Đọc Toan Ánh, rồi nên đọc lại “Gánh hàng hoa” và “Dưới bóng hoa đào” của Khái Hưng nữa, để thực thấm thía cái cảnh cái tình “Hoa với hoa”.

Cái giá đắt như vàng của đất bờ hồ Tây đã đuổi muôn hoa về quá khứ rồi. Bây giờ bước trên bê-tông, đi giữa cốt sắt sừng sững bít bùng, thật không sao hình dung ra được những mảnh vườn “hoa bướm ngày xưa”...

(Thu Tứ)



Toan Ánh, “Hoa với hoa”



Chung quanh Hà Nội có mấy làng trồng hoa, nhưng người Hà Nội, khi nói đến làng hoa thì liên tưởng ngay tới trại hàng hoa, tới làng Ngọc Hà, ở đằng sau vườn Bách Thảo.

Gọi làng Ngọc Hà là trại hàng hoa rất đúng. Nhà nào ở đây cũng có vườn hoa, vườn hoa đằng trước nhà, vườn hoa đằng sau nhà, vườn hoa bên cạnh nhà. Đủ thứ hoa, thay nhau nở theo mùa. Những bông cúc long trào vàng tươi bên những bông cúc vạn thọ vàng sẫm lúc xuân gần tới. Những bông thược dược đủ các màu vàng đỏ tím xanh nhởn nhơ hứng sương sớm lúc xuân sang. Những bông hồng nhung đỏ sẫm, mọng tươi như môi thiếu nữ, e lệ ẩn hiện trong đám lá dưới mưa xuân. Những cụm sói bông trắng lá xanh, kín đáo tỏa hương thơm ngát trong nắng sớm lúc đầu hè. Những bông sen trắng và hồng, vươn mình khỏi mặt nước trong những cái ao bên vườn hoa, như muốn thi gan cùng nắng hạ. Khi thu tới, những bông hoàng lan thơm ngát, những đóa hoa men như móng rồng thơm dịu dịu, những bông cúc kim tiền nho nhỏ thơm hăng hắc, cùng góp hương và sắc cho vườn. Và khi mùa đông đến, những cành đào phai đào bích, những cành mai trắng mai vàng đua nhau nở khiến trại rực rỡ hẳn lên, thêm vào đó là những cụm quất lá xanh quả đỏ...

Bất kể thời tiết, có những loại hoa nở quanh năm, hết lớp nọ đến lớp kia: những bông huệ trắng như những nàng trinh nữ, những đóa lay-ơn xanh trắng đỏ vàng yểu điệu như một vũ khúc (?), những đóa mẫu đơn ấm cúng đậm đà như ngọn lửa chiều đông.

Bao nhiêu thứ hoa đầy hương sắc được các thiếu nữ làng Ngọc Hà ngày ngày đưa vào Hà Nội. Sống về nghề trồng hoa, dân làng Ngọc Hà quanh năm bận rộn với những khu vườn quanh mình.

Đứng giữa rừng hoa, các cô thiếu nữ trong làng chính là những đóa nổi bật nhất. Sống ở nơi sát thủ đô, các cô vừa giữ được nếp dịu dàng mềm mại của đồng quê, lại vừa có cả vẻ thanh lịch của thành thị. Không phải chân lấm tay bùn dầm mưa dãi nắng như bạn gái trồng lúa, các cô có nước da mịn màng, khuôn mặt tươi thắm (...) Phải chăng muôn hoa đã ảnh hưởng tới, truyền cho các cô sự mềm mại êm đềm, khiến lời nói và cử chỉ các cô thêm khả ái. Ai đã tới Ngọc Hà thăm các vườn hoa, ai đã gặp các cô ở chợ hàng hoa bên bờ hồ Hoàn Kiếm, ai đã nhận hoa của các cô đưa tới tận nhà, đố ai quên được vẻ niềm nở, dáng ân cần vồn vã của các cô. Khách mua thưởng thức hương thơm màu thắm của hoa, nhưng cũng không thể quên những lời nhẹ nhàng điểm theo nụ cười duyên dáng của người bán (...)

Hàng ngày, các cô gái làng Ngọc Hà dậy sớm, ra vườn hái hoa. Sau đó vẫy nước chải chuốt lại những bông hoa hái từ trước và đã được phơi sương suốt đêm. Có trồng hoa mới biết tính chất của hoa. Có loại hoa, sáng ngày mới hái để giữ lấy màu tươi lúc đem bán, cũng có những bông hoa cần phải hái từ chiều hôm trước để giữ lấy vẻ hàm tiếu, nếu để ở nguyên trên cành một đêm nữa hoa sẽ nở to và không được khách mến chuộng. Có hoa cần sấp thêm nước để tươi thắm hơn, có hoa đượm nhiều nước sẽ trông như nát cánh, nên cần lau bớt nước đi (...) Những gói hoa cúng thường gồm nhiều thứ hoa, phần nhiều có hương thơm, cô hàng hoa lựa mỗi thứ một vài bông (...)

Hoa đã sửa soạn xong, thứ nào riêng thứ ấy, màu sắc ăn nhịp với nhau, có thể bán ngay tại nhà cho các phường buôn đất cắt (?), hoặc mang bán tại các chợ Hà Nội, nhất là chợ hàng hoa bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Tại các chợ có khi chính cô ngồi bán hoa, có khi cô chỉ mang hoa tới trao cho người khác, rồi chính cô phải đi đưa hoa cúng cho từng nhà mua hoa tháng (...)

Cô gái Ngọc Hà (...) giữa muôn hoa (...) chính các cô (...) là những bông hoa tươi thắm nhất.


(Trích Toan Ánh,
Gái đẹp xứ Bắc.)