Năm nay 2019. Hình như gạo tám thơm hoàn toàn không còn trên thị trường đã lâu. (TT)



Nhiều nguồn, “Gạo tám thơm”





Gạo tám xoan Hải Hậu - ảnh khuyết danh


Khuyết danh, trang hoakhoidongbang.com:

Gạo tám thơm Hải Hậu nấu cơm rất thơm và dẻo, được trồng tại Hải Hậu (Nam Định) (...)

Gạo tám có hai loại (...) Tám cổ ngỗng trồng không kén đất, trên cánh đồng lúa mùa ta có thể thấy những mảnh ruộng cấy tám cổ ngỗng trải dài, những ngọn lúa vàng vươn cao, đu đưa cổ con ngỗng đang vươn ra (...) loại gạo này (...) không (ngon) bằng tám xoan.

Gạo tám xoan phải trồng ở những nơi ruộng bùn pha cát, kề bên bờ sông, khi mưa dầm không úng, nắng hạn không khô. Loại gạo này để dành cho ngày tết, ngày giỗ hay để chiêu đãi những thượng khách, bạn bè thân hoặc đong năm, ba cân làm quà biếu... Hạt gạo tám xoan thon, dài mỏng mình, mầu trắng xanh (...) Chỉ cần một vốc gạo nhỏ cũng đã tỏa mùi thơm ngát. Nồi cơm vừa chín tới, hé mở nắp vung là trong nhà, ngoài ngõ đã ngửi thấy mùi thơm lừng. Nấu tám xoan muốn ngon phải nấu bằng niêu đất hay nồi gang đun lửa rơm. Cơm tám xoan nếu ăn cùng thức ăn xào hay chan canh sẽ mất hết vị ngon, dẻo của gạo; hợp nhất với gạo tám xoan là giò lụa, chả quế, rưới thêm ít nước mắm nhĩ, rắc chút hạt tiêu (...)

Khuyết danh, trang baomoi.com:

Trong kho tàng tục ngữ ca dao Việt Nam không ít những câu, như:

“Em như hạt gạo tám xoan
Thổi nồi đồng điếu lại chan nước cà”,

“Gạo tám thơm
Chim ra ràng
Cà cuống trứng”,

“Cơm tám ăn với chả chim
Chồng đẹp, vợ đẹp, những nhìn mà no” (...)

Xuân Đài bao gồm 10 thôn: Trùy Khê, Hưng Đạo, Tự Do, Hồng Thái, Phú Xuân, Hồng Phong, Sản Xuất, Tường Kiệt, Ngũ Khu, Mạnh Hùng, với diện tích tự nhiên 508,35 ha vùng đông bắc huyện Xuân Trường ngày nay (...) yếu tố quyết định nhất của độ thơm, dẻo của tám thơm Xuân Đài chính là thuỷ thổ của riêng Xuân Đài (...) Xuân Đài nằm ở vùng đất phù sa trẻ của châu thổ sông Hồng (...) tỷ lệ sét cao (...) Tầng đất canh tác sâu, ảnh hưởng mặn thích hợp với sản xuất lúa tám thơm (...) dẫu giống lúa tám ngày nay được trồng trên nhiều cánh đồng, nhưng ngon (...) nhất vẫn là ở Trùy Khê.

Hồng Luyến, trang giaothuy.namdinh.gov.vn:

Tôi còn nhớ mãi ngày tôi lên Hà Nội học đại học, hành trang mang theo bên mình ngoài đồ dùng cần thiết mẹ còn chuẩn bị thêm cho tôi yến gạo tám thơm mang theo để nấu ăn nơi xóm trọ. Ở nơi này tôi được sống cùng với các bạn ở nhiều tỉnh thành và được thưởng thức nhiều đặc sản, được ăn nhiều loại gạo của các vùng quê khác nhau. Các bạn trong xóm trọ ai cũng khen gạo tám thơm quê tôi vừa thơm, vừa dẻo, rất ngon. Thật tự hào! lần đầu tiên trong đời tôi nhận ra hạt gạo quê tôi thật quý giá biết chừng nào và bắt đầu đi tìm hiểu về loại gạo của quê hương mình (...) Giống lúa tám thơm này rất kén đất. Đất ruộng được chọn để trồng giống lúa này phải là loại đất tốt không quá cao mà cũng không trũng vì loại lúa này ưa nước ngâm chân và không chịu được khô, úng. Trồng (...) các loại lúa khác chỉ trồng khoảng 4 tháng là đã thu hoạch được (...) lúa tám thơm phải 6 tháng (...) Ngày xưa (...) người nông dân phải bỏ ra nhiều công sức nhưng (...) năng suất không cao. Phân bón cho lúa tám thơm phải là phân chuồng và phân xanh chứ không phải phân hoá học như ngày nay. Đã có thời gian người dân Giao Thủy gần như không trồng loại lúa này nữa mà chuyển sang trồng những loại lúa có năng suất cao hơn. Những năm gần đây (...) lai tạo thành công giống lúa tám thơm ngắn ngày và đạt năng suất cao (còn gọi là lúa Bắc thơm) (...) người dân Giao Thuỷ đã tận dụng thế mạnh đất đai phì nhiêu, màu mỡ của quê mình để trồng nhiều lúa tám thơm (...) Ngày xưa loại gạo này chỉ được sử dụng trong những ngày lễ, tết hay chiêu đãi thượng khách, bạn bè thân thiết (...) ngày nay, gạo tám thơm được sử dụng trong bữa ăn hàng ngày của người dân (...)

Nấu cơm tám thơm muốn ngon phải nấu bằng niêu đất hay nồi gang đun lửa rơm. Khi cơm chín tới chỉ cần mở hé nắp vung là trong nhà, ngoài ngõ đã ngửi thấy mùi thơm ngào ngạt. Cơm gạo tám thơm ăn cùng với giò lụa, chả quế rưới thêm nước mắm Sa Châu và rắc thêm chút tiêu là hợp nhất (...)