Năm 1942 Ðoàn Phú Tứ bảo trường hợp tiếng Việt, "âm thanh vốn sẵn có năng lực diễn tả tình ý".

Từ bấy đến nay mối liên lạc giữa âm thanh với tình ý đã được nhiều nhà nghiên cứu làm rõ thêm đáng kể.

Dưới đây Nguyễn Hưng Quốc cho biết khi đọc câu thơ Vũ Ðình Liên thấy nếu thay "trời" bằng "giời" thì tự nhiên có thêm cảm giác "buồn và lạnh".

Chỉ đọc khác đi một chút mà không hóa có, tài tình là cái tiếng ta!

(Thu Tứ)



Nguyễn Hưng Quốc, “Giời nhẹ hơn trời!”




Có khi cũng cùng một chữ nhưng cách phát âm khác nhau cũng tạo thành những nghĩa thơ khác nhau. Ví dụ, hai câu này của Vũ Ðình Liên:

Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay.


Câu sau, tôi thích đọc theo giọng Bắc: "trời" thành "giời". Ðã đành dù là "trời" hay "giời" thì câu thơ vẫn là một sự khắc họa hình ảnh cơn mưa bụi đang lất phất bay. Nhưng âm "giời" nhẹ và dài, dễ gợi cảm giác buồn và lạnh của một cơn mưa bụi lâm thâm, lắc rắc rơi trên hình bóng một ông đồ ngồi hiu quạnh với lá vàng và với nỗi thê lương. "Ngoài trời mưa bụi bay" thì chỉ có mưa. "Ngoài giời mưa bụi bay" thì không những chỉ có mưa mà còn có cả cơn rét gây gây, se sắt, tái tê.


(Nguyễn Hưng Quốc,
Nghĩ về thơ, nxb. Văn Nghệ, Mỹ, 1989. Nhan đề phần trích tạm đặt.)