Sức mạnh của định kiến!

Thiết tưởng khi trông thấy rất nhiều vỏ nhuyễn thể nước ngọt trong những đống rác bếp tiền sử ấy, người ta phải đặt ngay vấn đề phải chăng nơi đây xưa kia là đất liền chứ.

Vì lẽ nào cư dân Hang Giữa lại kỳ công chèo thuyền qua đảo lớn Cát Bà tìm bắt ốc nước ngọt về ăn trong khi trên các bãi biển ngay xung quanh chỗ mình ở có đầy ốc biển?!

Nhưng đã đinh ninh rằng trong khung thời gian ấy vùng Hạ Long và Bái Tử Long là biển, thì chắc cũng không có cách giải thích nào khác.

(Thu Tứ)



Nguyễn Tuấn Lâm, “Nhóm di tích Soi Nhụ” (1)



Sáu mươi năm đã trôi qua kể từ khi J.G. Anderson phát hiện ra một loạt các hang động chứa nhuyễn thể ốc núi và ốc nước ngọt ở khu vực vịnh Hạ Long và Bái Tử Long (...)

Bãi biển ngay bên ngoài cửa hang có rất nhiều loại nhuyễn thể biển. Vậy mà lại không hề phát hiện được chúng tại các đống rác bếp trong hang (...) Cũng có khoảng 15 mẫu nhuyễn thể biển rải rác (trong hang) (...) nhưng chúng lại không điển hình cho các loài nhuyễn thể nước mặn ở các bãi triều xung quanh (...)

Anderson (...) khi thấy khối vỏ ốc nước ngọt khổng lồ tại Hang Đục (...) cho rằng khu vực cung cấp loại ốc này gần nhất là đảo Cát Bà (...) (chứ) không hình dung được (những người tiền sử ăn ốc để vỏ lại) đã sống trong một khung cảnh hang động không có biển (...)

Nhóm di tích Soi Nhụ được mệnh danh theo tên của di chỉ hang Soi Nhụ, được khai quật cách đây 30 năm. Hang còn có tên là Hang Miếu, nằm trên hòa đảo đá vôi Soi Nhụ (...) nay thuộc địa phận thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn. Hang được phát hiện từ đầu những năm 60 (...) khai quật vào tháng 12-1967 (Đỗ Văn Ninh 1968).

Các tư liệu khai quật được (...) cùng những nghiên cứu tại chỗ cho thấy hang Soi Nhụ bao gồm hai thời đại khác nhau. Hang Giữa gồm có trầm tích Pleistocene và đặc biệt là các công cụ đá với các nạo bằng mảnh tước cuội, rìu mài lưỡi chế tác từ mảnh tước cuội. Cùng với chúng là các tích tụ nhuyễn thể nước ngọt (...) Bốn niên đại C14 từ các mẫu nhuyễn thể nước ngọt lấy ở Hang Giữa cho các kết quả: 14.125+-180 năm BP, 15.560+-180 năm BP, 12.460+-60 năm BP và 14.300+-400 năm BP.(1)

Lâu nay những niên đại này ít được lưu ý (...) thậm chí còn bị nghi ngờ là không chính xác, bởi (định kiến rằng) trong đợt biển tiến Flandrian từ 17.000 – 7.000 năm cách ngày nay biển đã dâng lên rất cao và nhấn chìm khoảng một nửa đất đai Đông Nam Á hiện tại (...) khu vực Hạ Long, Bái Tử Long thời đó là mênh mông biển cả (...)

Kết quả nghiên cứu mới về mực nước đại dương cho thấy khoảng 18000 năm trước (...) mực nước Biển Đông thấp hơn ngày nay từ 110-120m. Khi băng hà lần cuối tan, mực nước biển dâng cao (...) (Nhưng) tới khoảng 9000-10000 năm trước, cũng vẫn còn thấp hơn ngày nay từ 50-60m (...) khoảng 7000-8000 năm trước, vẫn thấp hơn từ 20-25m (...) Khoảng 4500-5000 năm trước, mực nước Biển Đông dâng lên cao nhất, cao hơn ngày nay khoảng 5m. Sau đó biển lui dần (Lưu Tỳ và một số người khác 1985).

Một số dẫn liệu địa chất về mực nước đại dương được đưa ra có thể không hoàn toàn trùng khớp nhau. Tuy nhiên, chúng đều có điểm chung là: vào thời kỳ Hòa Bình – Bắc Sơn, đường bờ biển cổ ở mãi ngoài khơi vùng biển hiện nay (...)

(Căn cứ vào hiểu biết địa lý xưa cập nhật này, các nhà khảo cổ đưa ra) lý giải mới sau đây về các tích tụ vỏ nhuyễn thể nước ngọt trong các hang đá giữa biển (...)

(Trong khung thời gian của văn hóa Hòa Bình và văn hóa Bắc Sơn) khu vực Hạ Long, Bái Tử Long và các vùng lân cận (là đất liền và trên đó) đã tồn tại một cộng đồng cư dân tiền sử lớn. Họ sinh sống trong các hang động đá vôi gần thềm biển, trên một địa bàn hoàn toàn phân biệt với địa bàn của các cư dân Hòa Bình và Bắc Sơn. Họ là chủ nhân của nhóm di tích Soi Nhụ, mà có người muốn gọi là văn hóa Soi Nhụ (...)

Cho tới nay (...) đã phát hiện được 30 di chỉ thuộc nhóm di tích Soi Nhụ, trong đó có 7 hang do Anderson phát hiện và công bố năm 1939.


(Trích chương VII, “Đá Mới sau Hòa Bình – Bắc Sơn”, sách
Khảo cổ học Việt Nam, tập I, nhiều tác giả, Hà Văn Tấn chủ biên, nxb. Khoa Học Xã Hội, VN, 1998. Lời mở đầu của sách cho biết chương này do Hà Hữu Nga viết lại bản thảo ban đầu của Nguyễn Tuấn Lâm. Ở đây chúng tôi cũng có sắp xếp lại các đoạn cho thêm dễ hiểu.)





______________
(1) BP viết tắt “before present” (trước hiện tại). “Hiện tại” đây là năm 1950, một năm sau khi phương pháp ước lượng tuổi cổ vật bằng đồng vị phóng xạ được phát minh.