi nấu thịt chó... (...) Nói chung, các món ăn có vị chua dùng về mùa hè thường xuyên hơn về mùa đông (...)

Đắng cũng là gia vị ưa chuộng của người Thái (...) Thức ăn có vị đắng chẳng hạn măng đắng (no khổm), đọt đu đủ non, một số lá cây rừng, ruột cá, ruột non của các loài vật ăn cỏ (...) hay gạo rang cháy (...) Đặc biệt, phụ nữ Thái (...) rất ưa các món ăn có vị đắng (...)

Nếu ở người Tày, món canh thịt gà không khi nào thiếu gừng, thì ở người Thái (...) sả là gia vị rất quan trọng trong các món canh, món mắm, pho, mọ, lạp...(...)

Không thể không nói tới (...) việc người Thái dùng bột gạo để nấu canh, mọ (...) (ngoài tác dụng làm cho thức ăn sánh, thích hợp với gạo nếp) bột gạo thêm vị ngọt vào thức ăn (...) trong các đám tang, đám cưới của người Thái không thể thiếu món keng uốk, một món ăn nấu bằng nõn chuối rừng và thịt, cho thêm tấm gạo, để nguội (...)


(Ngô Đức Thịnh,
Khám phá ẩm thực truyền thống Việt Nam, nxb. Trẻ, 2010. Nhan đề phần trích tạm đặt.)