Nhờ đâu mà “những giống người gì khác hẳn chúng ta” trở nên “thân thuộc”, mà núi rừng dễ sợ hóa thân quen? Câu chuyện là, vì miền xuôi khó lập căn cứ địa, ta lên núi vào rừng. Lên đó thì phải tranh thủ những người ở đó. Ta tranh thủ các dân tộc ít người thành công là nhờ “công” giặc Pháp đã hà hiếp anh em y như hà hiếp ta, khiến anh em chia sẻ với ta cái “số phận” bị đè đầu cưỡi cổ và cái “mục đích” đánh cho bật văng kẻ đè cưỡi mình. Nhưng tranh thủ thành công cũng là nhờ công lao của bao nhiêu cán bộ đã tận tụy thực hiện hết sức nghiêm túc chính sách đúng đắn của Đảng. Không phải nói suông mà thành người thân được đâu! Rất nhiều cán bộ đã sống thực sự gương mẫu mới tạo được cái tình đoàn kết keo sơn ấy đấy. Còn về lòng yêu nước Việt Nam, với ta là cố hữu, chứ với nhiều anh em, chắc chắn là đến bây giờ mới có! (Thu Tứ)



“Như rộng thêm lên”

Nam Cao




Ông ké cầm tay tôi rất lâu, tần ngần nhìn vào mặt tôi. Vốn dĩ là đồng bào miền ngược rất thích tỏ tình thân ái, lòng lưu luyến bằng cách nắm tay, bá vai một cách nhè nhẹ, yêu yêu.

- Đồng chí đi, ké thương nhớ để đâu cho hết?

Những câu nói rất thường ở trên này, nghe ra cũng bóng bảy như thế đấy. Ké còn nói rằng ké tiếc tôi như tiếc một con ba ba rơi xuống bể. Có lẽ ông già miền núi ấy suốt đời chưa trông thấy bể bao giờ. Lời ông thành thật hay khách sáo? Thì cũng có cả hai thứ ở trong. Người trên này chẳng chất phác quá như người ta thường thích tả đâu. Cũng thích mua rẻ bán đắt, cũng thích thế nào cho được thật nhiều lợi về mình (...) Nhưng được cái cũng yêu nước, cũng ghét Tây (...) Thế là đủ lắm rồi, chúng ta dễ hiểu nhau, dễ yêu nhau lắm.

Vả lại gần gũi đồng bào trên này, tôi thấy rằng họ cũng dễ thân. Chúng tôi đến ở chỗ nào, chỉ vài tháng là đã quen cả bản rồi (...)

Ông ké vẫn không chịu buông tay tôi ra, cứ ngoẹo đầu ngoẹo cổ căn dặn mãi:

- Đồng chí đi mạnh khoẻ chứ! Bao giờ đi công tác qua đây, nhớ ghé vào chơi với ké nhé!

Ba, bốn lần như vậy rồi tôi mới rút tay ra được để đi. Chẳng biết ông già có vương vấn gì không, nhưng riêng lòng tôi cũng thấy bùi ngùi. Thì ra những người, vật ở đây với tôi đã như có một chút tình nghĩa gì rồi. Lúc đầu, chúng ta tưởng rằng chúng ta chỉ làm việc dân vận thôi: chúng ta cố gây cảm tình của đồng bào địa phương đối với chúng ta. Dần dần chính chúng ta đâm ra có cảm tình với họ, cái cảm tình ấy nó đến êm thấm quá đến nỗi chính chúng ta cũng không biết nữa.

Từ khi xẩy ra kháng chiến, có dịp thay chỗ ở rất nhiều, tôi mới tìm ra điều này thật ấm lòng, là ở bất cứ chỗ nào trên đất nước Việt Nam, chúng ta đều có những người thân thuộc của chúng ta, ta chỉ cần tỏ cho họ biết chúng ta là những người thân thuộc của họ. Lòng yêu nước, lòng quý mến đồng bào, lòng xót xa đến những người cùng mục đích, cùng số phận với mình, hồi này mới được đồng bào ta ở khắp nơi tỏ ra một cách thật là rõ rệt. Không đến chỗ nào chúng ta bị cái cảnh quê người đất khách. Trái lại, ở đâu ta cũng có cảm giác là một nơi thân thuộc.

Hồi tôi mới bước chân lên Việt Bắc, một anh bạn hỏi cảm tưởng đầu tiên của tôi khi tới miền rừng núi. Tôi nghĩ mãi, chẳng thấy cảm tưởng gì (...)

- Tôi có ý muốn hỏi cảm giác riêng của anh kia. Anh thấy thế nào? Khi qua các núi rừng, có thấy rợn không?

A! Rợn thì không rợn một tí nào. Tôi chỉ thấy thú như một người đi ngắm cảnh. Con đường tôi đi cũng tấp nập in như một con đường ở dưới xuôi. Và khi đi sâu vào những con đường nhỏ, vượt qua núi hoặc xiên rừng, tôi cũng chỉ coi như qua đồng vắng... Chỉ có giống vắt là làm tôi hơi khó chịu.

Anh bạn tôi cười khẽ một tiếng rồi lại hỏi:

- Trước đây, anh đã lên Việt Bắc lần nào chưa?

- Tôi lên lần này là lần thứ nhất.

- Thảo nào anh không nhận thấy sự thay đổi. Ngày xưa, nghe nói đến mạn nguợc là đã thấy một cái gì bí mật, ghê gớm. Thổ, Mán, Mèo là những giống người gì khác hẳn chúng ta, khiến chúng ta ghê gớm, sờ sợ. Một phần nữa, các con đường mà anh thấy tấp nập bây giờ, ngày xưa vắng ngắt. Năm chừng mười họa mới có người đi bộ. Thành thử ngày xưa đi qua các con đường mạn ngược, rợn lắm.

Thế ra cuộc cách mạng đã đổi hẳn bộ mặt nước mình (...) (Người miền xuôi) (...) không còn sợ núi rừng (...) Vẫn đóng khung trong những biên giới cũ, lãnh thổ Việt Nam có vẻ như mở rộng. Trước mắt chúng ta cả một vùng rừng núi mênh mông không còn phải là chỗ ma thiêng nước độc (...) mà là một miền rộng rãi có rất nhiều khả năng khai thác (...) Những ngày kiến thiết sau này vui biết mấy...

Ra gần đến bờ suối, tôi gặp chị Quyên. Chị đem gạo ra đổ vào cái cối nước về. Hôm qua tôi đã đến chào những “người già” nhà chị, nên vừa trông thấy tôi, chị hỏi ngay bằng tiếng Kinh rất sõi:

- Anh Tâm về xuôi hả?

- Vâng, chào chị nhé!

- Chào anh Tâm. Anh Tâm đi mạnh khỏe nớ. Anh Tâm về xuôi có nhớ chị Tình không?

Chị cười tít mắt. Hai má bầu và trắng hồng của chị lũm xuống hai lỗ đồng tiền nhỏ tí. Tôi cười, trả lời lại bằng tiếng Thổ:

- Xướng chứ lai! Xướng chứ nhình Quyên lai! (Thương nhớ lắm! Thương nhớ chị Quyên lắm!)

Má chị đỏ thêm. Đôi mắt long lanh chị nhìn tôi:

- Không thương nhớ tôi đâu! Thương nhớ vợ anh Tâm ấy.

Chị lại cười. Rồi đột ngột:

- Thôi anh Tâm đi nớ, mạnh khỏe nớ! Chúc công tác thắng lợi nớ!

Chị lướt qua tôi và soàn soạt vạt áo chàm, thoăn thoắt đi về bản. Hồn nhiên như vậy đấy. Các cô nói chuyện tình tứ rất tự nhiên. Nói một cách vui vẻ, thẳng thắn thế đấy thôi. Có lẽ chỉ nửa giờ sau là chị Quyên đã quên tôi. Cũng chẳng làm sao cả. Nhưng tôi cúi đầu vơ vẩn một mình, thích nghĩ rằng đi khỏi mấy bước rồi chị còn ngoảnh lại nhìn tôi. Để cho đời đẹp thêm lên một chút. Cũng chẳng làm sao cả!...


(Trích từ bài “Trên những con đường Việt Bắc” trong
Nam Cao - tác phẩm, tập 2, nxb. Văn Học, Hà Nội, 1977. Nhan đề phần trích tạm đặt.)