Gần ba mươi năm sau phát biểu quan trọng của Wilheim G. Solheim II trên tạp chí National Geographic về tiền sử ÐNÁ (1), Stephen Oppenheimer cho xuất bản một quyển sách về cùng đề tài.

Trong sách ấy, Oppenheimer trình bày nhiều chứng cứ và lập luận mới lạ có giá trị ủng hộ ý kiến “Người ÐNÁ vốn ở ÐNÁ” của Solheim. Ðồng thời, ông đề xuất người ÐNÁ cổ đã gieo rắc mầm mống văn minh không chỉ ở Hoa Bắc như Solheim chủ trương mà ở cả khu vực Lưỡng Hà và Ai Cập. Oppenheimer tin rằng ÐNÁ cổ chính là cái nôi của nền văn minh gốc mà Will Durant từng tìm kiếm.

Cái nôi của văn minh ở đâu là chuyện cực rắc rối, vì chẳng những khó tìm mà còn khó được nhìn nhận.

Solheim bảo Hoa Bắc học Ðông Nam Á. Nhà nước Trung Quốc không công khai phản bác, nhưng lặng lẽ qui định ưu tiên khu vực trong công tác khảo cổ. Học giả Trung Quốc hễ muốn đào xới thật kỹ Hoa Bắc sẽ “tự nhiên” gặp nhiều thuận lợi, mà hễ hiếu sự muốn kiếm... chuyện ở Hoa Nam thì sẽ đâm đầu vào đủ thứ trở ngại, đến nỗi có kẻ thất chí bỏ nghề.(2)

Người Tàu bảo nước Tàu học “nam man” thì bơ vơ, lúng túng ở Tàu. Còn người Tây bảo Tây phương vốn có thầy thì lúng túng, bơ vơ ở Tây. Chắc chắn Oppenheimer sẽ không bao giờ gây được “quỹ” để cố lôi lên những chứng cứ không bác bỏ được mà ông tin đang nằm đâu đó dưới đáy biển ngoài khơi vùng Sulawesi (Nam Dương) hoặc dưới đáy vịnh Hạ Long.

Thế là bình thường. Vinh quang của ai thì người ấy phải bỏ tiền ra mà tự tìm chứ. Người Ðông Nam Á có phải là thầy của Tàu của Tây hay không, chuyện ấy phải đợi đến lúc ta đủ mạnh để chiếm lại Hoa Nam (!) và đủ giàu để sắm đủ thứ máy móc tối tân có thể “mò (ra) kim (nơi) đáy bể” (hoặc đợi đến một Thời Ðại Băng Giá khác, khi biển xanh lại biến thành ruộng dâu!), thì mới may ra biết được.

(Ðồ ngâm dưới biển mau nát hơn đồ vùi dưới đất dưới cát nhiều. Ðến lúc chủ đủ điều kiện, liệu vật có còn không?)

Dưới đây chúng tôi trích dịch một số đoạn từ sách
Ðịa Ðàng ở phương Ðông. Cuối mỗi trích đoạn đều có ghi số trang trong nguyên tác để độc giả tiện tham khảo.

(Thu Tứ)

(1) Xem bài Ánh Sáng Mới Trên Một Quá Khứ Bị Lãng Quên, trang
gocnhin.net.
(2) Xem tạp chí
National Geographic, Mỹ, số tháng 7 năm 2003.




Oppenheimer, S., “Địa đàng ở phương Đông”



Lời nói đầu

Trong sách này tôi sẽ thuật lại việc tìm kiếm và phân tích những chứng cứ liên hệ đến một số cư dân của một vùng lục địa đã mất - những người hơn 7000 năm trước đã có công làm nảy sinh các nền văn hóa lớn chẳng những ở Viễn Ðông mà cả ở Trung và Cận Ðông, và đã là tác giả nguyên thủy của vô số phốt-cơ-lo phổ biến khắp Á - Âu. Tôi đi đến kết luận rằng hầu hết vết tích khảo cổ của các nền văn hóa gốc (founder cultures) có địa bàn tại Ðông Nam Á này đã bị hủy diệt bởi một trận lụt khủng khiếp cuối Thời Ðại Băng Giá gần đây nhất (tr. XIII)

Trong thời gian nghiên cứu và viết sách, tôi nhận ra mình đang xây dựng trên cơ sở sáng kiến của một số người khác. Nhiều nhà địa chất học và hải dương học, chẳng hạn hai học giả Mỹ Bill Ryan và Walt Pitman, đã xem những thần thoại hồng thủy là sự thực tiền sử và đã bắt đầu nhận ra tầm mức khác thường của những đợt biển dâng hậu kỳ Băng Giá tại Hắc Hải cũng như tại vài nơi khác. Các nhà khảo cổ ở Hương Cảng và ở Mỹ như William Meacham và Wilhelm Solheim gần đây đã ra công quảng bá ý kiến cho rằng tổ tiên của cư dân Ða Ðảo và Nam Dương hiện nay thực ra đã sống ngay trên vùng lục địa bị ngập của Ðông Nam Á chứ không phải đã thiên di từ Trung Quốc như nhiều nhà ngữ sử học vẫn tưởng. Trong khoảng một trăm năm qua có nhiều học giả khác cũng từng cho rằng quê hương của người Ða Ðảo phải ở về phía nam và đông của Trung Quốc. Còn chuyên gia nhân chủng kiêm nhà nghiên cứu phốt-cơ-lo người Tô-cách-lan lừng danh, Ngài James Frazer, vào đầu những năm 1900 đã chỉ ra hàng trăm chỗ tương tự giữa nhiều thần thoại ở Âu châu và ở Á châu; trong phần hai của sách lập luận của tôi sẽ căn cứ vào một số những thần thoại này (tr. XIII-XIV)

Tuy nhiên, riêng phần tôi cũng có đề xuất vài ý kiến mới. Tôi tin rằng tôi là người đầu tiên chủ trương rằng Ðông Nam Á là nơi xuất phát của những yếu tố của văn minh Tây phương. Thứ đến, những chứng cứ di truyền học mà tôi sẽ trình bày cho thấy những người nói tiếng Ða Ðảo đã bắt đầu thiên di ra khắp Thái Bình dương từ vùng Ðông Nam Á, chứ không phải từ Trung Quốc. Và sau cùng, cố gắng phân tích những chỗ móc nối về phốt-cơ-lo của tôi - dựa trên công trình tiền phong của Frazer – thiết tưởng có giá trị khẳng định mối liên hệ Ðông-Tây, đồng thời cung cấp một cơ sở luận lý cho ý nghĩa nguyên thủy của nhiều thần thoại và phốt-cơ-lo Tây phương (tr. XIV)

Dẫn nhập chung

Ðông Nam Á (ÐNÁ) là một trong những khu vực văn hóa phong phú nhất, cổ nhất và đa dạng nhất trên thế giới. Vậy mà các sử gia đã nghiễm nhiên giả định rằng văn hóa ÐNÁ chỉ là một loại con thứ của hai nền văn minh lục địa lớn ở Á châu là Ấn Ðộ và Trung Quốc. Quan điểm khinh thị dễ dãi ấy không công bằng và mâu thuẫn với rất nhiều chứng cứ về độ cổ xưa và mức tinh tế độc đáo của vùng đất này (tr. 1)

ÐNÁ về văn hóa đa dạng lạ lùng như thế, nên tôi không khỏi kinh ngạc trước hiện tượng thiếu hẳn tò mò về nguồn gốc của những nền văn minh độc đáo nơi đây. Một ví dụ ở Tây phương về khuynh hướng thiên vị văn hóa có thể thấy trong thái độ khi khám phá ra một ngữ hệ mới. Hai trăm năm trước, người ta bỗng nhận biết đa số các ngôn ngữ ở Ấn Ðộ và ở Âu châu đều thuộc vào một ngữ hệ duy nhất, nay gọi là nhóm ngôn ngữ Ấn - Âu. Hiểu biết này được kể là một trong những thành quả trí tuệ lớn nhất đương thời. Nỗ lực tìm hiểu lại mình mà nó làm nảy nở còn được xem là đã đóng góp quan trọng vào phong trào Lãng mạn. Trong khi ấy, việc khám phá ra nhóm ngôn ngữ Nam Ðảo vài năm trước đó lại không hề gây được chút chú ý nào cho mãi đến thập kỷ 1970. Những thứ tiếng nói đã lan xa tận Madagascar, tận đảo Easter, lan tới Ðài Loan, Hawaii và Tân Tây Lan đều thuộc vào cùng một ngữ hệ với các ngôn ngữ ở ÐNÁ. Chúng đã lan khắp Thái Bình dương và có lẽ khắp Ấn Ðộ dương trước khi Phật ra đời (tr. 3-4)

Sách về nguồn gốc của các nền văn minh trên thế giới tránh hẳn vùng ÐNÁ. Ghi chép về các nước trong khu vực thường chỉ dành vài dòng cho phần tiền sử và tập trung vào những nền văn hóa chịu ảnh hưởng Ấn Ðộ và Trung Quốc trong vòng 2000 năm qua và sau đó là những thời kỳ thuộc địa. Cho mãi đến gần đây, hầu như chỉ có văn hóa đồ đồng Ðông Sơn và những tiền thân của nó ở Việt Nam trong thiên kỷ -1 là nền văn minh phức tạp sớm duy nhất được xem là nội sinh. Các nhà nhân địa học (1) có để ý cư dân các đảo ở Thái Bình dương có những tín ngưỡng cổ xưa, mang tính hoặc tôn giáo hoặc pháp thuật hoặc thần thoại, khá giống tín ngưỡng ở Âu châu và Cận Ðông. Họ điển hình giả định đấy là do ảnh hưởng từ Tây sang Ðông. Mặc dầu không hề có chứng cứ gì về một dòng chảy như thế trước khi người Âu châu bắt đầu đi thám hiểm thế giới mới tương đối gần đây (tr. 4)

Về quan điểm lệch lạc (2) này, có những nguyên nhân khác ngoài thái độ kiêu ngạo về văn hóa. Thứ nhất, ở ÐNÁ, ngoại trừ trường hợp Thái Lan và Việt Nam, các nhà khảo cổ chỉ mới “gãi” qua những địa điểm khảo cổ Thời Ðá Mới và Thời Ðồ Ðồng đã phát hiện. Thứ hai, là tình trạng thiếu hẳn những văn kiện đọc được thuộc vào thời tiền-Ấn. Thứ ba, có lẽ quan trọng hơn cả, là sự kiện rất có thể hầu hết những địa điểm đáng chú ý nhất trong vùng hiện nay lại đang nằm sâu dưới nước (tr. 4)

Nhiều khám phá khảo cổ mới đây đã làm lung lay định kiến rằng khu vực này là do Trung Quốc và phương Tây khai hóa. Nông nghiệp có hệ thống đã bắt đầu ở Nam Dương rất lâu trước khi xuất hiện ở Cận Ðông, nơi ta quen nghĩ là cái nôi của cuộc Cách Mạng Ðá Mới ở Cựu Thế Giới. Ở Nam Dương đã tìm thấy bằng chứng là việc trồng khoai mỡ và khoai môn dại (wild yam and taro) khởi sự trong khoảng năm -15000 đến năm -10000. Hơn nữa, việc trồng lúa rất có thể đã diễn ra ở vùng bán đảo Thái Lan trong thiên kỷ -6 hay -7, tức sớm hơn ở Trung Quốc nhiều (tr. 4)

Di vật Thời Ðại Ðồng có niên đại sớm bất ngờ đã được tìm thấy ở các địa điểm mộ táng ở Ban Chiang, ở nam Thái Lan và ở Phùng Nguyên thuộc bắc Việt Nam. Tuổi ước lượng cho những địa điểm này chưa đạt nhất trí, nhưng mới đây một số niên đại C14 đáng tin cậy từ những mảnh trấu còn dính trong nồi cho thấy ở Ban Chiang vào đầu thiên kỷ -2 Thời Ðại Ðồng đã bắt đầu. Có hai niên đại sớm đặc biệt - một khoảng gần 5000 năm cách ngày nay và một nữa khoảng gần 6000 năm cách ngày nay. Hai số liệu sau, nếu chính xác, sẽ là sớm ngang với ở những địa điểm Cận Ðông cổ nhất, và tức là sớm hơn ở Trung Quốc (tr. 4-5)

Như tôi sẽ trình bày chi tiết trong phần II của sách này (chương 8-16), có bằng chứng cho thấy một nền văn minh cổ vô danh nào đó đã kích thích sự phát triển ở vùng bờ biển tây bắc của Ấn Ðộ Dương (...) Cả (...) Ai Cập và Sumer cũng đều có cổ tích và chứng cứ về ảnh hưởng từ phương Ðông vào thời sơ khai (tr. 8)

Nhiều nhà khảo cổ đã đề xuất có ảnh hưởng Ðông phương ở Ai Cập vào thời tiền-Triều trước năm -3000 (...) Do thiếu chọn lựa nào khác, người ta thường cho rằng ảnh hưởng từ phương Ðông này xuất phát từ khu vực Lưỡng Hà. Nhưng liên hệ giữa Lưỡng Hà và Ai Cập thực ra nặng tính anh-em hơn mẹ-con. Cổ thư Ai Cập Book of the Dead, vốn được xem là chứa nhiều tư liệu thuộc thời tiền-Triều, nhắc đến phương Ðông 16 lần, chủ yếu bằng một giọng khiếp sợ (tr. 8-9)

Ở Lưỡng Hà, những câu nói liên hệ đến ảnh hưởng Ðông phương còn rõ ràng hơn. Nổi tiếng hơn cả là những lời trong Kinh Thánh, vốn dựa vào các văn bản Sumer cổ. Theo Sáng Thế Ký (Genesis), Ðịa Ðàng ở phương Ðông. Sáng Thế Ký chép: “khi con người thiên di từ phương đông, họ gặp một đồng bằng (...) tên Shinar (Sumer) và họ định cư ở đó.” Họ xây tháp Babel và rồi gặp nạn bất đồng ngôn ngữ (tr. 9)

Về mặt ngữ học, người Sumer không giống ai khác trong khu vực. Họ nói một thứ tiếng “kết dính” (agglutinative) không có liên hệ gì với ngôn ngữ của các láng giềng Ấn-Âu hay Semitic xung quanh (...) Ða số học giả cho rằng người Sumer đến từ một nơi nào đó ở phía đông, và họ đã thạo dùng thuyền buồm, nhưng nơi ấy ở đâu thì ý kiến vẫn chưa thống nhất. Hiện nay có bằng chứng từ nhiều nguồn cho thấy đã có một đợt biển dâng lớn trước khi người Sumer thiên di đến Lưỡng Hà (tr. 9)

Vào cao điểm của Thời Ðại Băng Giá cách nay khoảng 18 đến 20 ngàn năm, ÐNÁ là một lục địa lớn gấp đôi Ấn Ðộ, gồm những vùng đất bây giờ ta gọi là bán đảo Ấn-Trung, nước Mã Lai Á, và nước Nam Dương. Biển Nam Hải, vịnh Thái Lan và biển Java, khi ấy đều khô ráo, nối tất cả lại với nhau. Về mặt địa chất, ÐNÁ bấy giờ được gọi là thềm Sunda (...) Sau Thời Ðại Băng Giá, thềm Sunda mất đi một diện tích tương đương với cả nước Ấn Ðộ (...) Một dải đất khổng lồ khác ở bờ phía đông châu Á cũng bị dìm sâu dưới nước. Giữa Hàn, Nhật, Trung Quốc và Ðài Loan trước là đất nay là Hoàng Hải (3) và Ðông Hải (4). Vào Thời Ðại Băng Giá, những bến cảng dọc ven biển phía nam của Trung Quốc bây giờ, như Hương Cảng, vốn ở sâu hàng trăm dặm trong nội địa (tr. 10)

Sách này bàn về khả năng khi biển bắt đầu dâng lớn lần sau cùng cách nay khoảng từ 7500 đến 8000 năm thì đợt cuối trong diễn tiến thiên di khỏi thềm Sunda cũng khởi sự. Ðã xảy ra nam thiên về phía châu Úc, đông tiến vào khu vực Thái Bình Dương, tây tiến vào Ấn Ðộ Dương và bắc tiến vào nội địa châu Á. Hậu duệ của nhóm đông tiến, hiện sinh sống trên các nhóm đảo Melanesia, Polynesia và Micronesia, nói những thứ tiếng thuộc ngữ hệ Nam Ðảo, tức cùng ngữ hệ với các thứ tiếng nói của cư dân vùng ÐNÁ hải đảo. Khi di tản bằng thuyền biển lớn nhóm này có chở theo gia súc và một số cây thực phẩm. Trong nhóm di tản về hướng tây có kẻ đem kỹ thuật trồng lúa vào Ấn Ðộ. Những cư dân ở phía bắc thềm Sunda chạy lên vùng đất sau được gọi là bán đảo Ấn-Hoa và lên châu Á nội địa, lập ra những văn hóa phức tạp ở tây nam Trung Quốc, ở Miến Ðiện và Tây Tạng. Một số di vật rực rỡ của những nền văn minh cổ xưa này nay chỉ mới bắt đầu được khám phá (tr. 10)

Trong tất cả các cuộc di tản vừa giả thiết, những kẻ tỵ nạn về phía đông, phía Thái Bình Dương, chắc đã giữ được văn hóa nguyên thủy toàn vẹn hơn cả. Từ ấy cho đến lúc người Âu sang, họ luôn sống tương đối cách biệt với thế giới bên ngoài (...) Những du khách đầu tiên như thuyền trưởng Cook trong thế kỷ 18 đã không khỏi chú ý đến tình trạng xã hội nhiều đẳng cấp phức tạp và năng khiếu hải hành đặc biệt của họ. Tài đi biển cần thiết cho sinh tồn, còn xã hội giai cấp dường như muốn nói lên một quá khứ huy hoàng (tr. 11)

Ðời sống tinh thần của người Ða Ðảo tràn ngập thần thánh. Trong tất cả các nhóm Thần Mặt Trời luôn luôn đứng đầu và trong vài nhóm được gọi là Ra, y như ở Cổ Ai Cập. Hầu như không ngoại lệ, huyền thoại của họ đều nhắc đến một thứ địa đàng ở về phía tây hay tây bắc (...) Ðiều tôi đề xuất ở đây là những bước phát triển này (5) đã xảy ra ở Ðông Nam Á trước ở Tây Á, và khi di tản cư dân ÐNÁ đã đem sáng kiến của mình theo mà kích thích sự phát triển của các nền văn hóa Ðá Mới ở Trung Quốc, Ấn Ðộ, Lưỡng Hà, Ai Cập và Crete (tr. 11)

Giới thiệu phần I

(...) Trong nửa thứ nhất này của sách, để chứng minh giả thuyết Chạy Lụt tôi sẽ dùng bốn phương pháp quen thuộc của nhà tiền sử là địa chất học, khảo cổ học, ngôn ngữ học và di truyền học. Khi tổng hợp nên giả thuyết, tôi biết rằng có một số yếu tố hoàn toàn chắc chắn, một số khác là những khám phá mới nhưng đã ổn định, và một số khác nữa còn mang tính phỏng đoán và đang gây nhiều tranh luận (tr. 17)

Ðể làm mọi việc đơn giản, tôi sẽ bắt đầu với những tư liệu đã ổn định về các trận lụt (...) Trong hai mươi năm qua ngày càng có thêm nhiều bằng chứng cho thấy việc biển dâng sau Thời Ðại Băng Giá đã không diễn ra từ từ; ba lần băng sụp thình lình, lần cuối cách nay chỉ 8000 ngàn năm, đã gây thảm họa ở những bờ biển nhiệt đới có thềm lục địa phẳng (...) Ðiều chưa biết chắc chắn là ảnh hưởng cụ thể của những biến cố kinh hoàng này đối với cư dân ở Ðông Nam Á và các vùng duyên hải thuộc khu vực Ấn Ðộ - Thái Bình dương (tr. 17)

Hồ sơ hải dương cho thấy biển đã dâng ít nhất 120 mét trong ba trận lụt, bắt đầu cách nay khoảng 14000, 11500 và 8000 năm. Thời kỳ biển dâng nhanh này dẫn đến ba hệ quả liên hệ đến bằng chứng sinh hoạt loài người. Thứ nhất, ở ÐNÁ và Trung Quốc, nơi có thềm lục địa phẳng, mọi thứ bằng chứng về sinh hoạt ở các vùng duyên hải và vùng đất thấp cận duyên trước 8000 năm trước giờ đều nằm sâu dưới nước. Thứ hai, trong đợt biển dâng thứ ba và chót, nước đã lan rộng khắp thềm lục địa, và chỉ mới bắt đầu rút cách nay khoảng 5500 năm. Những khu định cư mới lập ra trong khoảng thời gian giữa biển tiến (lần 3) và biển lùi nay đều bị lấp dưới phù sa (...) Thứ ba, cư dân những vùng lụt tất nhiên phải di tản, đem theo mọi thứ sáng kiến qua nơi khác (tr. 18)

Những hệ quả đoán được này có để lại vết tích trên lịch sử cuộc Cách Mạng Ðá Mới ở khu vực Á - Âu. Những nước ở về phía bờ Thái Bình của châu Á dường như đã bắt đầu cách mạng khá lâu trước phía Tây, nhưng dường như đã dừng lại. Cách nay khoảng 12500 năm, không lâu sau trận lụt thứ nhất, đồ gốm xuất hiện ở phía nam nước Nhật. Khoảng 1500 năm sau đó có bằng chứng gốm xuất hiện ở Trung Quốc và bán đảo Ấn-Trung. Những niên đại gốm này sớm hơn niên đại gốm ở các khu vực Lưỡng Hà, Ấn Ðộ hay Ðịa Trung Hải từ 2500 đến 3500 năm. Ðá dùng để mài ngũ cốc hoang đã có mặt ở các đảo Solomon thuộc tây nam Thái Bình Dương 26000 năm trước, trong khi cư dân ở Thượng Ai Cập và Nubia dường như mới biết dùng cách nay khoảng 14000 năm, còn ở Palestine thì chỉ mới 12000 năm (tr. 18-19)

(...) Ở Cận Ðông (...) nồi gốm - thứ di vật bền bỉ ưa thích của các nhà khảo cổ - xuất hiện (...) 1000 năm sau nông nghiệp (...) Có quái lạ không, khi dường như cư dân ở Nhật, Trung Quốc và bán đảo Ấn-Trung biết làm nồi hàng mấy ngàn năm rồi mới biết trồng lúa! Tại sao có hiện tượng kỳ dị này? (tr. 19)

Do lụt, bằng chứng nông nghiệp sớm ở các vùng duyên hải nay hẳn đang chìm sâu dưới biển (tr. 20)

Tình trạng gần như trống không của tiền sử Ðá Mới ở ÐNÁ dẫn đến hai quan điểm khảo cổ đối chọi nhau. Một bên - bên đa số - chủ trương thời đại Ðá Mới ở ÐNÁ hải đảo bắt đầu có lẽ cách nay chỉ mới khoảng 4000 năm, do di dân xuống từ Trung Quốc thông qua Ðài Loan và Phi Luật Tân. Bên kia, trong đó có tôi, cho rằng tổ tiên của người ÐNÁ hiện đại đã sống ngay tại đó vào cuối Thời Ðại Băng Giá và chẳng những đã phát triển kỹ thuật hải hành và nông nghiệp sớm hơn dân Cận Ðông mà hơn 7000 năm trước còn đã bắt đầu chèo thuyền đi khắp Thái Bình dương và ghé khắp bến thuộc châu Á (tr. 20)

Chứng cứ sau cùng, và có lẽ nhiều sức thuyết phục hơn cả - về sự việc cư dân hiện tại của Ðông Nam Á vốn vẫn ở đấy từ Thời Ðại Băng Giá, rồi bắt đầu tứ tán khi biển dâng - nằm ngay trong những cái dzen trong người họ (xem chương 6 và 7). Những mốc dzen (gene markers) đặt thổ dân ÐNÁ ở ngay dưới gốc của những chủng hệ Á châu và cho thấy họ đã lang thang khắp bốn phương đến tận châu Mỹ và khu vực Trung Ðông. Một mốc đặc biệt - gọi là “đồ án Ða Ðảo” (“Polynesian motif”) vì tìm thấy ở quá nhiều người Ða Ðảo - xuất phát từ cư dân vùng đảo Maluku (Moluccas) ở đông Nam Dương trong Thời Ðại Băng Giá. Sự kiện cái mốc này đến nay vẫn chưa tìm thấy ở Trung Quốc, Ðài Loan hay Phi Luật Tân mâu thuẫn với thuyết đa số và gợi lên một tiền sử ÐNÁ xưa cũ hơn nhiều (tr. 20-21)

Giới thiệu phần II

Tôi tin rằng Ðông Nam Á là trung tâm sáng kiến sau Thời Ðại Băng Giá và rằng chính việc gieo rắc những sáng kiến này đã dẫn đến những bước nhảy vọt về kỹ thuật ở các nơi khác. Người Nam Ðảo có thể đã góp kỹ thuật hải hành, pháp thuật, tôn giáo, thiên văn học, khái niệm đẳng cấp và khái niệm vua. Người nói tiếng Nam Á có thể đã góp những sáng kiến thực tế hơn như việc trồng ngũ cốc, và cả nghề luyện đồng (tr. 221)

Những đợt di cư này tỏa ra từ hai trung tâm chủng-ngữ (ethno-linguistic) trên thềm Sunda cũ - quê hương của người Nam Ðảo ở đông Nam Dương quanh vùng Sabah, Sulawesi và Maluku, và quê hương của người Nam Á trên vùng đất nay là một phần của Biển Đông (VN) (tr. 222)

(...) những móc nối văn hóa có nguồn gốc cổ xưa nhất giữa ÐNÁ và Cận Ðông là những cái không lấy tay sờ được nhưng vẫn nằm bền bỉ trong phốt-cơ-lo (...) nội dung câu chuyện có thể sống lâu hơn tất cả những thứ ngôn ngữ đã được dùng để kể nó (tr. 224)

(...) chúng ta sẽ xem xét những thần thoại cốt lõi khác của truyền thống văn hóa Tây phương được chép bên cạnh thần thoại lụt trong mười chương đầu của Sáng Thế Ký (...) cho mỗi câu chuyện gốc ở Tây phương chúng ta lại tìm thấy một cội nguồn Ðông phương và một cách giải thích hợp lý hoặc từ Maluku hoặc từ bán đảo Ấn-Trung. Theo nhiều học giả trong thế kỷ này, cái bản chất kỳ dị, phức tạp và khó xảy ra của huyền thoại Tây phương hẳn đã trồi lên từ những đáy sâu của tiềm thức. Theo sự phân tích của tôi thì những đặc điểm ấy lại bắt nguồn từ một số ý đơn giản và cơ bản rất có thể đã xuất phát từ ÐNÁ rồi được kết hợp đi kết hợp lại đến khi biến thành những huyền thoại vừa rối rắm vừa huy hoàng được chép lại lần đầu trên những con dấu và thẻ ở Lưỡng Hà vào buổi bình minh của lịch sử (tr. 225)

Lời kết

(...) có bằng chứng là 8000 năm trước ở một số vùng cao thuộc Sumatra và Java đã từng có những khoảnh rừng lớn bị dọn trống (tr. 476)

(...) Wilhelm Solheim cho rằng những cư dân sớm của ÐNÁ hải đảo vào lúc này đã biết trồng củ, thuần hóa thú, thu hoạch cây và thạo nghề đi biển. Rất có thể họ đã nói những thứ tiếng tiền thân của tiếng Nam Ðảo sau này (...) Họ có thể đã hoàn chỉnh một mạng lưới mậu dịch đường biển tỏa lên tận Nhật và Hàn 7000 năm trước (...) Họ hàng của họ, rất có thể đã nói tiếng Nam Á, định cư trên ÐNÁ lục địa tách biệt hẳn với họ và có để lại di vật. Từ lâu vẫn bị tưởng nhầm là còn ở thời kỳ săn bắn - hái lượm, những người Hòa Bình và Bắc Sơn thực ra đã thạo các nghề định cư như trồng củ, trồng lúa và làm nồi gốm (tr. 476)

Tôi đã dành phần lớn chương I vào cố gắng thuyết phục rằng người Nam Ðảo đã đông tiến vào Thái Bình dương sớm hơn, khoảng hơn 6000 năm trước. Cố gắng ấy có mục đích cụ thể. Mặc dầu việc tiến vào Thái Bình dương không liên hệ trực tiếp với tình hình văn hóa lan tỏa từ Ðông sang Tây, vấn đề thời điểm sẽ làm đảo lộn hết quan điểm cổ điển về tiền sử ÐNÁ. Nói đơn giản, giả thuyết phổ thông hiện nay về một “chuyến xe lửa tốc hành từ Trung Quốc ra Ða Ðảo” tùy thuộc vào một niên đại trễ cho chuyến xe ấy, tức mới khoảng năm -1500. Nếu chuyến xe thực ra chẳng những đã không bao giờ đến gần Trung Quốc mà đã rời ÐNÁ ngay sau trận lụt chót, thì sẽ hoàn toàn hợp lý khi giả sử rằng có một số kẻ phiêu lưu khác đã dong buồm thẳng về hướng tây cũng vào thời ấy (tr. 476)

Hồ sơ khảo cổ về những thành tựu của phương Ðông tiền sử gồm nhiều khoảng trống hơn là sự kiện, nhưng nó chứa những mảnh vụn gợi nhiều mất mát hơn phương Tây vẫn tưởng. Vài trong số những mảnh sớm nhất là những thuyền nhân đã đến các đảo Solomon gần 30000 năm trước, những món đồ gốm làm ở Nhật 12500 năm trước, những cư dân vùng cao ở New Guinea từng tháo cạn nước đầm lầy để trồng khoai môn 9000 năm trước, những niên đại trồng lúa sớm bất ngờ ở bán đảo Mã Lai mang ý nghĩa rất có thể chính dân nơi đây sau đó đã đem nông nghiệp lúa vào Ấn (tr. 476)

Trên lục địa châu Á, từ cuối trận lụt chót, chúng ta bắt đầu thấy những khu định cư Tân Thạch “mới” dọc theo duyên hải phía đông và nam của Trung Quốc và ở Việt Nam. Nhưng những nhà khảo cổ Ðông phương nhạy bén đã nảy ra ý thử nhìn bên dưới lớp phù sa mới đắp trên những dải đất ven biển bằng phẳng này, và quả nhiên họ tìm thấy dấu vết những văn hóa Tân Thạch sớm hơn, trước lụt. Ở Thái Lan và Việt Nam từ thiên kỷ -5 cũng bắt đầu thấy xuất hiện những khu định cư trong nội địa, chẳng hạn ở Ban Chiang. Có lẽ cư dân ở đây là dân sống ven biển chạy lụt (...) Nền văn hóa San Xing Dui ở Trung Quốc (tỉnh Tứ Xuyên), thuộc Thời Ðại Ðồng và có niên đại cách nay khoảng 3200 năm, cũng có nhiều móc nối văn hóa với ÐNÁ hải đảo hơn là với Hoa Bắc (tr. 477)

Về bằng chứng đã xảy ra chuyện thiên di về hướng tây, chúng ta có thể dẫn ngay sự hiện diện của người Munda ở trung Ấn, tại những nơi tìm thấy dấu vết trồng lúa đầu tiên, có lẽ khoảng 7000 năm trước. Người Munda có liên hệ cả về chủng tộc lẫn ngôn ngữ với những người Môn--Khơ-me ở Ðông Dương, và dù cách biệt nhau hàng ngàn ki-lô mét và hàng ngàn năm, vẫn dùng chung nhiều từ thuộc văn hóa lúa cũng như một số thuật ngữ thời đồng đỏ - đồng pha. Ðiều này có thể là chứng cứ khi tây tiến họ đã đem theo một văn hóa đã định hình (tr. 478)

Chúng ta cũng đã tìm thấy móc nối về di truyền và ngôn ngữ giữa những thuyền nhân Nam Ðảo với một số dân tộc ở miền nam Ấn. Tuy liên hệ về ngôn ngữ ở đây kém hiển nhiên so với tình hình ở phía bắc, những mốc dzen cổ xưa rõ ràng dẫn ta về vùng ÐNÁ hải đảo. Có thể những vị khách lạ đầu tiên từ phương đông chính là giống người Naga huyền thoại từng du nhập gia vị và tục thờ rắn (tr. 478)

(...) Những mốc dzen này tương ứng với một độ da dạng cao, do đó cho ta biết di dân đã ở lại lâu dài tại Nam Á. Một số mốc độc đáo khác trong nhóm dzen globin lại cho thấy một dòng chảy từ Ðông sang Tây xuyên qua Ấn Ðộ mà đến tận Lưỡng Hà (tr. 479)

(...) Mốc dzen cũng bắc hành lên tận vùng nồi nấu dzen (genetic melting pot) ở chân núi phía đông của Hy Mã Lạp Sơn. Hiện tượng này củng cố lập trường cho rằng dân hỗn tạp ở đây là những kẻ tỵ nạn ngược sông từ phương nam chứ không phải là những tiền nhân của một cuộc phân tán từ Tây Tạng. Bức tranh di truyền như thế vẽ nên một cuộc phân tán cổ xưa từ ÐNÁ ra khắp bốn phương theo với nước lụt (tr. 479)

Cá nhân tôi cho rằng mặc dầu đã có xảy ra chuyển giao kỹ thuật lớn lao (từ Đông sang Tây) trong một thời gian dài, những bài học mới quan trọng nhất từ phương Ðông là (...) làm cách nào dùng đẳng cấp, chính trị, pháp thuật và tôn giáo để khống chế thành quả lao động của kẻ khác (tr. 483)

(...) Ở Ai Cập và Lưỡng Hà những nhà cai trị đầu tiên đều hoặc là thần thánh hoặc là chức sắc, và đều được sự ủng hộ của một giai cấp chức sắc. Vào một thời điểm nào đó, ai đó đã nảy sáng kiến biến thiên văn học - vốn là thứ kiến thức thực dụng trong nông nghiệp và hải hành mà người Ðông phương nhất định đã thành thạo - thành khoa “chiêm tinh” nhằm lung lạc quần chúng (...) Các chiêm tinh gia ở Lưỡng Hà đã đoán hậu vận bằng cách xem xét bộ lòng của một con thú, y như hiện nay người ÐNÁ, từ dân quê đến bậc vương giả, vẫn còn làm (tr. 484)

(...) Ở Anh quốc, “biết chỗ đứng của mình” mới cách nay vài thập kỷ hãy còn là cơ bản trong sinh hoạt xã hội. Vậy mà cái cơ cấu giai cấp đè nặng lên nước Anh hơn bất kỳ nước nào khác ở Âu châu vẫn chưa là gì so với những hệ thống đẳng cấp hiện vẫn tồn tại trong những xã hội Nam Ðảo truyền thống từ Madagascar đến Bali đến Samoa. Tiếng Bali vẫn bảo lưu nhiều danh hiệu giúp người tầng lớp này xưng hô với tầng lớp khác cho đúng cách. Từng ngôi làng ở Samoa vẫn còn quý tộc. Cái ám ảnh giai cấp này như thế rõ ràng không phải là một tập tục mà người Nam Ðảo mới học lại từ người Ấn (tr. 484)

Cuộc hành trình đi tìm quá khứ mà tôi vừa thuật lại bắt đầu từ một câu nói tình cờ của một cụ già trong một ngôi làng Thời Ðại Ðá ở Papua New Guinea. Từ những thắc mắc chuyên môn về tình hình dzen và bệnh sốt rét trên hòn đảo ấy, tôi đã đi đến nhận thức rằng những trận lụt hậu kỳ Băng Giá đã làm những cư dân biết trồng trọt và biết đi biển vốn sống ven biển ở ÐNÁ phải tẩu tán khắp bốn phương, đến đâu gieo mầm văn hóa đến đấy. Âm vang của những đợt thiên di này vẫn còn nghe thấy được ở phương Tây trong những văn bản cổ như Huyền thoại Gilgamesh và mười chương đầu của Sáng Thế Ký. Một số ý chính của cổ thư vẫn bàng bạc khắp toàn bộ văn chương kinh điển tự cổ chí kim (tr. 485)

Và những gì còn lại ở Ðông Nam Á ngày nay chỉ có thể giúp ta nhìn thoáng thấy Ðịa Ðàng đã mất (tr. 485)








_________________
Chú thích của người dịch:
Nguyên tác tiếng Anh:
Eden in the East - The Drowned Continent of Southeast Asia, xuất bản lần đầu năm 1998 ở Anh quốc, do nhà Weidenfeld & Nicolson. Bản dịch này căn cứ vào ấn bản năm 2001, do nhà Phoenix, cũng ở Anh quốc. Stephen Oppenheimer tốt nghiệp Y khoa ở Ðại học Oxford, Anh quốc, năm 1971. Trong vài chục năm qua Oppenheimer chủ yếu sống ở vùng Viễn Ðông và Thái Bình Dương, nơi ông nghiên cứu nhi khoa nhiệt đới, đặc biệt là bệnh sốt rét. Chính trong khi xem xét tình hình phân bố một số đặc tính di truyền giúp miễn nhiễm mà ông nảy ra ý thử tìm hiểu về văn hóa Đông Nam Á cổ.
(1)
Ethnographers, tức những người nghiên cứu tình hình phân bố của các chủng tộc hoặc dân tộc và mối liên hệ giữa họ với sinh môi.
(2)
Blinkered, tức bị một cái gì đấy ám ảnh làm mờ lý trí.
(3) Hoàng Hải nằm giữa Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên, đại khái ngoài khơi tỉnh Sơn Ðông. Gọi là Biển Vàng có lẽ vì chứa nhiều phù sa của sông Hoàng Hà.
(4) Ðông Hải đây là
East China Sea, tức Biển Đông từ góc nhìn của người Trung Quốc, chứ không phải Biển Đông của ta, mà họ gọi là Nam Hải (South China Sea). Ðông Hải TQ đại khái kéo dài từ bắc Ðài Loan lên đến nam Nhật Bản, ngoài khơi các tỉnh Phúc Kiến, Triết Giang, Giang Tô.
(5) Tức chẳng hạn việc trồng lúa, chia đẳng cấp xã hội, khái niệm vua, pháp thuật, tôn giáo, thiên văn. (Xem dòng trước dòng được trích dịch.)