Xưa kia, lối ăn mặc của các dân tộc tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên nơi mình ở.

Việt tộc ở chỗ nóng, trồng lúa nước, nên nhiều lúc ở trần, đi chân đất. Hoa tộc ở chỗ lạnh, làm nông nghiệp khô (lúa mì), nên luôn mặc áo, đi giày.

Diễn trò, hát, múa đây là văn hóa dân gian. Lúc ấy triều đình Đại Việt chưa Hoa hóa, còn tự hào về văn hóa riêng của dân tộc mình.

Ta như thế có gì là “xú”. Chẳng qua Hoa lấn được Việt sinh tự tôn, thấy như mình mới “hoa”.

Nhưng “xú ngôn” của tên sứ Trần Phu cũng có chứa thông tin đáng chú ý. Là vào đời Trần ta đã có đàn bầu.
(Thu Tứ)



Trần Phu, “Đàn hát múa”




Từng dự yến ở điện Tập Hiền bên nước đó, thấy một bọn con hát trai và gái mỗi bên mười người, đều ngồi dưới đất. Có các thứ đàn như đàn tỳ bà, đàn tranh và đàn bầu.(1) Tiếng hát tiếng đàn hòa lẫn vào nhau. Khi hát, thì trước hết ê a lấy giọng rồi sau mới có lời. Phía trước điện có biểu diễn các trò đá múa, leo sào, múa rối trên đầu gậy. Lại có người mặc quần gấm nhưng mình lại để trần nhảy nhót hò reo. Đàn bà đi chân không, xòe mười ngón tay ra như những chạc cây để múa, thật xấu xa trăm điều.


(Trích
An Nam tức sự của Trần Phu, tức Trần Cương Trung. Đây là sứ nhà Nguyên sang ta đời Trần, ở từ tháng 3 đến tháng 5-1293. Bản dịch của Trần Nghĩa, đăng trên tạp chí Văn Học, số 1-1972.)















__________
(1) Nguyên văn là “nhất huyền chi chúc”, tức đàn một dây.