Bây giờ năm 2013, gia đình ông Trần Nguyên Bộ có còn trồng hoa ở Ngọc Hà không nhỉ?



Mộc Lan, “Người cố thủ Làng Hoa”



Tưởng chừng cơn lốc đô thị hóa đã “phù phép” làng Ngọc Hà thành những dãy nhà cao tầng san sát (...) Thế mà giữa bốn bề của những bức tường sừng sững ấy vẫn còn một gia đình theo nghề trồng hoa.

Bỏ xa những ồn ào của phố xá và không khí ken đặc khói bụi, con ngõ 158/169 Ngọc Hà sâu hun hút, chỉ đủ hai chiếc xe gắn máy tránh nhau, dẫn tới số nhà 46, là nơi sinh sống của gia đình ông Trần Nguyên Bộ - người duy nhất còn trồng hoa ở làng hoa Ngọc Hà.

Ông tiếp tôi trong căn nhà cấp 4 ấm cúng, thỉnh thoảng chú chim họa mi trong chiếc lồng sắt bên hiên nhà cao hứng hót líu lo... khiến không gian càng trở nên yên tĩnh, tựa như một ốc đảo lạc lõng giữa lòng Hà Nội. Bất chợt tôi cảm nhận được cái hồn cốt của Hà Nội vẫn còn thoang thoảng đâu đây (...)

Bắt đầu hồi tưởng lại năm tháng “làng hoa thơm ngát bốn mùa”, ông Bộ giãi bày “đấy là vào những năm 90 của thế kỷ trước, khi chính quyền chuyển đổi mô hình hợp tác xã trồng hoa thành việc giao đất để mỗi hộ dân sở hữu và tự quản lý. Do tác động của kinh tế thị trường, người dân làng Ngọc Hà chẳng còn mặn mà với nghề trồng hoa, vất vả mà lời lãi chẳng được bao nhiêu”, thế là người người bán đất, mất làng hoa Ngọc Hà.

Để minh chứng, ông Bộ khoát tay: “Từ lối rẽ vào ngõ 158/169 đến đây chừng vài chục héc-ta, trước đây là cánh đồng hoa của khoảng chục nóc nhà, heo hút lắm, nhưng bây giờ có đến 100 tòa nhà, lấn cả đường khiến không có lối mà đi” (...)

Ông Bộ giải thích: “Trước đây, làng nhiều ao hồ. Mỗi năm khi HTX tát hồ thì từng hộ trồng hoa lại vật đất bùn lên, phơi thật khô, tán nhỏ rồi trộn với phân gio để bắt đầu ươm giống trồng cây, vì được hút chất dinh dưỡng đó, (chứ không bị bón) phân hóa học (...) nên hoa của Ngọc Hà bao giờ cũng đẹp. Mà người ta chăm hoa kỹ lắm (...) chứ không ào ào chạy theo lợi nhuận như bây giờ, bón phân (hóa học) rồi hối thúc cho hoa lên nhanh, mau nở”.

Phía sau ngôi nhà cấp 4 của ông là mảnh vườn rộng chừng 200m2, đây là nơi neo lại nghề trồng hoa truyền thống. Không như trước đây, khi còn trồng hoa theo HTX với đủ loại hoa (...) nay ông Bộ và gia đình chọn hoa cúc để trồng trên thửa đất của mình. Vì loài hoa này dễ trồng, tươi lâu, được nhiều người mua (...) từng luống hoa cúc đang được ươm giống xanh rì như thách thức lại cơn lốc của đô thị hóa (...)

Khác với việc tỷ mẩn chọn hạt để lấy giống theo cách trồng truyền thống, ông Bộ mua cây giống (...) Mỗi một đợt trồng giống mất khoảng 3 tháng, sau đó ngắt cành cắm xuống đất, “bắt” được hơi đất mới, những cành cúc bắt đầu bén rễ, sau 10 ngày thì xuất ruộng cho các mối ở Hải Phòng, Yên Bái, Quảng Ninh, Việt Trì... Ông Bộ than thở: “(...) Nghề trồng hoa vất vả lắm, thu nhập cũng chẳng ăn thua gì. Trong làng, giờ chỉ còn có gia đình tôi trồng thôi. Nhưng tôi vẫn nói với các con là phải cố gắng giữ lấy nghề”. Rồi ông chỉ vào hai cậu con trai đang tỉa lá trong vườn: “Đấy là cháu Thành và cháu Thắng, tiếp tục theo nghề trồng hoa đấy”.

Những bao tải đất được xếp gọn gẽ cạnh bức tường rào được ông Bộ giải thích: “Loài cúc cũng khó tính lắm, nếu lứa giống mới mà trồng lên lớp đất cũ sẽ bị thối gốc. Nên tôi phải mua đất phù sa ngoài bãi sông Hồng về để tãi lên lớp đất cũ mà nuôi mầm cây”.

Ông Bộ đưa tay cấu đi những nụ cúc xinh xinh đang nép sau tay lá non mới ươm cành: “Phải ngắt nụ đi để chất dinh dưỡng tập trung cho cây giống, có đợt rét quá phải thắp đèn cho hoa trẻ lại”. Thấy lạ, tôi hỏi: “Hoa trẻ lại là sao ạ?”. Ông Bộ cười: “Là để cho cây cúc phải lên cao, lớn nhanh mà không cho hoa sớm”.

Từng đóa cúc được hái còn tươi rói nằm trong chiếc thúng để vợ ông chuẩn bị quẩy đi chợ bán rằm (...)


(Trích từ bài "Làng Ngọc Hà: Vẫn còn người ngậm ngùi với hoa", trang
anninhthudo.vn, 21-4-2011. Nhan đề phần trích tạm đặt.)