Vốn đa số mọi người đều tưởng “thơ Hồ Xuân Hương” là thơ của Hồ Xuân Hương; người ta chỉ không biết tí gì về tiểu sử nhà thơ nữ thời xưa ấy. Cũng có người cho là Hồ Xuân Hương không có thực.

“Thám tử” Hoàng Xuân Hãn điều tra rất cặn kẽ, rồi cho biết: quả thực đã có một nữ thi sĩ tên là Hồ Xuân Hương, nhưng bà không phải là tác giả của những bài thơ vẫn được gọi là thơ Hồ Xuân Hương (nói chính xác hơn, có lẽ bà có góp vài bài, vậy thôi).

Thơ Hồ Xuân Hương không phải của Hồ Xuân Hương, vậy thì của ai?

Hoàng Xuân Hãn: “Những người đàn ông đặt ra những bài thơ tục tĩu cho vui rồi gán cho...”. Tức tác giả
khuyết danh, nhiều người, phái nam.

Thơ Hồ Xuân Hương lắm bài chỉ tục chứ không hay, thiết tưởng nên bỏ những bài ấy ra ngoài văn học sử. Bỏ ra ngoài văn học sử thôi, chứ không phải “bỏ đi”, vì chúng có thể có giá trị về phương diện khác: có thể đáng bỏ vào văn hóa sử!

(Thu Tứ)



Hoàng Xuân Hãn, “Hồ Xuân Hương”




Cái tên Hồ Xuân Hương tôi bắt đầu thấy trong cuốn Quốc sử di biên (QSDB) của ông thám hoa Phan Thúc Trự, người Nghệ An, trong đó nói Hồ Xuân Hương là tiểu thiếp của ông hiệp trấn Trần Phúc Hiển ở Yên Quảng, tức là vùng Quảng Yên bây giờ.

Việc ông Trần Phúc Hiển bị án tử hình vì ăn hối lộ được ghi trong QSDB và cả trong chính sử Đại Nam thực lục. Nhưng riêng trong QSDB, ông Phan Thúc Trực có nói đến cô vợ bé tên là Hồ Xuân Hương, giỏi văn chương và chính trị, được dự vào việc xử án, phê phán với chồng (...)

Năm 1952 tôi qua Pháp, thư viện quốc gia ở đây có nhờ tôi làm mục lục về những sách chữ Nho và chữ Nôm của họ. Tình cờ nữa, tôi lại thấy một cuốn sách địa dư, trong đó có nói đến tỉnh Quảng Yên. Cuối phần tỉnh Quảng Yên thấy có sáu bài thơ đề là của Hồ Xuân Hương (...) hai chuyện ấy nhập lại thì rất có giá trị (...)

Từ hai mối ấy tôi mới đi tìm xem Hồ Xuân Hương là con người như thế nào? (...)

(...) tôi lục trong các báo ở Việt Nam, từ 1954 trở đi (...) Duy chỉ có ông Trần Thanh Mại, tình cờ, ông đọc những sách của trường Viễn Đông Bác Cổ để lại, sau bài Đi Chơi Hương Tích của Chu Mạnh Trinh thì có một bài tựa sách của một người ký tên là Nham Giác Tốn Phong, bài tựa đó có nói đến một cuốn sách tên là Lưu hương ký (LHK) của Hồ Xuân Hương mà ông được đọc và làm cái bài tựa này. Sau bài tựa ấy có những bài thơ của ông Tốn Phong tặng cho Hồ Xuân Hương. Ông Trần Thanh Mại mới nghĩ rằng nếu tìm được LHK thì sẽ biết nhiều về Hồ Xuân Hương. Chuyện này vào khoảng 1963, ông Trần Thanh Mại kể lại trong tạp chí Văn Học như thế. Rồi ông ấy loan báo muốn tìm cuốn LHK, thì có một ông cử nhân người làng Hành Thiện viết thư cho ông ấy bảo rằng cách đây 8, 9 năm trước tôi đã gửi biếu các ông cuốn LHK mà tôi tìm thấy ở trong thư viện của tôi. Lúc ấy Trần Thanh Mại mới ngã người ra: À thì ra mình đã có trong tay LHK 8, 9 năm rồi mà không biết. Từ lúc ấy, ông Trần Thanh Mại mới bắt đầu khảo cứu LHK. Thì LHK là một tập thơ và từ bằng chữ Hán và chữ Nôm. Theo bài tựa của Tốn Phong, chính Hồ Xuân Hương nói rằng: Đây là tập thơ của cả đời tôi. Nhưng sự thực thì không phải thế đâu. Sự thực, tâm hồn của cô ở trong tập này chứ không phải tất cả tác phẩm của cô ở trong tập này. Cả tập hình như chỉ có 52 bài: 24 bài chữ Hán, 28 bài chữ Nôm. Trong Nôm thì có thơ Đường luật mà cũng có những bài từ. Phần Nôm rất đặc biệt vì nó nói hẳn cái tình cảm của mình – tình đây là tình ái – mà nói thật thà không giấu diếm, không ngượng ngùng. Phần văn chữ Hán có hơi sáo một tí bởi ảnh hưởng văn cử nghiệp. Nhưng mà thơ cô cũng không kém gì những người văn học đàn ông thời ấy.

Bằng phương tiện riêng, tìm kiếm qua những bài thơ của cô và qua ĐNTL tôi đã tìm lại được một số tình nhân của Hồ Xuân Hương, trong ấy có đến bốn, năm người mình biết tên tuổi, thì người đầu tiên là cụ Nguyễn Du (...)

Ông Trần Thanh Mại có trong tay hai tác phẩm và ông ấy dịch ra một phần. Ông ấy chỉ dịch ra một phần, cái khổ là thế vì bây giờ chưa chắc đã tìm lại được LHK. Nhưng ông không tìm cách liên lạc các việc với nhau và ông cũng không kiếm ra những con người giao thiệp với Hồ Xuân Hương là những người nào. Tôi ở bên này, tôi chỉ tìm được những cái gì có ghi chép trong sử, còn những tên ở ngoài, nếu ở bên nhà thì may ra mới tìm được (...)

Những bài thơ người ta gán cho bà, nhiều khi chỉ nghĩ một tí ti thì thấy rằng là không phải (...)

Bây giờ nói đến cái văn in bằng quốc ngữ từ trước đến bây giờ mà người ta gán cho Hồ Xuân Hương, thì phải nhìn những bài thơ ấy như thế nào? Và những bài thơ ấy lấy ở đâu ra?

Sang bên Pháp này tôi lục được một tập văn của một người Pháp tên là Antony Landes, là người sang Nam kỳ thời Pháp chiếm Nam kỳ. Ông học tiếng Việt ở trường Thông Ngôn thành ra giỏi tiếng Việt lắm, có dịch cả Nhị độ mai. Vào khoảng năm 1892, ông được bổ làm đốc lý ở Hà Nội. Landes có nhẽ là người Pháp đầu tiên ra Bắc tìm kiếm các tác phẩm của người Việt Nam, rồi thuê hay sai người chép lại. Nhưng những người đó làm để lấy công, lấy tiền, hay lấy tiếng chứ không có trình độ hoặc thực tâm, cho nên tuy góp được khá nhiều văn nhưng không chắc chắn lắm. Những văn mà ông góp lại, chỉ về tuồng không cũng có độ mười cuốn dày. Tập thơ, nhiều thơ lắm, do con cháu ông Landes cho Société Asiatique trữ lại. Trong đó có hai ba người chép lại thơ, gọi là thơ Hồ Xuân Hương. Gốc tích đầu tiên về văn học mà sau này bên ta in ra thơ Hồ Xuân Hương, tôi chắc là ở trong ấy!

Xét ra thì thấy họ hoàn toàn bịa. Ở trong ấy có nhiều thoại khác nhau. Cái anh viết nhiều nhất thì một bài thơ anh ta bịa ra hết cả những chuyện đã xảy ra, rồi thì mới đến bài thơ ấy. Ví dụ như bài thơ Bù Nhìn (bây giờ nhiều người nói là của Lê Thánh Tôn) thì trong ấy họ cho là của Hồ Xuân Hương. Anh ấy kể chuyện rằng một hôm Hồ Xuân Hương về già đi bộ giữa đồng, thấy một con bù nhìn, thế rồi làm bài thơ này. Thì mình biết rằng bịa. Nhưng trong ấy cũng có một quãng thơ không biết là bịa hay lấy ở đâu mà cũng có thể nhận là của Hồ Xuân Hương được.

(...) Trong mười bài có thể có một, hai bài có thực. Người ta bịa ra để tuyên truyền rằng Hồ Xuân Hương là người hay chớt nhả, hay đùa, hay nói một cách tục tĩu: Những người đàn ông đặt ra những bài thơ tục tĩu cho vui rồi gán cho Hồ Xuân Hương (...)

Các bài thơ đó đối với tôi, tôi coi rằng nếu có thì là thơ lúc Hồ Xuân Hương còn trẻ. Vì sự đùa bỡn của Hồ Xuân Hương thì chắc là có bởi vì cá tính của Hồ Xuân Hương khác với những người con gái thời ấy. Ông Hồ Tuấn Niệm là người trong họ kể lại là cô có về làng và đùa với ông Dương Trí Tạn. Ông Tạn có làm một bài thơ vịnh cái điếu để mà bỡn cô và cô chấp nhận đùa với những người như thế thì đủ biết cô không phải là người con gái nhút nhát gì cả: Nếu người nào kích thích cô thì cô cũng trả lời quá cả con trai nữa. Cho nên một số những bài thơ đùa bỡn có tính dục tình có thể có (...) Sau lúc cô quá lứa rồi, chắc cũng kén lắm mà không lấy được chồng, thì mình thấy thơ của cô trữ tình rất nhiều nhưng không còn chất cợt nhả như hồi trẻ nữa (...)

Tôi thấy rằng (...) những người làm văn học sử nên họp nhau mà xử định trong số thơ truyền lại nói là của Hồ Xuân Hương bài nào đích thực, bài nào phải bỏ đi (...)


(Trích bài phỏng vấn do Thụy Khuê thực hiện đầu tháng 5-1993, đăng trên tạp chí
Hợp Lưu, Mỹ, số 13, tháng 10&11-1993, in lại trong sách Nói chuyện với Hoàng Xuân Hãn và Tạ Trọng Hiệp của Thụy Khuê, nxb. Văn Nghệ, Mỹ, 2002, tr. 225-244. Nhan đề phần trích tạm đặt.)