“Nguyễn Tuân - Lên non xuống bể” (II)




Nguyễn Tuân lên non nhiều hơn là xuống bể. Phía bắc Bắc bộ trùng điệp núi non. Nguyễn hình như đã đi khắp các miền cao, nhưng kỹ nhất là Tây Bắc, có thể nói ông là một chuyên gia “đi Tây Bắc”. Phần đất đai ấy của quê hương, đại khái nó là một cái biển núi đá với một con sông quanh co giữa biển là sông Đà! Có lẽ nói miền cao, ít ai nghĩ đến sông. Thực ra trên núi vẫn có sông, núi chính là nơi xuất phát của hầu hết sông. “Sông núi” có thể hung dữ vô cùng. Dữ bao nhiêu, vẫn có cái giống người ta đứng ngồi trên những mảnh gỗ chắp lại mà xuôi và ngược dòng. Cái mớ gỗ chắp trên ấy nó trông khác hẳn anh em nó dưới xuôi. Đã ngẩn ngơ trước núi và sông, ai lên Tây Bắc sẽ được thêm ngẩn ngơ trước phương tiện đường sông đặc thù và cái gan cái giỏi của những người điều khiển nó.

Nhưng tuy Tây Bắc đẹp và lạ, đó không phải là lý do chính khiến một người Hà Nội trẩy ngược nhiều lần đến thế. Nguyễn Tuân đi Tây Bắc vì một đoạn lịch sử đất nước đã qua và vì cái đoạn lịch sử đang thành hình. Sử xui ông lên non, lên đó ông gặp cả địa, về Hà Nội ông làm văn về cả sử lẫn địa!

Trong tuyển I chúng tôi đã trích dẫn một phần ký Tây Bắc của Nguyễn Tuân cùng với một số bài ông viết về các vùng khác. Trong tuyển này, chỉ có ký Tây Bắc.

Lên Tây Bắc 1958 (1)

Dân tộc đã bao lần đánh ngoại xâm, nhưng phải đến lượt đánh giặc Pháp thì Tây Bắc mới trở thành một chiến trường chính.

Trên đường lên thăm Điện Biên Phủ, Nguyễn Tuân miên man nhớ: “Cái hình ảnh anh cán bộ địch hậu Tây Bắc thèm muối thèm đường cái chính xứ đã đeo đẳng tôi suốt ngày đường (...) cái thứ muối xót lòng rơi nước mắt ấy (nay đã) nhiều như mùa xuân Tây Bắc nở hoa ban rồi, các đồng chí ạ (...) Và con đường cái quan mộng ước của các anh từ cái hồi còn bí mật nằm trong hang đá bem ngó xuống, con đường ấy bây giờ lại còn đắp thêm mặt đường cho rộng ra nữa...”.(*)

Lên đến nơi, bốn năm sau ngày quân kháng chiến bắt sống Đờ Cát, Nguyễn thấy: “Đuôi bom, mũ sắt, xích xe tăng, cánh quạt tàu bay, hòm đạn, nòng súng, thùng xăng, khung díp, vành bánh, thiết giáp 18 tấn, tất cả những đồ lề nhớn nhỏ nặng nhẹ của chiến tranh đế quốc ấy đã hóa kiếp thành ra những cái đống dị dạng bẩn thỉu trên đó thời gian cho sùi mãi lên cái màu han gỉ xấu hổ của (…) chiến bại”. Và thấy: “Nắng buổi chiều mùa thu tà xuống bãi chiến trường và lấp lánh soi sáng vào đài liệt sĩ...”.

Khói bom khói đạn tan lâu rồi, bây giờ đứng trên đồi A1 nhìn xuống thấy: “Khói núi bốc lên như khói nồi cơm vừa sôi. Cánh đồng lịch sử Mường Thanh hiền lành như một cái nồi đồng điếu khổng lồ đang sủi tăm nước chờ đón lấy gạo tẻ từ nông trường của những anh bộ đội trước đây đã chính tay mình giải phóng cho nó”.

Tây Bắc đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc. Với nỗ lực của bộ đội ở lại và đồng bào địa phương và đồng bào miền xuôi “dọn nhà” lên, Tây Bắc đang chuyển mình để tích cực góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước. Cái vai trò nổi bật hơn trước nhiều sau Điện Biên Phủ khiến cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ độc đáo của Tây Bắc bắt đầu được biết đến rộng rãi.

“Người đi tìm cái đẹp” gặp cảnh đẹp, tất nhiên là “vẽ”: “Ở chỗ cao nhất của thân đèo (Pha Đin), trông xuống, các chóp núi đều lượn rập rờn như các nếp sóng bạc đầu của một vùng biển cả mà phép màu nào đó vừa biến hóa thành ra đá, cứng lại, xanh sẫm và tím ngắt một niềm im lặng”.

Giăng liềm (2)

“Cát xuân cuốn lốc như năm nao / Bao la một giời chiến hào / Dài ngân trong gió Lào / Rụng cánh từng cánh hoa ban / Ngoài bến cỏ gianh lút đầu người / Nấc lên những hơi mìn gỡ sót / Vỡ hoang Cò Mỵ đánh gộc rừng / Âm âm động xích chiến xa hòa bình / Bãi xưa đèn hiệu thả dù / Đèn pha nay chạy máy cày đêm / Sân bay đất lật ngửa lên / Hầm pháo nặng thành hố phân xanh / Con chim bạt ngàn ngày xuân nọ / Trở về nở trứng giữa chân ruộng mạ / Khu trục gỉ cánh quạt chìm dần / Sóng lúa Hồng Cúm vồng ngọn cao / Nông trang khắc thâu / Mõ trâu / Đui đạn đồng / Lanh canh nhạc lạnh sương lồng giọt mơ / Hơi may ngọt nhờ nhờ / Đêm cỏ đầm đầm sữa vắt / Loang khắp cánh rừng Mường Theng / Trong nắng mai bừng lên / Như sôi hơi một nồi cơm khổng lồ / Chào reo lúa tẻ vụ đầu / Phía cầu Nậm Rốm / Có anh bộ đội yên tâm sản xuất / Thả nhẹ vào lòng sông chiều / Một chiếc liềm vàng / * / Nghiêng nghiêng giăng liềm / Vàng thiếp lên vàng / Trên lúa rỗ đồng Mường Thanh / Một mùa thu lao động hòa bình / Treo lên một giời xanh / Điện Biên chiều về nguyệt bạch / Kim tuyến thêu hình liềm vàng / Láng đi láng lại hào quang / Trên lúa đỏ nông trường / * / Ngợp trong bụi lửa / Bốn năm xưa Điện Biên / Giăng liềm gác lên nòng súng khói / Đất cũ rưng rưng chiều sa trường / Mênh mông tiếng lúa nông trang / Cánh đồng lịch sử / Biên tuyến xanh ngắt xanh / Lồ lộ chiếc liềm vàng”.

Nguyễn Tuân cầm bút, cả đời làm chỉ độ mấy câu thơ đặt chen vào giữa văn xuôi. Ngoại trừ duy nhất một lần này, Nguyễn đã viết hẳn trọn một bài thơ không ngắn. Ờ, đi thăm cái “cánh đồng lịch sử” ấy mà chỉ ký không thôi, hẳn thấy còn ấm ức. Đứng trước “bao la một giời chiến hào”, nghe “nấc lên những hơi mìn gỡ sót”, rồi giữa “nông trang khắc thâu”, nghe “mõ trâu, đui đạn đồng, lanh canh nhạc lạnh sương lồng giọt mơ”, mà không ít nhất “phác thảo” mấy vần thì làm sao vơi bớt cảm xúc về cảnh đây để lấy chỗ trong lòng mình cho cảm xúc Tây Bắc khác! “Đất cũ rưng rưng (…) / Mênh mông tiếng lúa (…)”... Mới có bốn năm, mà đã “xưa” thật rồi đấy nhỉ.

Tây Trang (3)

Nguyễn Tuân từ Điện Biên Phủ đi thăm Tây Trang.

Ở chỗ khởi hành: “Nông trang Điện Biên tới tấp gặt vụ lúa tẻ đầu tiên. Đứng nơi bờ sông (Nậm Rốm) mà nhìn lên đỉnh núi Pú Hồng và Tà Lèng, đã thấy nhiều vạt rừng Mèo Pú Tỉu vàng rực hẳn lên. Lúa nương bản Mèo rẻo cao cũng chín rồi, lúa vàng lênh khênh giữa trời như mọc giữa chân mây xốp đang ùn lên từ phía núi bên kia (…) Đã có những con chim chìa vôi quệt đuôi trên những bờ ruộng khô vừa bay vừa hót (…) Lăng xăng những cái bóng cô Thái đi ngắt bông lau về làm thêm đệm, chống gió bấc, gió heo, gió hanh đã lùa dưới sàn nhà gác”.

Tới nơi, buổi chiều: “… đang bừng lên cái nắng bốn giờ chiều, cái nắng đậm đà của mùa thu biên giới, cái thứ nắng hanh đang sấy khô gió Tây Trang và đang mài sắc thêm tiếng động của hoa lau phất cờ trong bóng núi (...) Nắng tắm mãi lên rừng thu biên giới. Núi xa núi gần liên miên như trùng dương thạch trận. Sơn hệ nối vây nhau như đá khối đang gò đống kéo lên. Tôi nhìn ra một cái biển đá sóng đá tít mù non khơi (...) Chiều về biên giới núi càng tím lơ”.

Và chao ơi, đêm khuya: “Sao bủa đầy trời như mặt bể nổi lân tinh, vòm trời cao trong vắt như một bầu pha-lê (…) Những chòm sao run run như muốn né tránh cái gió Lào bốc ngược lên từ mặt đất biên giới. Vòm pha-lê lóe điểm sao chùm đang ngân trả lại mặt đất cái ì ầm của gió núi. Sóng núi rập rờn trong sương buốt và nhấp nhô trên cánh đồng đá (…) Và gió buốt đã làm đông cứng lại những ngọn sóng biển, sóng thành ra đá cùng một lúc. Nhìn lên sao cao tôi thấy như đôi chân đang động trên sóng vỗ nhẹ và tôi như bị hút lên. Đêm Tây Trang, trời sao nhấp nhánh, thấy nó ngờm ngợp, thấy như mình đứng tì tay lên mép cái thành vách biên cương mà nhìn xuống lòng giếng khơi, lòng giếng khổng lồ dội lên cái va đụng của các vì sao đang sải bơi trong gió Lào một đêm giá buốt”.

Văn gợi cảm tuyệt vời. Giời đất ấy, mà không có người ấy đi để thấy để cảm để viết thành lời thế này, chẳng phí quá lắm sao.

Nhưng Nguyễn đi Tây Trang không phải để ngắm núi sóng với sao bơi, mà để thăm chiến sĩ biên phòng. “Ở đây xa vắng nhân dân. Cái bản Mèo gần nhất cũng là gần mười cây số đường núi. Cái đồn thèo lảnh trên núi cỏ (…) Cặp mắt chiến sĩ biên phòng chỉ bạn bầu với cỏ gianh và mây gần mây xa (…) nheo nheo như luôn luôn theo dõi những mục tiêu di động trong rừng núi mịt mùng sương đêm sương sớm sương chiều (…) thăm thẳm vòi vọi như mắt những người đi bể (…) ở ngoài khơi nhìn vọng vào đất liền”. Về vật chất, chiến sĩ biên phòng được đặc biệt quan tâm nên không quá khó khăn, “anh em chật vật nhất là về mặt tình cảm”. Chật vật thế, nên mỗi lần văn công lên diễn, khi về là bao nhiêu quyến luyến, đến nỗi gửi theo mấy đôi chim bồ câu thông tin để người trẩy xuôi có thể “báo cáo” dọc đường! Đi đâu thì cũng ca múa, nhưng lên đồn giữa biển đá, nhớ ca múa cho thật “tươi đời” nhé, đội ơi.

Đi mở đường (4)

Người đi xem mở đường nghe liên tục tiếng mìn, tiếng “gỗ tươi kêu, đất kêu, đá kêu, suối la lên mỗi lần núi ngã xuống vực từng tảng”, trông thấy “có những cỗ núi bị thiến đi, có những quả đồi bị bổ ra” và chứng kiến “một dải đường Phù Yên dài mấy chục cây số đang duỗi ra thẳng thắn (…) bụi dày đặc bốc tỏa khắp mặt suối, mặt đồng như một cuộc chuyển quân tiến nhanh ra phía sông Đà”

Người ấy trầm trồ: “Tôi chưa được nom tận mắt những công trường vĩ đại (...) ở các nước bạn, nhưng đối với một cái quê hương Việt Nam xinh xinh bé bé và lại bé hạt tiêu nước tôi, thì cái đông đúc của công trường Gia Phù - Vạn Yên mở đường đắp đường một cách giông bão này, tôi thấy cái khối dăm ngàn con người ấy cũng đã nhộn nhịp có quy mô lớn”.

Tất nhiên nếu so số so lượng so kích thước, thì “hạt tiêu” làm sao có cái gì bì được với bạn Trung Quốc, bạn Liên Xô. Nhưng nếu đem đọ tinh thần hăng say kiên trì của nhân dân đang nỗ lực, thì “cái quê hương bé bé” của “tôi” lại chẳng chịu mảy may nhường bất cứ xứ sở nào đâu, bất kể là bạn hay thù!

Người làm đường Việt Nam nhiều khi phải sáng kiến tự làm ra phương tiện giúp mình làm: “Cả ngày dầm mình ngoài gió nắng để nắn những đoạn đường cũ (…) mở những đoạn đường mới (…) tối (…) đóng xe chở đất. Tre rừng gỗ rừng (…) tự kiếm lấy (…) Những gộc tre lụi, gõ kêu như sừng bò tót, được bổ đôi ra làm tay xe (…) Những anh bộ đội ầm ầm đẩy xe cút kít, cười nói như họp chợ trong rừng sương (…) Xe cút kít (có nơi) lại còn chạy trên những đường ray bắc bằng thân tre (…) Để xô đất gọn xuống vực (…) ghép gỗ tròn cây và ván xẻ để dựng những cầu máng (…) những cái máng mái hiên”.

Ai vừa lao động cật lực vừa “cười nói trong rừng sương”? Thì vẫn chính là những người mới năm nào còn “ngậm tăm” cầm súng len lách giữa rừng sương, tiến lên vây đánh cứ điểm giặc.

Ai ban đêm vào rừng để trông thấy họ bây giờ mà viết ra những dòng ký sống động này? Thì vẫn là một trong những người đã từng cầm bút đi với họ ra tận chiến trường năm nào. Nguyễn Tuân làm công việc mình cũng với cái tinh thần đặc biệt của dân tộc Việt Nam, và không ngại gì mà không nói rõ luôn ra: “Các chị công nhân (…) các anh chiến sĩ (….) và tôi đây, tất cả chúng ta đều là những con người đầy nhiệt tình đầy thiện chí, mỗi người đều muốn đem một chút đến với cuộc sống (…) Đóng góp vào đời sống, thật là nhiều cách”. Quả thực thế. Đất nước cần đường, nhưng đất nước cũng cần những bài văn có giá trị về, chẳng hạn, làm đường.

“Ký đường” của Nguyễn không phải chứa toàn đất, đá, cây, cuốc, xẻng, xe cút kít, xe lu v.v. đâu, mà chứa cả “mấy chú bướm rừng đậu lên cái áo bốn túi hai túi bên này rào nứa rồi xập xòe vượt cọc rào mà tìm đậu lên một cái nịt vú trắng ở cái dây phơi xa hơn”. Ấy là “tôi” đang quan tâm đến đời sống tình cảm của “những con người trẻ ấy” đấy.

Dựng quê trên Quê (5)

“Đoàn xe (chở gia đình bộ đội lên định cư trên Điện Biên Phủ) nổ máy. Tôi đã chú ý từ ban nãy tới một chị (…) thu gọn mình vào một góc xe, nét mặt vòi vọi tập trung về cái phía trước chập chờn những rặng núi phủ mây. Xe nổ máy, chị lấy vạt áo chấm mắt, rồi sụt sịt (...) Tôi nhìn theo đoàn xe, lòng đau đáu hướng về cái hình ảnh nước mắt (...) Một đồng chí bám Tây Bắc từ hồi địch hậu có lần đã bàn với tôi (…) “Cụ tổ ba đời tôi người Nam Định, lên làm ăn ở Phú Thọ. Nếu căn cứ vào mồ mả tổ tiên chi họ, thì phải nói tôi quê ở Nam Định. Nếu đem hộ tịch và địa bạ ra mà so, thì tôi là người quê ở Phú Thọ, nhưng (...) Cuộc sống tình cảm của tôi chỉ bắt đầu có từ cái giai đoạn sống chết với cơ sở Tây Bắc (…) Tôi cho rằng chỗ nào mình có nhiều cảm xúc trước những thực tế mà mình có góp phần xây dựng, chỗ nào mình gắn bó với vận mệnh nơi đó (…) nhân dân (…) nơi đó thương yêu mình, thì đấy là quê hương của mình” (...) Quê hương (...) là những cái ấp (...) do bàn tay chúng ta dựng dần lên khắp nơi trên Tổ - quốc - quê - hương - vĩ - đại của mọi người Việt Nam”.

Thiết tưởng miễn là cái chỗ ở mới vẫn nằm trên lãnh thổ nước Việt Nam, thì “dọn nhà” đi đâu mà chẳng được. Vì cứ còn bên trong biên giới nước thì còn được thuộc vào cái nền văn hóa tinh thần riêng mà cha ông đã bao đời vun đắp nên.

Nguyễn chứng kiến cảnh người sắp sửa xa quê, rồi ngẫm nghĩ nhiều về quê trong Quê. Nhưng vì “tính tôi hay tỉ mẩn nhìn mây nhìn suối nhìn cây cỏ tạo vật” nên người đọc vẫn được ngửi ngắm tí chút tự nhiên (không phải Tây Bắc): “Qua ngõ này ngõ khác, thấy ngát lên mùi hoa bưởi, cái thứ hoa bưởi bay cánh bay nhị xuống cầu ao xuân sớm tháng hai (...) Chung quanh văn phòng trạm 62, những cây bưởi vẫn ra hoa trắng, cánh hoa long lanh phấn mưa bụi của mùa xuân (…) Trên đường Ba La Bông Đỏ về Hà Nội, hoa gạo nở rộ như muốn thi đua với hoa ban rừng Điện Biên cữ này cũng đang nở rộ. Năm nay, lập xuân từ trong năm, xuân về sớm, hèn chi hoa gạo đã rừng rực cả bầu trời”.

Phố núi (6)

“Nước và núi Lai Châu thật đúng là “sơn thủy hữu tình”, chỗ nào cũng đều như là cắm được giá vẽ xuống mà vẽ ngay tại trận (…) Hình như ở thung lũng trước mắt kia đã hội tụ lại tất cả màu vàng rộm của mùa thu Tây Bắc vừa qua. Nó như hai súc lụa mộc ngàn ngàn sải đem rải phơi song song hai bờ sông Nậm Lay đổ ra từ trong Mường Tùng. Mây xốp từng cụm nhỏ đang bốc dần lên. Trên thân đèo nhìn xuống lũng chóe vàng, mây trắng giống như những cánh hoa thêu nổi trên tấm lụa mộc của lúa chín (...) Bên các gốc rạ vàng đậm, sương đêm chưa khô trên những tấm nệm gấm nệm hoa màu tươi đủ các sắc của những chủ ruộng ngày đêm ăn ngủ trường kỳ ngay trên mặt ruộng...”.

Đi gần tới thì y như đang xuống một cái dốc ngoằn ngoèo trong… tranh Van Gogh, mà xuống tới tỉnh lỵ của tỉnh Lai Châu cũ thì như lạc vào Thiên Thai bởi trong sương có thấp thoáng những cái bóng “tiên”: “Sương núi sương sông vẫn phủ lên cái bến cái chợ. Trong cái man mát lạnh buổi mai huyền ảo, đi lại những cái bóng cô Thái dong dỏng áo chẹt hông, xiêm chấm gót và mép xiêm sóng lên một đường viền đủ màu sắc cầu vồng”.

Năm ấy là năm 1959.

Hăm hai năm sau, cái tỉnh lỵ trong cái thung lũng nơi hai sông một suối gặp nhau ấy vẫn còn nên được thơ: “Hoa ban nở thành người con gái Thái / Đám mây bay trong thau nước gội đầu (...) / Nơi ngủ dậy núi đã đầy trong mắt / Trong chiêm bao còn vọng tiếng nai chiều / Tiếng ngựa thồ gõ vào mây rậm rịch / Em gội đầu để suối suốt đời reo...”.(**)

Nhưng tới năm 2010 thì “Tháng 4, các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu hoàn thành công tác di chuyển toàn bộ các hộ dân ra khỏi vùng lòng hồ thủy điện Sơn La (...) Tháng 5, các đơn vị thi công tiến hành đóng kênh dẫn dòng tích nước hồ chứa (...) Tháng 10, hồ chứa đã tích nước đến cao trình 189,3m”!(***) Một phần cái phố núi đẹp như mơ đã nhập vào thủy cung rồi! Mà trước khi nhập năm năm, nó đã thay tên đổi tỉnh rồi, từ thị xã Lai Châu thuộc tỉnh Lai Châu nó đã trở thành thị xã Mường Lay thuộc tỉnh Điện Biên. Người viết ký năm xưa có “về” tìm, sẽ ngơ ngác đấy!

Người lái đò sông Đà (7)

Đi thuyền trên sông Đà qua lắm nơi không sao quên được.

Nhiều nhất là thác: “Nước sông Đà reo như đun sôi lên một trăm độ muốn hất tung đi một cái thuyền đang phải đóng vai một cái nắp ấm một ấm nước sôi khổng lồ (...) Thuyền (…) xuống thác thì chả có cái phanh nào cả (…) không lao trúng tim luồng nước thì là (…) quay ngang mà ụp (…) Thác (…) nhiều luồng nước. Có luồng nước đi lầm vào thì chết ngay, có luồng vào đúng rồi nhưng mà không trúng tim luồng thì cũng vẫn có thể là thập tử nhất sinh”.

Rồi đến những đoạn sông có cái “hút nước”: “Nước ở đây thở và kêu như cửa cống cái bị sặc (...) Không thuyền nào dám men gần (…) những cái giếng sâu nước ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào (...) Có những thuyền đã bị cái hút nó hút xuống (…) giồng ngay cây chuối ngược rồi vụt biến đi (…) mươi phút sau mới thấy tan xác ở khuỷnh sông dưới (...) (Nếu có cách gì mà quay phim) từ đáy cái hút nhìn ngược lên vách thành hút (thì sẽ thấy) một cái mặt giếng mà thành giếng xây toàn bằng nước sông xanh ve (...) khối thủy tinh xanh như sắp vỡ tan ụp vào (…) người quay phim”.

Lại có những nơi không nguy hiểm gì cả mà vẫn đầy ấn tượng: “Hùng vĩ của sông Đà (...) còn là những cảnh đá bờ sông dựng vách thành, mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt giời. Có chỗ vách đá thành chẹt lòng sông Đà như một cái yết hầu (...) Ngồi trong khoang đò qua quãng ấy, đang mùa hè mà cũng thấy lạnh, cảm thấy mình như đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện”.

Nhưng đó là sáu thập kỷ trước, thời Nguyễn Tuân “lên non xuống bể”, chứ bây giờ các công trình thủy điện đã thay đổi “thủy hình” tới mức khiến việc xuôi ngược sông Đà không còn khó khăn ghê gớm như xưa. Vừa sông đổi, vừa bị những phương tiện giao thông hiện đại cạnh tranh, “cái thuyền then đuôi én (…) dài mình (…) thắt bụng (để) lách mau qua thác” nay chỉ còn xuất hiện vào dịp lễ hội…

Lái đò trên sông Đà từng là một cuộc chiến đấu ác liệt với tự nhiên mà kể lại thì như trình bày một bản “trường thiên anh hùng ca”. “Ông đò Lai Châu bạn tôi” là một chiến sĩ cả đời tham gia cuộc chiến đấu ấy. Nhờ ông đã hát cho “tôi” nghe rõ “đến cả những cái chấm than chấm câu và những chỗ xuống dòng” và nhờ “tôi” đã ghi lại hiệu quả, mà ta bây giờ mới hình dung được ít nhiều cái cảnh sắc và cái sống ở một vùng đất nước một thời.

Người lái đò sông Đà (tiếp theo)

Đây một đoạn “ký thác” của Nguyễn:

“Còn xa lắm mới đến cái thác dưới. Nhưng đã nghe tiếng nước réo gần mãi lại, réo to mãi lên (…) Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng. Tới cái thác rồi.

Ngoặt khúc sông lượn, thấy sóng bọt đã trắng xóa cả một chân giời đá (…) Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông, hình như mỗi lần có chiếc thuyền nào nhô vào đường ngoặt là một số hòn bèn nhổm cả dậy để vồ lấy (…) Hình như sông Đà đã giao việc cho mỗi hòn. Đây là thạch trận (…)

Thuyền vụt tới (…) Nước thác reo hò làm thanh viện cho đá (…) Ông đò hai tay giữ mái chèo. Sóng như thể quân liều mạng lao vào sát nách mà đá trái mà thúc gối vào bụng và hông thuyền. Có lúc chúng đội cả thuyền lên. Nước bám lấy thuyền như đô vật túm thắt lưng ông đò đòi lật ngửa (…) Sóng thác đã đánh đến miếng đòn độc hiểm nhất, cả cái luồng nước vô sở bất chí ấy bóp chặt lấy hạ bộ người lái đò, hột sinh dục vụt muốn thọt lên cổ. Mặt sông trong tích tắc lòa sáng lên như một cửa bể đom đóm rừng ùa xuống mà châm lửa vào đầu sóng (…) Nhưng ông đò hai chân vẫn kẹp chặt lấy cuống lái (…) trên cái thuyền sáu bơi chèo, vẫn nghe rõ tiếng chỉ huy gọn ngắn tỉnh táo (…) Cưỡi lên thác sông Đà, phải cưỡi đến cùng như là cưỡi hổ (…) Dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông đá. Nắm chặt lấy được cái bờm sóng đúng luồng rồi, ông đò ghì cương lái (…) phóng nhanh vào cửa sinh (…) lái miết một đường chéo về phía cửa đá ấy (…) Còn một trùng vây thứ ba nữa. Ít cửa hơn, bên phải bên trái đều là luồng chết cả. Cái luồng sống ở chặng ba này lại ở ngay giữa bọn đá hậu vệ của con thác (…) Cứ phóng thẳng, chọc thủng cửa giữa đó (…) Vút, vút... Thuyền qua cổng đá cánh mở cánh khép (…) Thế là hết thác.

Dòng sông vặn mình vào một cái bến cát có hang lạnh. Sóng thác xèo xèo tan trong trí nhớ”.


Những cái thác dữ tợn nhất trên sông Đà đã “thác” do thủy điện, vong linh nếu đọc văn này chắc da diết nhớ trần gian!

Người lái đò sông Đà (tiếp theo và hết)

Ghềnh thác vượt lâu rồi.

“Dòng sông quãng này lững lờ như nhớ thương những hòn đá thác xa xôi để lại trên thượng nguồn Tây Bắc”.

Và chắc nhớ thương cả những “cái thuyền như một con cá quẫy mạnh đuôi trên mặt sông”, loài cá kỳ lạ ở chóp đuôi lủng lẳng một cái bu gà! Cá chở gà để giúp “người lái đò sông Đà (...) đi đường xa, qua bờ này bến khác, có tiếng gà gáy đem theo đỡ nhớ nương ruộng bản mường mình”

Đến đây là xa “thượng”, nhưng chưa phải đã gần “hạ” đâu: “Cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm. Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích”.

Người đi qua bờ xưa nỗi cũ chắc mắt đã lóe những tia tò mò chói lắm hay sao mà “con hươu thơ ngộ” trong cổ tích có lúc đã “ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương” để “chăm chăm nhìn tôi lừ lừ trôi trên một mũi đò”!

Ngồi trên bờ ngắm sông Đà, rồi ngồi trên sông Đà ngắm bờ, cứ mãi như thế, tất nhiên tình cảm nẩy nở: “Chuyến ấy ở rừng đi núi cũng đã hơi lâu, đã thấy thèm chỗ thoáng. Mải bám gót anh liên lạc, quên đi mất là mình sắp đổ ra sông Đà. Xuống một cái dốc núi, trước mắt thấy loang loáng như trẻ con nghịch chiếu gương vào mắt mình rồi bỏ chạy (…) Chao ôi, trông con sông, vui như thấy nắng ròn tan sau kỳ mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng (…) nó đằm đằm âm ấm như gặp lại cố nhân”.

Như để ủng hộ quan hệ khắng khít, sự tình cờ đã sắp xếp cho “Tôi bay tạt ngang qua sông Đà mấy lần” để chiêm ngưỡng cả từ trên cao: “Từng nét sông tãi ra trên đại dương đá lờ lờ bóng mây (...) Con sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân. Tôi đã nhìn say sưa làn mây (…) bay trên sông Đà (...) mùa xuân dòng xanh ngọc bích”.

Tây Bắc đẹp vô cùng, ngộ vô cùng, nhưng Nguyễn không phải du khách từ đâu xa đến mà nhìn chỉ thấy có cảnh. Năm 1960, “công việc trị thủy sông Đà mới còn là ở bước nghiên cứu” nhưng “lòng tôi đã thấy rưng rưng một niềm tin yêu đối với tương lai Tây Bắc”.

Yêu sông đậm đà, yêu Nước nồng nàn, cái đi của một người nó mới đáng sao!



Thu Tứ
Viết năm 2013
Sửa tháng 9-2023















___________
(1) Trích “Đường lên tây Tây Bắc” hình như viết năm 1958. Tiểu đề tạm đặt.
(2) Trọn bài “Giăng liềm” viết ngày 4-10-1958, ghi là “phác thảo thơ”.
(3) Trích “Tây Trang” viết cuối năm 1958.
(4) Trích “Đi mở đường” viết trong mùa xuân năm 1959.
(5) Trích “Dọn nhà lên Điện Biên” không thấy ghi năm viết. Tiểu đề tạm đặt.
(6) Trích “Phố núi” viết năm 1959.
(7) Trích “Người lái đò sông Đà” viết năm 1960.
(*)
“Muối thời chiếm đóng là vàng trắng. Giặc Pháp đã đem cái vàng trắng ấy ra mà dụ dỗ bọn tham bọn xấu. Cũng đã có những đứa ham mấy bơ muối mà cắt đầu anh cán bộ đem nộp cho Tây” (trong cùng bài viết).
(**) Trần Mạnh Hảo, bài “Gửi Lai Châu”.
(***) Theo trang
vi.wikipedia.org.