Cái nghĩ của Phạm Quỳnh có chỗ sai. Vấn đề ở chỗ, ông chỉ thấy một nhóm từ trừu tượng, tức những từ mà nội dung là “nghĩa lý (...) phải suy xét”, chẳng hạn, lịch sử, địa lý, chuyên chế, đế quốc (toàn vay tiếng Tàu!). Nhóm từ này xuất phát từ hoạt động của trí óc. Nhưng con người ta ngoài trí óc còn có tâm hồn. Không phải chỉ sản phẩm của trí óc mới trừu tượng. Sản phẩm của tâm hồn cũng đâu có “hình”, giác quan nào mà cảm được nó, nó trừu tượng chẳng kém mảy may! Những từ trừu tượng xuất phát từ hoạt động của tâm hồn chẳng hạn: áy náy, bâng khuâng, bẽ bàng, bịn rịn, canh cánh, chống chếnh, dằn vặt, đau đáu, e ấp, hằn học, hụt hẫng, hững hờ, khao khát, lâng lâng, mê mẩn, ngại ngùng, ngẩn ngơ, ngỡ ngàng, phơi phới, rạo rực, se sắt, thẫn thờ, thổn thức, xao xuyến, xốn xang. Ðây người Việt gần như không vay mượn của ai cả, vì tâm hồn đặc biệt đa cảm của ta nó làm tiếng Việt đã sẵn giàu có những từ ấy lắm rồi. Vậy có hai nhóm từ trừu tượng. Nhóm “Phạm Quỳnh” gồm những từ chỉ khái niệm. Nhóm nữa gồm những từ chỉ cảm xúc hay tâm trạng. Tiếng Việt quả rất nghèo từ trừu tượng thuộc nhóm thứ nhất. Nhưng nó chắc giàu từ trừu tượng thuộc nhóm thứ hai hơn tất cả các ngôn ngữ khác. (Thu Tứ)



Phạm Quỳnh, “Tiếng Việt giàu, nghèo”




Ðại khái tiếng ta giàu về phần “hình nhi hạ”, nghĩa là những sự vật có hình thể, có thể tả mạc ra được; mà nghèo về phần “hình nhi thượng” nghĩa là những nghĩa lý thuộc về tâm trí phải suy xét. Muốn dùng chữ triết học mà nói thì nói là tiếng An Nam ta có tính cách cụ tượng hơn là trừu tượng. Thuộc về phần “cụ tượng”, nghĩa là gồm cả thế giới hữu hình do giác quan có thể cảm được, như chữ Phật gọi là cõi hình sắc, thì tiếng ta thật là giàu có.


(Phạm Quỳnh, “Quốc học với quốc văn”, tạp chí
Nam Phong, số 164, tháng 7-1931, in lại trong Luận về quốc học, nxb. Ðà Nẵng, 1999. Nhan đề phần trích tạm đặt.)