“Nguyễn Tuân - Lên non xuống bể” (I)




Nguyễn Tuân nổi tiếng là một người đi nhiều, cả trước Cách mạng và trong ba mươi năm sau đó. Cái đi của ông trong mỗi giai đoạn lịch sử có một đặc điểm riêng.

Trước Cách mạng, Nguyễn “xê dịch” chủ yếu giữa một số thành phố thị xã thị trấn trong nước, có một lần qua thăm Hương Cảng. Trong giai đoạn chống Pháp, Nguyễn lìa hẳn các khu đô thị, đi lúc đầu giữa quê rồi về sau giữa núi rừng. Sang giai đoạn kế tiếp, Nguyễn tuy ở Hà Nội nhưng hay trở lên miền cao, thi thoảng xuống miền biển, với một số lần xuất ngoại viếng Liên Xô, Đông Âu.

Phải đến giai đoạn thứ ba thì văn Nguyễn Tuân mới chứa nhiều hình ảnh “non sông gấm vóc”. Trước Cách mạng, Nguyễn nói chung sống xa tự nhiên lớn (phân biệt với tự nhiên nhỏ nơi đô thị). Thời chống Pháp, Nguyễn ở ngay giữa tự nhiên lớn nhưng do rất bận rộn với những công tác kháng chiến, ông chưa chú ý mấy, lại thêm chiến sự hạn chế việc tham quan. Sau khi hòa bình lập lại ở Miền Bắc, Nguyễn theo đoàn văn công đi thăm chiến sĩ biên phòng, theo đoàn địa chất đi điều tra tài nguyên đất nước, tới các công trường xây dựng cầu đường ăn ở sinh hoạt với công nhân, lên núi cao thăm các dân tộc ít người, ra biển xa thăm đồng bào sống trên đảo v.v. Nhờ cái đi lần này tương đối thong thả và ngay cả sau khi Mỹ bắt đầu đánh phá phía bắc vĩ tuyến 17 thì chiến sự cũng không nặng nề ở các nơi Nguyễn thường đi, nhà văn bây giờ có những lúc tập trung trọn vẹn giác quan và tâm hồn mình vào phong cảnh.

Được thưởng thức nhiều cảnh đẹp, chắc chắn không phải chỉ một mình Nguyễn Tuân. Nhưng thưởng thức rồi ghi lại cảm giác cảm xúc mình thành văn xuôi đẹp đẽ thì không có ai bằng ông. Non sông gấm vóc hóa thành “lời lời châu ngọc”, thế mới phải chứ. Hơn nữa, lời ấy lại sẽ là “của tin”, nếu “mai sau dù có bao giờ”, do hậu thế kém giữ gìn, gấm vóc có bị ố đi hay trở nên mòn, rách!

Nguyễn đi vốn là để “ký họa” những hình ảnh nhân dân Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu xây dựng đất nước, nhưng nhân tiện, Nguyễn đã truyền thần luôn một số cảnh sắc đặc biệt của quê hương. Một sách hai “tranh”, còn hay nào hơn!

Sau đây chúng tôi xin trích dẫn một số đoạn văn tiêu biểu (các tiểu đề đều là tạm đặt).

Mùa xuân đi trong hoa

“Hoa ban Tây Bắc, mùa ban pún hoa, nở rộ lung linh, hoa trắng núi trắng giời (…) Ban (...) là (...) hoa đặc thù của Tây Bắc (...) Việt Bắc không có (...) Từ bờ sông Đà qua Nậm Gin rồi bắt qua đường trục số 6, quãng rừng này toàn là ban. Hạnh phúc thay cho người đi công tác mùa xuân mà lọt vào trận địa hoa (đang) thi đua nở (…) Đứng ở bên phía Quỳnh Nhai nhìn sang núi bên Tuần Giáo, cứ thấy (giữa) xanh xanh đùn đùn lên những chòm khói bằng cái nong, giống hệt tán khói đạn cao xạ nổ giữa bầu trời (…) Ban ở sau lưng anh, ban ở trước mặt, ban ở bên phải, ban ở bên trái (…) ở trên đỉnh núi (…) ở trong lòng lũng (…) vừa bước vừa ngước lên, thấy mây trời cứ vờn vào nhị vào cánh ban trong suốt, ánh sáng như lọc qua một thứ giấy thông thảo hồng hồng (…) vừa bước vừa nhìn xuống vực sâu, thấy rừng hoa trắng như đang loãng ra trên dòng suối thăm thẳm xanh ve (…) Người anh ròng rã hai ngày quyện trong một mùi thơm mát nhẹ đăng đắng ẩn ẩn hiện hiện một mùi phong lan rừng cấm (…) Đôi lúc, một luồng gió nóng tạt ngang vào, thổi từ một quả đồi người Mèo đang đốt cỏ gianh làm nương tra bắp. Có hơi nóng đốt hương, hương ban bốc mạnh (…) ngào ngạt (…) Con ngựa thồ tài liệu đi trước, móng ngựa (…) bết những cánh ban (…) còn hăng lên cái mùi hoa tươi bị nghiến (…) Ngày xuân công tác vùng cao (…) Hoa ban cứ rụng xuống suốt dặm dài” (trích “Nhật ký lên Mèo”).

Tây Bắc được ưu đãi nhỉ. Mùa xuân đã có hoa đào, lại có hoa ban. Người đi công tác vùng cao có ngựa nhưng không được ngồi trên lưng ngựa mà phải lẽo đẽo theo sau, ấy vậy mà hay. Bởi vì hoa ấn tượng thế này, phải bước từng bước để ngắm cho ra ngắm chứ “cưỡi ngựa xem hoa” vùn vụt thì uổng quá. Ờ, nhưng thưởng hoa kỹ cũng có thể sinh chuyện đấy. Người Mèo bảo “hoa ban làm cho bà già Mèo nhớ lại tuổi thanh xuân”. Biết đâu cái ông miền xuôi lớn tuổi đi giữa “trắng núi trắng giời”, ông ấy cũng đã nhớ thời thanh xuân của mình, ước ao có một đóa biết nói biết cười đang cùng sóng bước... Cái khu rừng ban “đi bộ (...) hai ngày liền (…) không hết”, đến mùa thì “pún” hoa tưng bừng như đạn cao pháo ta từng nổ trên trời Điện Biên Phủ, khu rừng ấy bây giờ đi bộ bao lâu thì hết, à mà trước tiên nó có còn là nó, là rừng ban nữa hay không?

Lên thăm xứ gần giời

“Cái thế giới núi cao lồng lộng những nắng những gió những mây những giời của vùng cao Tây Bắc (…) Ánh sáng trong vô cùng (…) Tôi nghỉ lại (…) nhà một anh bạn Mèo ở cách thị xã Lai Châu khoảng hai chục cây số (...) Chiều hôm ấy nhiều mây, mây xô cả cửa mà vào nhà vợ chồng anh Giàng (…) Xa xa dưới chân tôi (…) đường quốc lộ trắng nhờ nhờ như con bạch xà xoắn khúc. Và mây chờn vờn dải đường như diều hâu xám là cánh. Con đường rắn trắng hất xuống lòng vực cái đám mây ỡm ờ kia (…) Tối hôm ấy tôi nghe sáo Mèo, thứ sáo hình như chỉ có hai nốt: í lên rất cao, rồi ộ xuống rất thấp, nghe như một cái gì bừng lên rồi sa làn xuống mà hẫng đi (…) Trên cái tràn ruộng bé bằng vài cái nong, tôi xem múa Mèo. Gọi là nhảy Mèo thì đúng hơn (...) Tôi trở về thủ đô (…) thấy nhớ mây Mèo (…) nhớ những bàn tay (…) đàn bà Mèo guộn lanh nối sợi gai quay chỉ lanh, vừa cuốn vừa nối vừa đi trên dốc núi. Đèo dốc võng lên võng xuống như bờm sóng bể động, trên đó nhấp nhô liên hoàn hai nốt nhạc í lên ộ xuống” (trích “Nhật ký lên Mèo”).

Ở trên “cao lồng lộng”, thảo nào những người anh em ấy hay nhắc giời! Ai nấy đều biết họ nuôi lợn cắp nách, nấu rượu ngô, thích thổi sáo. Có lẽ biết cả cái tài vừa thổi khèn vừa nhảy trên cọc, nhưng chắc ít ai ngờ họ còn rất ưa thuốc lào… Dân tộc Mèo có truyền thống hiếu khách, mà ăn nói cũng khéo lắm. Cái câu chí tình “Có cán bộ về, giời như gần lại” của “bà Mèo hàng xóm” đã làm “tôi” nghĩ mãi… Người xứ gần giời khó quên, mà cảnh lại càng… Về giữa Hà Nội, mắt Nguyễn trông cây xanh hồ xanh mái ngói thâm nâu phố cổ, nhớ những mây làm khách không mời, mây diều hâu, đường rắn trắng, đường chỉ hồng, chân trời lô xô nhấp nhổm “mở ra lồng lộng ở sau một cái đỉnh đèo” v.v., còn các bắp thịt trong đôi chân Nguyễn đang bước đều trên đất bằng của Thủ đô chắc đôi khi giật mình hồi tưởng thứ mặt đất “í ộ liên hoàn”!

Lên đỉnh trời nghe sấm đất

“Tôi có lóp ngóp lên tới (…) đỉnh Phăng Xi Păng rồi. Trên ấy, tuyệt đối không một con vắt, không một con muỗi, không một con ruồi. Không khí trong lành (…) trúc thì giống như cái phất trần và mặt núi thì như mâm xôi. Mâm núi nào hoa đỗ quyên ngũ sắc cũng nở bạt ngàn (...) Đoàn điều tra tài nguyên đất nước (…) ngủ lại hai đêm (…) Sa Pa 1500 thước ở dưới chân mình (…) quang quẻ và tươi nắng nhưng trên đỉnh Hoàng Liên Sơn thì mây vần gió giật (…) mưa to (…) luôn luôn phải chạy dột và lo gió bay mất lều (…) Chúng tôi nằm ép vào nhau (…) nghe mưa như tháo cống trên mái lều. Chật chội ướt át như một cảnh đò dọc neo lại giữa sông mưa (...) Từ mấy tháng nay, rừng núi (…) rền vang lên tiếng mìn bộc phá của đoàn thanh niên đồng bằng lên mở đường cho đồng rừng. Trời quang (…) thấy những cột khói mìn (...) Nằm trong lều trên đỉnh cao, được nghe cả sấm giời và tiếng sấm mở đường vọng lên từ mặt con đường đang xẻ vào lưng núi dưới chân mình” (trích “Tây Bắc và Lào Cai” và “Vẫn cái tiếng dội Cà Mau ấy...”, 1964)

Thời tiền chiến, tưởng tượng mà viết “Trên đỉnh non Tản”, hẳn nhà văn không ngờ sẽ có ngày mình được đặt chân tận đỉnh non Phăng. Ở tuổi ấy vẫn còn làm được một chuyến đăng sơn ngay thanh niên khỏe mạnh cũng phải ngại, đôi chân của một người cứng lâu thật! Lên tới nơi, tuy đứng giữa mây trắng, “đoàn” không hóa thành những tiên ông hững hờ với chuyện trần gian mà ngược lại, đã cùng nhau chăm chú lắng nghe tiếng “sấm đất” và tiếng đài đọc tin tình hình chiến sự… Đầu năm 2016, nhờ cáp treo, chúng tôi chỉ phải trèo có 600 bậc đá rộng rãi đã đặt chân được lên chóp Hoàng Liên Sơn. Đứng trên đỉnh trời của quê hương thanh bình, phát triển, nhớ những trang ký cũ kỹ, thấy cái âm thanh đặc thù một thời dân tộc nỗ lực phấn đấu phi thường mà mình không hề được nghe bỗng như đang đồng vọng trong lòng! Và thấy ước ao có một cái đài để mở ra đợi nghe bản tin của Đài Tiếng nói Việt Nam…

Theo chân người đi khảo đất

“Một buổi trưa (…) Tây Bắc, tôi bước theo một đàn ngựa thồ lội qua một khúc suối trong. Nắng rừng rọi xuống, xuyên qua tấm kính mặt suối. Sỏi, đá cuội, đá lăn, đá đầu sư, đá hộc, đá gốc, hiện lên bằng hết. Bỗng thấy nơi đầu hòn này nơi đầu hòn kia ẩn ẩn hiện hiện, những vết sứt rất mới (...) không có rêu (…) Đàn ngựa thồ nào qua đây, chắc là tải hàng nặng lắm (…) Tôi nhìn kỹ (…) Móng sắt ngựa thồ không đời nào vấp bật (…) đến như thế được. Chỉ có đánh búa vào thì mới (…) Thôi, đúng là quanh vùng đây có một đội địa chất nào (...) Hà Giang (…) úp mặt xuống đất mà leo miết (…) ngẩng đầu lên thì chỉ thấy có mây gần mây xa (…) Lên được cái cổng giời Long Bánh Chè Gối này thì con ngựa (thồ) cốt mìn phải chết (…) bên kia phía Bắc Mê (…) có một cổng giời khác mang tên Con Ngựa Trụy Thai. Tim tôi đập thình thình như tiếng gõ cửa đòi cấp cứu (…) Tôi (…) quay đầu lại vài lần (…) con suối (…) vừa lội qua lội lại (giờ trông) sâu hoắm (…) bé như một thỏi thiếc chuốt dài (và) ánh lạnh (cũng) hệt một thỏi thiếc (…) Trên một thôi rừng lọt thỏm (…) một vạt ruộng lầy, nghe có tiếng mõ canh (…) mà tịnh không thấy bóng người. Nước bậc thang ruộng trên rót xuống bậc ruộng dưới gõ luôn vào một ống tre” (trích “Suối quặng”, Hà Giang, 1966).

Trong hồi ký Cát bụi chân ai, Tô Hoài kể Nguyễn Tuân có lúc đã bồi dưỡng cho đôi chân chuyên “trị” đèo dốc của mình bằng cao hổ cốt. Gần lục tuần, còn “úp mặt xuống đất mà leo miết” hết cổng trời này sang cổng trời khác, tưởng nhà văn chịu khó xông pha có dùng đến “cao long cốt” cũng đáng! Nhờ “xưa” có người cầm bút trèo non lội suối, nay ta mới biết đến công lao của những người cầm búa “dầm ngay mình vào giữa lòng suối nước ngập bụng ngập ngực, rồi cứ thế mà lội ngược dòng (...) càn ngược lên”, vừa càn vừa thỉnh thoảng vung búa đập vỡ đá để “bói” quặng. Cái công việc tìm kiếm “của chìm” ấy chắc đã làm xong hẳn lâu rồi. Ở miền cao, trong lòng các con suối, hẳn rêu đã phong kín vết búa trên những viên đá “vỡ to vỡ gọn” một năm chót nào... Theo “anh địa chất” lang thang, “tôi” còn được gặp những cái khó quên khác. Nơi vạt ruộng bậc thang xa xôi, những tiếng “mõ canh” có nhớ một bóng người?

Loáng một luồng thơm

“Khừm đã đứng dậy, đi vòng một gốc cây to bây giờ tôi mới chú ý đến (...) “Cây này lúc cần, có thể dùng làm trạm liên lạc đây (...)” Tôi ngắm (...) và hỏi (…) “Và lúc hòa bình, dùng (…) làm hòm thư riêng của người con gái và người con trai hẹn tìm nhau cũng được chứ?”. Khừm cười đắc ý, lấy ra từ lòng hốc cây một cánh hoa rừng và một nắm lá (…) “Đây, thư họ gửi cho nhau đây. Chắc của anh chị nào ở cái bản ban nãy ta đi qua định vào mua bưởi (…) Họ lấy hoa lấy lá ra mà nói lóng với nhau, chả có đoán được đâu” (...) Xa xôi, ngan ngát, lăn tăn lá reo gió thầm (…) (Bỗng) chân tôi vấp vào (...) một gốc cây con gẫy mục ở giữa lối mòn. Bàn chân dại điếng hẳn đi, tôi tập tễnh mất một quãng. Cùng một lúc đó, mũi tôi đánh hơi bắt ngay vào một mùi thơm. Hương thơm sặc lên như, đánh bốp một cái, đâu đây một dược sĩ nào vừa đánh rơi chai nước hoa cốt mới chế ra. Nó sặc ngát một cách thật là loáng nhanh, rồi lặn đi mau lẹ hơn tiếng động. Nó là một luồng hoa bay, vụt tạt ngang lối rừng giông giống cái ánh chớp trên nguồn. Tôi cố bắt theo tàn dư luồng thơm để lại trong khinh không một buổi chiều đang nhạt nắng. Như có người bôi nước hoa đắt giá thoắt rẽ mất vào rừng sâu. Như có người trêu mình, mà nhìn quanh thì không có vết chân nào, chỉ toàn là rêu và ánh hoàng hôn. Tôi có cái tật đi rừng chợt thấy mùi thơm chỗ quãng vắng là hay trờn trợn” (trích “Đố ai quét sạch lá rừng”, 1964).

Thư tình là lá và hoa, hòm thư là hốc cây, lãng mạn làm sao cho hơn. Thư không gửi mà người được “gửi” vẫn nhận được. Thư không bỏ vào bì mà vẫn kín như bưng. Anh Khừm lấy ra rồi nhớ để lại đúng chỗ cho người ta nhé… Nhưng đi rừng mà nghĩ nhiều về hoa và lá, coi chừng rừng sẽ nhắc nhớ “thực tế” đấy. Dưới chân vừa vấp gốc cây, trên mũi cũng vừa “va” luôn vào một “luồng thơm”, cái quãng tập tễnh nó có được ướp cho một chút “nước hoa đắt giá”, thôi cũng được… “Tôi” kể cho ai đó nghe “mẩu chuyện rừng” rồi khiêm tốn bảo “chưa lường được khả năng gợi cảm của nó”, rồi lại bảo nó như “chiếc lá rừng xa tôi nhặt về (…) anh cho nó vào cuốn sách mà ép lại”. Chúng tôi đọc bài ký này đã lâu, nay mở sách ra đọc lại, thấy độ gợi cảm vẫn như xưa. Vài chục năm rồi mà “chiếc lá rừng xa” còn “xanh xanh tợ thuở mới hái”, ngộ ghê.

“Thơ đường” tự do!

“Tôi ra và vào Điện Biên cũng đã nhiều lần. Lần đi mùa xuân 1964 này (...) Đường đã có cầu nổi (...) Tôi nhìn cái cầu bê-tông vừa mới hoàn thành (...) Rừng vắng. Nhưng tôi vẫn thấy nó như đang lao xao (...) Một vài năm trước đây (...) Nào là tiếng chí cha chí chát của hiệp thợ chạm ngồi tẩy mặt và góc đá hoa cương dành cho mố cầu. Tiếng lách ca lách cách chàng đục thợ mộc. Tiếng cưa miết đều mạch gỗ của hiệp thợ xẻ. Tiếng cút kít nghiến trục gỗ, tiếng vành sắt xe bò nghiến xuống đá đường. Và cái tiếng máy dũi húc đất. Tiếng búa đập lên đe rèn những đinh đỉa cho ván cầu. Tiếng bễ phì phù, tiếng máy bơm xình xịch, hút cạn nước để đào móng xây mố cầu (...) Cái xe cứ bon bon mà chạy, mà qua hết cầu này cầu khác. Nhà cửa, lều, lán, kho, trại, sân, cổng, vườn, bến, cột cờ, chòi phát thanh, đâu hết cả rồi? Chỉ còn có rừng xanh một dải và đường trắng cũng một dải. Thấy tênh tênh mà tan quạnh cả đi như người và lầu Liêu Trai sau tiếng gà gáy sáng. Nói cho đúng hơn thì nó như là trở lại một cái phố trong lòng rừng Việt Bắc những năm tản cư kháng chiến hàng quán tấp nập là thế, mà nay tìm hỏi thì trước sau chỉ còn thấy có giọt nắng treo trên lá cũ (...) Hình như (những người làm cầu làm đường) vẫn đang đứng bên đường (...) Gió chiều nổi lên, con đường vắng mà vẫn như rầm rập tiếng chuyển quân của cả một cái công trường” (trích “Một bài thơ đường”).

Mùa xuân năm 1964 Nguyễn Tuân vào Điện Biên bằng đường trời và trở ra bằng đường đất. Cái con đường Điện Biên – Tuần Giáo, Nguyễn biết “từ lúc nó còn chưa tốt chưa đẹp như bây giờ”, lúc bao nhiêu chiến sĩ hóa công nhân còn đang vất vả làm ra nó. Ngày xuân ấy, sau khi rời vùng trận địa lịch sử, Nguyễn đã ngồi xe bon bon qua bao nhiêu cây số đường, bao nhiêu nhịp cầu mới tinh, để đến đêm khi xe đỗ nghỉ, đứng ở ngã ba Tuần Giáo vắng tanh thấy ngay giữa lòng bỗng “hiện lên rất nhiều bóng cũ”, bóng của đông lắm những người lao động mà Nguyễn đã ăn ở cùng và công phu theo dõi sinh hoạt chỉ mới năm nào. “Tôi (...) đã sống những ngày nước lửa (lụt lũ, cháy nhà) của công trường 426 (…) tay tôi vẫn chưa mất đi cái sẹo Xuân Tre trận cháy mùa xuân 1960”, làm sao “tôi” quên được họ. Chứng kiến một con đường cái quan ra đời giữa núi rừng hiểm trở, nó có phần nào như chứng kiến một trận chiến đấu ác liệt kết thúc thắng lợi, do đó “tôi cảm thấy (...) mình (...) có hạnh phúc”. Hạnh phúc nẩy nở đúng chỗ bèn hóa thành một bài “thơ đường” không thể “tự do” hơn!

Ơi dũng sĩ treo mình…

“Hà Giang (...) Trên đường đèo vào Mèo Vạc, xe tôi dừng ở đỉnh dốc Mã Pí Lèng, đúng chân tấm bia đá ghi công những người mở đường (...) riêng chỗ dốc này (họ) tốn mất mười một tháng treo mình trên vách đá đứng thành vại để đục, đánh mìn, bổ đá (...) Ba năm trước (...) ầm ầm cây lao xuống vực, ầm ầm đá lao xuống dòng sông (Nho Quế) tít tắp dưới kia, có hòn đá to bằng cái tủ áo nhưng chỉ lộn nhào vài chục vòng là tan vụn ra thành khói. Và ầm ầm vang dậy những trận cốt mìn (...) Những người dũng sĩ mở đường ấy nay đều vắng mặt cả (...) Đêm (...) cứ thao thức về nông nỗi khan nước khát nước cổ truyền của bãi ngô cánh đồng Mèo Vạc (...) Mãi (...) gần đây mới hoàn thành được mương nước chạy về từ trên nách núi cao (...) Con đường thủy lợi trông xa xa cũng tựa như một con đường bộ nào trắng bệch trăng ngàn (...) Cái năm 1965 nước thủy lợi chảy về đến cánh đồng huyện, thì cũng là năm con đường cái quan mở vào tới phố huyện. Mừng nước về, mừng đường vào, cả huyện mở hội liên hoan song hỷ! (...) Nắng lên, chúng tôi bồi hồi cầm tay các đồng chí huyện Mèo Vạc hẹn hò ngày trở lại, và đi thẳng luôn tới xã Lũng Cú (…) mảnh đất tận cùng Tổ quốc (…) Chao ôi, mùa thu biên giới (...) Trên các triền núi (...) nắng hanh như rây bột nghệ (...) đá núi lượn chạy như (...) những con sóng (...) Nhìn sóng đá (...) thấy như (xem phim) biển cả đang vỗ bờ (...) mất (...) cái phần lồng tiếng. Ngồi trên núi cao mùa thu, nhìn ra sóng núi tứ bề, cứ thấy nhớ biển” (trích “Mõm Lũng Cú Tột Bắc”).

“Liền mấy năm và bấy nhiêu lần đi Hà Giang...”. Cái tỉnh biên giới “tột bắc” đầy núi đá ấy rất có duyên với người ở xa: đã bao nhiêu thanh niên của 16 dân tộc từ nhiều địa phương khác cả miền cao lẫn miền xuôi tới tham gia lao động cật lực, lại thêm một nhà văn nổi tiếng từ Thủ đô diệu vợi lên lên xuống xuống viếng thăm. Giữa những người cầm bút hay đi, Nguyễn Tuân đáng gọi là một “dũng sĩ”. Nguyễn đi kịch liệt rồi Nguyễn kể. Cái kể cái đi của một người, nó có giá trị giục những người chẳng viết hay vẽ hay chụp gì hết cũng muốn đi… Để ý vùng núi đá này có đến hai loại “sóng”. “Sóng con” là vô số đá lớn đá nhỏ phủ trên các triền núi, còn “sóng cái” là chính cơ man các ngọn núi nhìn từ xa. Nhưng như trong tất cả những “tranh” quê hương đất nước của Nguyễn, tự nhiên dù ấn tượng đến bậc nào cũng chỉ là một nửa. Nửa còn lại là phần đóng góp của con người và độ hùng vĩ của phần ấy ở đây có thể cảm thấy được phần nào qua cái liên hoan “mừng đường” của cả một huyện. Đường cho xe và đường cho nước tạo ra ngay trên vách đá sừng sững! Ngày mồng một Tết Đinh Dậu 2017, chúng tôi đứng ở đỉnh dốc Mã Pí Lèng đọc mấy dòng tạc vào đá của Trung ương Đảng và Khu ủy Việt Bắc về lực lượng tham gia xây Đường Hạnh Phúc Hà Giang – Đồng Văn – Mèo Vạc từ ngày 10-9-1959 đến ngày 15-6-1965. Một tấm thạch bia ghi công dựng ở ngay cao điểm của chốn hùng quan nơi bao nhiêu dũng sĩ đã “treo mình trên vách đá đứng thành vại” suốt gần một năm trời, thôi cũng coi như tạm đủ tượng trưng cho lòng vô cùng trân trọng...

Bão biển và lòng trai và…

“Nền giời hâm hấp (...) biển chờ cơn dông. Nước đùng đục. Mặt biển lặng lờ và láng mềm đi như dầu mỡ nào đang chảy tràn tới tận cái cuống mây chân giời. Nó gợi gợi một cái chảo khổng lồ nước xuýt vịt béo sôi giấu khói, mới trông qua rất dễ nhầm với một nồi canh nguội. Có tí sóng nào (…) thì (…) chỉ xông thêm ong ong oi oi lên mặt tàu. Bầu trời tắt gió (…) Thấy nghẹn thở. Trời vàng vàng cái mặt màu da đồng (...) Chân trời đàng đông, mây xám buông thõng xuống sóng như một thần nữ nào đang (…) hong tóc trên thau nước gội bồ kếp đục ngầu (…) Hình như gió bão chờ chúng tôi lọt hết vào trận địa bãi cát cánh cung, rồi mới tăng thêm hỏa lực (…) Gió bắn (cát) rát từng chập. Chốc chốc (gió) ngừng trong tích tắc như để thay băng đạn, thì đầu cổ lại bật lên khi gió giật. Gió (...) đẩy (chúng tôi) bạt ra phía (…) biển của một bãi dài ba ngàn thước (...) Sóng tung vòi cao và đổ dài, bọt trắng tãi thành hàng (...) Sóng thúc lẫn nhau mà vào bờ âm âm rền rền (...) Về tới đảo ủy (…) nhiều khuôn cửa kính (…) bung (…) Tiếng gió càng ghê rợn (…) khi (…) vuốt qua những gờ kính nhọn còn dắt ở ô cửa vỡ (…) Cái gác bê-tông mà rung lên như đài chỉ huy một con tàu đi trên sóng cuồng (…) Càng về gần sáng, gió đông bắc càng giật (…) Sau trận bão, chân trời, ngấn bể, sạch như tấm kính lau hết bụi. Mặt giời nhú lên (...) Tròn trĩnh phúc hậu như lòng đỏ một quả trứng (…) khổng lồ đặt lên một cái mâm bạc rộng bằng cả một cái chân trời (...) Vài chiếc nhạn (…) chao đi chao lại trên mặt bể sáng dần lên cái chất bạc nén. Một con hải âu bay ngang, là là nhịp cánh (…) Về hợp tác xã đánh ngọc trai Tô Bắc (…) Cái thuyền ba góc đặc biệt của Cô Tô lừ lừ nhả bờ (…) chèo lụ (…) cứ xoáy cứ khoan vào nước (…) mũi chèo lúc nào cũng ngập sâu xuống dưới mặt sóng (…) Thoáng một cái, họ đã ngoi lên (…) bỏ vào lòng thuyền hàng nạm con trai (…) Con trân châu tươi vừa bổ đôi ra, (lòng) vỏ óng lên (...) ánh thanh khiết, kết tinh lại tất cả những buổi tốt trời trên mặt biển vịnh Bắc bộ (...) Vỏ trân châu xanh hồng huyền ảo, càng nhìn càng ưa, và thấy lộng lên cái thảm kịch của sinh vật nằm dưới rốn bể mà vẫn không chịu nguôi lòng tương tư cái nguồn sáng cội gốc (...) lòng trai ngọc (gợi) một thế giới đáy biển vẫn hoài bão ánh trời” (trích “Cô Tô”).(1)

Nguyễn chuyên lên non, thỉnh thoảng mới xuống bể, thì vừa gặp lúc bể đang động. Hay là Cô Tô đã cố ý dàn chào cho đích đáng một người đi lão luyện? Lênh đênh, được thấy màu vẻ lạ lùng của nền trời mặt biển trước cơn dông, đổ bộ được “đại liên” gió quạt lia lịa “đạn” cát vào mình mẩy tay chân mặt mũi, được đẩy chạy trên bãi cát như “một cái buồm thuyền chạy vát (…) sắp đứt dây lèo”, rồi về đến nơi tạm trú thì được thấy hình ảnh tượng trưng cho tàn phá, được nghe gió rú rít “quỷ khốc thần kinh” suốt đêm, vậy chẳng là mới đáng đi sao? Nhưng Cô Tô bão bùng cho biết, rồi Cô Tô thôi bão cho khách thấy những “mình” khác êm đềm hơn. Như mặt trời trên biển lúc bình minh, như màu xanh liên tục thay đổi của nước biển một buổi chiều thật trong trẻo sáng sủa… Đặc biệt, thăm Cô Tô ngoài cảnh lớn, mắt khách còn được gặp một vẻ đẹp kỳ ảo và bất biến ở một nơi thật bất ngờ là bên trong cái vỏ rất khiêm tốn của loài trai ngọc. Hai mảnh vôi bé tí úp vào nhau chôn dưới đáy bùn cát, nhặt lên trông không có gì lạ, ai ngờ mở ra lại thấy trên hai vách lung linh những sắc cầu vồng, thấy như “tất cả những buổi tốt trời trên mặt biển vịnh Bắc bộ” đã kết tinh lại ở đây! Này, vẫn lòng trân châu, nước biển chiều, mặt trời lên, gió dông sóng bão, mây xám trời vàng biển đục v.v. ấy, có phải ai cũng thấy được như “ai” đâu. Một vùng cảnh sắc độc đáo của quê hương đất nước năm xưa đã có khách quý. Dấu chân người ấy cát xóa lâu lắm rồi, nhưng dấu bút trên giấy thì còn sờ sờ đây!

Mùa đông cảng biển xưa

“Cả một vùng biển Vân Đồn (...) ầm ầm sôi bụng mấy buổi liền (...) Đêm đảo về sáng, những gộc củi lấy từ bên rừng Vân cháy đỏ như không bao giờ có thể tàn được; tiếc cái đống lửa mà thành ra như người mắc bệnh không ngủ, tôi nằm xuống ngồi lên (…) Gió mùa đông bắc vẫn lùa gộc lửa bùng và dựng dậy sóng biển (…) Trong tiếng lửa trong mùi gió trong hơi sóng, đã trở về quanh đây tất cả cái tấp nập nhộn nhịp cái dẻo bền cái năng động đáng yêu của đời Trần. Trong sóng đứt chân và gió bấc mùa còn nghe rộn lên tiếng xáp trận của thủy quân ta (...) Chập chờn hết mấy đêm trên sa trường Vân Hải xưa cùng nay, thấy gió lòng quê lộng mãi lên (…) Đất nước mình có núi, có sông (…) có biển (…) có đảo, có nhiều đảo. Riêng huyện Vân Đồn có trên sáu trăm hòn đảo lớn nhỏ (...) Tôi nhìn mãi vệt xanh đảo Cái Làng đang chuyển sang lam tía mà lòng thêm bồi hồi về thiên nhiên muôn vẻ của (đất nước) (…) bâng khuâng nhớ cái đẹp và băn khoăn tiếc cái đẹp ít ai ghi lại cho. Thấy hình như đã đến lúc cần phàn nàn thống thiết cho văn chương và hội họa (…) Việt Nam (…) sao còn gầy guộc quá hình ảnh lớn, đẹp (…) của biển mình (…) Đò trạm (…) về bến huyện (...) Chà, vui mắt quá, cái sân chế biến nước mắm, hàng ngàn chum kiệu màu da lươn thẫm (chia thành) từng khu (…) xếp theo tuổi của nước mắm. Có những chum (…) đã hàng chục niên (…) mở nắp ngửi thơm lừng như hương quý bốc lên từ một thứ rượu mặn. Uống một chén suông, chặc lưỡi một cái, thấy ngọt lừ” (trích “Huyện Đảo”).

Đất nước ta có đủ núi, sông, biển, thì lịch sử chống ngoại xâm phương bắc của dân tộc ta cũng có đủ chiến trường núi, chiến trường sông, chiến trường biển nơi tiếng reo hò thắng trận của quân Đại Việt còn vang như không bao giờ tắt: ải Chi Lăng, sông Bạch Đằng, biển Vân Đồn... Nhưng tự nhiên không phải chỉ tiện làm trận địa, mà trước tiên là thắng cảnh. “Tôi (…) thấy hình như…”, bèn tự mình ra tay ghi lại cái đẹp. Những bài “ký cảnh” của Nguyễn giá trị vô cùng nhưng cô đơn quá, khiến cái sự “cần phàn nàn thống thiết” năm xưa đến năm nay (2018) thấy vẫn rất cần... À, có điều này cũng ngộ là đi thăm cảnh đẹp có khi không phải chỉ có đôi mắt được no nê. Chắc nhân gió mùa đông bắc tạm ngưng thổi, “tôi” đã cho cả cái lưng mình được thưởng thức “cảnh”: “cả người chỉ vẻn vẹn mảnh khố tắm, lăn ềnh ra trên (...) cát mỡ cát sữa (...) đẹp hơn đường hoa mơ đường mỡ gà, có chỗ ánh ngần in hệt đường kính”. Nằm chơi trên cát mỡ sữa đường của bãi Vân Hải chán, Nguyễn ngồi đò trạm về bến huyện Vân Đồn, ghé thăm một vạn gần bến để mũi tha hồ hít ngửi mùi thơm lừng của cái thứ “rượu mặn” mà khi uống vào, “chặc lưỡi một cái”, lại “thấy ngọt lừ”! Trời cho bao nhiêu là cảnh đẹp, tổ tiên lại sáng kiến ra bao nhiêu là miếng thơm miếng ngon, dễ nhớ nhung thương yêu quá đi mất, Tổ quốc ta ơi!



Thu Tứ
Viết năm 2013
Sửa mới nhất 6-2023




















_____________
(1) Đây có xáo trộn thứ tự nguyên văn một chút: NT đi thăm hợp tác xã Tô Bắc trước khi bão tới.