Chưa bao giờ trong lịch sử chống ngoại xâm dân phải giúp quân nhiều như lần này. Lý do là không như những giặc trước, giặc lần này sở hữu phương tiện chiến tranh ưu việt. Ngoài vũ khí cực kỳ lợi hại, giặc còn có máy móc chuyên chở hiệu quả lạ lùng. Nhân dân Việt Nam đã lấy đôi chân của mình ra mà cân đối những Đa-kô-ta, ca-mi-ông của quân đội Pháp! Khiêng gánh nặng nề đường xa thăm thẳm non liền non suối liền suối, dầu dãi nắng mưa, ngủ thì màn trời chiếu đất, ăn thì nhiều khi phải ăn cháo, người ta dễ sinh cáu bẳn, khó chịu, dễ trở nên ích kỷ với nhau lắm. Nhưng mà không. Đây những người lao động cực kỳ vất vả lại vui như hội và dịu dàng và sẵn sàng nhường thứ rất cần thiết cho người khác! Núi rừng Cao Bằng giữa thế kỷ 20 đã chứng kiến một “cảnh tượng” đẹp chưa từng có! (Thu Tứ)



Nam Cao, “Vui như đi hội!”

Nam Cao




Tôi đã được nghe người ta ca tụng đồng bào Cao-Bắc-Lạng nhiều. Đồng bào Cao-Bắc-Lạng quả xứng đáng với những lời ca tụng.

Khi ta còn đang sửa soạn chiến dịch, tôi có hỏi một cán bộ Cao Bằng về việc huy động dân công. Anh trả lời tôi:

- Nhân dân Cao Bằng đã được huy động ráo riết luôn sáu tháng rồi. Nhưng nhân dân Cao Bằng vẫn sốt sắng, góp thêm người, thêm của. Chúng tôi cương quyết huy động được.

Anh không nói quá. Luôn sáu tháng rồi, nhân dân Cao Bằng hết lớp này đến lớp kia, đi sửa đường, đắp thêm đường, tham gia các công việc vận tải, tiếp tế, cứu thương. Nhưng người dân Cao Bằng không tỏ ra mệt mỏi một chút nào. Họ đi dân công vui vẻ như đi hội.

Tôi nghỉ tạm mấy ngày ở nhà một người Nùng. Chủ nhà ngoài bốn mươi tuổi mà trông đã già như quá năm mươi. Đời sống cực khổ in hằn trên nét mặt mầu sốt rét. Người con trai lớn, 21 tuổi, đi Vệ quốc quân. Anh thứ nhì, 19 tuổi, tối hôm qua còn lau láu nói chuyện với chúng tôi về người Thổ, người Nùng, áo ngắn, áo dài, những tiếng khác nhau... sáng hôm nay đã khăn gói lên đường đi vào địa phương quân. Còn lại hai vợ chồng và ba đứa con biết ăn nhưng chưa biết làm gì. Họ có rất ít ruộng, không có trâu, ở một cái nhà lá chật hẹp làm ngay trên mặt đất chứ không đủ tiền làm nhà sàn như những nhà kia. Của chìm chẳng biết có những gì, còn của nổi là một đàn vịt hai chục con quây ngay ở đầu giường chúng tôi nằm. Họ ăn cháo ngô suốt nửa năm. Lũ con mặc áo không quần và người lớn thì cả quần lẫn áo đều rách vá. Họ hà tiện từng miếng giẻ, từng hạt muối. Nhưng đối với chúng tôi, những người đi công tác, đối với cuộc kháng chiến chung, họ không hà tiện một chút nào. Họ nhường cái giường tốt nhất, cái chiếu sạch nhất cho chúng tôi nằm. Họ đi lấy củi về cho chúng tôi đun. Và một buổi chiều, thấy chúng tôi hết gạo thổi cơm, họ mời chúng tôi ăn cháo ngô với họ:

- Không ngon đâu, ăn một bát cho đỡ đói thôi. Nhà nghèo lắm không có gạo.

Người con thứ nhì ra đi sáng hôm trước thì sáng hôm sau ông bố ra đi. Ông đem theo một bộ quần áo vá, một túm bột ngô với một ống muối con...

- Ông ké đi đâu?

- Đi vận tải.

- Mấy ngày?

- Mười ngày hơn.

Ông cười gật gật, bàn tay hiền lành sờ sờ cánh tay tôi, chỉ có hai tiếng “đồng chí” thoát ra. Tôi nhớ đến ông ké Nhàn, một ông già Mán đã cho chúng tôi mượn nhà sau cuộc Pháp nhảy dù Bắc Cạn năm 1947. Cái dáng điệu chất phác, trìu mến, sao mà giống nhau đến thế. Tôi nắm chặt cái bàn tay cục mịch của ông. Ông đi khỏi, tôi hỏi bà vợ:

- Ông ké đi vận tải mấy lần rồi?

- Nhiều lắm đấy, không nhớ hết.

- Có xa không?

- Xa lắm đấy. Có lần đi Phú Thọ. Có lần đi Thái Nguyên. Mua được cái bút máy, hồi ấy có năm chục đồng thôi, cho thằng con cả, bấy giờ nó còn làm Đoàn trưởng Thanh niên. Nó bỏ vào cái túi, đeo vào khuy áo, thỉnh thoảng lấy ra để viết. Úi già! đẹp lắm. Nó đánh mất rồi, tiếc quá! Đi khai hội đêm về rồi mất.

Bà tiếc cái bút máy đánh rơi. Bà không bận tâm gì đến ông ké phải bỏ công việc nhà đi vận tải. Việc ấy, bà cho là tự nhiên hết sức. Cũng như việc các con của bà đi bộ đội.

Đàn ông, con trai Cao Bằng đi bộ đội, đi công tác rất nhiều. Vì vậy trong các đoàn dân công, phụ nữ đông gấp mấy đàn ông. Một buổi sớm tinh sương, tôi đã gặp hàng trăm phụ nữ Mán, tụ tập ở một chân đồi, đợi lệnh ra đi. Họ ngồi như họp chợ. Đã lâu lắm rồi, tôi xa những người bạn Mán. Tôi đứng lại nhìn vào đám đông tìm những bộ mặt quen. Quả nhiên có người quen. Một thân hình mảnh dẻ tách ra, thoăn thoắt đi lại phía tôi. Những tiếng ríu rít reo:

- Đồng chí! đồng chí!

Noọng Liễu vẫn mảnh khảnh, vẫn gầy gò như trước. Cả cái thôn nhỏ hồi ấy đã rời cái sườn núi cũ hết mầu, để đến một chỗ khác sinh sống. Họ vẫn hăng hái tham gia công tác kháng chiến như hồi ây. Noọng Hùng đã đến tuổi tòng ngũ và đầu quân. Hai vợ chồng ông ké Xếch chỉ được mình nó là con. Ông ké điếc, bất cứ ai nói gì với ông, ông không nghe thấy, nhưng cứ cho bừa là người ta hỏi Noọng Hùng. Ông hấp háy mắt cười móm mém và phều phào bảo:

- Hùng đi bộ đội lố. Đi đánh thực dân Pháp lố...

Liễu còn đang líu ríu kể lại cho tôi nghe những chuyện ở trên bản Mán thì có lệnh tập hợp để ra đi. Liễu chạy vào. Tôi vẫy tay chào Liễu rồi lên dốc. Đến lưng chừng đồi, tôi đứng lại một lúc để thở và để nhìn lại sợi dây chàm lượn quanh dưới chân mấy quả đồi, rải một đường viền thẫm ngoài rìa thảm lúa xanh rười rượi. Sương bắt đầu tan. Một chút ánh hồng ửng đỏ của không gian. Chưa bao giờ tôi thấy đời thanh xuân đến thế và không khí ngon lành đến thế.

Có những đêm chúng tôi phải ngủ đường. Ngủ đường cũng là một cái vui. Giữa những người đồng chí không quen mà lại rất thân, ấm vô cùng. Họ bắc đá, đốt lửa, thổi cơm. Cơm ăn rồi, vẫn để lửa, vừa đỡ muỗi, vừa vui. Lửa lập lòe. Một cuộc cắm trại hàng ba bốn trăm người. Nhưng thật tình những người mệt nhọc nằm ngồi lố nhố ở quanh tôi không thấy khổ. Từng đám, từng đám một, họ cười đùa, họ nói chuyện với nhau. Họ quên cái hiện tại ngủ đường, có sương đêm và muỗi rừng. Họ nghĩ đến tương lai và nói chuyện nay mai. Tương lai nặng trĩu trên vai họ, nặng trĩu bởi vì chứa đựng nhiều hứa hẹn. Họ mang nó đến. Mỗi ngày vất vả của họ là một ngày nó đến gần hơn (...) Cuộc kháng chiến càng gần thắng lợi thì lại càng chật vật, nhưng càng chật vật lại càng gần thắng lợi. Nay mai những cái họ mang nặng trên vai sẽ nổ tung. Lô-cốt giặc sẽ tan tành (...) Họ hỏi tôi về tin tức gần đây. Họ thèm tin (...) Chúng ta còn vất vả, nhưng nhất định rồi chúng ta sẽ thắng... Ý nghĩ tin tưởng làm thư thái (...) Họ nằm dài quanh những đồng lúa và ngủ say sưa giấc ngủ của những người biết mình có quyền ngủ (...) Công việc một ngày của họ đã đầy đủ lắm. Và ngày mai tốt đẹp.

Nhưng thời tiết mùa này thường thường không được đẹp lắm đối với những người khách đường trường. Ít khi được trời tạnh mà râm. Ngày nào không nắng gắt, tất mưa trơn. Nhiều khi một cơn mưa đột ngột trút nước như thác đổ ngay giữa cơn nắng gắt. Chỗ ẩn tránh không có, người đi đường đang mồ hôi nhễ nhại, bỗng được xối nước mưa. Chỉ một lúc rét run. Rất có thể cơn sốt đến.

Một buổi chiều nắng gắt, chúng tôi đã gặp một cơn mưa chết người như vậy. Chúng tôi chen chúc nhau trong một căn lều hẹp bên đường, dưới chân một cái đèo cao. Lều dột lung tung. Đứng chỗ nào cũng bị nước nhỏ xuống đầu. Quần áo chúng tôi dần dần bị ướt đẫm. Nền nhà bị lầm lên, bẩn không kém gì chuồng lợn. Chúng tôi đứng trong đó, ướt át và nhớp nháp, mặt bi thảm và lòng bực tức. Nhưng trận mưa chưa ngớt hẳn chúng tôi đã thấy những người dân công Nùng, Thổ, Mán, đàn bà lẫn đàn ông, áo chàm đẫm nước mưa, quần xắn đến đùi, người gánh, người khiêng, xình xịch chạy qua trước cửa lều. Chúng tôi chạy ra xem một cảnh tượng rất đẹp mắt hiện ra trước chúng tôi. Bao nhiêu người khiêng gánh – nhiều như mối sau một trận mưa rào – từ trên đồi đổ xuống, tỏa ra ở trên dốc thành hai, ba dòng uốn éo. Những dòng người như chạy thi với những dòng nước cũng thi nhau lao xuống dốc, thành những dòng uốn éo. Những chiếc nón mây xinh xinh, nghiêng nghiêng trên những mái đầu. Đến lưng chừng đèo, chỉ còn một lối đi, những dòng người chập lại nhau. Cả một thác người đổ xuống, mạnh hơn thác nước. Chúng tôi không thể nào sầu thảm nữa, cũng không thể nào đứng yên trước cửa lều. Thác vui đổ xuống đã làm trời đột nhiên như sáng bừng lên. Mầu núi thêm tươi và lòng chúng tôi phấn khởi. Một người reo lên. Cả bọn reo lên. Chúng tôi hò nhau xắn quần xách dép, thi nhau lên dốc. Mạnh người nào người ấy vạch cây, bám đá, tìm lối mà lên, nhường lối đi chính cho các thác dân công xuống đèo. Có những lúc, dòng lên, dòng xuống, gần chập vào nhau, chúng tôi đứng lại để nhường đường. Chúng tôi âu yếm nhìn những người bước bành bạch sát trước mặt mình, hỏi dịu dàng:

- Các đồng chí có nặng không?

- Nắc lố (Nặng đấy).

Và ông ké trả lời chúng tôi nhe những chiếc răng thưa ra cười.

- Tây chết mất!

- Tây thua lố!

- Hoan hô các đồng chí đi vận tải!

- Chào các chị!

- Các chị hăng hái quá!

- Phải hăng hái chứ!

Tiếng cười giòn giã. Vui vẻ quá! Người lầm lì nhất trong bọn tôi cũng la hét, cũng reo cười. Ai cũng trở nên bồng bột cả. Những người từ trước đến nay hoàn toàn xa lạ đối với nhau, đột nhiên thấy gần gụi, thân mến quá.

Một chị thấy chúng tôi ngừng lại để nhường đường. Mặt chị đầy đặn, trắng hồng, thùy mị một cách rất đáng yêu. Chị chào chúng tôi bằng một giọng dịu dàng, cũng rất đáng yêu.

- Các đồng chí (về) công tác?

nghe như một lời thân mến của một em gái. Chúng tôi thấy lòng ấm quá. Chưa bao giờ tôi thấy tình đồng bào, đồng chí, sự thông cảm giữa những con người cùng chiến đấu cho một mục đích chung, thấm dịu lòng như lúc ấy. Gia đình thật! Đêm hôm ấy, trải bạt trên đường còn ướt nước, ngủ với nhau, anh em chúng tôi vẫn thấy lòng hả hê.

Nửa đêm thức giấc, tôi lại thấy những đoàn dân công lườn lượt đi qua. Đoàn ngược, đoàn xuôi. Bộ đội hành quân. Bộ đội và dân công trong đêm tối, bí mật sửa soạn một trận đánh bất ngờ vào một thị trấn đang vững vàng trong tay giặc.

Bộ đội và nhân dân đã góp sức với nhau để sửa soạn chiến dịch. Bộ đội và nhân dân đã đi sát nhau trong chiến dịch. Phần góp của nhân dân thật là vĩ đại.

Vào những bản ở phạm vi mặt trận, chúng ta phải ngạc nhiên: nhà trong các bản ấy gần như không có chủ. Những người khỏe mạnh đi dân công cả rồi. Bà già, trẻ con dắt nhau đi ở hang, ở lán. Tây bị bộ đội đánh, chỉ còn biết báo thù bằng cách cho máy bay đi khủng bố dân, không một chỗ nào có nhà mà chưa bị máy bay giặc đến thả bom, nã liên thanh. Nhà cửa xác xơ. Nhưng các bản lại sầm uất thêm lên, sầm uất về đêm. Nó thành những trạm nghỉ của dân công. Cứ chiều tối đến, từng đoàn dân công tới, vào các nhà đốt lửa thổi cơm ăn, ngủ một đêm, rồi sáng sớm hôm sau lại ra đi. Nhà đã thành của chung của mọi người. Họ ngủ ở đấy, trong khi chính nhà họ, những đoàn dân công khác ngủ.

Nhưng thường thường không đủ nhà để ngủ. Dân công ngủ đường, ngủ bãi, ngủ rừng. Họ đóng cọc, nhóm bếp, thổi cơm, nước sẵn suối, củi sẵn rừng. Ăn xong, nằm ngay trên cỏ ngủ. Đúng như bộ đội.

Có những đoàn dân công đi liền theo bộ đội. Cũng tổ chức thành tiểu đội, trung đội, có đội trưởng, chính trị viên. Cũng chia thành tổ ba người, để săn sóc, giúp đỡ, nương tựa, thúc đẩy lẫn nhau. Họ hành quân cùng bộ đội, ở lẫn với bộ đội, đi ra mặt trận cùng bộ đội.

Bộ đội thấy dân công tấp nập, phấn khởi hơn: nhân dân ta hăng hái thế này thì Tây sống làm sao? Họ lo nhiệm vụ hơn: làm thế nào cho xứng đáng với sự cố gắng của nhân dân? Nhân dân thấy bộ đội nhiều, cũng phấn khởi hơn: nhiều bộ đội, nhiều súng đạn thế này thì Tây phải chết. Nhân dân động viên bộ đội. Bộ đội động viên lại nhân dân. Bộ đội với dân công thật là quấn quít.

Đơn vị chúng tôi cũng có nửa tiểu đội dân công toàn phụ nữ đi theo. Một buổi chiều, gạo chưa đem tới kịp, chúng tôi bàn nhau: tất cả anh em đều nhịn, ai còn sót được chút gạo nào, dồn cả lại, nhường cho các chị dân công. Các chị lẳng lặng lĩnh gạo đi ra suối, chẳng nói gì. Nhưng hơn một giờ sau, một chị về gọi chúng tôi:

- Các anh đi ăn cháo.

- Mời các chị. Gạo về, chúng tôi sẽ ăn sau. Sao các chị không thổi cơm ăn?

- Nấu cháo thôi, nhiều lắm, các anh đến cùng ăn.

- Chúng tôi chẳng ăn đâu.

- Ăn chứ! Có cơm cùng ăn cơm, có cháo cùng ăn cháo, các anh nhịn, chúng tôi không ăn vớ!...

Các anh ở xuôi mới lên, trông cái thắt lưng của các chị Thổ trên này, có thích không? Cái thắt lưng, múi trễ tràng ở đằng sau, làm tăng vẻ thắt đáy lưng ong của các chị em lên. Nhưng các anh sẽ mến cái thắt lưng ấy hơn nhiều, nếu các anh biết chuyện cái thắt lưng của một chị dân công dự trận Đông Khê. Người ta gọi chị là chị Dậu. Trong trận giải phóng Đông Khê lần thứ nhất, chị Dậu đã đi dân công và được sung vào đội tải thương. Chị ra tận mặt trận để cõng các thương binh về phía sau, giữa những lúc đạn đôi bên bắn như mưa. Một lần, chị cõng một anh bộ đội bị thương ở bả vai. Anh đau rũ rượi, nhưng không bám vào vai chị được mà chị sợ anh đau, không dám ghì tay anh, thành ra người anh cứ lắc lư chực ngã về sau, chị khó đi. Chị bèn cởi thắt lưng, nhờ người quàng ra sau lưng, dưới nách anh, buộc anh áp vào lưng chị, để đi cho dễ. Chiếc thắt lưng của chị đẫm máu anh. Trận đánh xong, chị về giặt sạch thắt lưng rồi lại dùng nó như thường. Ta lại đánh Đông Khê. Chị Dậu lại xung phong xin đi tải thương binh (...)

Biết bao nhiêu ruộng lúa đã bị Tây phá phách. Lúa đã sắp chín rồi. Vụ gặt đến nơi, phải rứt ra khỏi ruộng đất để đi dân công là một việc rất khổ tâm. Nhưng người ta vẫn lũ lượt ra đi, vì không đánh chúng nó trước thì thế nào thu đông này cũng bị chúng nó tấn công. Chúng nó sẽ thả lừa ngựa, cho xe tăng quần nát hết lúa thôi. Bộ đội mở chiến dịch để giữ thóc lúa, giải phóng ruộng đất cho dân. Dân phải hăng hái đi vận tải, tiếp tế, cứu thương, giúp đỡ cho bộ đội. Mỗi người đều hiểu thế.

Chính vì các cán bộ đã kiên nhẫn giải thích được cho mọi người đều hiểu thế, đã chịu khó đến từng xóm, từng nhà, cho nên họ đã huy động được toàn thể nhân dân phục vụ cho chiến dịch. Cuộc huy động thật lớn lao. Cao Bằng có 18 vạn dân: ba vạn đã vào bộ đội hoặc đi làm cán bộ rồi. Trừ người già, trẻ con, phụ nữ có mang hoặc chưa thể rời con, những người ốm yếu v.v. còn 6 vạn nhân công, 5 vạn 6.000 người đã tham gia chiến dịch này và đã góp hơn một triệu ngày công vào đấy.

Tôi chưa kịp hỏi rõ những con số của Lạng Sơn. Nhưng tôi đã gặp rất nhiều dân công của Lạng Sơn. Một anh quê ở Bắc Sơn cùng đi với tôi trên một con đường mới đắp vào khoảng giữa Đông Khê với Thất Khê đã bảo tôi: “Khi tôi đến đây con đường này chưa có; những cánh ruộng này vừa mới cấy. Bây giờ lúa đã vàng. Tôi vẫn chưa về. Đợi bộ đội đánh xong Thất Khê đã vớ.”

Cao Bằng và Lạng Sơn góp nhiều nhân công hơn cả, nhưng không phải chỉ riêng Cao, Lạng góp, mà Bắc Cạn cũng góp phần. Có những đoàn vận tải từ Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh... lên. Có những đội thanh niên xung kích tình nguyện đi theo chiến dịch. Chỗ nào cũng có dân công. Trà trộn đủ hạng tuổi, đủ giống người, đủ các giới. Một hình ảnh toàn dân kháng chiến, toàn dân đoàn kết bày ra trong chiến dịch này. Bộ đội với nhân dân, nhân dân địa phương này với nhân dân địa phương kia. Thổ, Mán, Nùng, Kinh... sát cánh nhau. Nắng, mưa, sương, gió, đói khát, mệt nhọc, ốm đau, cùng nhau nếm đủ mùi. Vất vả gian nan thì quả là rất mực vất vả, gian nan. Nhưng ồ ạt, tấp nập cũng vui. Vui nhất là vào lúc thị trấn vừa mới trở lại tay ta, được trông thấy Tây chết, xác ngổn ngang, chiến lợi phẩm nhiều. Có người sướng quá, kêu lên như một người điên: “Các ông các bà trông kìa, các ông các bà ơi! Thế này thì có hả không? Tôi muốn đi dân công mãi, đi cho đến tận ngày cả nước ta hoàn toàn giải phóng”...


(Trích từ bài Vui Dân Công, in trong
Nam Cao - tác phẩm, tập 2, nxb. Văn Học, Hà Nội, 1977. Nhan đề phần trích tạm đặt.)