Ở đầm Thị Nại (Bình Định) có rất nhiều dắc, nhưng to lắm chỉ bằng đầu ngón tay út người lớn. Con dắc Phú Yên vậy là khổng lồ. Mắm dắc... Thêm một loại mắm nữa ưa “cặp kè” với thịt heo ba chỉ luộc. Sao miếng ngon ấy lắm bạn mắm thế! (Thu Tứ)



Trần Huiền Ân, “Mắm dắc”




Đặc sản vùng biển Tuy An còn có:

(...) Mắm dắc (...) “dắc” là viết theo cách đọc của người Phú Yên, không phân biệt các phụ âm đầu v, d, gi, cũng như các phụ âm cuối t, c.

Con dắc sống ở nước xà hai cửa biển Tân Châu. Dắc cùng loại với ngao sò, vỏ mỏng hơn, lớn nhất chỉ bằng ngón chân cái, trung bình bằng ngón tay cái. Nó sống dưới cát, sâu độ 0,5 tấc đến 1 tấc. Dắc có quanh năm, trừ tháng mưa lụt. Khi thủy triều xuống dùng rổ (gọi là rổ dắc) cào hốt lại, sàng lắc, cát lọt xuống, còn lại con dắc.

Đem về ngâm độ 3-4 giờ. Dắc hả miệng nhả hết chất bẩn. Dùng một mảnh vỏ sò mỏng tách đôi con dắc, bỏ vỏ, lấy thịt, không rửa nước lã, cho vào thẩu, tỉn... cho muối vào, đậy nắp lại đặt nơi khuất. Muốn mắm mau lên men có thể đem hong nắng yếu một hai ngày. Độ 5-6 ngày mắm dậy mùi thơm, màu sành là có thể ăn được. Ăn mắm dắc phải trộn thính. Thính là bắp rang (không nổ) đem xay giã nhỏ, rây lấy bột. Ớt chín dằm hoặc xắt mỏng. Ớt bột cũng được. Tự thân món mắm dắc đã có vị chua nhưng nếu thích chua hơn có thể vắt thêm tí chanh hoặc trộn ít khế xắt thành sợi nhỏ.

Mắm dắc ăn với rau thơm, chuối chát. Cũng dùng chấm thịt phay, loại thịt ba rọi xắt mỏng (...)

Con dắc không nhiều nên không bán đi xa. Ăn tươi thì dùng dắc nấu cháo, như cháo hàu, cháo sò, và dùng xào mướp, nấu canh cải cay.


(Trần Huiền Ân,
Phú Yên miền đất ước vọng, nxb. Trẻ, 2004)