Hoa xoan chắc chắn là một trong vài loài hoa gây nhiều rung động nhất nơi những lòng quê...



Nhiều tác giả, “Hoa xoan” (2)





ảnh khuyết danh



ảnh khuyết danh


Khuyết danh, trang thechitay.com

Ngày xưa, cứ mỗi độ xuân về, mưa bụi lất phất, gió lành lạnh, ở thôn quê lòng người chợt bâng khuâng trước màu trắng tím biêng biếc của một loài hoa bình dị mà sâu lắng. Đó là hoa xoan.

Hoa xoan có nhiều tên gọi khác nhau, tùy theo vùng miền: hoa sầu đông, hoa thầu đâu, quê tôi gọi là hoa sầu đâu… Đây là một loài cây dễ tính, hạt rơi xuống mọc lên tự nhiên, hoặc được người dân đào lên trồng ngoài ngõ, ngoài bờ ao hay góc ruộng, ven đường đi… Cây xoan dẻo dai, khỏe khoắn như người dân quê một nắng hai sương. Lá xoan có thể đem dấm trái cây hoặc tắm cho trẻ em để chống rôm sảy ngứa ngáy; gỗ xoan có vị đắng độc chống được mối mọt nên hay được đóng đồ dùng trong nhà.

Mùa đông cây trơ trọi lá khẳng khiu đứng giữa trời gió bấc lạnh thấu xương. Sang xuân những cây xoan nảy lộc nở hoa nhanh đến ngỡ ngàng. Mỗi cây xoan trở thành một tán hoa lớn với tầng tầng, lớp lớp những chùm hoa. Hoa xoan khiêm nhường, không đua sắc, cũng không ngát hương như bao loại hoa khác, chỉ có màu trắng nhẹ nhàng, màu tím biêng biếc, lại nở trên cao nên ít ai để ý… Từ xa nhìn tới, tán hoa xoan như những áng mây bồng bềnh, lửng lơ giữa trời, huyền ảo mơ màng, hư hư, thực thực. Cánh hoa xoan nhỏ nhắn, xinh xắn, gặp gió xuân rơi lả tả, rải đầy trên lối đi, vương trên những mái tóc thôn nữ. Lũ con gái mới lớn quê tôi thường nhặt hoa xâu thành một chuỗi cườm đeo vào cổ (gọi là kết cườm).

Hoa xoan nở rộ khi xuân sang nhưng chóng tàn, rơi lẫn trong mưa bụi khi cơn gió nhẹ thoảng qua, nên người ta còn gọi bằng một tên khác nghe rất buồn là hoa sương khói.



ảnh khuyết danh


An Thiên, trang baomoi.com

Khi những tia nắng ấm áp của mùa xuân tràn về cũng là lúc những cây xoan sau nhà đâm những chồi xanh mởn. Và từ nhành lá sum suê ấy nhú ra những nụ hoa bé li ti. Hoa xoan. Có lẽ ở nông thôn, mùa xuân ngoài hương thơm thanh khiết, dịu ngọt của hoa bưởi thì người dân quê nhớ nhất là hình ảnh hoa xoan. Chùm hoa xoan tim tím, đung đưa trong gió, rung rinh xao động trong mưa phùn làm đẹp thêm xóm làng khi xuân về. Với tôi, hoa xoan mang vẻ đẹp mong manh (...)

“Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy...” (Nguyễn Bính)

Tôi nhớ lắm những ngày bé thơ, anh hàng xóm hơn tôi vài tuổi, cứ mỗi buổi ra đồng chăn bò lại chạy tung tăng khắp các bờ ruộng, thấy có cây xoan non nào là cẩn thận đánh cả gốc đem về trồng trong vườn. Khu vườn rộng mênh mông của nhà anh vì thế mà đầy cây xoan đâm lên thẳng tắp, thậm chí còn nhiều hơn các giống cây ăn quả. Những cây xoan lớn dần lớn dần và mỗi mùa xuân lại treo đầy những chùm hoa đẹp đến nao lòng. Người dân quê tôi dùng gỗ xoan ngâm để làm nhà, chắc chắn và bền bỉ. Chả thế mà nhiều người lại thích trồng xoan đến thế. Tôi còn nhớ, mỗi khi chặt buồng chuối nào, mẹ tôi cũng lấy lá xoan về giấm chuối. Kỳ lạ là khi được giấm bằng lá xoan, chuối chín vàng ươm, kéo mã rất đẹp. Rồi khi quả xoan già rơi rụng, mẹ lại nhặt về đốt làm bánh gio, thứ bánh thanh khiết, mát lành trong những ngày Tết Nguyên Đán.

Hồi nhỏ, vào buổi trưa, lũ trẻ chúng tôi thường chạy quanh gốc xoan, nhặt những cánh xoan, quả xoan rụng để chơi đồ hàng. Lũ con gái túm quả xoan thành từng bó gồng gánh đi chợ bán, lũ con trai gom những cánh hoa rồi tung lên trời như bông tuyết… Và những buổi trốn bố mẹ ngủ trưa, rong chơi bên gốc xoan ấy rất dễ bị phát hiện vì trên đầu đứa nào cũng lấm tấm đầy những cánh hoa tim tím. Quả xoan nhìn rất đẹp. Chả thế mà các cụ xưa thường ví người con gái có khuôn mặt đẹp là “mặt trái xoan”...

Ấn tượng với tôi còn là sức sống mãnh liệt của loại cây này. Sau một trận mưa, cây xoan sau nhà bị gẫy, thân cành dần khô lại. Những tưởng cây sẽ mục nát rồi chết đi nhưng bước sang mùa xuân, tôi ngỡ ngàng khi nhìn thấy những cành non bật lên thẳng tắp từ chỗ thân bị gãy gập ấy. Và rồi, một cây xoan mới lại bắt đầu sức sống tràn căng. Có thể vì thế mà ngày xưa thanh niên quê tôi còn mang cây xoan đi trồng trong Tết Trồng Cây. Giờ đây, xóm làng đã được trải bê-tông nên dọc đường không còn nhiều cây xoan. Nhưng nhiều gia đình vẫn còn lưu giữ những gốc xoan già trong góc vườn như là lưu giữ mãi hồn quê, lưu giữ mùa xuân ở lại.



ảnh khuyết danh


Hoàng Nghĩa, trang tiengiang.gov.vn

Nhớ màu xoan tím tháng tư
Tím như nỗi nhớ, tím như mắt chiều...


Xoan đào còn gọi là cây sầu đâu, xoan đâu. Mùa xuân, lá xanh mướt, non tơ nhìn đến đã mắt. Từng nhành lá túm tụm lại như cái thúng, lấp lánh dưới cái nắng rực vàng của mùa xuân. Thời gian vào khoảng cuối tháng ba đầu tháng tư, hoa xoan bắt đầu nở rộ tim tím thật đẹp.

Bốn cánh xoan tím mơ, mỏng manh, nhụy hoa li ti túa ra hương thoang thoảng. Từng đàn ong mật dan díu suốt mùa hoa không rời. Nhìn từ dưới lên từng chùm hoa tim tím, phơn phớt giữa đám lá xanh mướt trông giống như làn mây tím mỏng giữa nền trời xanh biếc.

Cuối đợt, hoa rụng xuống lã chã như mưa ngâu. Khi có cơn gió nhẹ vô tình thoảng qua, từng cánh hoa mỏng chao nghiêng, lượn vòng rồi tiếp đất một cách nhẹ nhàng. Ai đó đi qua chưa kịp ngoảnh lại thì cánh hoa đã đậu trên vai áo...

Nhìn dưới nền đất lấm tấm cánh hoa mà thấy tiêng tiếc cả mùa xuân đang rụng xuống. Cánh hoa hướng lên trên, nở bung tím như nụ cười trẻ nhỏ. Nhiều khi có đứa con gái nào cầu kỳ, khéo tay còn nhặt từng cánh hoa bé xíu xâu vào sợi chỉ làm thành những chiếc vòng cổ, vòng đeo tay trông rất ngộ nghĩnh. Khi hoa rụng hết là quả bắt đầu phát triển, từng chùm sai chi chít, xanh nõn nà. Đấy cũng là lúc chim sẻ dời tổ chuyền cành.

Hồi còn nhỏ, vào mỗi dịp hoa nở rộ, lũ trẻ hiếu động chúng tôi cứ mỗi chiều khi hoàng hôn tím trên cánh hoa lại ríu rít trèo lên cây xoan bẻ nguyên cả nhánh, chọn nhánh nào nhiều hoa nhất rồi chạy ra rìa làng để bắt bọ rầy. Bọ rầy là loài bọ cánh cứng, to bằng đầu ngón tay cái, kêu rè rè, sống ở trong các hang nhỏ dưới đất, cứ tối đến là chui lên kiếm ăn. Mùi hoa xoan có sức cuốn hút kỳ lạ, bọ rầy bu đen chi chít nên chúng tôi tha hồ bắt. Loài bọ này nhỏ không hôi, nướng ăn thơm như thịt chim sẻ. Đấy vừa là món khoái khẩu vừa là thú vui của tuổi thơ chúng tôi.
Hết mùa hoa lại tiếp tục sang mùa quả. Quả xoan sai, kết lại thành từng chùm to bằng hạt đậu phộng. Chúng tôi chặt cây hóp (một loài tre nhỏ), chọn đốt thẳng suôn làm thành súng gọi là súng hóp hay súng phốc. Rồi ăn trộm của mẹ chiếc đũa tre ăn cơm vót nhọn gắn chặt vào một đốt mắt hóp dài khoảng năm xen-ti-mét làm cò súng đẩy đạn. Quả xoan là đạn chủ lực.

Chúng tôi hái quả xoan, vặt ra từng quả một bỏ vào túi quần hoặc túi áo. Từng tốp chia đều quân dàn trận bắn nhau. Đồm độp!... Đoèn đoẹt!... Nghe rất sướng tai. Nguyên tắc hoạt động của súng phốc là bắn bằng nén hơi. Que đũa đẩy vào đầu bên này tạo thành khí lực đẩy viên đạn đầu bên kia bắn ra thành tiếng nổ, có khi bắn được cả chuồn chuồn...

Tuổi thơ trôi qua cùng những mùa xoan tím, những trận đại chiến bằng súng phốc. Sống mũi cay cay mỗi khi nhớ lại những ngày... Bây giờ kỷ niệm đã tím dần vào nỗi nhớ... Sao thấy nhớ những ngày nắng tím tháng tư, nắng rưng rức tím hoa xoan!...