“Nước và núi Lai Châu thật đúng là “sơn thủy hữu tình”, chỗ nào cũng đều như là cắm được giá vẽ xuống mà vẽ ngay tại trận (…) Hình như ở thung lũng trước mắt kia đã hội tụ lại tất cả màu vàng rộm của mùa thu Tây Bắc vừa qua. Nó như hai súc lụa mộc ngàn ngàn sải đem rải phơi song song hai bờ sông Nậm Lay đổ ra từ trong Mường Tùng. Mây xốp từng cụm nhỏ đang bốc dần lên. Trên thân đèo nhìn xuống lũng chóe vàng, mây trắng giống như những cánh hoa thêu nổi trên tấm lụa mộc của lúa chín (...) Bên các gốc rạ vàng đậm, sương đêm chưa khô trên những tấm nệm gấm nệm hoa màu tươi đủ các sắc của những chủ ruộng ngày đêm ăn ngủ trường kỳ ngay trên mặt ruộng...”. Đi gần tới thì y như đang xuống một cái dốc ngoằn ngoèo trong… tranh Van Gogh, mà xuống tới tỉnh lỵ của cái tỉnh Lai Châu cũ thì như lạc vào Thiên Thai bởi trong sương có thấp thoáng những cái bóng “tiên”: “Sương núi sương sông vẫn phủ lên cái bến cái chợ. Trong cái man mát lạnh buổi mai huyền ảo, đi lại những cái bóng cô Thái dong dỏng áo chẹt hông, xiêm chấm gót và mép xiêm sóng lên một đường viền đủ màu sắc cầu vồng”. Năm Nguyễn Tuân được uống sơn thủy hữu tình đầy mắt là năm 1959. Ban ngày Nguyễn thăm bến thăm chợ thăm phố, ban đêm tham gia xòe đoàn kết: “… tôi vào vòng xòe, cầm vào tay chị Thái bên phải, cầm vào tay chị Thái bên trái”. Hăm hai năm sau, cái tỉnh lỵ trong cái thung lũng nơi hai sông một suối gặp nhau ấy vẫn còn nên được thơ: “Hoa ban nở thành người con gái Thái / Đám mây bay trong thau nước gội đầu (...) / Nơi ngủ dậy núi đã đầy trong mắt / Trong chiêm bao còn vọng tiếng nai chiều / Tiếng ngựa thồ gõ vào mây rậm rịch / Em gội đầu để suối suốt đời reo...”.(2) Nhưng tới năm 2010 thì “Tháng 4, các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu hoàn thành công tác di chuyển toàn bộ các hộ dân ra khỏi vùng lòng hồ thủy điện Sơn La (...) Tháng 5, các đơn vị thi công tiến hành đóng kênh dẫn dòng tích nước hồ chứa (...) Tháng 10, hồ chứa đã tích nước đến cao trình 189,3m”!(3) Một phần cái phố núi đẹp như mơ đã nhập vào thủy cung rồi! Mà trước khi nhập năm năm, nó đã thay tên đổi tỉnh rồi, từ thị xã Lai Châu thuộc tỉnh Lai Châu nó đã trở thành thị xã Mường Lay thuộc tỉnh Điện Biên. Người viết ký năm xưa có “về” tìm, sẽ ngơ ngác đấy!

(Thu Tứ)



Nguyễn Tuân, “Phố núi”







Phong cảnh thiên nhiên Điện Biên, bản thân nó không có gì đặc biệt lắm (...)

... Tôi đi Lai Châu. Nước và núi Lai Châu thật đúng là “sơn thủy hữu tình”, chỗ nào cũng đều như là cắm được giá vẽ xuống mà vẽ ngay tại trận.(1) Đứng trước một cái bến sông Đà, một khuỷu đèo dốc nhìn xuống bản Thái dưới lũng hoặc nhìn lên một xóm Mèo trên đỉnh đá, tôi cứ thấy nhớ nhớ anh bạn họa sĩ thèm vẽ phong cảnh Tây Bắc mà chưa được toại nguyện.





Xe chúng tôi cứ tiến sâu vào cái đẹp của núi rừng sông suối cây cỏ Lai Châu. Bên kia cái đèo rất dài rất đẹp này là tỉnh lỵ Lai Châu (...) Theo chỗ tôi hỏi (...) người Mèo gọi (nó) là Khau Ma Hồng (nghĩa là cái núi giống hình cái bờm con rồng) và người Thái Trắng gọi là Ngam Hai (nghĩa là đôi hài nó giao mũi giày lại) (...) (2)





... Cái xe của tôi lên đèo, bên tay phải vẫn một cái xóm Mèo đó lơ lửng như gần như xa. Cái xóm Mèo như những phiến đá hoa trắng chênh vênh trên trời xanh. Đường uốn khúc, một tiếng đồng hồ com-măng-ca rồi mà vẫn thấy nguyên cái làng Mèo cao tít ấy. Xuống đèo một quãng: bên tay phải này là Mèo Pú Nhung đây. (...) Buổi sớm hôm đó sương tan đã lâu, mặt trời ở bên núi phía tay phải tôi. Tôi đang xuống đèo, xe cứ xô đá mà lao xuống. Trước mắt bừng hiện một cảnh trí thật là đột ngột: một thung lũng vàng rực màu lúa chín. Giữa lũng là một con sông con, bờ sông chi chít bản Thái nhà sàn (...) Hình như ở thung lũng trước mắt kia đã hội tụ lại tất cả màu vàng rộm của mùa thu Tây Bắc vừa qua. Nó như hai súc lụa mộc ngàn ngàn sải đem rải phơi song song hai bờ sông Nậm Lay đổ ra từ trong Mường Tùng. Mây xốp từng cụm nhỏ đang bốc dần lên. Trên thân đèo nhìn xuống lũng chóe vàng, mây trắng giống như những cánh hoa thêu nổi trên tấm lụa mộc của lúa chín (...) Bên các gốc rạ vàng đậm, sương đêm chưa khô trên những tấm nệm gấm nệm hoa màu tươi đủ các sắc của những chủ ruộng ngày đêm ăn ngủ trường kỳ ngay trên mặt ruộng (...)

*

Lai Châu đóng tỉnh ngay trên sông Đà, ngay chỗ hợp lưu mấy ngả sông. Gọi là ngã ba sông cũng được, gọi là ngã tư đường thủy cũng được. Sông Nậm Na đổ về đây, sông Nậm Lay cũng đổ ra đây, sông Nậm Tè cũng miết qua đây rồi xuôi về Quỳnh Nhai, Chợ Bờ, Hưng Hóa, Hà Nội (...) Tỉnh lỵ (...) chưa có điện (...) Đêm, nhìn lên những chấm lửa Mèo ở lưng cái đèo đỉnh núi cao đổ xuống lòng chảo tỉnh, cũng dễ lầm những chấm lửa ấy với những ngôi sao trời (...)





Tỉnh lỵ Lai Châu (...) Phố xá nhà cửa còn nguyên vẹn cả (...) Chưa ai kịp tiêu thổ nó thì nó đã là một nơi Pháp chộp đóng lại ngay trước khi toàn quốc kháng chiến (...)

Buổi sớm ở phố Lai Châu, nhất định là vui hơn buổi tối. Chợ ở đây không có phiên, nhưng sớm nào cũng họp ở đầu phố nhiều nhà gạch cổ hai tầng. Phở chua, phở canh, bánh rán đủ cả hàng quà. Cá anh vũ, cá dầm xanh. Tiếng búa lò rèn rèn dao cuốc, rèn bẫy hổ mười răng hai mươi răng. Tiếng bánh xe trâu tải hàng mậu dịch. Tiếng móng ngựa thồ vấp đá mặt phố. Ngoài bến đò sông Đà chỗ đầu phố đâm ra, khói xanh nhà đò nhà bè thổi cơm, khói lẫn với sương mai. Những người Xá Mảng Ư ngồi co ro bên những đống đồ vật tre và mây đan lát. Chiếu dệt bằng sợi mây, bồ bem đựng quần áo, ghế một, cóm khẩu. Có những anh Xá chị Xá mặt và tay đều xăm chàm và trổ hoa, ngồi chờ người Thái ra đổi quần áo cũ lấy những đồ vật thủ công rất khéo tay này mà cho tới nay vẫn còn nhiều người lầm cho đó là của người Thái làm ra. Sương núi sương sông vẫn phủ lên cái bến cái chợ. Trong cái man mát lạnh buổi mai huyền ảo, đi lại những cái bóng cô Thái dong dỏng áo chẹt hông, xiêm chấm gót và mép xiêm sóng lên một đường viền đủ màu sắc cầu vồng. Bốc lên một mùi ngát đượm nước hoa Liên Xô vừa mua ở cửa hàng mậu dịch. Hàng cây “buồn ngủ” vẫn còn ngái ngủ, lá vẫn cụp lại, mặc dầu chợ và phố đã tấp nập (...)





Tôi đến công trường Phiêng Thín của Lai Châu vào lúc gần tan buổi làm chiều, núi đã bắt đầu nhả nhanh cái hơi sương lạnh của Tây Bắc lặn mặt giời. Chao ôi, núi và sông Lai Châu đẹp lắm, các bà các chị Thái Trắng Mường Lay đẹp lắm hiền lắm, nhưng bóng tối bọn Thái gian và giặc Pháp từng cũng trùng trùng điệp điệp như núi rừng quanh đây. Tiếng thác nước dòng sông dưới kia vẫn réo ào ào. Bỗng nổi lên những nhịp trống da trâu, cái trống mặt da sống nhiều mảng còn nguyên cả lông trâu. Cái tang gỗ cơi đã nhẵn bóng. Cái trống đưa từ bản Chiềng Nưa lên dùng làm hiệu lệnh của công trường bây giờ, nhưng hồi chưa giải phóng cách đây dăm năm, biết đâu những hồi trống thu không của bản tập trung bên bờ sông này lại chẳng cũng dồn vang lên từ chính lòng cái trống này? Nhưng mà tiếng trống đêm nay nó khác, nó là cái nhịp trống xòe chân chính của những người lao động xây mương phai đắp đập Phiêng Thín cả ngày hai buổi và tối tối lại xòe. Cái sân đất lổn nhổn đá vẩy đá dăm chỉ to bằng cái góc vạt nương Mèo chênh vênh trên mặt ghềnh sông, lom đom ánh lửa công trường, nhưng đã có đông người quay vòng và theo nhịp trống nam nữ cầm tay nhau mà xòe đoàn kết, người nào cũng say sưa mà xòe như là vừa bước ở một cuộc rượu men ớt men giềng ra. Tôi vào vòng xòe, cầm vào tay chị Thái bên phải, cầm vào tay chị Thái bên trái (...)





Vừa xòe vừa chuyện, lại được biết thêm rằng mấy tháng trước công trường không xòe mà tối tối tổ chức hát đúm hát ví (...) Một đêm, đội hát thua nài đội hát được cuộc cho mình hát lại, đội được cuộc không cho, viện cái lẽ rằng: “Chiến thắng là chiến thắng. Thế thằng Pháp nó bị thua ta ở Điện Biên Phủ, nó xin đánh lại thì có cho đánh lại không?”. Cách ví dụ đã làm nhiều người thua không bằng lòng, và có một số anh chị em dân công thua hát phàn nàn rằng: “Thế này thì ra coi chúng tôi cũng như địch à?”. Từ lần ấy, liền chuyển ra xòe đoàn kết để dễ đoàn kết với nhau hơn. Có nhiều chị ban ngày lao động gương mẫu, và tối xòe cũng rất nhiệt tình. Có chị đã bảo tôi: “Cũng có nhớ nhà nhớ bản đấy. Nhưng xòe thì đỡ nhớ thì hết nhớ!” (...)



Mường Lay trước ngày ngập - ảnh Mường Tè


1959


(Trích từ bài Phố Núi trong tập ký
Sông Đà, nxb. Tác Phẩm Mới, VN, 1978)


______________
(1) Ý nói đi thị xã Lai Châu cũ, tỉnh lỵ của tỉnh Lai Châu cũ. Năm 2004, tỉnh Lai Châu cũ chia tách thành hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu mới. Thị xã Lai Châu cũ thuộc địa phận của tỉnh Điện Biên và được đổi tên thành thị xã Mường Lay vào năm 2005.
(2) Là đèo Ma Thì Hồ bây giờ?





Đập thủy điện Sơn La