“Bát canh xanh mùa mưa”

Trần Huiền Ân





Có phải là nưa?


Mùa mưa. Mưa rả rích, liên tiếp. Có khi giữa khuya, có khi gà gáy, giội xuống vài cơn mưa nặng hột ào ào. Mưa nấm.

Trời lạnh tê cóng bàn tay khi vo gạo nấu cơm, nhức cả hàm răng khi súc miệng. Sáng, dậy thật sớm đi tìm nấm. Mang chiếc áo tơi lá, nón mê đội đầu, lắm lúc gió ngược muốn xô lùi bước chân, nhưng đâu có ngại gì. Gò cỏ mênh mông như mênh mông thêm, một màu bạc trắng. Những vũng nước nhỏ gợn sóng. Đôi mắt căng lên, như sáng hơn, lanh lợi hơn, nhìn quanh quất đó đây.

Nấm khoang, có chỗ mọc nhiều, có chỗ chỉ năm ba cây. Trên tai nấm màu mốc xám phớt nhẹ, óng ánh. Nấm lửa có khi chiếm cả khoảnh gò rộng bằng mặt nong. Một chút đỏ, một chút cam, một chút nâu, pha trộn thật đều thành thứ màu sẫm đậm nơi chóp đỉnh và nhạt dần ra.

Người bình tĩnh nhổ từng chiếc nấm xỏ vào dây thành xâu. Có người quá ham, lăn xả vào, cào cấu đến gãy nát mà không nhổ được tai nào nguyên. Lời tục dân gian bảo: “Ham như ham nấm” là vậy. Họ bảo, chỗ nào bị cào cấu như thế sang năm nấm sẽ không mọc nữa. Đi nhổ nấm với những ai có tật ấy, người kia thường thủ một đoạn cây ngắn như chiếc thước kẻ, thấy bạn cào cấu thì khẽ mạnh lên tay bạn như thầy giáo khẽ học trò, nhắc nhở, bắt dừng lại. Ham nấm? Chuyện cũng lạ. Nấm có gì đáng ham hơn những thứ khác? Sao các thứ khác không khiến họ ham đến độ phải biểu lộ một cách nồng nhiệt, rối rít đến tai hại như thế? Dân gian còn tin tìm nấm cũng giống như câu cá, rập chim. Người không có tay “sát nấm” lội gò cả buổi, hai hàm răng đánh bồ cạp, đôi môi thâm tím mà không thấy được tai nào. Người sát nấm thì đi việc gì đó không hề có chủ đích kiếm nấm thế mà lủng lẳng mấy xâu quàng trên cổ như mang vòng hoa chiến thắng, lại còn mấy xâu xách nơi tay.

Nưa cũng mọc trong mưa. Nhổ nấm rồi về vào vườn nhổ nưa. Nấm được xé ra, theo những sớ trên tai và dưới chân. Nưa lột bỏ lớp vỏ lụa bên ngoài, cắt thành từng đoạn hai lóng tay. Thế là có được một nồi canh xanh trong đó hai món chính là nấm và nưa. Một nồi canh không cá thịt mà vẫn ngọt ngon.

Mới đó mà đã trưa, con gà cồ đứng trên đống rơm gáy vang nhắc nhở. Bữa cơm dọn ngay bên bếp lửa dụm bằng mấy cây củi gộc to. Cả nhà quây quần lại. Cơm gạo trứng kiến, hột dài, trắng ngần, thơm nhẹ mùi lá dứa. Chén mắm thơm mới xé còn đọng mật trộn với ngò tàu giã ớt tươi. Canh múc trong tô lớn, chưa nếm đã biết tai nấm bùi bùi, chân nấm dai dai, thân nưa nhuyễn ra chất nước keo như có khuấy chút bột huỳnh tinh, màu sắc vẫn không hề phai lạt. Những sợi nấm trắng, những đoạn nưa xanh, mấy lát cà chua đỏ, vài ba bông bí vàng lẫn với nụ bông giờ tím nhạt, cọng ngổ điếc mập tròn bên cạnh cọng ngò mảnh khảnh... Nhìn từng hạt mưa gieo đều đều trong cơn, tận hưởng giây phút nhàn nhã với bát canh xanh...

Cái hạnh phúc của người nhà quê là vậy.


(Trần Huiền Ân,
Phú Yên miền đất ước vọng, nxb. Trẻ, 2004)