Ba đứa con hư đấy. Hư... không oan ức gì đâu. “Bằng” nghiện đến sinh bệnh khởi đầu vì tập hút thuốc phiện cho khỏi mang tiếng “cả quých”. Hải lêu lổng ăn chơi vì là con nhà giàu được cha mẹ nuông chiều. Hồ sơ vụ Phượng không thấy đưa ra, nhưng chắc cũng không... biện hộ gì được.

Trong cái gác trọ đầy khói phù dung ấy, có một tấm “gương”, là tên bồi tiêm. Ngày ngày tiêm, đánh sái, thỉnh thoảng táo thuốc, cho ông Bằng sơi, thế mà hình như nó không vương vấn mảy may. Mong quá nó cứ được mãi thế, cho vợ con nó nhờ...

Kể, cũng nhờ Vũ Bằng gặp Phù Dung, rồi vĩnh biệt Phù Dung, mà văn chương Việt Nam mới có thêm những dòng ký đậm đà về một nội dung hiếm người viết.

(Thu Tứ)



Vũ Bằng, “Tết phải về nhà”



Đến tận lúc đó, tôi mới nhớ rằng thời giờ đi mau quá. Vừa mới hôm nào đầu tháng chạp mà bây giờ đã hai mươi bảy Tết rồi. Năm sắp tàn, lưu liên nơi quán trọ với cái thân đa bệnh, tôi không biết ở ngoài kia người ta làm những việc gì. Nhưng cứ lấy cái trí ra mà xét cũng biết là thiên hạ kéo nhau đi sắm tết vui vẻ lắm.

Trần Văn Hải, vốn thích nơi tấp nập, cả chiều nay bỏ tôi nằm một mình ở nhà để đi chơi, xem cảnh tết ở Hàng Đào, Hàng Ngang. Anh mua một gói tướng những kẹo sìu, mứt, hạt dưa và hoa quả, để trên đầu giường rồi đi một lúc kéo Phượng về. Hải chỉ vào Phượng, phân trần với tôi:

- Anh biết không? Em đã tưởng rằng em chết mà không gặp được "tên" này nữa. Nguyên do thế này: em ở nhà với anh chán quá, bèn nghĩ cách đi chơi. Mà đi chơi một mình thì tẻ. Nghĩ đi nghĩ lại, chỉ còn có Phượng. Em mới đến nhà hắn để rủ hắn cùng đi. Vốn đã biết bà cụ hắn nghiêm khắc lắm, em đã phải nói dối là em mượn sách. Vậy mà bà cụ cứ đuổi em như đuổi tà. Cụ bảo hắn đã đi chết ở Sài ghềnh, Sài goòng mất rồi. Em đã suýt khóc cho con người bạc mệnh. Sực nhớ rằng Lê Văn Bảo, sáng nay, vừa nói rằng có gặp hắn ngồi xem cóc phun nước ở vườn hoa, em bèn chạy đi tìm hắn cho bằng được. Thú thực cùng anh, em đã tìm hắn từ nhà chứa ăn mày cho đến khách sạn Twe Chan, từ nhà Hỏa Lò cho đến trường Cao Đẳng. Em nhìn xuống hồ Hoàn Kiếm xem hắn có dại dột trẫm mình không. Em trông lên cả các ngọn cây ở trong Bách Thú xem hắn có đậu trên đó để trốn những khách nợ. Vô ích. Em đành phải bỏ mặc xác hắn vậy, đi mua bánh, kẹo và hạt dưa để chúng mình vừa chén vừa khóc một người bạn có kỳ tài mà khắp Hà Nội có người tìm kiếm. Bất ngờ về đến đây, quăng gói bánh trên giường, em lại sực nghĩ ra một chỗ chưa tìm đến. Em quàng chân lên cổ, chạy đến Tắc què. Thì thấy hắn đương há mồm mà ngủ trong một cái chăn dạ lính!

Phượng vừa nghe chuyện vừa cười. Anh hạ cái dọc xuống mà rằng:

- Có thế. Bà cụ có bảo anh gì nữa không?

- Không. Nhưng bà cụ có vẻ giận lắm. Và giận lây cả những thằng bạn anh.

- Chính thế. Em khổ vô cùng, hai anh ạ. Xin thú thực với hai anh, em đã bỏ nhà đi hơn một tuần nay rồi đó. Bởi vì em không thể nói chuyện với bà cụ được đến hai câu. Cứ động nói gì thì bà cụ lại bênh con gái. Em giận quá, bỏ hết, và nói với cụ rằng: "Nếu cụ khoẻ nghe con gái thế thì để chúng nó cúng lễ tổ tiên. Tôi làm con giai trưởng làm gì nữa?".

Nghe lời phẫn nộ của bạn, Hải cười rầm rĩ cả lên. Cả Phượng cũng cười. Đoạn, chúng tôi nằm vây lấy cái bàn đèn mà hút và ăn kẹo. Tôi không ăn được nữa, chỉ nằm giương mắt nhìn. Đêm hồ tàn. Ngoài đường phố, gần như không còn tiếng động. Thỉnh thoảng, ở xa xa vọng lại những tiếng phu xe cãi nhau và tiếng người bị đánh kêu ằng ặc: "Ối ông cập-bi-tên ôi! Ối ông đội xếp ôi!".

Như thể ba con ma, nhân lúc khí âm vượng, khí dương suy, hiện lên để nằm thở than cảnh ngộ với nhau, chúng tôi có một lúc thấy lạnh như có nước đá trong xương sống. Người nọ nhìn người kia, người kia nhìn người nọ. Chúng tôi cùng khóc cho thân phận của nhau.

Đến gần sáng, Hải nói:

- Tháng này thiếu, hai anh ạ. Mai đã là ba mươi rồi...

Phượng nói:

- Ba mươi hay gì đi nữa, thì có nghĩa cóc gì với chúng mình. Chúng mình cứ đóng cửa lại mà hút. Và không đi đâu cả, thưa các ngài. Mặc kệ cho người ta ăn Tết.

Thoạt đầu, Trần Văn Hải hoan nghênh ý tưởng đó lắm. Nhưng sau một lát nằm im nghĩ ngợi, anh ta như thấy có một cái gì không thể đem thực hành.

- Đã đành thế. Nhưng chúng mình là con trưởng, ngày Tết, ngày nhất mà bỏ đi cả, sao nên? Thôi thì dù hai anh ghét em đến thế nào đi nữa, em cũng chịu. Thể nào em cũng phải xin phép hai anh em về hôm nay. Nghĩ đi nghĩ lại cũng tội nghiệp cho bà cụ. Chắc giờ này cụ đang mong con về.

Tôi nghe Hải nói mà đau buốt đến ruột bởi vì tôi cũng có một người mẹ ở góa để nuôi tôi như bà cụ sinh ra anh và bà cụ sinh ra Phượng. Tôi nằm nhắm mắt, nghĩ lại câu chuyện giữa mẹ con tôi tối hôm qua. Không biết nước mắt ở đâu cứ tuôn ra ràn rụa. Hải, không hiểu, lại tưởng rằng tôi khổ vì phải nằm một mình trong gác trọ:

- Anh cứ yên tâm. Chỉ sáng mồng bốn thì em lại đến với anh, chứ có lâu la gì. Em về cũng là bất đắc dĩ. Ý em đâu muốn thế.

Tôi lắc đầu bảo Hải:

- Không. Anh lầm. Nếu anh không về, chính em cũng khuyên anh về. Chúng ta tội lỗi đã nhiều rồi. Đừng có để cho ngày tết ngày nhất, những bà mẹ của chúng ta phải khổ thêm từng nữa.

Muốn cho Hải yên tâm hơn, tôi lại nói thêm:

- Còn em, độ chiều nay hay sáng mai, em cũng về. Từ ngày thầy em mất đi, gia đình em buồn lắm. Anh em tản mác, họ hàng phân ly. Cả năm, mới có một ngày để truy tư đến gia tiên rồi quây quần sum họp với nhau một ngày, mà mình lại vắng mặt nốt thì bao giờ mới lại còn có cơ hội nữa? Mỗi năm, một gia đình lại có sự đổi thay. Biết đâu tết này không gặp nhau, một hai tháng sau, ông chú này chết, bà bác kia chết, mình không bao giờ có dịp sum họp đông đủ nữa?

Hải vui tính thế, nghe nói vậy cũng mềm xìu người lại. Trưa đó, chúng tôi hút với nhau một bữa tất niên. Hải chờ lúc sâm sẩm tối, không ai trông rõ mặt, vác cái đàn tây đi về. Phượng thấy nói tôi cũng về nhà, đứng dậy đi theo Hải:

- Hai anh về cả thì em cũng đi về nốt. Yên ổn thì thôi. Ngộ có chuyện gì - ví dụ bà cụ lại chửi em chẳng hạn - thì em lại đi, không cần. Em đã ăn chán cái chết ở tha phương rồi. Ví có ăn thêm một tết nữa một mình ở giữa cái Hà Nội phồn hoa này thì cũng chửa chết ai mà sợ!

Tôi gượng dậy, đưa hai anh bạn xuống đến cuối thang. Chúng tôi bắt tay nhau thân mến và chúc cho nhau một năm mới hoàn toàn vui vẻ!

Tên bồi tiêm của tôi, ngồi chờ từ lúc nãy, thấy khách đã về mới gãi đầu bảo tôi:

- Ông có sơi thuốc nữa hay ông nghỉ?

Tôi chưa hiểu ý thì y đã tiếp ngay:

- Con đã nói với bà Ký bên cạnh đong thuốc sẵn để ở bàn kia, đủ cho ông hút ba ngày. Con lại táo thêm mười viên nữa. Nếu ông tiêm lấy mà hút được thì tốt nhất. Không có, ông dùng tạm thuốc táo vậy. Bằng không, ông vui lòng đi hút tiệm mấy ngày. Hôm nay, con xin phép ông...

À, bây giờ tôi mới nghĩ ra. Tên bồi tiêm của tôi, năm hết tết đến, cũng phải về quê chứ! Từ hôm qua, vợ y đã ra đón rồi. Y xin phép nghỉ trưa nay để đi sắm vài thức cần dùng. Tối, y về tiêm cho tôi một bữa nữa. Rồi đến năm giờ sáng mai thì ra tàu thủy sớm, xuôi về Thái.

Tôi lấy tiền đưa trả y. Thấy y còn ngần ngừ đứng lại, tôi hỏi:

- Còn gì nữa không?

- Con muốn nói với ông, xin cái ba-đờ-suy cũ ông đương mặc... Ông có hai cái...

- Ừ, được rồi. Sáng mai, anh lấy. Tối nay, đi ngủ, tôi để ở đầu giường. Anh cứ thế mà mặc về, không phải hỏi tôi nữa nhé.

*

Đêm hôm đó, nhân lúc thầy trò tạm biệt, tôi nói chuyện với tên bồi tiêm rất nhiều về những phong tục tết ở nhà quê. Vui miệng, y kể cho tôi nghe nhiều chuyện hay lắm, làm cho tôi càng thấy cái không khí tết của ta đầm ấm. Bất giác, tôi nhớ đến những cái tết hồi còn bé (...)


(Trích Vũ Bằng,
Phù dung ơi! vĩnh biệt (tên khi in lần đầu là Cai). Nhan đề phần trích tạm đặt.)