Toan Ánh người Bắc Ninh, không biết ông ở Nam Định bao lâu, mà rành tỉnh Nam thế nhỉ.

Trong bài “Chiếc va-li mới” viết hồi tiền chiến, Nguyễn Tuân có nhắc “cái tính cách hiền lành và tẻ nhạt của vùng Sơn Nam Hạ. Người tỉnh Nam Định vốn có tiếng là chân phương”. Dĩ nhiên không phải ai cũng, như chẳng hạn ông Tú Vị Xuyên thì ai dám bảo là…!

Về phong cảnh, Nam Định “hiền lành và tẻ nhạt” nhưng Ninh Bình ngay bên cạnh lại lừng danh “Hạ Long cạn”. Cái kho lúa liền sát cái kho cảnh, hay nào hơn!

(Thu Tứ)



Toan Ánh, “Hương lúa tỉnh Nam” (1)







Nam Định xưa kia thuộc trấn Sơn Nam Hạ, đất rộng người đông, làm ruộng một năm hai vụ lúa chiêm. Ở đây dân tình thuần hậu, người chăm chú lo sự làm ăn. Những cánh đồng thẳng cánh cò bay, lan rộng tới mãi chân trời, dòng sông Vị, dải sông Hồng lượn quanh giữa đám ruộng màu mỡ, làm cho đất cát thêm phì nhiêu, lúa thêm xanh, và phong cảnh thêm cẩm tú. Non Côi cao sừng sững hiên ngang như muốn kiểm soát một cõi sơn hà. Xa xa mờ mờ phía chân trời tây, dãy núi Hoành Sơn giống như một bức bình phong muôn vẻ che chở cho ruộng đồng bát ngát. Giữa cánh đồng mạ mơn mởn màu tơ nõn, nước trắng xóa, những làng mạc ẩn trong lũy tre, nổi bật lên những ngôi chùa, những làn khói lam từ từ bốc lên cao và tỏa ra màu trắng đục, biến lẫn với mây trên không trung đang nhè nhẹ bay thành từng dải theo gió vắt ngang trời.

Những lúc trời sâm sẩm tối, mặt trời đã xế, không gian mờ mờ tím, bốn bề vắng vẻ phẳng lặng, phong cảnh đồng quê tỉnh Nam đượm một vẻ buồn man mác. Phảng phất từ ruộng lúa bốc lên, một mùi nhạt nhạt của mạ non, hoặc mùi thơm thoang thoảng của lúa đòng đòng mới trổ, tùy theo với ngày tháng trong năm. Lững thững trên bờ ruộng, bóng đen của vài nông phu vai cày, vai cuốc dắt trâu về làng. Im lặng và tịch mịch. Lưng trời vài con vạc bắt đầu đi kiếm ăn kêu mấy tiếng dài gọi đêm trường nghe buồn mênh mông.

Cũng như phong cảnh trầm lặng, người dân tỉnh Nam trầm lặng ít nói. Họ mộc mạc đơn sơ. Quanh năm áo nâu sồng màu của đồng đất, họ chỉ quan tâm đến đồng đất. Đàn ông thì quần nâu, áo nâu, còn đàn bà cũng vẫn màu nâu ấy, nhưng đáng lẽ họ trang điểm cho thêm tươi tắn bằng một đôi (?) yếm lụa mỡ gà hay cánh sen như phụ nữ các tỉnh Bắc Ninh, Sơn Tây thì ở đây, với chiếc thắt lưng tím họ đã làm cho y phục màu nâu của họ càng tối sầm và tẻ ngắt.

Họ quanh năm lam lũ làm ăn, hướng tinh thần vào đồng ruộng. Hương lúa thơm phức tỏa lên khi vụ chiêm tới dưới nắng oi ả của trời tháng năm là tất cả mọi phần thưởng và mọi niềm an ủi của những công lao khó nhọc của họ.

Thực vậy người dân tỉnh Nam, giống như hầu hết các dân quê khác thuộc các vùng đồng chiêm xứ Bắc, rất chịu khó cực nhọc và mất rất nhiều công lao cho đồng ruộng của mình.

Ruộng chiêm hàng năm ra ngoài vụ tháng năm, nước ngập trắng xóa bát ngát. Làng mạc biến thành những cù lao xanh biếc, và giữa làn nước bạc, thỉnh thoảng một vài con đường làng đắp cao, nổi màu tro nhạt, đi ngoằn ngoèo từ xã nọ tới xã kia. Những cô lái đò đồng chiêm với chiếc thuyền nan bồng bềnh chở khách từ nơi này đến chốn khác. Đôi khi ngọn gió đồng thổi làm chiếc thuyền chập chờn quay mũi, những con sóng động làm bật nước vào mạn thuyền tung bọt trắng xóa. Cơn gió mạnh qua, mặt nước đồng lại lăn tăn gợn những làn sóng nhỏ, và chiếc thuyền nan lại nhè nhẹ đè mặt nước theo đà của con sào hoặc của chiếc bơi chèo.

Bên những con đường làng uốn khúc, những thửa ruộng ngập nước, một vài người nông phu theo với tình trạng của cánh đồng đã biến thành những ngư phủ đang dậm lưới, úp nơm để kiếm chút cá vụn. Thỉnh thoảng một vài con cá nhỏ quẫy mình trắng như bạc óng ánh dưới trời hè. Vài phụ nữ, váy xoắn cao, khăn bịt đầu thật chẽn đang lom khom mò cáy bắt cua ở gần đấy.

Canh nước lớn kéo dài cho tới tháng tám. Bấy giờ mùa mưa ngâu đã qua, mùa lụt đã khỏi, nước đồng ngấm dần xuống đất hoặc chảy dần ra sông, người dân quê vùng Nam Định mới lo tính đến chuyện cày cấy vụ chiêm.

Làm mùa chiêm rất vất vả nặng nhọc. Ruộng đồng phải cày bừa vào lúc bắt đầu hanh, chân tay thường bị nẻ khô, cấy lúa vào lúc nắng hè oi ả và gay gắt nhất. Đồng lúa chiêm lại lắm đỉa, nhất là vụ gặt, mùa mưa rào đã bắt đầu, đồng ruộng đã chớm nước, loài đỉa càng sinh sản nhiều. Thật là tổn công vậy! Nhưng đã gọi là con nhà nông, chỉ biết có hương thơm của lúa, công việc dù mệt nhọc có sá gì. Chỉ cầu sao cho mưa nắng phải thì đúng độ, lúa trổ bông đúng kỳ gặt hái là người nông phu sung sướng.

Ơn trời mưa nắng phải thì
Nơi thì bừa cạn, nơi thì cày sâu
Công lênh chẳng quản lâu lâu
Ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng
Xin ai đừng bỏ ruộng hoang
Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu.


Phải, một tấc đất bỏ không là bỏ phí mỗi năm một số thóc, cho nên tấc đất là tấc vàng. Người làm ruộng không bao giờ chịu bỏ đất hoang, dù đất đó khô rắn, dù sự cày bừa vất vả nhưng nghĩ đến hạt cơm trắng với mùi thơm dịu dịu, người ta có thể quên được những buổi cày cấy dưới nắng chang chang với mồ hôi nhễ nhại:

Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần!


Người nông phu không quản nắng mưa (...) Tuy nhiên, vất vả phần mình chịu đã đành, lại còn con trâu, người bạn mưa nắng cũng phải chịu dầu dãi như mình (...)

Trâu ơi, ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Ta đây trâu đấy ai mà quản công
Bao giờ cây lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.


Ruộng đã cày bừa xong, đất để cho ải, trước khi tát nước vào làm vụ cấy.

Thóc giống gieo trên ruộng mạ sâm sấp nước. Thóc nảy mầm, những cây mạ non mọc lên như tơ nõn. Ngọn mạ lăn tăn trước gió lạnh của trời đông. Những ruộng mạ trông như tấm thảm xanh, chỗ thưa chỗ dày, chỗ đậm chỗ nhạt. Vào khoảng giữa tháng một, mạ đã mọc cao chừng ba tấc. Bấy giờ người ta nhổ mạ, bó thành từng bó, xén bớt đầu lá để cấy lại trên ruộng lúa. Người ta tát nước vào những thửa ruộng này cho dễ dàng việc cấy.

Trời lạnh, nước cạn, công việc tát nước rất tốn công. Nếu về vụ hè, cánh đồng chiêm mênh mông những nước thì giờ đây, khi cần tới nước lại khan hiếm, phải tát từ những mương rất xa, nhiều khi phải cho nước chảy qua bốn thửa ruộng khác mới tới thửa ruộng của mình.

Nước ở những mương này có năm rất cạn, chỉ dâng cao theo với ngọn thủy triều. Người dân quê đồng Nam phải chờ nước triều lên rủ nhau tát nước, họ gọi là đi cướp nước ngọn triều. Những ruộng cao tát nước bằng gầu dai, còn ở các ruộng thấp phải dùng gầu sòng.

Ruộng cao sắm một gầu dai
Ruộng thấp thì phải sắm hai gầu sòng.


Ruộng đã có nước, việc cấy lúa bắt đầu. Các cô thôn nữ lại cùng nhau quẩy ra đồng những bó mạ, cách đấy mấy hôm các cô vừa nhổ ở ruộng mạ mang về, những bó mạ xinh xinh như những đứa trẻ lên ba thắt lưng con cón.

Vừa bằng thằng bé lên ba
Thắt lưng con cón chạy ra ngoài đồng.


Việc cấy lúa chiêm rất vất vả. Trời đang giữa mùa đông, gió lạnh, nước đang giá! Thế mà các thiếu nữ đồng quê không quản chi gió bấc mưa phùn, cùng nhau làm việc ở dưới ruộng, nước ngập trên mắt cá chân. Các cô cũng rét, nhưng các cô phải vui vẻ với việc làm. Đầu các cô chít khăn mỏ quạ che kín hết hai tai cho tới cằm, và muốn cho được ấm thêm, các cô lại buộc một chiếc lạt ở ngoài khăn, theo nếp vấn đầu để giữ lấy hơi nóng. Các cô mặc áo ấm, phần nhiều là áo bông. Bước xuống ruộng váy phải xắn cao, và để tà váy đằng trước cũng phủ đằng sau khỏi kéo lê trên mặt nước, các cô lấy lạt buộc thắt lại.

Gió đông lạnh buốt làm má các cô ửng hồng, hai hàm răng các cô run rẩy cắn chặt lấy nhau. Các cô vẫn can đảm làm việc mặc trời giá rét.

Ba bốn cô cấy một thửa ruộng. Những bó mạ đặt ngay ở giữa ruộng. Các cô cởi bó mạ ra, tay cầm từng nắm nhỏ, cấy từ bở ruộng này tới bờ ruộng kia. Các cô cúi lom khom, thoăn thoắt đưa tay cắm những cây mạ xuống ruộng. Các cô vừa cấy lúa vừa lùi, cứ theo bước chân các cô lùi những hàng mạ được cấy lên. Các cô mải mê với công việc, chỉ ham làm, quên cả chuyện trò với nhau. Trời lấm tấm mưa phùn, gió bấc căm căm thổi. Những cây mạ được cấy rồi, ngả đầu theo chiều gió, mặt nước ruộng lăn tăn gợn sóng. Vài con tôm con tép nhảy tanh tách làm mặt nước rung rinh với những vòng tròn nhỏ.

Cấy hết nắm mạ này, các cô lấy nắm mạ khác, và hết một bó mạ, các cô lại cởi thêm bó khác. Thửa ruộng theo với tay các cô nhanh nhẹn cắm những cây mạ gọn gàng xuống đất, chẳng mấy lúc đã được cấy gần xong. Các cô chăm chú với nhánh mạ ham công ham việc mong sao cấy cho thửa ruộng chóng xong để còn cấy sang thửa ruộng khác.


(Trích
Gái đẹp xứ Bắc)