Không đừng được, cái đàn "hươu" hay "nai chà"(1) trên mặt trống đồng đã làm các nhà nghiên cứu mất ăn mất ngủ.

Vì cái giống hươu hay nai có cái đống chà trên đầu ấy hình như không hề sống gần vùng đất thấp nơi người Lạc Việt trồng lúa nước! Hình như nó vốn chạy nhảy trong rừng hay trên đồng cỏ hàng nhiều ngàn cây số về phía bắc của nước Văn Lang.

Gió nào đã đưa nó xuống phương nam, lên mặt trống diễn hành chung với chim với cá?
(Thu Tứ)

(1) Tiếng của Bình Nguyên Lộc trong
Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam.



Trần Quốc Vượng, “Cái gốc Trung Á”



Cái nhìn của giới khảo cổ học Việt Nam (...) nghệ thuật Ðông Sơn, phản ảnh một môi trường sinh thái - nhân văn của nghề trồng lúa nước miền đất thấp, với cá - thuyền - chim nước (mỏ dài) - rắn nước. Những đàn hưu đực cái đầu mang cặp sừng, những dao găm cán hình người tết tóc, những móc đai lưng, khóa thắt lưng đeo lục lạc v.v... xuất trình ảnh hưởng của miền thảo nguyên, của cư dân chăn nuôi miền đồng cỏ Trung Á...


(Trần Quốc Vượng,
Trong cõi, nxb. Trăm Hoa, Mỹ, 1993. Nhan đề phần trích tạm đặt.)