Một số nhà nghiên cứu cho rằng thơ lục bát chỉ mới xuất hiện vào cuối thế kỷ 15.

Hầu hết ca dao là thơ lục bát. Nếu ý kiến trên đúng, thì người Việt Nam chỉ mới có ca dao khoảng 500 năm nay!

Nhịp thơ bắt nguồn từ nhịp sống. Tính đến cuối thế kỷ 15 thì dân tộc ta ổn định nhịp sống với nghề trồng lúa nước đã được khoảng hai ngàn năm. Phải mất đến hai ngàn năm, nhịp sống ấy mới đẻ xong nhịp thơ ấy sao?

Sau đây, Võ Phiến đưa ra một manh mối quan trọng về nguồn gốc thơ lục bát.

(Thu Tứ)



Võ Phiến, “Thơ lục bát Chàm”




Ở Bình Ðịnh, tôi lớn lên giữa những chuyện hoang đường về dân tộc Chàm; vào Bình Thuận, tôi gặp họ bằng xương bằng thịt. Và tôi ngạc nhiên về những người bạn Chàm. Về những câu thơ mà các người bạn ấy vẫn ngâm nga chẳng hạn.

Anh M. K. H. đọc cho nghe một bài hát ru con:

“Nư lơi nư đi ca hoanh,
Kìa mông pat băc pụ pành ten me.
Nư lơi nư ránh đi me,
Nư hia nư chó ngá kề huơ nư”.


Biết qua tài liệu, qua sách vở, rằng người Mường, người Chàm có những điệu thơ giống ta, đó là một chuyện. Còn như một hôm, bỗng có dịp bắt gặp điệu thơ lục bát phát ra bằng ngoại ngữ, do một người đang đối diện, quả là một chuyện khác hẳn. Cảm tưởng bỡ ngỡ, bàng hoàng. Điệu thơ lục bát phôi thai từ bao giờ? Đôi ba nghìn năm trước chăng? Từ thời đại Hùng vương dựng nước chăng? (...) Con người thích nghêu ngao sớm lắm. Mà người Việt Nam chúng ta, đã nghêu ngao là nghêu ngao theo câu lục bát: (bao nhiêu) điệu dân ca (...) quanh quẩn bên câu thơ lục bát. Âm điệu lục bát dính liền với lối cảm xúc của dân tộc trải từ kiếp nọ đến đời kia...

Câu thơ lục bát chắc hẳn phải được kể là một trong những biểu lộ cá tính thâm thiết nhất của dân tộc Việt Nam: thơ ấy khác hẳn với thơ Tàu, và nhất mực từ chối mọi ảnh hưởng Tàu trải qua mấy nghìn năm gần gũi. Dễ gì tìm thấy một hình thức nghệ thuật khác giữ được bản sắc vững vàng như nó trước sự tấn công trường kỳ của văn hòa Tàu? Vậy, lục bát là cái gì hết sức thâm thúy đối với tâm hồn Việt Nam.

Và, lạ lùng thay, điệu lục bát lại cũng thâm thúy đối với dân tộc Chàm!

Một thể thơ phổ biến khắp hang cùng ngõ hẻm, đã được mọi tầng lớp dân gian ngâm nga, đã làm cơ sở cho các điệu dân ca v.v., một thể thơ như thế không thể được vay mượn, không thể du nhập từ ngoài vào. Nó phải bắt nguồn từ đầu ngay trong cuộc sống dân tộc. Do đó, giữa câu thơ Việt và câu thơ Chàm hẳn không phải có tương quan ảnh hưởng, mà có mối tương quan về nguồn gốc.

Nguồn gốc của câu lục bát? Các nhà khảo cứu văn học nản lòng trước sự khó khăn xa xôi ấy. Nó thuộc về một thời mờ mịt, tít tắp, mơ hồ...

Nào ngờ, một hôm, một buổi chiều, trước tách nước mời khách, bỗng dưng bắt gặp một chứng cứ liên quan đến nguồn gốc ấy từ cửa miệng một người vừa bập điếu thuốc vừa nói, một người ngồi trước mặt ta. Bạn cũ cố tri, gốc gác thân thiết từ mấy nghìn năm của câu lục bát Việt Nam là đây!

Mấy câu thơ trên là tôi phiên âm theo tai nghe. Anh M. K. H. viết “Nưk lơi nưk đih ka vânh”, nhưng việc La-tinh hóa tiếng Chàm chưa thống nhất, tôi chọn lối ghi đại khái, chỉ cốt làm dễ dàng cho độc giả.


9-1971


(Trong tập
Đất nước quê hương)