Ghềnh thác vượt lâu rồi. “Dòng sông quãng này lững lờ như nhớ thương những hòn đá thác xa xôi để lại trên thượng nguồn Tây Bắc”. Và chắc nhớ thương cả những “cái thuyền như một con cá quẫy mạnh đuôi trên mặt sông”, loài cá kỳ lạ ở chóp đuôi lủng lẳng một cái bu gà! Cá chở gà để giúp “người lái đò sông Đà (...) đi đường xa, qua bờ này bến khác, có tiếng gà gáy đem theo đỡ nhớ nương ruộng bản mường mình”… Đến đây là xa “thượng”, nhưng chưa phải đã gần “hạ” đâu: “Cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm. Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích”. Người đi qua bờ xưa nỗi cũ chắc mắt đã lóe những tia tò mò chói lắm hay sao mà “con hươu thơ ngộ” trong cổ tích có lúc đã “ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương” để “chăm chăm nhìn tôi lừ lừ trôi trên một mũi đò”! Ngồi trên bờ ngắm sông Đà, rồi ngồi trên sông Đà ngắm bờ, cứ mãi như thế, tất nhiên tình cảm nẩy nở: “Chuyến ấy ở rừng đi núi cũng đã hơi lâu, đã thấy thèm chỗ thoáng. Mải bám gót anh liên lạc, quên đi mất là mình sắp đổ ra sông Đà. Xuống một cái dốc núi, trước mắt thấy loang loáng như trẻ con nghịch chiếu gương vào mắt mình rồi bỏ chạy (…) Chao ôi, trông con sông, vui như thấy nắng ròn tan sau kỳ mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng (…) nó đằm đằm âm ấm như gặp lại cố nhân”. Như để ủng hộ quan hệ khắng khít, sự tình cờ đã sắp xếp cho “tôi (…) bay tạt ngang qua sông Đà mấy lần” để chiêm ngưỡng đối tượng cả từ trên cao: “Từng nét sông tãi ra trên đại dương đá lờ lờ bóng mây (...) Con sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân. Tôi đã nhìn say sưa làn mây (…) bay trên sông Đà (...) mùa xuân dòng xanh ngọc bích”. Tây Bắc đẹp vô cùng, ngộ vô cùng, nhưng Nguyễn không phải du khách từ đâu xa đến mà nhìn chỉ thấy có cảnh. Năm 1960, “công việc trị thủy sông Đà mới còn là ở bước nghiên cứu” nhưng “lòng tôi đã thấy rưng rưng một niềm tin yêu đối với tương lai Tây Bắc”. Yêu sông đậm đà, yêu Nước nồng nàn, cái đi của một người nó mới đáng sao!

(Thu Tứ)



Nguyễn Tuân, “Người lái đò sông Đà” (3)





ảnh khuyết danh


Tôi có bay tạt ngang qua sông Đà mấy lần, và thấy đó cũng là thêm cho mình một góc độ nhìn một cách nhìn về con sông Tây Bắc hung bạo và trữ tình. Từ trên tàu bay mà nhìn xuống sông Đà, không ai trong tàu bay nghĩ rằng cái dây thừng ngoằn ngoèo dưới chân mình kia lại chính là cái con sông hàng năm và đời đời kiếp kiếp làm mình làm mẩy với con người Tây Bắc và phản ứng giận dỗi vô tội vạ với người lái đò sông Đà. Cũng không ai nghĩ rằng đó là con sông của câu đồng dao thần thoại Sơn Tinh Thủy Tinh “núi cao sông hãy còn dài – năm năm báo oán đời đời đánh ghen” (...) từng nét sông tãi ra trên đại dương đá lờ lờ bóng mây (...) Con sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân. Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên sông Đà, tôi đã xuyên qua đám mây mùa thu mà nhìn xuống dòng sông Đà. Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước sông Đà không xanh màu xanh canh hến của sông Gâm sông Lô. Mùa thu nước sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về. Chưa hề bao giờ tôi thấy dòng sông Đà là đen (...)

Con sông Đà gợi cảm. Đối với mỗi người, sông Đà lại gợi một cách. Đã có lần tôi nhìn sông Đà như một cố nhân. Chuyến ấy ở rừng đi núi cũng đã hơi lâu, đã thấy thèm chỗ thoáng. Mải bám gót anh liên lạc, quên đi mất là mình sắp đổ ra sông Đà. Xuống một cái dốc núi, trước mắt thấy loang loáng như trẻ con nghịch chiếu gương vào mắt mình rồi bỏ chạy. Tôi nhìn cái miếng sáng lóe lên một màu nắng tháng ba Đường thi “yên hoa tam nguyệt hạ Dương Châu”. Bờ sông Đà, bãi sông Đà, chuồn chuồn bươm bướm trên sông Đà. Chao ôi, trông con sông, vui như thấy nắng ròn tan sau kỳ mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng. Đi rừng dài ngày rồi lại bắt ra sông Đà, đúng thế, nó đằm đằm âm ấm như gặp lại cố nhân, mặc dầu người cố nhân ấy mình biết là lắm bệnh lắm chứng, chốc dịu dàng đấy, rồi chốc lại bẳn tính và gắt gỏng thác lũ ngay đấy.

Thuyền tôi trôi trên sông Đà. Cảnh ven sông ở đây lặng tờ. Hình như vào đời Lý đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi. Thuyền tôi trôi qua một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa. Mà tịnh không một bóng người. Cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm. Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa. Chao ôi, thấy thèm được giật mình vì một tiếng còi xúp-lê của một chuyến xe lửa đầu tiên đường sắt Phú Thọ - Yên Bái – Lai Châu. Con hươu thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương, chăm chăm nhìn tôi lừ lừ trôi trên một mũi đò. Hươu vểnh tai, nhìn tôi không chớp mắt mà như hỏi mình bằng cái tiếng nói riêng của con vật lành: “Hỡi ông khách sông Đà, có phải ông cũng vừa nghe thấy một tiếng còi sương?”. Đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bụng trắng như bạc rơi thoi. Tiếng cá đập nước sông đuổi mất đàn hươu vụt biến. Thuyền tôi trôi trên “dải sông Đà bọt nước lênh bênh – bao nhiêu cảnh bấy nhiêu tình” của “một người tình nhân chưa quen biết” (Tản Đà). Dòng sông quãng này lững lờ như nhớ thương những hòn đá thác xa xôi để lại trên thượng nguồn Tây Bắc. Và con sông như đang lắng nghe những giọng nói êm êm của người xuôi, và con sông đang trôi những con đò mình nở chạy buồm vải nó khác hẳn những con đò đuôi én thắt mình dây cổ điển trên dòng trên.



ảnh khuyết danh


Sông Đà khai sinh ở huyện Cảnh Đông tỉnh Vân Nam, lấy tên là Ly Tiên (theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi thì tên Trung Quốc của sông Đà lại là Bả Biên Giang) mà đi qua một vùng núi ác, rồi đến gần nửa đường thì xin nhập quốc tịch Việt Nam, trưởng thành mãi lên và đến ngã ba Trung Hà thì chan hòa vào sông Hồng. Từ biên giới Trung Việt tới ngã ba Trung Hà là 500 cây số lượn rồng rắn, và tính toàn thân sông Đà thì chiều dài là 883 nghìn thước mét chảy qua hai nước Việt Nam Trung Quốc xóm giềng. Thời cũ, tên con sông Đà lại được dùng làm tên đạo tên lộ. Trong số 15 lộ hành chính đời Trần, có Đà Giang lộ gồm những đất đai từ tỉnh Hưng Hóa ngược lên. Và người xưa cũng đã tha thiết với sông Đà. Chánh sứ sơn phòng đồn Hưng Hóa Nguyễn Quang Bích, một nhà thơ ái quốc thời đó, chống Pháp và mất ở Tây Bắc (lúc ấy từ Hưng Hóa ngược lên đều gọi là Tây Bắc) đã đem sông Đà vào một bài thơ họa lại thơ Tôn Thất Thuyết:

“Lòng trung không nỡ bỏ Tây Châu,
Giữ lấy Thao, Đà dải thượng lưu”.
(...)

Một buổi chiều Quỳnh Nhai khác, tôi lại tìm đến một cô đò đã từng chở đò dọc đưa gạo kháng chiến từ Quỳnh Nhai về thác Tà Hè đổ lên kho quân lương. Cô lái đò châu Quỳnh Nhai giảng cho tôi hiểu biết thêm về ý nghĩa kiến trúc của cái thuyền then vút đuôi én trên sông Đà: “Các eng bảo thuyền giống con cá, bảo cái thuyền như một con cá nó quẫy mạnh đuôi trên mặt sông thì cũng được thôi. Chúng em chỉ biết cái đuôi thuyền nó vẫy lên cao như thế để có cái chỗ mà treo cái bu gà. Gà sống này, con nào đẹp lông và gáy hay, thì phải mua đến mười đồng bạc mới. Con gà sống là cái đồng hồ của người lái đò sông Đà đấy. Đi đường xa, qua bờ này bến khác, có tiếng gà gáy đem theo, nó đỡ nhớ nương ruộng bản mường mình (...)

Châu Quỳnh Nhai được giải phóng trước tiên ở Tây Bắc, Quỳnh Nhai vốn là cơ sở bàn đạp ở Tây Bắc (...) Phong trào địch hậu Quỳnh Nhai có những lúc nó khủng bố rất dữ (...) Hồi ấy sông Đà khúc này, ban ngày mà cũng tối sầm như ban đêm. Đứt liên lạc cứ hàng tháng, tỉnh ủy đóng vòi vọi trên núi Mèo.

Nhưng mà buổi chiều hôm nay, thấy sông Đà ở bến này có một cái gì khang khác, chưa từng thấy trên sông này một lần nào cả (...) Thì ra cái đoàn thuyền cắm quốc kỳ đang ghé bến kia là đoàn thuyền của chuyên gia ta và chuyên gia bạn đi nghiên cứu sông Đà, để rồi sẽ trị con sông dữ tợn này, bắt nó phải phục vụ cuộc sống Tây Bắc (...) Con người ở hai ven sông này và nói chung ở khắp Tây Bắc đều mừng rỡ (...) Nhiều người sốt sắng muốn được biết trước xem đến năm nào (...) thì bắt đầu xây đập thủy điện trên sông Đà (...) dù công việc trị thủy sông Đà mới còn là ở bước nghiên cứu, lòng tôi đã thấy rưng rưng một niềm tin yêu đối với tương lai Tây Bắc (...)



ảnh Thaibk37



1960


(Trích từ bài Người Lái Đò Sông Đà trong tập ký
Sông Đà, nxb. Tác Phẩm Mới, 1978)