Về cái ăn chơi, tỉnh Nam hát chèo nổi tiếng mà đây không thấy nhắc đến.



Toan Ánh, “Hương lúa tỉnh Nam” (2)



Các cô không để ý tới những thửa ruộng gần đấy, cũng có những người khác đang cấy lúa như các cô, hoặc một vài nông phu đang cày bừa chăm chỉ với con trâu. Các cô cũng chẳng bao giờ để ý tới vẻ nhộn nhịp của cánh đồng với cảnh nơi cày, nơi cấy, nơi bừa.

Có lẽ các cô vừa cấy vừa mong cho vụ lúa năm sau được mùa để dân làng no ấm! Có lẽ các cô đang cầu khẩn cho mưa thuận gió hòa để cho thóc rẻ gạo hơn! Có khi có cô không tính gì tới cả công cấy của mình.

Người ta đi cấy lấy công
Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề:
Trông trời trông đất trông mây
Trông mưa trông gió trông ngày trông đêm
Trông cho chân cứng đá mềm
Trời yên bể lặng mới yên tấm lòng.


Các cô làm việc từ sáng tới trưa, chỉ nghỉ tay để ăn cơm rồi lại làm việc từ trưa đến tối. Và sớm hôm sau, cùng các nông phu dắt trâu ra đồng cày ruộng, các cô đã rủ nhau đi để cấy nốt thửa ruộng đang cấy dở, hoặc cấy cho xong mấy thửa ruộng khác:

Rủ nhau đi cấy đi cày
Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu
Trên đồng cạn dưới đồng sâu
Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa.


Các cô hối hả lo công việc, các cô nhanh nhẹn với lúa mạ, không quản gì khó nhọc với nắng mưa, có lẽ các cô nghĩ tới ngày phong lưu của năm sau này mà thóc vàng sẽ tỏa hương thơm ngát khắp cánh đồng chiêm, ngày mà người ta lũ lượt gánh thóc về trên đường làng, ngày mà những người thợ gặt nào liềm nào hái, vui vẻ nói cười và gặt lúa trên đồng cạn cũng như dưới đồng sâu. Cấy lúa xong, người dân quê lại vất vả với những công việc khác, nào làm cỏ, nào phát bờ, nào rải phân. Mọi công việc đều đòi hỏi ở họ một sự siêng năng và một lòng kiên nhẫn. Rồi khi lúa đến thời con gái, phải tát nước, kẻo để chân lúa khô, lúa dễ bắt sâu. Họ theo dõi cây lúa cho tới khi lúa trỗ đòng đòng đâm bông.

Bấy giờ đã cuối tháng tư, lúa đã sắp chín, và sắp sửa là mùa nước. Những đêm chớp bể mưa nguồn là những đêm khiến cho người dân quê lo ngại. Họ sợ những trận mưa to, nước lũ kéo về nước sông dâng lên có thể gây lụt lội, công trình của họ sẽ theo mây gió hết! Mà nếu có sự chẳng may ấy, họ sẽ đói họ sẽ khổ! Tiền đâu mà sưu thuế, tiền đâu mà việc nọ công kia. Sự lo lắng của họ quả thật là chính đáng. Họ sẽ chỉ có thể than thở với trời cao xanh:

Bây giờ gặp phải hội này
Khi thì hạn hán, khi hay mưa dầm
Khi thì gió bão ầm ầm
Đồng tiền thóc lúa mười phần còn ba
Lấy gì đăng nạp nữa mà
Lấy gì công việc nước nhà cho đang
Lấy gì sưu thuế phép thường
Lấy gì bổ chợ đong lường làm ăn
Trời làm khổ cực hại dân.


Họ phải trông nom ruộng lúa cho tới khi được gặt. Thóc gặt về, đập sẩy, phơi phóng xong họ mới yên tâm. Được mùa là họ được tất cả, họ sẽ có cơm no, áo ấm, có đủ tiền để đóng góp với làng. Chồng con họ sẽ không lo thiếu sưu thiếu thuế.

Tháng năm gặt hái đã xong
Nhờ trời một mẫu năm nong thóc đầy
Năm nong đầy em xay em giã
Trấu ủ phân, cám bã nuôi heo
Sang năm lúa tốt tiền nhiều
Em đem đóng thuế, đóng sưu cho chàng
Đói no có thiếp có chàng
Còn hơn đủng đỉnh giàu sang một mình.


Câu ca dao trên đã tả đúng tâm lý của chị phụ nữ đồng quê! Được mùa chị sẽ sung sướng, nhưng trong cái sung sướng chị vẫn tính chuyện làm ăn và lo lắng sưu thuế cho chồng. Cũng như muôn ngàn người đàn bà quê miền Bắc, chị phụ nữ tỉnh Nam chịu hy sinh mọi sự cho chồng, chị mong được cùng chồng no đói có nhau!

Lúa đã gặt rồi, người dân quê tỉnh Nam mới khỏi lo ngại, và mấy tháng trồng cây, bây giờ mới là ngày kết quả.

Thóc đã đập đã phơi, đã sẩy rồi, họ chỉ việc quây vào cót để ăn dần, bán dần lo việc nhà, việc làng, việc nước!

Lúc ấy trời đã cuối tháng năm. Mưa rào đã nhiều và cánh đồng chiêm lại đầy nước trắng xóa. Lại có những người nông phu biến thành ngư phủ, lại có những chị thợ cấy đi mò cua bắt ốc, hoặc đi chở chiếc thuyền nan! Rồi những bà nội trợ, những cô gái quê đội gạo, hoặc một vài nông phẩm khác như cà, đậu, ngô, khoai, họ đã trồng được ở những chỗ ruộng cao tới các chợ bán: họ đi chợ Rồng, họ đi chợ Bạch Tính, họ đi chợ Ninh Cường. Quang cảnh những con đường làng thỉnh thoảng lại được đôi ba ngày tấp nập vì một vài phiên chợ. Những người đàn bà ở đây đi chợ họ đều đội hàng hóa trên đầu, họ không gánh gồng như dân quê các tỉnh phía bắc Hà Nội. Họ bảo rằng ở đây đất đồng chiêm, thường phải lội nước, không tiện cho việc gánh gồng (...)

Trong mùa nước ngập, có những gia đình không bận gì việc đồng áng bèn cùng nhau làm tiểu công nghệ: làng Linh Cường làm nón, các làng ở huyện Mỹ Lộc mua sợi về dệt vải v.v. Nền tiểu công nghệ, tuy chỉ là phụ, nhưng cũng đã giúp cho nhiều gia đình sống qua vụ nước một cách dư dật và đôi khi lại còn có tiền để sắm sửa cho gia đình, may mặc cho con cái.

Cần cù nhẫn nại, chăm chỉ siêng năng là những đức tính chung của tất cả dân quê xứ Bắc, dù ở tỉnh Nam Định, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Hải Dương, tỉnh Phú Thọ, hay tỉnh Bắc Giang. Lẽ sống của họ là ở sự làm việc và chịu đựng, nhất là đối với các phụ nữ. Họ chịu đựng chồng con ở nhà, họ chịu đựng luật lệ ở làng, họ chịu đựng sự bất công của xã hội, và có năm họ còn phải chịu đựng cả sự giận dữ của tạo hóa: bão lụt, hạn hán, hỏa tai.

Nhưng bù lại, họ có những nguồn an ủi quý giá vô biên: ấy là cái cảnh gia đình đầm ấm, vợ chồng con cái đề huề, ấy là lòng tin tưởng ở tương lai, ở kết quả tốt đẹp của mọi cố gắng của họ.

Ngoài ra, ngoài thời gian làm lụng vất vả, họ cũng có những lúc ăn chơi và nghỉ ngơi. Ấy là những ngày hội ngày Tết. Những ngày đó, họ nghỉ công việc, mặc quần áo lịch sử rủ nhau đi chùa đi lễ.

Hàng năm ở Nam Định có hai hội lớn. Hai hội này, không riêng gì dân chúng tỉnh Nam, mà có thể nói là toàn dân miền Bắc tới dự.

Ấy là hội Phủ Giầy ở xã Bảo Ngũ, nơi có đền thờ Công Chúa Liễu Hạnh và hội ở xã Bảo Lộc, nơi có đền thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.

Ngày hội Phủ Giầy rất linh đình nhộn nhịp, hội mở từ ngày mồng một tháng ba và kéo dài tới ngày hai mươi mới rã đám. Thiện nam tín nữ các tỉnh miền Bắc và một phần các tỉnh miền Trung kéo nhau trảy hội rất đông. Trong ngày hội các cuộc tế lễ rất tưng bừng. Đáng chú ý nhất là đám rước từ Phủ Giầy tới xã Phú Chính ở chân núi Côi vào ngày mồng 6 tháng 3. Đây là một đám rước đồ sộ, có không biết bao nhiêu người từ các ngả tới dự, dòng người kéo dài hàng năm sáu cây số. Màu sặc sỡ của cờ, mùi hương quyện với mùi hoa, tiếng trống rước xen lẫn tiếng người thật là ầm ĩ nhộn nhịp (...)

Ngoài đám rước trên, tại hội Phủ Giầy vào ngày mùng mười lại có cuộc kéo chữ. Phu hội hàng mấy nghìn người trong huyện Vụ Bản do các xã cắt tới dự cuộc kéo chữ này. Có năm kéo chữ nẩy Thiên Hạ Thái Bình, có năm kéo mấy chữ Phong Đăng Hòa Cốc. Người ta nô nức đi xem kéo chữ, cũng như người ta nô nức đi dự đám rước cùng các đám tế lễ trong suốt thời gian mở hội.

Hội Phủ Giầy rã đám, người dân quê tỉnh Nam lại quay về với công việc của mình cho tới tháng tám, khi họ kéo nhau tới xã Bảo Lộc dự hội kỷ niệm vị đại anh hùng Trần Quốc Tuấn, người đã hai lần phá quân Nguyên, giữ vững nền độc lập cho nước non nhà (...) Dự hội đền Bảo Lộc người ta nhớ trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng, và người ta cùng nhau truyền tụng những vần thơ về kỳ công của quân tướng nhà Trần:

Tiếng lau rú ào ào tiếng gió
Sóng bập bồng to nhỏ thưa mau
Tiếng buồm tiếng nước hòa nhau
Tạo thành khúc nhạc vui đau hỗn đồng
Hùng tráng tựa tiếng ông Nguyễn Khoái
Hô chiến thuyền quay lại đánh Nguyên
Tiếng gào tiếng thét xung thiên
Hiệu kêu lùi xuống, lệnh truyền tiến lên
Tên vùn vụt từ trên bờ bắn
Thuyền xâm lăng vỡ đắm tan hoang
Tướng Nguyên van lạy xin hàng
Quân ta thắng lợi reo vang nước trời.


Hương lúa tỉnh Nam dịu dàng thơm ngát, người dân quê tỉnh Nam mộc mạc đơn sơ. Họ cần cù với công việc, nhưng không bao giờ họ quên họ là người dân nước Việt. Họ chăm chỉ làm ăn nhưng họ vẫn nhớ tới công ơn những người vì nước.


(Trích
Gái đẹp xứ Bắc)