Thơ Việt rất giàu chất nhạc.

Thơ ta hát, dĩ nhiên. Nhưng sao lại “nói”?

Vì hát sao mạnh bằng nói. Những lúc ăn chơi thích chí quá, những lúc ngán đời quá, hay những lúc thấm ý Lão Trang quá, phải nói mới đã!

(Thu Tứ)



Nguyễn Văn Ngọc, “Văn chương hát nói”




Văn hát nói thật là một lối văn đặc biệt của nước ta cũng như (...) lối lục bát vậy.

Hát nói (...) thật là riêng của ta, tự ta đặt thành lối, xưa nay chưa từng ai tìm thấy có điệu từ khúc hay nhạc phủ nào của Tàu hẳn giống như thế.

Quả vậy, xét cái thể tài một bài hát nói, thì trong có đủ cả vừa câu đối (...) vừa thơ ngũ ngôn hay thất ngôn (...) vừa phú vì gián hoặc cũng có câu đặt lối gối hạc hay cách cú (...) vừa lục bát (...) vừa là vận văn (...) vừa là tản văn, lắm câu nói sử như nói thường. Một bài hát nói dài, ngắn lại tùy ý, không bó buộc hạn chế một câu hẳn bao nhiêu chữ, một bài hẳn bao nhiêu câu (...)

Một lối văn họp nhiều lối văn khác mà thành, rồi tự gây lấy được một cái đặc tính riêng (...) thật kể là một lối văn hiếm có (...)

Nghĩ được một câu đối, tự tay viết ra đem dán lên cột để ngắm chữ chính mình viết, là một cái thú. Đặt được một bài thơ, bài phú rồi rung đùi ngâm nga để kiểm lại văn chính mình soạn, cái thú có phần hơn... Đến như làm được một bài hát nói đưa cho ca nương lên giọng hát đi với cung đàn, dịp phách, rồi chính mình cầm chầu để thưởng văn của mình giữa chỗ trù nhân quảng tọa, trước chiếc chiếu rượu tưng bừng nhộn nhịp, thì cái hứng thú tưởng có phần gấp bội (...)

Riêng một mình chúng tôi sưu tầm (...) kể có ngoại nghìn bài hát nói (...) tựu trung (...) quanh quẩn không ngoài mấy cái đại ý (...) đợi thời, lập công, ngán đời, ăn chơi, tự tình, tả cảnh v.v. (...) nhiều hơn cả (...) là mục ăn chơi (...)

Hát nhà trò, dù cho gốc tích có thuộc về tôn giáo, chỉ hát ở những nơi đình, đền, miếu mạo, dù cho có chế hạn, xưa kia chỉ vua, chúa, quan tư mới được hát, nhưng một khi đã phổ cập ra ngoài dân gian, thì (...) chỉ còn là một cách ăn chơi, có ăn chơi mới hát nhà trò, mà đã hát nhà trò tức là ăn chơi vậy. Bởi vậy mà những bài ăn chơi sản ra nhiều như thế.

Văn hát nói (...) phần nhiều chỉ thấy có bài mà không thấy có tên (người làm) (...) (trong số những cụ sáng tác có để tên) không ai bằng cụ Nguyễn Công Trứ (...) Trong làng hát nói, không biết có nữ sĩ nào chăng? (...)

Ngoài cái đặc tính ăn chơi, các bài hát nói thường lại còn cái đặc tính khác (...) là có chịu ảnh hưởng của Lão, Trang (...) (nhờ thế) mà nhiều bài mới có cái vẻ phong lưu, cái tính phóng khoáng, cái chí cao xa nhẹ nhàng, cái giọng hùng hồn khẳng khái vượt ra hẳn ngoài khuôn phép nghiêm ngặt của Khổng, Mạnh.


(Viết ở Hà Nội năm 1931, in lần đầu năm 1932 trong
Đào nương ca, in lại trong Mười thế kỷ bàn luận về văn chương, nxb. Giáo Dục, 2007. Nhan đề phần trích tạm đặt.)