Đi thuyền trên sông Đà qua lắm nơi không sao quên được. Nhiều nhất là thác: “Nước sông Đà reo như đun sôi lên một trăm độ muốn hất tung đi một cái thuyền đang phải đóng vai một cái nắp ấm một ấm nước sôi khổng lồ (...) Thuyền (…) xuống thác thì chả có cái phanh nào cả (…) không lao trúng tim luồng nước thì là (…) quay ngang mà ụp (…) Thác (…) nhiều luồng nước. Có luồng nước đi lầm vào thì chết ngay, có luồng vào đúng rồi nhưng mà không trúng tim luồng thì cũng vẫn có thể là thập tử nhất sinh”. Rồi đến những đoạn sông có cái “hút nước”: “Nước ở đây thở và kêu như cửa cống cái bị sặc (...) Không thuyền nào dám men gần (…) những cái giếng sâu nước ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào (...) Có những thuyền đã bị cái hút nó hút xuống (…) giồng ngay cây chuối ngược rồi vụt biến đi (…) mươi phút sau mới thấy tan xác ở khuỷnh sông dưới (...) (Nếu có cách gì mà quay phim) từ đáy cái hút nhìn ngược lên vách thành hút (thì sẽ thấy) một cái mặt giếng mà thành giếng xây toàn bằng nước sông xanh ve (...) khối thủy tinh xanh như sắp vỡ tan ụp vào (…) người quay phim”. Lại có những nơi không nguy hiểm gì cả mà vẫn đầy ấn tượng: “Hùng vĩ của sông Đà (...) còn là những cảnh đá bờ sông dựng vách thành, mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt giời. Có chỗ vách đá thành chẹt lòng sông Đà như một cái yết hầu (...) Ngồi trong khoang đò qua quãng ấy, đang mùa hè mà cũng thấy lạnh, cảm thấy mình như đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện”. Nhưng đó là sáu thập kỷ trước, thời Nguyễn Tuân “lên non xuống bể”, chứ bây giờ chắc các công trình thủy điện đã thay đổi “thủy hình” tới mức khiến việc xuôi ngược sông Đà không còn khó khăn ghê gớm như xưa. Vừa sông đổi, vừa bị những phương tiện giao thông hiện đại cạnh tranh, “cái thuyền then đuôi én (…) dài mình (…) thắt bụng (để) lách mau qua thác” nay chỉ còn xuất hiện vào dịp lễ hội… Lái đò trên sông Đà từng là một cuộc chiến đấu ác liệt với tự nhiên mà kể lại thì như trình bày một bản “trường thiên anh hùng ca”. “Ông đò Lai Châu bạn tôi” là một chiến sĩ cả đời tham gia cuộc chiến đấu ấy. Nhờ ông đã hát cho “tôi” nghe rõ “đến cả những cái chấm than chấm câu và những chỗ xuống dòng” và nhờ “tôi” đã ghi lại hiệu quả, mà ta bây giờ mới hình dung được ít nhiều cái cảnh sắc và cái sống ở một vùng đất nước một thời.

(Thu Tứ)



Nguyễn Tuân, “Người lái đò sông Đà” (1)



Núi Tây Bắc cao một ngàn thước, hai ngàn thước, và ngọn núi ba ngàn một trăm bốn mươi hai thước, đỉnh đá Phăng Tây Păng cao nhất của Tổ quốc ta là mọc ở Tây Bắc. Nằm lọt giữa cái thảm đá cái giường đá vĩ đại Tây Bắc là con sông Đà. Thuyền đuôi én xuôi dòng sông Đà, đúng là trôi từ cấp đá các triền núi Tây Bắc dốc xuống (...)

Ông đò Lai Châu bạn tôi làm nghề chở đò dọc suốt sông Đà (...) ông xuôi ông ngược hơn một trăm lần rồi, chính tay giữ lái độ sáu chục lần cho những chiếc thuyền then đuôi én sáu chèo. Trí nhớ ông được rèn luyện cao độ bằng cách lấy mắt mà ghi tỉ mỉ như đóng đanh vào lòng tất cả những luồng nước của tất cả những con thác hiểm trở. Sông Đà, đối với ông lái đò ấy, như một trường thiên anh hùng ca mà ông đã thuộc đến cả những cái chấm than chấm câu và những chỗ xuống dòng. Chuyến đầu tiên ông đi, là thuyền thiên hạ. Trước Cách mạng, công chèo chở cứ ba đồng một tạ chè xuôi. Dành dụm lại, sau ông đóng lấy thuyền, thuyền ông chở được bốn mươi sọt chè, hai sọt chè là một tạ hàng. Như thế đã là loại thuyền to. Thường thường là chở chè cối, và thỉnh thoảng cũng có những chuyến chở cánh kiến trắng, cánh kiến đỏ, sợi móc, da trâu sống, xương và sừng nai hươu, xương gấu xương hổ. Làm cái nghề vận tải đường nước này thật là vất vả, người cứ dựng đứng lên mà luôn tay luôn chân luôn mắt luôn gân và luôn tim nữa. Người ta còn bảo nghề này tổn thọ, nhưng ông đò Lai Châu bạn tôi không cần lên tiếng mà đã hùng hồn lặng lẽ cải chính điều ấy bằng cái đầu bạc gần bảy mươi tuổi. Cái đầu quắc thước ấy đặt trên một thân hình cao to và gọn quánh như chất sừng chất mun. Khuôn mặt ông he hé một nửa miệng cười: “Tôi bỏ nghề lâu rồi. Nhưng nay cho lên thác xuống ghềnh, tôi dám thi đua với các bạn đò ở khắp mấy châu có địa giới loang ra bờ sông Đà (...)”. Ông giơ đôi tay lên, đôi cánh tay trẻ tráng quá, bịt cái đầu bạc đang nói đi, không ai không lầm mà tưởng mình đang đứng trước một chàng trai đang ngồi ngoài bến chính bờ sông.

Tôi liền chen vào một vài câu để câu chuyện đỡ đi cái tính chất độc thoại. Cũng lõm bõm về một vài đoạn trên sông Đà, tôi rụt rè nhấn vào cái nét hung ác của con thác này con thác kia. Nhanh như một tay lái rẽ ngang sông miết theo luồng thác bắt chéo, ông ngắt tôi: “Thác ấy thường thôi. Tôi đã mấy lần phải xuôi đêm ở quãng ấy, có một lần vừa xuôi vừa dám ngủ gật nữa kia. Ông bảo thác sông Đà ác hơn nhiều đèo dốc đường số 6. Tôi thấy phải nói cho cụ thể hơn. Tôi hay chơi với anh em lái xe Tây Bắc từ ngày thôi chở đò, cũng hay đi lại luôn bằng ô-tô vận tải của anh em. Thì tôi thấy nó như thế này. Đường bộ ô-tô xuống đèo, đường thủy thuyền xuống thác nó khác nhau ở cái điểm ô-tô có máy phanh hãm lại mà thuyền thì không. Một cái đèo ngùng ngoằng chữ chi gấp góc vừa thuận vừa nghịch có liên hồi đến chín mười đợt cấp sát mép vực, có bị mùa mưa rê đít xe hoặc bánh quay không, cũng không khó bằng xuống thác. Lao xe xuống dốc, dùng phanh chân phanh tay, những góc ác, thì tiến lên lùi lại, một đỏ không lọt thì hai đỏ, xe mà mười bánh thì ba đỏ. Còn như cái thuyền mà lao xuống thác thì chả có cái phanh nào cả, chỉ có lao đi chứ không lùi lại, không lao trúng tim luồng nước thì là thuyền quay ngang mà ụp chứ không có lùi gì gì cả chờ gì cả, hãm chậm gì cả” (...) Ông đò Lai Châu nói tiếp liên hồi như trôi lũ trên dòng Đà:

“Những chị Mường Phù Yên gần bờ sông Đà thường phàn nàn về người lái đò Lai Châu hay cởi truồng. Người lái đò sông Đà hay mặc áo mà không mặc quần. Có khi muốn đóng khố nhưng cũng không đóng được. Cát sông Đà rất hay ăn da người chở đò. Hễ mặc quần hoặc đóng khố là cát chui ngay vào bẹn rồi loét da. Cứ nhìn đôi bàn chân nhau thì nhận ra ngay người lái đò sông Đà. Cát đục thủng gan bàn chân lỗ rỗ như những vệt hà đục đáy và mạn dưới các thuyền gỗ. Lái đò thường là yếu đôi chân, họ chạy rất kém. Họ khỏe nhất hai cánh tay. Người thường ăn hai lạng rưỡi gạo, họ phải ăn đến bảy tám lạng. Chở đò trên sông Đà, có mấy điều như thế này. Chỗ bằng thì chèo; chỗ dựng vách đá thì chống; ngược thác mà bờ bằng thì kéo. Ngược, tốn sức và tốn thì giờ hơn xuôi, xuôi thì nhanh veo veo, nhưng ngược thì đỡ nguy hiểm hơn xuôi. Sông Đà nước đục khó đi hơn là lúc nước trong.

Nói về ngược sông Đà, thì người đứng mũi phải lái bằng sào, lái đầu thuyền ra hướng sông, trong khi tất cả những người khác gò người lồng dây song vào nách mà kéo miết thuyền dọc vào theo bờ. Thác nhỏ, đứng trên mũi thuyền mà lái bằng sào, thác to phải bỏ thuyền, nhảy xuống sông mà chống sào mà lái bằng sào, sóng thác đánh qua mặt. Kéo thuyền ngược thác, chớ có kéo dài lắt nhắt ra thành nhiều hơi nghỉ. Gối mà run vai mà mỏi, cứ nghỉ lấy sức cho đủ, thấy đủ sức rồi thì hò dô ta nhất tề mà kéo miết một hơi qua thác. Chỗ khó, càng vượt nhanh những quãng nó xối nước xuống nó níu đuôi thuyền lại. Cứ dềnh dang vừa kéo vừa nghỉ hơi là nước nó xô xuống nó thúc xuống là vỡ toi, là băng cái thuyền. Ngực vú, bả vai người lái đò chống sào ngược thác hay bầm lên một khoanh củ nâu nó là vết nghề nghiệp của đầu con sào gởi lại đời đời cho người lái đò sông Đà” (...)

“Bây giờ nói đến xuôi sông Đà, xuống thác sông Đà. Xuống thác, người lái đò sông Đà linh hoạt và luôn luôn cơ động mà phối hợp đôi mắt đôi tay đôi chân, thần chết chỉ tìm đến những tay lái đò kém cái tính phối hợp và tính ứng phó linh hoạt đó. Ở quãng xuôi sông một cách bình thường người chèo mũi tốn sức nhất, người chèo bạn trông người chèo mũi mà phối hợp mái chèo mình. Ở những quãng vào thác lao dòng, là lúc thử thách đến tay chèo lái ngồi sau. Lúc này nước sông Đà reo như đun sôi lên một trăm độ muốn hất tung đi một cái thuyền đang phải đóng vai một cái nắp ấm một ấm nước sôi khổng lồ. Ngấn mạn thuyền thấp hơn ngấn nước tứ vi bên ngoài, cạp mui thuyền cắm ngập dưới ngấn nước đang sôi trắng lên. Mặt sông cũng có ổ gà như mặt đường cạn, đi vào ổ gà sông là thuyền bị giật xuống bị dồi lên. Đã gọi là thác, tức là chỗ khúc sông phức tạp đó nhiều luồng nước. Có luồng nước đi lầm vào thì chết ngay, có luồng nước đi vào đúng luồng rồi nhưng mà không trúng tim luồng thì cũng vẫn có thể là thập tử nhất sinh như thường. Vào thác ra thác mà trệch hay không trệch đường tim luồng nước sinh sống, muốn kiểm tra, cũng có cách. Một tổ ba thuyền ba hiệp chèo lái chở sọt hàng bọc lá khô, muốn đua với nhau xem thuyền ai trôi thật là đúng giữa đường luồng, thì cứ mỗi lần lao xong một đợt thác là họ xem lại những sọt hàng của mỗi người trong lòng thuyền. Hễ thấy hàng ai ướt nhiều ướt ít hoặc khô ráo là biết được tài thuật chèo lái của người đó ngay. Khi mà hàng bị nước té vào, dù chỉ là một ít có thể phủi đi ngay không thấm vào ruột sọt hàng, khi mà đã có ít nhiều bọt sóng thác tạt vào hông vào kẽ mui khum hoặc tạt dọc vào cửa thuyền, tức là thuyền vào thác không thẳng dòng, tay lái kém nhạy bén nên chệch mất đường tim dòng nước cấp bức. Tức là sự lượng ước của đôi mắt đã kém tốc độ chính xác rồi đấy, và phải coi chừng! Này, lại đến cái thác dưới rồi đấy! Nước nó rống lên rồi đấy! Vững tay lái vào! Nhanh tay lái hơn nữa! Lần này tay lái chớ nhụt, phải vào cho nhanh, cho thật chắc và lúc ra thác, cũng cứ thế! Bắt đầu thác sau rồi đấy. Trong tất cả bấy nhiêu cái luồng giận dữ của một con thác, bao giờ cũng có một luồng êm, cứ đi đúng vào chính giữa cái luồng tương đối đằm dịu ấy, thì thuyền ta cứ muôn đời mà êm. Qua thác sông Đà, cũng chỉ là một vấn đề giữ bình tĩnh. Hễ tỉnh táo thì tay lái mình ra hoa, thì thác càng dồn dập réo sôi, mình qua càng nhanh, và lên thác xuống ghềnh càng nhiều lần càng thấy chủ động với con sông hơn, với cái thuyền hơn. Không phải người lái đò sông Đà không biết rằng cái thuyền bụng chửa thì chứa được nhiều hàng. Đóng kiểu ấy, cũng không khó gì; vả chăng rừng Tây Bắc thiếu gì gỗ. Nhưng bụng thuyền mà to thì không lách qua được luồng nước hẹp thắt chịt lại giữa cửa đá; cho nên cái thuyền then đuôi én mới dài mình, mới thắt bụng lại như một cô thiếu nữ thít chặt cạp xiêm chưa muốn vội làm người mẹ. Càng thon càng lách mau qua thác. Thuyền sông Đà không có buồm không chạy buồm như thuyền ở sông bằng. Khi nào cần, nhưng cũng là ít khi, thì can hai cây sào lại thành cột buồm và căng thẳng cái mui luyện ra làm buồm mà treo lên. Chân giời Tây Bắc và sông Đà thường là vướng víu, cái buồm di động trên lườn núi, vốn không phải là hình ảnh quen mắt của người hai bờ sông Tây Bắc.” (...)

Dưới đây là tên và tính nết của một số thác trong số bảy mươi ba cái thác có tên trên sông Đà, kể theo dòng nước trôi, tính từ biên giới bạn mà tính xuôi về (...)

Giờ, ta đi vào một số nét riêng của một vài nơi thác ghềnh. Vào loại độc dữ nham hiểm nhất là các thác Mằn Hi Mằm Thắm, Hát Nhạt Hát Lai, Soong Pút Soong Mon, Hát Moong Hát Tiếu. Có những cái thác phải kéo thuyền cả mùa nước cả mùa khô, thuyền nghỉ bến thì thôi, chứ đã đi sông thì quanh năm lúc nào cũng phải đổ bộ kéo thuyền qua quãng này. Có quãng khiêng thuyền lên bờ, lật nghiêng thuyền ra mà kéo đến gần cây số. Có chỗ vừa kéo cạn vừa lên dốc bờ đá dốc ngược. Thuyền kéo cạn như kéo gỗ. Gỗ cắt khúc tròn lót xuống thành một con đường lăn, trên đó trườn đi cái lườn thuyền cạn. Thuyền trườn qua gỗ lăn từng khúc một. Như thả đà kéo gỗ cây rừng ấy. Ví dụ qua thác Hát Nhạt và Mằm Thẳm thì cảnh kéo đò thật là như kéo pháo; trong lòng đò, dỡ hết hàng (...)

Hùng vĩ của sông Đà không phải chỉ có thác đá. Mà nó còn là những cảnh đá bờ sông dựng vách thành, mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt giời. Có chỗ vách đá thành chẹt lòng sông Đà như một cái yết hầu (...) Ngồi trong khoang đò qua quãng ấy, đang mùa hè mà cũng thấy lạnh, cảm thấy mình như đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện.

Lại như quãng mặt ghềnh Hát Loóng, dài hàng cây số nước xô đá, gió xô sóng, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò sông Đà nào tóm được qua đấy. Quãng này mà khinh xuất tay lái, thì cũng dễ lật ngửa bụng thuyền ra.

Lại như quãng Tà Mường Vát phía dưới Sơn La. Trên sông bỗng có những cái hút nước, có những hút nước giống như cái giếng bê-tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu. Nước ở đây thở và kêu như cửa cống cái bị sặc. Trên mặt cái hút xoáy tít đáy, cũng đang quay lừ lừ những cánh quạ đàn. Không thuyền nào dám men gần những cái hút nước ấy, thuyền nào qua cũng chèo nhanh để lướt quãng sông, y như là ô-tô sang số nhấn ga cho nhanh để vút qua một quãng đường mượn cạp ra ngoài bờ vực. Chèo nhanh và tay lái cho vững mà phóng qua cái giếng sâu, những cái giếng sâu nước ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào. Nhiều bè gỗ rừng đi nghênh ngang vô ý là những cái giếng hút ấy nó lôi tuột xuống. Có những thuyền đã bị cái hút nó hút xuống, thuyền giồng ngay cây chuối ngược rồi vụt biến đi, bị dìm và đi ngầm dưới lòng sông đến mươi phút sau mới thấy tan xác ở khuỷnh sông dưới. Tôi sợ hãi mà nghĩ đến một anh bạn quay phim táo tợn nào muốn chuyền cảm giác lạ cho khán giả, đã dũng cảm dám cầm máy quay ngồi vào một cái thuyền thúng tròn vành rồi cho thuyền đưa mình xuống đáy cái hút sông Đà, từ đáy cái hút nhìn ngược lên vách thành hút, thế rồi thu ảnh. Cái thuyền xoay tít, những thước phim màu cũng xoay tít, cái máy lia ngược contre-plongée lên một cái mặt giếng mà thành giếng xây toàn bằng nước sông xanh ve một áng thủy tinh khối đúc dày, khối thủy tinh xanh như sắp vỡ tan ụp vào cả máy cả người quay phim. Cái ảnh động thu được trong lòng giếng xoáy tít đáy, chuyền cảm lại cho người xem phim ký sự thấy mình đang lấy gân ngồi giữ chặt ghế như ghì lấy mép một chiếc lá rừng bị vứt vào một cái cốc thủy tinh nước khổng lồ vừa rút lên cái gậy đánh phèn.


1960


(Trích từ bài Người Lái Đò Sông Đà trong tập ký
Sông Đà, nxb. Tác Phẩm Mới, 1978)