Nhân duyên hội ngộ tiếng, tai
Một câu chửi lọt, giận hoài không quên
Lại khi nghe, tưởng liên miên
Bao nhiêu huyễn cảnh dựng lên trong đầu!
(Thu Tứ)



“Hiểu Tâm kinh” (2)

Thích Thanh Từ




Thọ (...) là khi sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) tiếp xúc với sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) sinh ra cái nhận chịu, hoặc khổ, hoặc vui, hoặc không khổ, không vui. Sự nhận chịu khổ vui đó gọi là thọ. Ví như khi lỗ tai nghe người ta chửi, lỗ tai là nhĩ căn, tiếng chửi là thanh trần. Khi căn và trần hai cái chạm nhau, mình khởi nhận (thọ) rằng đây là tiếng chửi, lúc đó mình buồn mình khổ. Nhưng cái nhận ra tiếng chửi ấy, khi người ta chưa chửi mình, thì nó đâu có (...) nguyên nó là không, duyên hợp mới có (...) có trần mà không căn thì không có thọ (...) Cái thọ nguyên nó là không, có là do duyên hợp như huyễn (...) Người hiểu được như thế (...) thì bị chê không thấy gì quan trọng, được khen không tự hào (...) qua các khổ nạn, không bị lệ thuộc vào (sáu trần) nữa (...)

Tưởng (...) tức là tâm tưởng của chúng ta, khi chúng ta ngồi lại, nhứt là ngồi chỗ vắng vẻ, chợt nhớ lại một danh từ hay một hình ảnh gì liền khởi tưởng ra tướng trạng. Như (...) ngồi đây nghe nói bên Nhựt cảnh rất đẹp, liền khởi tưởng cảnh ấy thế nầy thế nọ. Cái cảnh đó mình chưa thấy chỉ mới nghe thôi, mà tưởng ra thì cái tưởng ấy đâu có thiệt (...) Mình (...) tưởng tượng bằng cách lấy (cái mình thấy) làm tiêu chuẩn rồi phóng ra (cái chưa thấy) (...) Trước khi nghe nói về cảnh ở bên Nhựt, mình không thể tưởng ra cảnh bên Nhựt, mà sau khi nghe, mình mới tưởng tượng ra được. Như vậy (...) tai nghe (...) mới khởi ra tưởng (...) thinh trần và nhĩ căn (...) tiếp xúc nhau rồi mới có cái tưởng ra. Thành thử cái tưởng vốn là không, duyên khởi huyễn có. Hiểu được như vậy là quán tưởng uẩn thể tánh không, duyên khởi có như huyễn.


(Thích Thanh Từ,
Bát-nhã tâm kinh giảng giải, tu viện Chơn Không, 1974. Nhan đề phần trích tạm đặt.)