Trong thời Đá Cũ kéo dài hơn hai triệu rưởi năm, con người ta chỉ mới biết ghè đẽo đá.

Mãi đến cách nay độ hơn một vạn năm, nhân loại mới nẩy ra cái sáng kiến mài đá mà tiến vào thời Đá Mới.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng cư dân văn hóa Hòa Bình là những người biết mài đá sớm nhất thế giới.(1)

Cái gì đã khiến họ động não?

Một số học giả Việt Nam liên hệ nó với chuyện biển tiến, một số khác không đồng ý. Nhưng hình như mọi người đều xem biến chuyển Đá Cũ lên Đá Mới nhất thiết phải là sáng kiến tại chỗ. Thiết nghĩ, cũng có thể cuộc Cách Mạng Đá Mới đã xảy ra ở một địa điểm văn hóa Hòa Bình khác cũng thuộc Đông Nam Á cổ, rồi sau đó lan tới vùng đất bây giờ là Bắc bộ nước ta...

(Thu Tứ)

(1) Xem chẳng hạn, bài Ánh Sáng Mới Trên Một Quá Khứ Bị Lãng Quên của Wilhelm G. Solheim II.



Nguyễn Kim Thủy v.v., “Tại sao Đá Mới?” (1)


(Tên đầy đủ của các tác giả là Nguyễn Kim ThủyNguyễn Khắc Sử. Vì lý do kỹ thuật, ở đây và trong mục lục số báo, chúng tôi không in được trọn. Thành thật cáo lỗi.)


Những thay đổi lớn trong lịch sử xã hội loài người ở thời nguyên thủy (...) đều gắn bó mật thiết với những biến đổi về môi trường (...)

Một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình Đá mới hóa ở Việt Nam được một số nhà nghiên cứu gắn với sự biến động môi trường vào đợt biển tiến Flandrian. Người ta cho rằng, đợt biển tiến Flandrian xảy ra ở giai đoạn tan băng cuối cùng, nước biển trùm lên nửa diện tích khu vực Đông Nam Á (hiện nay) (...) (mực nước khi ấy) cao hơn mực nước hiện nay ít nhất 4m. Lúc đó toàn bộ các đồng bằng Bắc bộ (Việt Nam), đồng bằng Campuchia bị chìm ngập và hệ thống sông suối bị đẩy ngược dòng hoặc cân bằng dòng chảy, làm tràn ngập các thung lũng. Vì thế chủ nhân văn hóa hậu kỳ đá cũ Sơn Vi ở đồng bằng cổ sông Hồng phải rút về các hang động Hòa Bình và Bắc Sơn; còn những nhóm người cùng thời sống trên các bậc thềm cổ sông Mê Công cũng phải chuyển cư lên những vùng đất cao hơn. Do những bức bách về môi trường, những cư dân này đã sáng tạo nên văn hóa thời đại Đá Mới (Phạm Huy Thông 1979; Trần Quốc Trị 1984). Đó là một cách lý giải.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu mực nước biển của Lưu Tỳ và các đồng nghiệp lại cho kết quả khác, rằng vào khoảng 18.000 năm BP (1), nước biển ở độ sâu -100m so với hiện nay, nghĩa là lúc đó biển còn cách tâm đảo Cát Bà khoảng 50km (...) vào khoảng 6.000 năm BP (...) mực nước (...) vẫn còn thấp hơn hiện nay 15-20m; chỉ tới khoảng 4.000 năm BP mực nước mới cao hơn hiện nay 5m (Lưu Tỳ và cộng sự 1983). Như vậy, sự chuyển biến từ hậu kỳ Đá Cũ sang Đá Mới, hay từ văn hóa Sơn Vi sang văn hóa Hòa Bình, hoặc nói cách khác quá trình Đá Mới hóa ở Việt Nam, không phải do ảnh hưởng trực tiếp từ đợt biển tiến Flandrian. Về vấn đề này, Hà Văn Tấn đã khẳng định rằng người Hòa Bình không bị biển tiến thách thức (Hà Văn Tấn 1986). Đương nhiên, chúng ta không phủ nhận vai trò của biển tiến và biển lui, song việc lý giải ảnh hưởng của chúng đối với cư dân thời đại Đá Mới cần căn cứ vào từng thời điểm cụ thể, từng địa bàn cụ thể mà bằng chứng đích thực phải là vết tích biển trong chính các di tích khảo cổ.


(Nguyễn Kim Thủy và Nguyễn Khắc Sử, “Môi trường và con người”,
Khảo cổ học Việt Nam, tập I, nhiều tác giả, Hà Văn Tấn chủ biên, nxb. Khoa Học Xã Hội, 1998. Nhan đề phần trích tạm đặt.)





______________
(1) BP viết tắt “before present” (trước hiện tại). “Hiện tại” đây là năm 1950, một năm sau khi phương pháp ước lượng tuổi cổ vật bằng đồng vị phóng xạ được phát minh.