Bình Nguyên Lộc cho người Mường là người Lạc Việt từ Hoa Nam nam thiên xuống Bắc bộ cách nay khoảng 2500 năm để tránh giặc Tàu. Khi giặc Tàu đánh xuống Bắc bộ, họ bỏ vùng châu thổ mà chạy lên trung du. Cách nay 2500 năm người Lạc Việt ở Hoa Nam đã biết trồng lúa nước. Vậy nếu BNL nói đúng thì người Mường cổ biết làm rẫy sau khi chứ không phải trước khi biết làm ruộng nước. Và sự kiện “họ hướng về ruộng nước” là tự nhiên. (TT)



Nguyễn Từ Chi, “Người Mường cổ ở đâu”




Trong văn hóa truyền miệng của họ, kể cả văn hóa tôn giáo, người Mường vẫn ghi nhớ, dưới những tên gọi riêng của dân tộc, nhiều vị trí địa lý nằm ngoài phạm vi họ cư trú hiện nay, không chỉ ở trung du, mà cả ở miền xuôi, ví như địa điểm Lục Đầu giang ở cuối sông Cầu (...) có thể giả định rằng miền trung du, và cả một số vùng châu thổ, đặc biệt những nơi tiếp giáp với đồi, là địa bàn của người Mường cổ (tr. 208)

Người Mường cũng ở thung lũng như vậy (như người Thái) (...) nhưng trên bình diện ý thức họ hướng về ruộng nước, họ xem ruộng nước là chính, còn nương rẫy mặc dù có vị trí rất quan trọng trong cuộc sống vẫn bị coi là phụ. Với họ “muệch na pa roóng” tức một ruộng bằng ba rẫy. Xóm làng của người Mường thường đặt ở bờ thung lũng, nhưng ngôi nhà của họ (loại nhà dài cửa vào ở hai đầu hồi) phía cửa sổ được coi là trước mặt phải hướng về ruộng và trong sàn nhà bậc trên là hướng cửa sổ, đó là những điều chứng tỏ ruộng nước được coi trọng. Thung lũng chân núi được coi là nơi thể nghiệm lúa nước. (tr. 640)


(Nguyễn Từ Chi,
Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người, nxb. Văn Hóa Dân Tộc, 2003. Nhan đề phần trích tạm đặt.)