Có cái thứ “máy” này không nằm trong một xưởng máy nào cả, mà ngược hẳn lại với máy trong xưởng cứ giặc tới gần là chạy ra xa, riêng nó thấy giặc ở đâu lại thích đến kế bên để “giao lưu”. Tức là pháo, là đại bác, là “voi”. Voi dĩ nhiên nặng ôi là nặng, thế mà hễ đánh lớn là phải rước “ông” đi theo cho bằng được. Giặc đã bị bất ngờ bởi những ông voi lẻ trên bờ sông Lô, rồi đến tận trận cuối cùng ở Điện Biên Phủ vẫn còn bị bất ngờ khi cả một đoàn voi ta thình lình đồng loạt gầm lên, phun bao nhiêu sắt lửa xuống “Con Nhím”… Cái dòng máu mạnh lạ lùng của dân tộc đã liên tiếp lập nên những thành tích phi thường, mỗi lúc mỗi phi thường hơn, khiến cho mọi ước lượng của giặc đều sai bi thảm! (Thu Tứ)



“Một dòng máu mạnh lạ lùng”

Nam Cao




Bên dưới tôi một suối nước chảy xiết đổ ào ào. Cái thứ tiếng giông bão ấy dâng lên tận chỗ tôi và tỏa rộng ra làm một cái nền hơi sẫm tối cho những tiếng chim lanh lảnh, vui và sáng. Trước mắt tôi là những ngọn núi trọc hoặc um tùm, và qua những ngọn núi trọc hoặc um tùm ấy là hàng trăm ngọn núi khác, lớp lớp, nhấp nhô, hòa hợp với trời xanh như những đợt sóng xanh lơ trong một cái biển xanh lơ vô cùng tận. Đó đây một vài điểm mây trắng lởn vởn, là bọt sóng. Không khí trong nhưng dịu. Nắng rất êm. Một ngày xuân đẹp như hôm nay kể cũng là một sự hiếm có ở miền rừng này, nơi mà mùa xuân chỉ là một chuỗi dài những ngày mưa xám xịt và bẩn thỉu. Xuân ở đây là mùa của vắt.

Rừng mênh mông. Rừng hỗn độn. Rừng lại rừng tiếp giáp nhau, trà trộn với nhau, chồng chất lên nhau. Núi trùng trùng điệp điệp, hết núi này sang núi khác, vô cùng tận. Rừng núi không có đường đi, nhưng lại có hàng vạn lối đi. Thằng Tây liều mạng nhảy dù xuống mấy điểm chính ở Việt Bắc, tưởng làm bế tắc được chúng ta. Nhưng chúng ta vẫn đi lại, chuyên chở được như thường. Sự chật vật, khó khăn đối với chúng ta chẳng nghĩa lý gì. Một dòng máu mạnh có những cách lưu thông rất lạ lùng, lưu thông mà bất cần đến những mạch máu thường ngày, mặc kệ những bế tắc ở đoạn này hay đoạn khác, nó khơi ra hàng trăm đường máu khác.

Thử để ý mà xem! Có phải từ ngày chúng ta bắt đầu phá đường thì những con đường của ta mới bắt đầu thật là tấp nập không? Nghĩ một tí thì thú vị lạ lùng! Trước đây, đường nhựa, đường đá thênh thang, xe lửa, ô-tô sẵn, những phương tiện xê dịch có thiếu gì đâu, mà cuộc đời của chúng ta ngừng trệ biết bao! Kiếp sống tù hãm thật là thảm hại. Từ ngày phá đường, hết tàu xe đến nay thì cả một dân tộc lên đường. Cuộc sống lưu thông. Tôi không ghét gì bằng thi vị hóa cuộc đời. Nhưng thật tình từ hồi kháng chiến, mặc dầu những tàn phá, chết chóc, chia lìa, cực kỳ đau đớn, bộ mặt nước mình vẫn có vẻ tươi trẻ, vui mạnh hơn lên. Chỉ cần bước ra đường là đủ biết (...)

Người mình thì kiên nhẫn. Cái nghị lực của dân tộc ta là một thứ nghị lực bình tĩnh, lặng lẽ, tiềm tàng (...) Nó biểu lộ ra ngoài một cách giản dị, thản nhiên, gần như không tự biết.

Ai đã đi lại nhiều trên những con đường Việt Bắc, những con đường vượt núi, xuyên rừng, luồn khe, lội suối, lên xuống hàng trăm cái dốc, mũi chạm đất và chân cứ sắp khô thì lại được đầm xuống nước – ai đã từng đi lại nhiều như vậy, đều phải ngạc nhiên về cái tài chịu đựng và sự cố gắng của dân mình để vượt những khó khăn. Dường như chẳng có một cái gì khó đối với chúng ta. Cái gì cần làm, cái gì muốn làm, chúng ta đều cho là làm được, và cố làm cho bằng được.

Tây vừa nhảy dù hôm trước thì hôm sau, những xưởng máy hàng ba bốn trăm người làm đã biến dần dần từng bộ phận của nó đi, bắt đầu là những bộ phận quan trọng nhất. Anh em công nhân xuất lực gấp bốn ngày thường để tháo, chuyển và chôn giấu. Họ quần quật suốt ngày đêm, ăn vội vàng, ngủ qua loa, bỏ cả đánh răng rửa mặt. Chỉ mấy hôm sau là ngay đến những cái xác nhà cũng không còn. Cái nhà máy đã ra đi, không còn để lại một vết tích gì đặc biệt. Cả một cái nhà máy lên đường. Nó tự phân nó ra thành từng phần nhỏ, vượt hàng trăm cây số núi rừng để đi nơi khác.

Việc chuyển đi thật là nặng nhọc, công phu. Gang sắt thì khiêng ngay trên một con đường rộng rãi, bằng phẳng cũng đã đủ nhức vai, sụn xương sống lưng rồi. Đằng này không có đường đi. Toàn là những lối nhỏ lầy lội và lắm vắt, những dốc gần dựng đứng, những khe suối lởm chởm đá tai mèo, hết lên thì lại xuống, hết trèo thì lại lội. Có những cái dốc khổ sở, chỉ một người với một cái ba-lô cũng đã phải đu vào từng cái cây để kéo người lên. Làm thế nào mà khiêng được ở những chỗ thế này? Đứng vào đâu mà khiêng, mà nếu tuột chân hay tuột tay một cái thì tránh sao khỏi bị gang sắt đè, giập xương gãy cẳng? Người ta phải dịch đi từng bước một, vừa dịch vừa chèn, vừa dùng xẻng cuốc đào bực để dịch thêm bước nữa. Phải đến bốn, năm người phục dịch cho một bộ phận máy chỉ nặng chừng nửa tạ. Nếu nặng hơn thì lại càng nhiều sự vất vả.

Ấy thế mà người ta cứ nhất định tha đi cho bằng được, tha đến hết. Đúng là một đàn kiến tha mồi, đánh vật với mồi. Hàng mấy chục tấn sắt đã qua đoạn đường này và đã vượt hàng trăm cây số. Và chỉ chừng một tháng sau, cái nhà máy của chúng ta lại đã tái sinh ở một chỗ chắc chắn hơn, ung dung sản xuất những thức cần cho kháng chiến (...)

Tôi nghĩ đến những khu phố mới của chúng ta. Những khu phố nhỏ tí nhưng cũng khá sầm uất vui tươi. Chúng nó mọc lên một cách rất tự nhiên. Mới đầu là một vài hàng cơm, để tiện cho khách qua đường. Rồi thì hàng cà-phê, hàng tạp hóa cũng đến bâu vào. Hiệu may, hiệu giầy cũng hiện ra. Các căn nhà lá cứ làm thêm, nó cứ dài thêm. Thấy đồn chỗ ấy vui, những người tản cư kéo đến, góp thêm vào chỗ ngồi hàng và những khách qua đường cố thu xếp độ đường, để có thể ngừng một đêm ở đây, hưởng cái thú đông người một tí. Đôi lúc cũng phải như vậy chứ! Cân não người ta cứ căng thẳng mãi thì chịu làm sao được? Một cốc cà-phê, một điếu thuốc lá, một căn phòng sáng sủa và tấp nập, cô bán hàng vui vẻ và mau mồm miệng, những cái ấy kể ra thì chẳng có cũng chẳng chết ai, nhưng lâu lắm được sống trong cái không khí ấy một vài giờ cũng làm cho đời thêm vị lên nhiều lắm. Kháng chiến thì kháng chiến. Người ta vẫn cần phải giải trí, cần vui vẻ (...)


(Trích từ bài Trên Những Con Đường Việt Bắc trong
Nam Cao - tác phẩm, tập 2, nxb. Văn Học, Hà Nội, 1977. Nhan đề phần trích tạm đặt.)