Chỉ ít lâu sau khi chào đời, khảo cổ học Việt Nam đã lập được thành tích rực rỡ là khám phá ra văn hóa Phùng Nguyên. Nhưng người Phùng Nguyên gốc gác thế nào, đến nay ta vẫn chưa rõ.



“Nguồn gốc người Phùng Nguyên”

Hán Văn Khẩn




Hiện nay, chúng ta chưa biết đến văn hóa tiền Phùng Nguyên nào hay di tích tiền Phùng Nguyên nào để tìm hiểu về nguồn gốc của văn hóa Phùng Nguyên (...) Ngay trên địa bàn phân bố của văn hóa Phùng Nguyên cũng không thấy di tích nào có địa tầng văn hóa hậu kỳ đá mới khả dĩ có thể móc nối với địa tầng Phùng Nguyên (...)

Có lẽ, Hà Văn Tấn là người đầu tiên viết về nguồn gốc văn hóa Phùng Nguyên (...) “Kiểu hoa văn trên gốm đặc trưng cho văn hóa Phùng Nguyên, tức kiểu đường chấm giữa các đường vạch chìm, không thấy có mặt trong những khu vực phía bắc văn hóa này kể cả vùng Hoa Nam mà chỉ có ở các khu vực phía nam. Chúng ta có thể nhận ra kiểu hoa văn này trên các mảnh gốm trong hang Thẩm Tiên thuộc Thường Xuân (Thanh Hóa) và hang Thẩm Pông thuộc Quỳ Châu (Nghệ Tĩnh) mà E. Saurin đã công bố. Năm 1972, khi khai quật hang Thẩm Hoi ở huyện Con Cuông (Nghệ Tĩnh), các nhà khảo cổ đã tìm thấy một nồi gốm có hoa văn trong một mộ táng. Kiểu hoa văn trên nồi gốm này rất giống kiểu trên gốm văn hóa Phùng Nguyên (...) có thể nghĩ rằng một số bộ lạc từ phía nam, có thể từ vùng Khu Bốn cũ – và nhiều khả năng là ở miền tây của khu vực này – đã di chuyển lên phía bắc qua đất Hà Sơn Bình, hoặc cũng có thể là quanh vùng qua Tây Bắc xuống, định cư ở vùng trung du Bắc bộ, khi đồng bằng còn ngập nước. Ở đây họ đã hòa hợp với một số bộ lạc quanh vịnh Hà Nội, và sau đó có thể chịu ảnh hưởng của một số văn hóa của các bộ lạc ven biển. Văn hóa Phùng Nguyên đã nảy sinh như vậy”(…)

Có điều chưa thật rõ là cư dân sinh sống quanh vịnh biển cổ Hà Nội là ai? Văn hóa của họ thế nào? Cho đến nay, các nhà khảo cổ vẫn chưa phát hiện được dấu tích văn hóa của lớp cư dân này trong không gian cư trú của người Phùng Nguyên (...)

Trong thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 20 (...) ở các tỉnh miền núi phía bắc Việt Nam các văn hóa (...) Hà Giang, Mai Pha được xác lập (...) rìu bôn tứ giác Mai Pha rất giống rìu bôn tứ giác Phùng Nguyên (...) Đồ gốm Hà Giang có hoa văn khắc vạch kết hợp với in chấm đều đặn và miết bóng giống phong cách gốm Phùng Nguyên. Trên cơ sở đó, các tác giả cuốn Hà Giang thời tiền sử đi tới nhận định “vào cuối thời đại đá mới và buổi đầu thời đại kim khí, một bộ phận cư dân thuộc văn hóa Hà Giang, văn hóa Mai Pha và cư dân vùng Sơn La cổ đã tràn xuống vùng trung du đồng bằng châu thổ Bắc bộ theo các triền sông lớn như sông Gâm, sông Lô, sông Đà, sông Hồng để khai khẩn đất mới. Điểm hội tụ nhất vẫn là ngã ba sông Việt Trì. Tại đây, cùng với sự đóng góp của cư dân các miền đất khác kể cả vùng biển (...) tạo nên nhóm các di tích tiền Đông Sơn ở khu vực này”.

Như vậy, theo các tác giả này, các cư dân văn hóa Hà Giang, văn hóa Mai Pha, cư dân Sơn La, cư dân văn hóa Hạ Long, tiến về hội tụ nhau ở ngã ba Việt Trì và đã tạo lập nên văn hóa Phùng Nguyên. Một số nét tương đồng giữa các văn hóa trên với văn hóa Phùng Nguyên như được nêu ra là có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, các tác giả chưa nói vì sao không có ảnh hưởng ngược trở lại từ văn hóa Phùng Nguyên tới các văn hóa trên. Mặt khác, các yếu tố tiền Phùng Nguyên ở địa bàn Phùng Nguyên cũng chưa thấy nêu ra (...)

Theo Chử Văn Tần, các công cụ ghè đẽo kiểu Sơn Vi – Hòa Bình, các dấu Bắc Sơn, đá có vết lõm là bằng chứng về nguồn cội xa xưa của văn hóa Phùng Nguyên. Nói cách khác, chúng là các chứng tích tiền Phùng Nguyên trong Phùng Nguyên. Còn người Hạ Long, Hoa Lộc, Bàu Tró có đóng góp cho Phùng Nguyên khi nó đã hình thành rồi (...) Văn hóa Phùng Nguyên có các hợp nguồn khởi nguyên cơ bản của các văn hóa đồng tộc cư trú quanh Phùng Nguyên, mà dòng chính là từ phía bắc theo các dòng Lô, Thao, Đà về hội tụ ở vùng nôi của văn hóa Phùng Nguyên – vùng đất tổ Hùng Vương. Cụ thể, sự đóng góp của cư dân các văn hóa Hà Giang, Ngòi Nhũ, Sập Việt là rõ nét và đáng kể. Sự đóng góp của văn hóa Hạ Long, Hoa Lộc, Bàu Tró vào các giai đoạn sau của văn hóa Phùng Nguyên rõ nét hơn và ngày một tăng (...)

Sau đây là một số nhận xét riêng của tôi:

- Cho đến nay, chúng ta hoàn toàn chưa thấy dấu tích gì về nhóm di tích tiền Phùng Nguyên đã tồn tại trước đó ngay trên địa bàn văn hóa Phùng Nguyên sau này. Thế mà văn hóa Phùng Nguyên đã qua 45 năm phát hiện và nghiên cứu. Cho nên, việc tìm các di tích tiền Phùng Nguyên trên địa bàn Phùng Nguyên là ít có hy vọng.

- Các yếu tố thuộc các hợp nguồn khởi nguyên cơ bản của văn hóa Phùng Nguyên có thể thấy trong văn hóa Hà Giang (Hà Giang), Ngòi Nhũ (Lào Cai), Sập Việt. Ở đây, vai trò của các dòng sông như sông Lô, sông Hồng, sông Đà là rất lớn. Chính các dòng sông này đã đưa các cộng đồng cư dân từ các hướng khác nhau về hội tụ ở vùng ngã ba Bạch Hạc. Điều này có thể hiểu được qua sự có mặt của các loại công cụ ghè đẽo kiểu Hòa Bình, Bắc Sơn, dấu Bắc Sơn, đá có vũm, một số rìu bằng hòn cuội dài có tiết diện bầu dục trong văn hóa Bắc Sơn ở vùng văn hóa Phùng Nguyên. Các loại rìu tứ giác, gốm hoa văn khắc vạch in chấm giúp chúng ta tìm mối quan hệ Phùng Nguyên với Mai Pha, với Tây Bắc, với Thanh Nghệ. Ở đây, chưa nên loại trừ đóng góp của cư dân Soi Nhụ, Cái Bèo, Hạ Long đối với sự hình thành văn hóa Phùng Nguyên.

- Nguồn gốc văn hóa Phùng Nguyên bước đầu phần nào đã thấy được phương hướng tìm kiếm. Tôi tin rằng, các dòng sông Lô, sông Hồng, sông Đà sẽ dẫn chúng ta đi khám phá ra nguồn cội của văn hóa Phùng Nguyên. Phải tìm cho ra cái gốc Phùng Nguyên. Bởi vì gốc Phùng Nguyên chính là nơi phát sinh dân tộc Việt cổ.


(Hán Văn Khẩn,
Văn hóa Phùng Nguyên, nxb. Đại Học Quốc Gia Hà Nội, 2005)