Kiều lên “kiệu hoa” về nhà “chồng”. Vì Mã Giám Sinh ở xa, nên nhà tạm là khách sạn. “Cô dâu” nằm bên “chú rể”, nhớ người yêu, “nghĩ (đến tấm) lòng (người ấy mà) xót xa lòng đòi phen”: biết đến nông nỗi này, “nhị đào thà bẻ cho người tình chung”... Kẻ buôn người ngắm nghía “miếng ngon kề đến tận nơi”, động lòng, nghĩ cứ nhai “đào tiên” rau ráu, “vin cành quít cho cam sự đời” trước, rồi “nước vỏ lựu máu mào gà” thì “lại là còn nguyên” chứ lo gì, lại nghĩ thêm được rằng mình mang tiếng “chồng” mà “bất động nữa (e) người sinh nghi”, bèn quyết tâm làm... “con ong” “đi về”, “đi về”... “Đóa trà mi” may thì được “bóng dương lồng”, rủi gặp “bóng âm” cũng phải chịu “lồng”. “Cái đêm hôm ấy”, người cung phi trong Cung oán nghe “sanh ca mấy khúc vang lừng”, còn người bán mình chuộc cha thì nằm trơ nghe... ong ngáy khò khò mà “giọt riêng tầm tã tuôn mưa” mà “giận duyên tủi phận bời bời” mà “cầm dao toan bài quyên sinh”, mà “đo đắn ngược xuôi” cho đến tận khi “tiếng gà nghe đã gáy sôi mái tường”...

(Thu Tứ)



Nguyễn Du, Truyện Kiều (câu 777-866)



Xiết bao kể nỗi thảm sầu!
Khắc canh đã giục nam lâu mấy hồi.
Kiệu hoa đâu đã đến ngoài,
Quản huyền đâu đã giục người sinh ly. (780)
Ðau lòng kẻ ở người đi,
Lệ rơi thấm đá tơ chia rũ tằm.
Trời hôm mây kéo tối rầm,
Dàu dàu ngọn cỏ đầm đầm cành sương.
Rước nàng về đến trú phường, (785)
Bốn bề xuân khóa một nàng ở trong.
Ngập ngừng thẹn lục e hồng,
Nghĩ lòng lại xót xa lòng đòi phen:
“Phẩm tiên rơi đến tay hèn,
Hoài công nắng giữ mưa gìn với ai! (790)
Biết thân đến bước lạc loài,
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung.
Vì ai ngăn đón gió đông,
Thiệt lòng khi ở đau lòng khi đi.
Trùng phùng dù họa có khi, (795)
Thân này thôi có ra gì mà mong.
Ðã sinh ra số long đong,
Còn mang lấy kiếp má hồng được sao?”
Trên yên sẵn có con dao,
Giấu cầm nàng đã gói vào chéo khăn. (800)
Phòng khi nước đã đến chân,
Dao này thì liệu với thân sau này.
Ðêm thu một khắc một chầy,
Bâng khuâng như tỉnh như say một mình.
Chẳng ngờ gã Mã Giám sinh, (805)
Vẫn là một đứa phong tình đã quen.
Quá chơi lại gặp hồi đen,
Quen mồi lại kiếm ăn miền nguyệt hoa.
Lầu xanh có mụ Tú bà,
Làng chơi đã trở về già hết duyên. (810)
Tình cờ chẳng hẹn mà nên,
Mạt cưa mướp đắng, đôi bên một phường.
Chung lưng mở một ngôi hàng,
Quanh năm buôn phấn bán hương đã lề.
Dạo tìm khắp chợ thì quê, (815)
Giả danh hầu hạ dạy nghề ăn chơi.
Rủi may âu cũng sự trời,
Ðoạn trường lại chọn mặt người vô duyên!
Xót nàng chút phận thuyền quyên,
Cành hoa đem bán vào thuyền lái buôn. (820)
Mẹo lừa đã mắc vào khuôn,
Sính nghi rẻ giá nghinh hôn sẵn ngày.
Mừng thầm: “Cờ đã đến tay,
Càng nhìn vẻ ngọc càng say khúc vàng.
Ðã nên quốc sắc thiên hương, (825)
Một cười này hẳn nghìn vàng chẳng ngoa!
Về đây nước trước bẻ hoa,
Vương tôn quý khách ắt là đua nhau.
Hẳn ba trăm lạng kém đâu,
Cũng đà vừa vốn còn sau thì lời. (830)
Miếng ngon kề đến tận nơi,
Vốn nhà cũng tiếc của trời cũng tham.
Ðào tiên đã bén tay phàm,
Thì vin cành quít cho cam sự đời!
Dưới trần mấy mặt làng chơi, (835)
Chơi hoa đã dễ mấy người biết hoa .
Nước vỏ lựu máu mào gà,
Mượn màu chiêu tập lại là còn nguyên.
Mập mờ đánh lận con đen,
Bao nhiêu cũng bấy nhiêu tiền, mất chi? (840)
Mụ già hoặc có điều gì,
Liều công mất một buổi quỳ mà thôi.
Vả đây đường sá xa xôi,
Mà ta bất động nữa người sinh nghi.”
Tiếc thay một đóa trà mi, (845)
Con ong đã tỏ đường đi lối về!
Một cơn mưa gió nặng nề,
Thương gì đến ngọc tiếc gì đến hương.
Ðêm xuân một giấc mơ màng,
Ðuốc hoa để đó mặc nàng nằm trơ! (850)
Giọt riêng tầm tã tuôn mưa,
Phần căm nỗi khách phần dơ nỗi mình:
“Tuồng chi là giống hôi tanh,
Thân nghìn vàng để ô danh má hồng!
Thôi còn chi nữa mà mong, (855)
Ðời người thôi thế là xong một đời!”
Giận duyên tủi phận bời bời,
Cầm dao nàng đã toan bài quyên sinh.
Nghĩ đi nghĩ lại một mình:
“Một mình thì chớ hai tình thì sao? (860)
Sau dầu sinh sự thế nào,
Truy nguyên chẳng kẻo lụy vào song thân.
Nỗi mình âu cũng giãn dần,
Kíp chầy thôi cũng một lần mà thôi!”
Những là đo đắn ngược xuôi, (865)
Tiếng gà nghe đã gáy sôi mái tường.


(
Truyện Kiều, nxb. Ðại Học Và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, 1973)